GPVO (22/12/2022) – Chuyện kể rằng, có một vị quan lớn gửi thiệp mời những người thân quen đến dự tiệc mừng sinh nhật bảy mươi của ông. Quan khách đến dự buổi liên hoan đều ăn mặc chỉnh tề và có xe ngựa sang trọng đưa rước. Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của quan chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe chẳng may trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến gia nhân gần đó đều cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị ố, vị quan cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt đang nhạo cười mình và quyết định lên xe ra về. Viên quản gia hiện diện đã đến năn nỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào trong nhà dự tiệc. Bấy giờ, chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai còn dám cười nữa. Sau đó, chủ nhà đã nắm tay vị khách quý mời vào phòng dự tiệc và ông này không còn viện lý do gì để từ chối nữa. Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giêsu vốn là Con Thiên Chúa nhưng lại hạ mình xuống làm một phàm nhân. Người đã trở nên giống như chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Có thể khẳng định lễ Noel hay Giáng sinh mà chúng ta đang chuẩn bị mừng tới đây không chỉ dành riêng cho người Công giáo mà trở thành ngày lễ chung của thế giới, của tất cả mọi người. Đây đó, từ nông thôn đến thành phố, từ miền xuôi đến miền ngược, từ các công ty cũng như quán xá đều nô nức trang trí hang đá, cây thông và treo ngôi sao để chào mừng. Một đại lễ mang tầm quốc tế và có sức thu hút mãnh liệt và nối kết con người với nhau, không phân biệt màu da, sắc tộc và tôn giáo chính trị.
Đang khi tưng bừng nô nức đón mừng đại lễ Giáng Sinh 2022, chúng ta được chiêm ngắm Hoàng tử Hòa Bình nằm trong máng cỏ nơi hang đá phía trước mặt chúng ta. Chúng ta vui mừng vì nơi sự lạnh lẽo và giá rét của phận người, Con Thiên Chúa đã đến và cư ngụ để sẻ chia những vui buồn sướng khổ với nhân sinh. Vì yêu thương nhân loại tội lỗi, vì muốn chia sớt thân phận con người, Thiên Chúa đã đích thân đến với nhân loại bằng một hình hài con người, giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi (x.Gl 4,4). Ngài là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật nhưng đã được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần trong cung lòng của Đức Trinh nữ Maria để làm người thật. Như vậy, nơi Đức Giêsu Kitô mang hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người:“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 470: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”.
Quả thật, vì Thiên Chúa là tình yêu, mà yêu thương thì luôn thuộc về Thiên Chúa, hòa bình và hạnh phúc đích thực thuộc về Thiên Chúa nên Đấng Thiên Sai đã được loan báo từ các tiên tri trong Cựu Ước nay đã trở thành hiện thực qua việc nhập thể và nhập thế này. Chính Ngài là Hoàng tử Hòa bình vì sự xuất hiện của Ngài là nối kết, là hiệp hành muôn loài muôn vật. Ngài là điểm quy chiếu mọi điều tốt lành thánh thiện. Ngài là trung tâm điểm của vũ trụ hoàn cầu này. Nơi Ngài, sự nô lệ và tự do, công chính và tội lỗi, bệnh tật và khoẻ mạnh, giàu nghèo, sắc tộc… được dung hoà và trở nên hiệp nhất.
Vì tình yêu mà Ngài đã có mặt nơi trần gian và trong mỗi tâm hồn của chúng ta. Ngài hiện diện là để thi ân giáng phúc. Ngài hiện diện là để cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Ngài hiện diện là để cứu vớt hơn là luận phạt. Ngài hiện diện để quy tụ, thân thiện và bao dung thay vì loại trừ và xa cách. Ngài hiện diện để sẻ chia bình an và hạnh phúc khi sẵn sàng trao ban chính Máu Thịt của Ngài cho nhân loại. Ngài hiện diện để phục vụ và hy sinh mạng sống làm giá chuộc muôn người. Đỉnh điểm của việc nhập thể không gì khác là việc chấp nhận chịu chết trên cây Thập giá để cứu độ nhân loại tội lỗi.
Mặt khác, nhìn vào hang đá đơn sơ và lạnh giá, chúng ta đang bắt gặp một vị Thiên Chúa yêu mến sự khó nghèo và muốn cứu giúp những ai có tâm hồn nghèo khó. Ngài không chọn kiểu giàu sang theo cách nhìn của con người vốn luôn khát khao và tìm kiếm nhưng đã chấp nhận bước vào cảnh tột cùng để nâng con người tội lụy lên làm con Thiên Chúa và thoát khỏi cảnh nghèo đói và khổ đau. Nhìn những mục đồng nghèo nàn và đơn sơ đã được đón gặp Hài nhi Giêsu, chúng ta cảm nhận được tình yêu khôn dò của Thiên Chúa dành cho những ai sống giản dị và khiêm tốn. Những mục đồng đại diện cho những con người bần cùng của nhân loại đã, đang và sẽ luôn được Thiên Chúa viếng thăm và ban ơn cứu độ.
Như vậy, Thiên Chúa đã thực hiện đúng mục đích của Ngài là đem yêu thương và bình an cho con người ngay từ lúc mới sinh ra trong hang đá Bê-lem đơn hèn. Quả thật, máng cỏ là dấu chỉ của sự khó nghèo, là biểu hiệu của tình thương. Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trong cảnh khó nghèo để gần gũi với những người nghèo, để cảm thông với nếp sống mong manh của những con người không nhà không cửa. Đó là lý do sâu xa của mầu nhiệm Giáng sinh. Đức Giêsu thực sự đã đem lại cho thế giới, cho nhân loại một Tin mừng: “Thiên Chúa chính là Cha của chúng ta, còn chúng ta là anh chị em với nhau trong một đại gia đình”. Đây là ý nghĩa của sự hiệp hành mà chúng ta đang được hướng tới trong Thượng Hội đồng lần thứ 16 năm 2023. Vì không có mầu nhiệm Nhập Thể, không có sự hiệp hành và con người sẽ chết trong tội lỗi.
Chính vì thế, đáp lại tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta ngang qua việc nhập thể của Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi cảm nhận tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa, đồng thời làm phát sinh tình yêu ấy bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Chính thánh Phaolô đã căn dặn chúng ta rằng: “chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12). Hơn nữa, để đón gặp Chúa và đón gặp tha nhân trong đời sống hằng ngày, mỗi chúng ta được mời gọi trở nên con người dễ mến, đơn giản và nghèo khó như các mục đồng xưa đã đón nhận được Tin mừng Giáng sinh.
Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương