Giáo xứ Tân Thanh: Thánh lễ trong tuần chầu đền tạ

GPVO (4/2/2023) – Sáng thứ Bảy, ngày 4/2/2023, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã đã cử hành thánh lễ trong tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể tại giáo xứ Tân Thanh. Đồng tế với ngài có quý cha quản hạt, quý cha trong và ngoài giáo hạt Vàng Mai cùng đông đảo cộng đoàn.

Chầu lượt là truyền thống đạo đức tốt đẹp được ăn sâu trong đời sống đạo của bà con giáo dân từ xưa đến nay. Mỗi giáo xứ trong Giáo phận thay phiên nhau Chầu Thánh Thể cách trọng thể. Có thể nói đây là dịp hồng phúc của giáo xứ và cũng là thời gian để mọi con cái làm mới lại đời sống đức tin bằng cách xưng tội, tham dự các nghi thức phụng vụ, đặc biệt là thánh lễ và các giờ chầu. Cao điểm của tuần đền tạ là thánh lễ sáng Chúa nhật. Thật hạnh phúc khi mọi con cái trong giáo xứ được quây quần bên Thánh Thể Chúa, được kín múc mọi ơn lành của bí tích Thánh Thể mang lại.

Giảng trong thánh lễ tại Tân Thanh, Đức cha đã quảng diễn về ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa thực sự ban ân sủng cho ta và ta không thể sống phong phú dồi dào nếu không có ân sủng Chúa. Kinh Thánh đã chứng minh điều này. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn ban ơn cho dân của Người mỗi khi họ kêu cầu. Người cho họ sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Còn trong Tân Ước, Chúa Giêsu chính là ân sủng lớn lao Thiên Chúa tặng ban cho loài người. Đi đến đâu, Chúa cũng thi ân giáng phúc cho con người: Kẻ què được đi, người phong cùi được sạch, người điếc được nghe, người mù được sáng mắt và người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng. Mọi tội lỗi đều được thứ tha. Như thế, Thiên Chúa nhân lành luôn sẵn sàng ban ơn cho mỗi người.

Vì ân sủng mang cấu trúc hiệp thông ân tình với Thiên Chúa, trong bản chất đích thực của Người là Tình Yêu vô điều kiện nên ân sủng được trao ban cho mỗi người như là tặng phẩm hoàn toàn tự do và nhưng không (gratia Dei gratuita). Chiều kích nhưng không của ân sủng là khởi đầu sự tuyển chọn phát xuất từ lòng độ lượng của Thiên Chúa (Rm 11,5), đi trước mọi ưng thuận của con người (Rm 1,5), vì “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” khi chúng ta vào đời (1 Ga 4,19). Tình yêu đó dẫn đưa chúng ta vào nguồn mạch phong phú của ơn cứu độ (Gal 1,6), thánh hiến chúng ta trong sự thật, để sự thật giải phóng chúng ta, đưa chúng ta đến với tự do làm con cái Thiên Chúa. Như thế, ân sủng là ân huệ nhưng không chứ không phải là ân thưởng mà con người được thừa hưởng do công đức riêng của mình (Rm 4:4). Thiếu tự do thì ân sủng không còn là ân sủng (Rm 11,6), đức tin mất hết ý nghĩa, tình yêu biến thành chiếm hữu lợi lộc và hy vọng vào cứu cánh mai hậu chỉ là viễn ảnh hão huyền.

Thật vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em mà là một ân huệ của Thiên Chúa (Eph 2,8). Từ chính cảm nghiệm sống của mình, chúng ta có thể ý thức được tự do để mở cửa lòng ra với ân sủng, hoặc chối từ ân sủng, chứ không thể đòi hỏi, khống chế, mua bán, mặc cả hay đổi chác ân sủng theo não trạng của nền kinh tế thị trường. Hiện hữu trong ân sủng không phải là hiện hữu “lập công” hay “phô diễn” thành tích nhưng là hiện hữu “làm con” với tất cả yêu thương và ý thức tương thuộc: “những gì của Cha đều là của con” và “những gì của con đều phát xuất từ Cha” (Ga 17,10).

Ân sủng vì thế không phải chỉ là “ân ban” như một tặng vật, một đặc sủng, một nhân đức thiên phú hay một phẩm chất tốt lành nơi con người nhưng ân sủng tiên vàn là chính Thiên Chúa trong tình yêu tự hiến của Người mạc khải cho chúng ta. Qua ân sủng, chúng ta có thể nhận biết và gặp gỡ được Đấng Ban Ơn và khi đã nhận biết và gặp gỡ được Người, chúng ta sẽ nhận lãnh tất cả những gì phát xuất từ nguồn ơn vô giới hạn của Người (Mt 6,33). Như thế, “tất cả là hồng ân”, tất cả “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”, nhờ đó mà tinh thần con người mới có thể được cất lên khỏi “không gian” và “thời gian” trong thế giới hiện tượng để bước vào trật tự siêu nhiên, vào sự sống vĩnh hằng.

Giáo xứ Tân Thanh là một vùng đất tương đối cổ. Từ thời nhà Lê, vào thế kỷ thứ XV, giữa vùng sông nước ngập mặn có một gò đất tương đối cao, người ta đến đây lập nghiệp bằng nghề làm muối. Từ đó, vùng đất này đã có tên gọi là “Cồn Sấy”. Ngày 5/5/2021, Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long đã ký quyết định thành lập giáo xứ Tân Thanh trên cơ sở giáo họ Thanh Tân, được tách từ giáo xứ Thanh Dạ, giáo hạt Vàng Mai. Cho đến hôm nay, giáo xứ Tân Thanh có hơn 1.600 nhân danh, hơn 300 hộ gia đình.

Tâm Quảng