Vatican News Tiếng Việt (5/2/2022) – Dự án kéo dài 20 năm được hướng dẫn bởi nhà khảo cổ Győző Vörös đã xác định và tái dựng lại nơi từng giam giữ cũng như nơi tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là dinh thự cổ thành của Vua Hêrôđê Antipas, nằm trên đồi Macheron ở phía đông Biển Chết của Jordan ngày nay.
Đối với giáo sư Vörös, việc phát hiện ra địa điểm Macheron, một chứng tích được gói gọn trong một thời đại lịch sử mà cho đến nay các dấu vết khác đã bị mất thật là kỳ tích không thể tin được. Macheron là món quà Thiên Chúa ban cho thế kỷ 21.
Trên thực tế, vị trí của cung điện đã biến mất sau cuộc tàn phá của đế quốc Roma vào cuối cuộc nổi dậy lần thứ nhất của người Do Thái vào năm 71/72 sau Công nguyên. Năm 1968, Học giả người Đức August Strobel phát hiện ra tàn tích của một bức tường do quân Roma dựng lên và từ đó đưa ra giả thuyết rằng thành phố cổ của Vua Hê-rô-đê tương ứng với những gì được tìm thấy.
Từ đó các nghiên cứu quan trọng đã được bắt đầu. Các nghiên cứu của các nhà khảo cổ dòng Phanxicô là Virginio Canio Corbo và Michele Piccirillo đã không công bố bất cứ điều gì. Theo mong muốn được thể hiện trong chuyến tông du đến Jordan của Đức Biển Đức XVI, vào năm 2009, Bộ Cổ vật Hoàng gia Amman đã ủy thác cho Győző Vörös nghiên cứu hai mươi năm về địa điểm khảo cổ. Dự án được thực hiện với sự hợp tác khoa học chặt chẽ với Học viện Kinh Thánh dòng Phanxicô, Trường Kinh Thánh và Khảo cổ của dòng Đaminh ở Giêrusalem, và Viện Khảo cổ học Cobb của Đại học Mississippi.
Hơn một trăm ngàn yếu tố kiến trúc được lắp ráp lại như trong một bức tranh khảm cho phép nhà khảo cổ khôi phục lại cho nhân loại bản tái tạo đồ họa của một địa điểm giàu ý nghĩa và hấp dẫn đối với lịch sử và đức tin.
Nhà khảo cổ Vörös cho biết họ đã có thể tái tạo lại về mặt kiến trúc bên trong cung điện của Vua Hêrôđê, như được mô tả trong Phúc âm. Ông nói: “Ngày nay, chúng ta có thể cung cấp cho các thế hệ mới một hình ảnh trung thực về những gì các văn bản thánh nói với chúng ta: không phải là một minh họa Kinh Thánh, dựa trên trí tưởng tượng hay sự phóng tác, mà là một tài liệu lịch sử. Đây là trọng tâm và ý nghĩa của sứ mạng của ngành khảo cổ học.”
Sự kiện tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả được các thánh sử Máccô và Mátthêu thuật lại. Nó là một sự kiện lịch sử đã được xác nhận vào thế kỷ thứ nhất trong tác phẩm Antiquitates Judaicae của nhà sử học Do Thái Josephus và 250 năm sau, trong cuốn Lịch sử Giáo hội của sử gia Eusebius Caesarea.
Hồng Thủy