Linh mục – Dụng cụ của lòng Chúa thương xót

Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất và đòi hỏi nhất nhưng là một tác vụ cao đẹp nhất của Linh mục trong đời mục vụ… Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hòa với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an, niềm vui tâm hồn.

ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các cha giải tội hãy trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa và trở thành người biết lắng nghe.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ sáu 9-3-2018 dành cho 640 linh mục trẻ, phó tế và chủng sinh ở những năm cuối vừa kết thúc khóa học về tòa trong do Tòa Ân giải tối cao tổ chức.

ĐTC nói: “Cha giải tội không phải là nguồn mạch lòng thương xót nhưng là một dụng cụ không thể thiếu được của lòng thương xót. Ý thức về điều này sẽ giúp chúng ta thận trọng để tránh nguy cơ trở thành chủ nhân của các lương tâm, nhất là trong tương quan với người trẻ, là những người dễ bị ảnh hưởng. Nhớ mình là và chỉ là dụng của hòa giải chính là điều kiện đầu tiên để có thái độ khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Linh, Đấng bảo đảm một nỗ lực phân định chân chính”.

Tiếp đến, “Linh mục phải là người biết lắng nghe những câu hỏi trước khi trả lời. Thật là một thái độ sai lầm khi trả lời trước khi lắng nghe những câu hỏi của người trẻ và nếu cần hãy tìm cách giúp họ nêu lên những câu hỏi đích thực. Cha giải tội được kêu gọi trở thành người lắng nghe: nghe hối nhân và lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh. Khi thực sự lắng nghe người anh em trong cuộc trao đổi trong khuôn khổ bí tích, tức là chúng ta lắng nghe chính Chúa Giêsu, nghèo và khiêm tốn; khi lắng nghe Thánh Linh, chúng ta đặt mình trong tư thế chăm chú vâng phục, chúng ta trở thành những người lắng nghe Lời Chúa và vì thế, chúng ta mang lại một sự phục vụ lớn hơn cho những hối nhân trẻ: chúng ta đặt họ tiếp xúc với chính Chúa Giêsu”. (Rei 9-3-2018; G. Trần Đức Anh OP- Vatican News).

Mùa Chay, các Giáo xứ ấm áp bầu khí đạo đức: tĩnh tâm, giải tội. Các Linh mục bề bộn nhiều công việc như ngồi tòa, giảng phòng… không những giáo xứ mình phụ trách mà còn giúp nhiều xứ khác. Các Linh mục trong Giáo hạt theo truyền thống luân phiên đến từng giáo xứ ban Bí tích Hòa giải, tạo nên tình hiệp nhất huynh đệ và chia sẻ sứ vụ. Thiên Chúa dùng trung gian các Linh mục để thực thi Lòng Nhân Từ đối với những tội nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các tín hữu như sau: “Chúng ta hãy đặt Bí Tích Hòa Giải ở trung tâm một lần nữa sao cho Bí Tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của Lòng Thương Xót Chúa…Với mỗi hối nhân, Bí Tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự” (MV số 17 – “Misericordiae Vulltus”). Ngài còn nhắc nhở các Linh mục: “Mỗi cha giải tội phải đón nhận các tín hữu tương tự như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng…Các cha giải tội được mời gọi ôm người con trai ăn năn đang trở về nhà và diễn tả niềm vui được có lại người con ấy…Cầu xin cho những cha giải tội đừng đặt ra những câu hỏi vô ích…Cầu xin cho các cha giải tội học được cách chấp nhận những lời kêu gọi giúp đỡ và lòng thương xót tuôn chảy từ trái tim của mỗi hối nhân” (MV số 17).

Vậy khi đến với Bí Tích Giao Hòa, tâm hồn ta sẽ chạm vào Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu sẽ tha thứ cho ta. Người ban cho ta sự bình an trong tâm hồn. Chính Chúa Giêsu sẽ quét dọn căn nhà nội tâm của ta và biến đổi ta trở thành một con người mới. Chính lòng thống hối của con người mở cửa dẫn vào lòng thương xót, tha thứ và khoan nhân của Thiên Chúa. Thống hối không có nghĩa chỉ hối hận về tội mình đã phạm mà điều quan trọng hơn là cần phải hoán cải.

Suy niệm lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô và đọc lại “Tông Sắc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót của ngài mang tựa đề “Misericordiae Vulltus” và cuốn sách “Chân dung Linh mục” của ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, tôi thấy sáng lên vẽ đẹp của đời Linh mục qua hình ảnh: cha giải tội – dụng cụ lòng Chúa thương xót.

Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất nhưng là một tác vụ cao đẹp nhất.

  1. Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất và đòi hỏi nhất của Linh mục trong đời mục vụ
  2. Là tác vụ khó khăn nhất bởi lẽ:

Ngồi tòa giải tội giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Với một tư thế không đổi là lắng nghe, phân định, khuyên nhủ, ban phép giải tội. Nghe đi nghe lại đủ thứ tội lụy trần gian. Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã dùng hình ảnh “cái bô rác” để nói về lỗ tai các Linh mục, chứa đựng mọi rác rưới tội lỗi hồng trần, nhưng Linh mục không để mình bị lây nhiễm rác rưới.

Trí óc luôn làm việc căng thẳng. Một tư thế ngồi, tay cầm tràng hạt, tay chống trán, đầu tựa vào tòa nghe chăm chú. Có khi cơ thể mệt mỏi ê ẩm mà không được nghĩ ngơi. Lm Antôn Trần Xuân Sang, SVD, đang truyền giáo tận bên Paraguay, chia sẽ về khó khăn trong tác vụ giải tội nhân kỷ niệm ngày chịu chức linh mục: “Trong những tháng cuối năm phụng vụ, các giáo xứ và giáo điểm truyền giáo ở đây đều chuẩn bị cho các lễ thêm sức, rước lễ lần đầu nên các cha xứ thường mời các cha ngồi tòa. Có lẽ vì thấy tôi còn trẻ trung và dễ chịu nên các cha thường mời tôi ngồi tòa. Tôi còn nhớ lúc còn ở Việt Nam tôi cũng thường được ngồi tòa cùng với rất nhiều cha khác vào các dịp Mùa Chay hay Mùa Vọng ở các giáo xứ tại Sài Gòn. Sau khi ngồi tòa thì các cha được bồi dưỡng tô cháo gà cho ấm bụng, và… dĩ nhiên có một phong bì nữa. Còn những ngày ngồi tòa ở đây, chỉ có 3 linh mục mà con số xưng tội lại quá đông, nhiều người lại chẳng biết xưng tội như thế nào vì có khi cả hơn 30 năm rồi chưa bước đến nhà thờ. Lại thêm một số bà với mùi nước hoa vô cùng khó chịu cứ thao thao bất tuyệt kể những chuyện và những tội của người khác đôi lúc cũng làm tôi bực mình. Ngồi tòa cả mấy tiếng đồng hồ mà chẳng có được một ly nước lã, thậm chí muốn đi vô nhà vệ sinh mà cũng ráng nín cho xong việc, rồi khi xong việc thì nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ đêm mà ông cha nhờ mình chẳng hề mời ăn tối, chẳng hề có một lời cảm ơn nên mình lẳng lặng về nhà kiếm chút gì bỏ vào bụng trước khi đi ngủ. Nhiều khi thấy cuộc đời sao nó bạc quá, bạc hơi vôi nữa và chẳng biết có mấy ai hiểu cho cuộc sống ở đất lạ quê người này. Đôi lúc cũng muốn buông xuôi và xin đến một nơi khác để có một cuộc sống thoải mái hơn và cũng để kiếm chút gì gởi cho cha mẹ già đang bệnh nhưng hình như trong thâm tâm vẫn còn những cuộc đấu tranh tư tưởng và những suy nghĩ trái chiều nhau nên đôi lúc cũng gây ra mất ngủ. (Đôi điều suy nghĩ dịp kỷ niệm chịu chức linh mục). Nhìn đoàn người xếp hàng dài chờ đợi, Linh mục giải tội đôi khi cảm thấy âu lo, nhưng nhờ ơn Chúa, ngài lại thêm phấn chấn nhiệt thành với bổn phận.

  1. Là tác vụ đòi hỏi nhất bởi lẽ:

Trước khi ngồi tòa, Linh mục đã phải chuẩn bị bằng cách trang bị kiến thức tương hợp; khi giải tội, linh mục phải vận dụng khôn ngoan để phân định, cương nghị để khuyên can, nhân từ để xá giải.

Sau khi đã ra khỏi tòa hòa giải, Linh mục phải trung tín với ấn tòa giải tội. Nếu điều Linh mục phải nhớ trong ngày là sách nguyện, thì điều Linh mục phải quên chính là tội người ta xưng.

  1. Giải tội là một tác vụ cao đẹp nhất và an ủi nhất

Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hòa với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an, niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Có những hối nhân đã khóc nức nở khi sám hối về tội lỗi của mình và nhận ra lòng thương xót của Chúa. Họ quỳ đó, khóc chân thành với những dòng lệ ăn năn. Nước mắt hạnh phúc của người con trở về với Cha nhân từ. Những nổi đau thể xác, tâm hồn được bộc bạch. Có những người mẹ, người vợ thổ lộ tâm sự của gia đình, tâm tư không thể nói cùng ai chỉ trừ Cha giải tội. Thanh niên nam nữ với những thao thức tuổi trẻ xin linh hướng. Thiếu nhi đón nhận lời thăm hỏi khuyên bảo.

Có nhiều tâm hồn trong sáng, thánh thiện đến tòa giải tội đã làm gia tăng lòng đạo đức của linh mục. Thi hành tác vụ cao đẹp ấy, Linh mục là người diễn dịch lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa (Thư TNTT 2002 số 3).

Để có thể thi hành tác vụ của lòng thương xót một cách hữu hiệu, Thánh Gioan Phaolô II khuyên Linh mục phải sống khả tín và khả ái.

– Khả tín: “Thật vậy, dù ơn Chúa ban có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng đi theo sự thúc giục và hướng dẫn của Thánh Thần hơn, bằng kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện” (PO, 12)

– Khả ái: “Người ta thường muốn được nhận biết và chăm sóc, vì chính trong tư thế gần gũi này mà họ có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn” (Thư TNTT số 9). Linh mục phải làm hết cách để lòng thương xót của Thiên Chúa được sáng lên giữa những cử hành“Nghiêm nhặt qúa làm cho dân chúng bị dằn vặt tháo lui. Dễ dãi qúa gây hiểu lầm và ngộ nhận. Đấng giải tội rập theo gương Chúa Chiên lành mà tha tội phải diễn đạt đúng mực thước lòng đã sẵn có và sự tha thứ hầu mang lại an bình và chữa lành” (Thư TNTT số 8).

  1. Linh mục cũng là hối nhân

Dù nhiệm vụ của linh mục “là trở thành những chứng nhân cho Thiên Chúa, là những phát ngôn viên của lòng nhân từ có sức cứu rỗi” (Số 10), “là Thừa tác viên của bí tích hòa giải”, nhưng linh mục cũng còn là hối nhân như bất cứ ai, vốn cần đón nhận những ơn phúc phát sinh từ bí tích hòa giải. Đó là điều kiện cần thiết cho đời sống linh mục “Đời sống linh mục có thể bị suy thoái nếu chính họ thờ ơ, hoặc vì một lý do nào khác, không đến với bí tích hòa giải một cách đều đặn với đức tin và lòng sốt sắng đích thực. Nếu một linh mục không còn đi xưng tội nữa hoặc xưng tội không nên thì sứ vụ linh mục của Ngài sẽ sớm bị ảnh hưởng, và chính cộng đoàn do linh mục dẫn dắt sẽ nhận ra điều đó’ (Tông huấn sám hối và hòa giải số 31).

Trước khi là dụng cụ của lòng thương xót, mỗi linh mục cũng là người biết đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai có thể cho đi một cách nhiệt tình mà mình chỉ kinh nghiệm mong manh. Chính vì thế, Tông huấn sám hối và hòa giải số 31 viết tiếp: “Chúng ta, các linh mục khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân mình, có thể nói cách chắc chắn rằng, càng tìm đến bí tích hòa giải thường xuyên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta càng đảm nhiệm tốt hơn tác vụ giải tội và bảo đảm rằng, các hối nhân sẽ hưởng được ân phúc nhiều hơn. Trái lại, tác vụ này sẽ mất nhiều hiệu năng nếu một cách nào đó, chúng ta không còn là những hối nhân thực thụ nữa”. Trong ý tưởng này ta có thể nói: càng là hối nhân thực thụ bao nhiêu, càng là thừa tác viên chân chính bấy nhiêu.

Mùa Chay, nhìn chân dung Linh mục qua “Dụng cụ của Lòng Thương Xót” để thấy được rằng, ngay tự nguồn gốc đã là khởi đi từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúa chọn các linh mục cách nhưng không: “Không phải các con chọn Thầy, nhưng chính Thầy chọn các con” (Ga 15, 16). Chúa sai đi làm đại diện cho Chúa dù linh mục bé nhỏ thấp hèn. Chúa ký thác trái tim đầy thương xót của Ngài vào trái tim nhân loại của linh mục để ban ơn tha thứ cho hối nhân.

Muốn chu toàn trách vụ, linh mục cần ký thác trái tim nhỏ bé của mình vào trái tim xót thương của Thiên Chúa (số 4). Linh mục phải luôn ghi nhớ nằm lòng những lời Kinh Thánh: “Tội lỗi của chúng ta, chính Chúa Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2,24); “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10); “Những người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng những người bệnh mới cần; Tôi đến không để gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Và “Nếu các ông yêu người yêu các ông, thì nào có công chi? Vì ngay kẻ tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ” (Lc 6,32);  “Tôi bảo thật các ông, tội lỗi của cô ấy, tuy rất nhiều, nhưng đều đã được tha, vì cô ấy đã yêu nhiều; còn ai được tha ít, là vì yêu ít” (Lc 7,47). Khi những người đau khổ tín thác nơi Chúa Giêsu để được chữa lành, Chúa thường nói: “Hãy an tâm, tội lỗi của con đã được tha” (Mt 9,2). Câu Chúa Giêsu phán với người đàn bà tội lỗi “chị hãy đi, và đừng phạm tội nữa” nhấn mạnh tới thống hối ăn năn. Lòng thương xót bao giờ cũng đi trước lòng thống hối: câu “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa” đã được nói sau câu: “Tôi cũng không kết án chị” (Ga 8,11)…

Mỗi lần ban ơn xá giải, chia sẻ lòng Chúa xót thương là linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.



Lm. Giuse Nguyễn Hữu An