GPVO (9/2/2023) – Nếu cơ thể con người muốn khỏe mạnh thì cần có sự chăm lo rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Cũng vậy, trong đời sống tâm linh, muốn nâng cao chiều kích thiêng liêng thì cần phải có những cuộc ‘thao luyện’. Chính vì thế, trong hai ngày 7-8/2/2023, quý cha khóa XII, khóa XIII và quý thầy phó tế khóa XIV đã tham dự kỳ thường huấn được tổ chức tại Trung tâm mục vụ Giáo phận. Chủ đề kỳ thường huấn lần này (quý 2 năm thứ hai) là: “Linh mục – người phục vụ”.
Quý vị thuyết giảng lần này là cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu và bác sĩ Nguyễn Lan Hải. Ngoài ra, quý cha còn nhận được sự đồng hành của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, cha Phaolô Nguyễn Thiện Tạo, Phó Giám đốc Tiền Chủng viện Xã Đoài, linh mục đặc trách.
Mở đầu chương trình, với chủ đề: “Những cạm bẫy thử thách đức khiết tịnh của đời tu”, bác sĩ Lan Hải đã gợi ra những phương diện làm ảnh hưởng đến đức khiết tịnh trong đời sống thánh hiến: thể lý và tâm lý, tinh thần và tình cảm. Ngoài ra, bác sĩ Lan Hải cũng đưa ra những phương cách để xây dựng nội tâm vững chắc, một tinh thần khỏe mạnh trong một thân thể khỏe mạnh. Sự rèn luyện đều đặn là thực hành quan trọng để rèn ý chí giúp giải tỏa những đòi hỏi về thể xác, giữ quân bình tâm sinh lý. Rèn luyện thân thể cũng chính là một nhân đức.
Trong giờ huấn đức vào buổi tối, Đức cha Anphong đã gặp gỡ và chia sẻ với quý cha, quý thầy về các mẫu gương cũng như nhân đức phục vụ của người môn đệ Chúa. Chúa đến cho mọi người nhưng Ngài cũng tha thiết sống cho từng con người, nhất là những người hèn mọn và tội lỗi. Trong tinh thần trách nhiệm, mỗi người cần xét theo ý Chúa chứ không phải ý con người. Vì thế phục vụ trước tiên là phục vụ chính Chúa, Đấng đảm nhiệm mọi ý nghĩa và giá trị của công việc mình làm để đưa nó vào chương trình cứu độ của Ngài.
Lời mời gọi của Thiên Chúa đến với từng người đang sống, tất cả mỗi người được mời gọi, hãy sống khiêm nhường trong phục vụ, những việc dù nhỏ trong phục vụ vẫn không kém phần quan trọng, có khi còn có giá trị gấp trăm ngàn lần với người lãnh đạo, vì lãnh đạo được mọi người tung hô còn phục vụ tự trong tâm hồn, phục vụ trong khiêm nhường còn có giá trị vô vàn trước mặt Thiên Chúa.
Hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô chính là hình ảnh khiêm nhường phục vụ mà Thiên Chúa đã đem đến cho Giáo hội giữa muôn ngàn cạm bẫy và cám dỗ của thời đại. Ngài chính là nhân chứng cho lòng nhân hậu vô bờ và tinh thần phục vụ trong Chúa đến với tha nhân.
Vào buổi sáng thứ hai, quý cha được đào sâu hơn về trách nhiệm cũng như những đức tính căn bản của người mục tử trong tinh thần phục vụ qua bài chia sẻ của cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu. Phục vụ là sử dụng khả năng, sức lực, tài khéo của mình để làm những công việc vì lợi ích chung hay giúp đỡ người khác thông qua những việc thiết thực giúp đời sống thăng tiến mọi mặt. Phục vụ là giúp đỡ, là làm đầy tớ, là bạn đồng hành chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của họ.
Có thể thấy rằng, trong gia đình, ông bà – cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Ngoài xã hội, mỗi người là một thành phần đóng góp công sức phục vụ xã hội. Trong Hội Thánh, trong cộng đoàn lớn nhỏ, mỗi người là một chi thể sống và làm việc vì lợi ích cho tập thể.
Như vậy, ai cũng là một người phục vụ nhưng để trở thành người phục vụ tốt, gương mẫu, xứng đáng thì mỗi người cần hội đủ một số đức tính căn bản. Cha giảng phòng đã chia sẻ và đưa ra một số đức tính căn bản để quý cha, quý thầy cùng suy gẫm trong hành trình mục vụ của mình: khiêm tốn, quảng đại, tế nhị, tận tâm và hy sinh quên mình.
Khép lại kỳ thường huấn là thánh lễ tạ ơn diễn ra vào lúc 10h tại nhà nguyện Trung tâm Mục vụ Giáo phận. Chia sẻ với quý cha trong thánh lễ, Đức cha Anphong mời gọi quý cha, quý thầy cùng suy niệm về tấm lòng của người mục tử. Con tim của các mục tử là con tim bị xuyên thấu bởi tình yêu Thiên Chúa. Chính vì thế, các mục tử không còn đăm đăm vào bản thân mình nữa nhưng hướng về Thiên Chúa và đoàn chiên của mình. Đó không phải là một “con tim bị dao động” hay bị cuốn hút bởi những ý tưởng nhất thời hoặc bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen. Trái lại, đó là một con tim được bám rễ sâu vào Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần đốt nóng để luôn sẵn sàng rộng mở giúp đỡ tha nhân.
Chúa Giê-su củng cố niềm tin và khơi lên nhiệt huyết dấn thân cho các môn đệ là những con chiên trong ràn chiên của Ngài qua lời khẳng định: “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” và cũng không ai cướp được họ “khỏi tay Chúa Cha” bởi vì Ngài và Chúa Cha là một (Ga 10,30). Quả thật, với tấm lòng của người mục tử tốt lành, Chúa Giêsu đã tinh tế căn dặn họ từ trước. Nhờ đó, dù phải trải qua thời khắc khủng hoảng khi Thầy chịu tử nạn, các môn đệ như đàn chiên tan tác, người chối Thầy, người bỏ trốn nhưng các ông không mất niềm tin. Sau khi Chúa phục sinh, Ngài hiện đến gặp gỡ các ông, quy tụ họ lại để “những người Chúa Cha trao cho, Ngài không để mất người nào” (Ga 18,9).
Giáo hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn. Trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ nếu Giáo hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài. Hy vọng rằng, qua khoảng thời gian tĩnh lặng tâm hồn, mỗi mục tử biết nghe Lời Chúa, noi gương phục vụ của Chúa Giêsu, mỗi người hãy năng cầu nguyện để gặp gỡ Ngài, học cùng Ngài để Ngài thánh hóa tâm hồn mỗi người hầu công việc phục vụ của chính mình đem lại niềm vui và hạnh phúc đích thực cho bản thân và cho mọi người.
Tâm Quảng