GPVO (17/1/2023) – Không biết Tết có từ bao giờ nhưng khi tôi bắt đầu sinh ra thì đã có Tết rồi. Tết chắp cánh những giấc mơ tuổi thơ của tôi. Ngày thơ bé, tôi cứ ước ao đến Tết. Năm nay, đã được hơn nửa tuổi thanh xuân, tôi vẫn cứ mong chờ Tết. Lục lọi lại “kho ký ức”, từ khi có tuổi khôn đến nay, từng cái Tết trôi qua đều không quên để lại trong tôi những cung bậc cảm xúc, bao hình ảnh đẹp và không ít thông điệp ý nghĩa. Mà hay thật…cứ mỗi lần nghĩ về Tết thì tôi chẳng cần “mất sức” để hồi tưởng lại. Tất cả cứ tự nhiên ùa về trong tâm trí, như một thác nước không còn bờ để mà vỡ nữa. Tết trong tôi luôn mênh mông mênh mông và miên man miên man!
Nhà tôi có chín chị em, tôi là trung tâm điểm giữa chín đứa. Tuy điều kiện chật vật nhưng chẳng bao giờ vơi cạn niềm vui và kỷ niệm, đặc biệt là kỷ niệm về Tết. Cái Tết xa xưa nhất còn đọng lại trong tâm trí tôi là những ngày mấy anh chị cả còn học phổ thông ở thị trấn gần nhà, còn ba đứa út thì chưa có mặt để điểm danh. Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày mồng một Tết, chị cả một tay nách tôi, một tay dắt mấy đứa em nhỏ đi qua “họp mặt” đại gia đình bên nội. Nhớ lắm… Ngày hôm ấy, tôi được ăn một bữa “thịt mỡ” no nê. Nghĩ hay thật, con nhà người ta thì bón thịt chả cho cũng không thèm nhìn, còn mình thì…cả năm ăn được một bát lưng chừng mỡ lợn, mà đã thấy “đời không còn gì bằng”. Từ đó, ai cũng biết tôi mê thịt mỡ. Đi đâu, thấy miếng thịt ba chỉ, người ta liền chặt ngay cho mình “cái chỉ nào có mỡ hảo hạng, đậm đặc nhất”. Có lẽ, đó là lý do vì sao mà tuổi thơ của tôi “chiều rộng” phát triển hơn “chiều cao” và bây giờ tôi thấy mỡ là khiếp. Những ngày ấy, tuy còn bé lắm, nhưng vẫn phảng phất trong tôi cái cảnh mấy đứa nheo nhóc nạnh hẹ nhau công việc. Có những bữa ăn cơm xong, đến giờ rửa bát, đứa này nạnh đứa kia không chịu rửa, làm ầm cả góc giếng, tới lúc mẹ bực bội “có rửa cái đọi mà cũng nạnh nhau chí chóe, không rửa để đó, bựa sau đùm lá chuối ăn đỡ phải rửa…”. Sau bữa đó là mấy anh chị cả phải chia thành phiên. Rồi cũng có bữa đến phiên của chị cả, anh hai làm bài chẳng ra, chạy lại thỏ thẻ vài tai chị: “Chị, làm bài tập cho em, em rửa bát phiên chị cho”. Tiếc gì mà không đồng ý, chị cả liền nhận lời anh hai ngay. Nghĩ cũng vui thật.
Lớn lên chút, mấy anh chị lớn lần lượt Nam tiến vào Sài Thành với chí học hành. Được mấy đứa đầu khôn và biết việc tý thì đi hết rồi. Thế là ở nhà còn mấy “hột mít” bằng nhau nhưng thương nhau lắm. Có bữa, đến Tết, đứa anh nạnh với đứa em vì nó không có đồ áo mới. Thấy thế, mẹ mới bảo: “Để mẹ đưa em ra chợ bán mua đồ mới, có chịu không?”. Vừa nói thế, thằng anh đang nằng nặc đòi áo quần Tết, bỗng khóc ré lên, chạy lại ôm chầm lấy thằng em, chẳng chịu cho mẹ bán. Thế là từ đó về sau, chẳng còn đứa nào phân bì nhau đồ mới, đồ cũ. Lúc ấy, cứ độ hai tháng trước tết, anh chị thường biên thư về nhà báo với gia đình “Tết này con sẽ về”. Tôi hóng lắm. Cứ chờ cho đến mấy ngày giáp Tết để đón anh chị. Nhớ anh chị, gặp thì vui hết cỡ rồi. Ấy thế, nhưng có một niềm vui đi kèm không thua không kém đó là mấy nhóc ở nhà háo hức với mấy bộ đồ bành của con nhà thành phố và mấy thứ bánh kẹo xịn xò chẳng bao giờ được thưởng nếm trong đời.
Đi sâu tiếp vào kho kỷ niệm, tôi còn bắt gặp những hình ảnh làm tôi nhớ kinh khủng. Còn nhớ, cứ gần Tết, chị em chúng tôi và mấy nhóc hàng xóm thi nhau dọn sạch những con đường làng bốc lên mùi sỏi đá. Đứa nào cũng làm bộ chăm lắm, để ai đi qua xóm này cũng phải tặc lưỡi, tấm tắc để lại mấy câu “Chà, đường nhà ai mà sạch thế? Con nhà ai mà siêng năng quá..!”. Thế đấy! Cứ ngày Tết là quê tôi có vẻ bắt đầu dư dả hơn. Mấy mẹ mấy chị thường ra vườn ngắt lá dong, chặt lá chuối, mua giang chẻ lạt; còn mấy chú mấy bác khiêng lợn ra giữa làng làm thịt, cả xóm chia nhau một hai con lợn ăn Tết. Đúng ngày 30 Tết, ba tôi gói bánh, mẹ chuẩn bị nguyên liệu, chúng tôi cắt lá và lăng xăng chạy đi chạy lại. Riêng tôi thì cứ ngồi năn nỉ ba gói cho tôi một chiếc bánh nhỏ xinh xinh để làm của riêng mình. Nhớ lắm mùi khói hăng hắc tỏa ra từ bếp lửa, bay mù mịt giữa đất trời, làm cay cả mắt mũi khi chúc đầu xuống đất thổi lửa. Chúng tôi cứ xúm xít bên nồi bánh cho đến giờ đi lễ Giao Thừa. Thường thì mẹ tôi ở nhà làm tranh thủ làm hết những việc cuối cùng của năm, còn cả nhà đi lễ. Làm mẹ là thế đó, cái gì mẹ cũng gánh, đến nỗi mỗi cái Tết qua đi, đôi vai mẹ mòn thêm chút ít và bàn tay cũng bị bụi thời gian làm chai sần đi!
Tôi thích nhất là cảnh tượng cả gia đình giáo xứ quây quần Chầu Thánh Thể và tham dự thánh lễ cuối năm. Đó là thứ cảm giác ấm áp và linh thiêng. Đây cũng là những mảnh ký ức còn nguyên vẹn trong tôi. Từ cái nôi giáo xứ với những sinh hoạt đạo đức như thế này, đức tin của chị em chúng tôi được hun đúc. Sau này, dù phải tự mình bay đến phương trời nào và dù phải trải qua bao cơn giông bão trong cuộc đời, đức tin là món quà rất quý giá và chính là sự đồng hành của ba mẹ, của quê hương cùng chúng tôi vào đời. Lại quay về những cái tết ấu thơ, cứ lễ xong, chúng tôi lon ton chạy về nhà, háo hức xem bánh Tét đã chín chưa, rồi hóng người ta đốt pháo hoa và chờ được ăn thử những khoanh bánh nóng hổi đầu tiên. Hương nếp quyện cùng khói bếp, phả vào trong gió xuân tạo nên cảm giác lâng lâng khó tả…Đúng 12 giờ đêm, tiếng chuông nhà thờ ngân nga, vọng lại giữa thinh không. Tiếng pháo hoa đì đùng từ phía thị trấn. Một góc trời sáng rực khiến lòng người cũng bừng cháy niềm hy vọng. Khoảnh khắc giao mùa đã đến. Đất trời khoác trên mình cả không gian và thời gian của năm cũ lẫn năm mới. Cái mới – cái cũ, một sự đan xen, hòa quyện và nhường chỗ cho nhau trong khoảng lặng linh thánh!
Bao nhiêu năm trôi qua, nồi bánh chưng vẫn đầy ắp những chiếc bánh, củi lửa vẫn đỏ hồng, vẫn sẵn sàng chờ chúng tôi tới hít hà hơi ấm nóng ngày se lạnh cuối đông. Chỉ có điều, chúng tôi đều đã lớn, mỗi đứa mỗi phương nên thật khó để cùng nhau quây quần bên nồi bánh như ngày còn thơ bé. Cứ vài ba năm mới thực sự có một cái Tết đoàn viên của chín chị em bên ba mẹ bởi cả chín đứa đều lần lượt lên thành phố vào đại học. Chín đứa nheo nhóc ngày nào, sau khi đã được cuộc sống tôi luyện, sau khi đã chắp cánh những lý tưởng và bao ước mơ, giờ đây, mỗi đứa đã khoác vào mình một diện mạo mới. Chín con chim bay ra từ một cái tổ, bay đến chín phương trời, từ Tây đến Tàu, dù đã là Linh mục, chủng sinh, nữ tu hay là những người đã có tổ ấm riêng, ấy thế nhưng, đứa nào cũng nhớ là ở đâu đó, chim bố chim mẹ luôn dang rộng đôi cánh đón chờ chín chim con sà vào lòng mình.
Riêng tôi, bé con ngày nào, nay đã trở thành một Masơ. Tôi đã không chọn cho mình một tổ ấm riêng nào cả nhưng tôi ước mơ được làm cánh chim đưa đường nâng đỡ những cánh chim nhỏ bé khác. Tôi bay giữa bầu trời với một trái tim đã được thánh hiến, ước nguyện trở thành một dấu chỉ để cho người khác nhận ra tổ ấm vĩnh cửu trên trời. Dẫu lý tưởng đời tu vẫn luôn đầy ắp trong tôi, tôi vẫn giữ lại một góc trong tim mình cho ba mẹ và tám chú chim kia. Đó là mầu nhiệm cuộc đời tôi. Thiên Chúa vẫn cho những điều thánh thiêng hòa quyện với những cái rất ư trần thế. Tôi vẫn nôn nao hóng Tết, vẫn âm thầm rơi lệ năm nào mà mình không được về Tết, vẫn xao xuyến khi nghe những bài hát Tết và vẫn thích nghêu ngao hát bài: “Tết này con sẽ về, dù ở đâu con cũng sẽ về…”.
Những ngày cuối năm…Tôi đứng trên sân thượng nhà Dòng, chìm giữa đất trời, để cảm nhận khúc giao mùa linh thiêng. Tôi nhắm mắt cảm nhận từ trong tiềm thức bao la, mơ hồ như có những tiếng thân thương của “những ai đó” vọng lại, gửi gắm lòng tin, khích lệ, động viên cho hành trình đời dâng hiến mà tôi đã và đang tiến bước… Trên con đường chẳng mấy ai đi này, có những sự từ bỏ mà tôi phải nén lòng để vượt qua, nhưng một khi đã sẵn sàng cho đi những giá trị cao quý đối với mình, tôi chắc chắn bản thân sẽ tìm thấy niềm vui thánh thiêng sâu xa, sâu hơn cả những mảnh ký ức của phận người. Sống trên đời này, chúng ta chỉ nên hoài niệm quá khứ với niềm tri ân chứ chẳng nên hoài niệm để luyến tếc mà bỏ qua những món quà của hiện tại. Cái vé cuộc hành trình đi về những cái tết tuổi thơ chở đầy ắp những mảnh kỷ niệm, khiến hiện tại tràn ngập cảm xúc; ấy thế nhưng cái Tết hôm nay mới là vô giá! Hương Tết xưa vẫn còn phảng phất nhưng hương Tết nay mới thật là đậm đà!
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh