Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thông báo về Học bổng du học Đức quốc KAAD



ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

trực thuộc
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
—————————————————————————————
72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
Email: uybangiaoduc@gmail.com. Đt: 093 890 5015 – 096 725 7483.

THÔNG BÁO
VỀ HỌC BỔNG DU HỌC ĐỨC QUỐC KAAD
(Katholischer Akademischer Auslaender-Dienst)

I. Học Bổng KAAD

a. Mục đích học bổng KAAD

Hỗ trợ các nước đang phát triển đào tạo những trí thức trẻ có khả năng chuyên môn cao, đức độ và tinh thần phục vụ cộng đồng dân tộc của họ.

Chương trình học bổng KAAD (CTHB. KAAD) hỗ trợ trí thức trẻ để phục vụ đất nước, đặc biệt các đại học, nhằm nâng cao thêm nền giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần. Vì vậy học bổng viên phải trở về quê hương phục vụ sau khi kết thúc học bổng KAAD.

b. Các loại hình học bổng

1. Học bổng cao học hoặc tiến sĩ: dành cho sinh viên đã có cử nhân hoặc thạc sĩ. Thời gian học bổng: một năm đến tối đa ba năm.

2. Học bổng nghiên cứu: dành cho tu nghiệp, nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc). Thời gian học bổng: ba tháng đến tối đa một năm.

c. Nội dung học bổng

1. Phí di chuyển Việt Nam – Đức – Việt Nam

2. Chi phí sống học tập tại Đức

3. Học phí tiếng Đức (tối đa 6 tháng, tại Đức. Có thể không có khoản này cho những ngành học bằng tiếng Anh).

d. Tiêu chuẩn để được xét cấp học bổng

1. Trí thức trẻ trong các ngành học, chuyên môn khác nhau, ngoại trừ thần học.

2. Khả năng chuyên môn: đã tốt nghiệp đại học, điểm trung bình từ khá giỏi trở lên.

3. Có phẩm chất đạo đức, tinh thần chia sẻ, dấn thân phục vụ. Cụ thể là có dấn thân cho các hoạt động xã hội/ tôn giáo một cách vô vị lợi.

4. Có khả năng chịu được những gánh nặng thể lý và tâm lý phát sinh khi học tập ở nước ngoài

5. Điều kiện nghề nghiệp:

– ưu tiên cho ứng viên đang làm việc trong đại học, viện nghiên cứu có liên quan đến đào tạo con người, bệnh viện.

– ứng viên đang làm trong các công ty phải chứng tỏ được ý muốn dấn thân phát triển cộng đồng qua chuyên môn của mình.

6. Trình độ ngoại ngữ:

– tiếng Đức: tối thiểu là Chứng chỉ B [chỉ bắt buộc đối với ứng viên được chọn: trước khi nhận giấy xác nhận học bổng để làm visa, ứng viên phải nộp bằng tiếng Đức. Ngoài ra việc đòi hỏi tiếng Đức cũng tùy theo đại học/ ngành học. Đại học đó sẽ cho ứng viên biết về yêu cầu này.]

– tiếng Anh: tùy chuyên ngành và đại học mà ứng viên có thể phải có Chứng chỉ TOEFL tương xứng.

e. Hồ sơ cần làm

1. Bản sao (có công chứng) bảng điểm, bằng cấp (tú tài, đại học, cao học… và ngoại ngữ nếu có) [các văn bằng tiếng Việt phải kèm bản dịch sang Đ/A/P (1) có công chứng]

2. CV (lý lịch) chi tiết kèm ảnh [Đ/A/P]

3. Hai thư nhận xét (chuyên môn) của hai giáo sư/ giảng viên trong hướng chuyên ngành ứng viên chọn, đã hướng dẫn, cộng tác nghiên cứu với hoặc biết rõ hoạt động chuyên môn của ứng viên; trong thư xin nhận định về khả năng chuyên môn và về dự án học tập/nghiên cứu của ứng viên [Đ/A/P]

4. Thư giới thiệu của linh mục/tu sĩ về phẩm chất đạo đức, những dấn thân hoạt động xã hội/tôn giáo của ứng viên [tiếng Việt và Đ/A/P]

5. Kế hoạch học tập/nghiên cứu của ứng viên ở Đức [Đ/A/P].

6. Thư giới thiệu và đồng ý cho đi học của cơ quan chủ quản [Đ/A/P. Ưu tiên cho ứng viên có giấy này, nhất là ứng viên của đại học]

7. Thư của ứng viên về động lực học tập/nghiên cứu, hoạt động cộng đồng. Trong thư ứng viên cũng cần cho biết lý do tại sao chọn học/nghiên cứu ở Đức, tại sao chọn học bổng KAAD, và kế hoạch tương lai của ứng viên [tiếng Việt và Đ/A/P]

8. Giấy của cơ quan ứng viên đang công tác đồng ý/ủng hộ ứng viên đi học.

9. Giấy đồng ý tiếp nhận của một đại học Đức hay của một giáo sư thuộc đại học đó. Ứng viên phải tự tìm và liên hệ với trường/giáo sư hướng dẫn (Bạn có thể tìm thông tin trên các website ví dụ như trang http://www.studying-in-germany.org/list-of-universities-in-germany/ hay http://www.thecompleteuniversityguide.co.uk/international/europe/germany/ … và liên hệ trực tiếp).

10. Mẫu đơn học bổng KAAD. Mẫu đơn này sẽ được gửi cho ứng viên sau khi ứng viên đã cung cấp những thông tin cần thiết.

f. Ghi chú

1. Có thể trao đổi với đại diện CTHB. KAAD qua email: Cô Anh Chi (anhchi.geo@gmail.com) hoặc Thầy Quốc Dũng  (fxdungnguyen@gmail.com)

2. Thời gian nộp hồ sơ tại TP HCM:

 – từ  01.12 đến 30.12 hàng năm.

 – từ  01.06 đến 30.06 hàng năm.

* Nên nộp hồ sơ sớm để có đủ thời gian sửa chữa, bổ sung khi cần

* Ngoài thời gian nộp hồ sơ như  trên, quí vị quan tâm đừng ngại liên lạc với CTHB. KAAD để hỏi thêm thông tin chi tiết hoặc lấy mẫu đơn học bổng, nếu cần.

3. Địa chỉ liên lạc, phát đơn và nhận hồ sơ:

+ HỌC VIỆN CÔNG GIÁO VIỆT NAM – Chương Trình Học Bổng KAAD
Địa chỉ: 6 bis Tôn Đức Thắng (Phòng 202A), phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Phone: 093 890 5015 – 096 725 7483.
Email: uybangiaoduc@gmail.com
Thời gian: Thứ Hai – thứ Sáu hằng tuần (08g00 – 16g00)

+ Ban Giáo Dục Công Giáo Giáo phận: Các ứng sinh ở ngoài Tp. Hồ Chí Minh có thể liên lạc với Ban Giáo Dục Công Giáo tại Giáo phận để xin hướng dẫn và giúp đỡ.

4. Ứng viên cần chuẩn bị cho một buổi trao đổi với đại diện CTHB.KAAD ở Tp. Hồ Chí Minh.

II. Về KAAD

KAAD là một tổ chức trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Đức, được sáng lập năm 1958. KAAD cấp học bổng cho các trí thức tài giỏi, đức độ và có tinh thần dấn thân, Công giáo cũng như không Công giáo, tại các nước đang phát triển.

Là tổ chức bất vụ lợi được chính phủ Đức công nhận, hiện nay KAAD đứng hàng thứ tư trong tất cả các tổ chức cấp học bổng chính thức ở Đức, nếu xét đến con số học bổng viên hàng năm. Ngoài Đức, KAAD cũng được các bộ Giáo dục của các nước có học bổng viên KAAD công nhận và hợp tác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài việc cấp học bổng, KAAD còn có những hoạt động trao đổi nghiên cứu khoa học, văn hóa thông qua các seminar được tổ chức tại các nước có học bổng viên KAAD.

III. Đôi nét về tiến trình hợp tác giữa  KAAD và Việt Nam

Năm 1993, KAAD và Vụ Hợp Tác Quốc Tế của Bộ Giáo Dục Đào Tạo VN bắt đầu có mối quan hệ hợp tác. Chương trình học bổng KAAD ở VN đã được bắt đầu ở Hà Nội, Huế, Đà Lạt. Năm 1995 học bổng KAAD được thực hiện ở Sài Gòn.

Bên cạnh chương trình học bổng, KAAD cũng tổ chức những seminar nhằm trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và văn hóa với nhiều đại học ở các nước đang phát triển, trong đó có một số đại học Việt Nam.

Seminar đầu tiên đã được tổ chức tại Đại học Huế vào 9.1999, trong đó có sự tham dự của đại diện Vụ Quan Hệ Hợp Tác Quốc Tế của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Ban Giám hiệu Đại học Huế.   

IV. Các website có liên hệ với chương trình học bổng

1. Website của KAAD: http://www.kaad.de
2. Website của Ủy Ban Giáo dục Công Giáo: http://giaoducconggiaohdgm.org/
3. Website của Học Viện Công Giáo Việt Nam: http://hocvienconggiao.org/

TM. Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
Thư ký
(Đã ký)
Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng scj

 


[1] Đ/A/P nghĩa là tiếng Đức, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp