Lễ thanh minh trong Ánh Sáng Phục Sinh: Một lễ hội chung hai làng lương và giáo

Hằng năm, nhân ngày Thanh Minh, bà con lương dân khắp nơi thường tổ chức tế đầu xuân và tảo mộ kính nhớ tiền nhân. Riêng tại xã Thạch Hạ, Tp. Hà Tĩnh, năm nay lễ hội này đã là một dịp giao lưu thân ái giữa đồng bào lương và giáo tại địa phương quy tụ trong ngôi từ đường dòng họ Vũ-Võ, mé đông đường Ngô Quyền hiện nay, gần ngã tư Quang Trung, về phía Thạch Khê.

Từ đường được xây mới trên nền cũ của ngôi miếu cổ quen gọi là miếu Quan Quận, dành để tưởng nhớ công ơn của nhiều bậc võ tướng được phong tước quận công. Trong dịp hoàn thành phần chính của cơ sở, Ban Tổ chức đã tạo điều kiện để bà con Công giáo trong Dòng họ cử hành thánh lễ tạ ơn vào buổi tối 30-11-2017, trước ngày cắt băng khánh thành. Hôm ấy có ba linh mục họ Võ trong số sáu linh mục đồng tế – hai vị từ Qui Nhơn ra, hai vị từ Nghệ An và hai vị đang phục vụ tại Hà Tĩnh, cùng đông đảo bà con giáo dân giáo xứ An Nhiên.

Sinh hoạt chính và sôi nổi nhất của bà con họ Võ trong khu vực là lễ hội Thanh Minh, cũng là ngày tảo mộ kính nhớ Tổ tiên. Năm nay, vào tối 4-4 tại ngôi từ đường mới đã có thánh lễ với bảy linh mục đồng tế để cầu nguyện linh hồn các bậc tiền nhân và cầu bình an cho bà con trong họ. Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế, Lm. Võ Tá Khánh nhắc lại rằng ngay trong lần đầu tiên về thăm quê năm 1990, cha đã thắp hương bái tổ tại từ đường dòng họ ở thôn Chàng Học, lúc ấy còn là một túp lều tranh thô sơ và chiều hôm sau cha đã được cử hành thánh lễ cùng với cha Lê Viết Phục tại sân từ đường, với sự tham dự của anh chị em đồng tộc bên lương tại xóm Cồn và bên giáo từ giáo xứ An Nhiên.

Xin mời xem Thánh Lễ thanh minh họ Võ Hà Tĩnh 2018

Nhánh trưởng dòng họ Võ Tá ở Thạch Hà theo Kitô giáo đầu thế kỷ XVIII, cư ngụ tại giáo xứ An Nhiên và một số giáo xứ lân cận. Các nhánh người lương thuở đầu cư ngụ tại thôn Chàng Học (nay là thôn Liên Nhật) rồi đã tỏa đi nhiều vùng khắp đất nước. Từ ngày huấn thị Ex quo singulari (1742) của Tòa Thánh yêu cầu các tín hữu Công giáo Viễn Đông chỉ diễn tả lòng kính nhớ tổ tiên và các bậc anh hùng theo truyền thống Công giáo, ngưng diễn tả theo tập tục địa phương, bà con đồng tộc giáo và lương không còn các cuộc sinh hoạt chung trong những dịp kỵ giỗ. Tính đến ngày có thánh lễ sum họp đầu tiên, tháng 9 năm 1990, sự chia cách đã kéo dài hơn 250 năm.

Thế rồi những lần các linh mục trong dòng họ từ miền Nam hay từ hải ngoại về thăm quê, các vị đều không quên kính viếng từ đường, thắp hương niệm tổ, và khi có điều kiện, đã dâng thánh lễ cầu an cho dòng họ tại từ đường. Năm nay là lần đầu tiên thánh lễ được cử hành nhận dịp lễ hội tảo mộ thanh minh, giữa một cử tọa đông cả nghìn người, không phân biệt giáo, lương.

Cùng đồng tế thánh lễ lần này có cha Hoàng Xuân Hường, quản hạt Văn Hạnh, cha Trần Đức Mai, chính xứ An Nhiên, cha Nguyễn Trọng Thể, đang hưu trí, cha Nguyễn Viết Nam, chính xứ Tĩnh Giang, cha Nguyễn Văn Hoan, chính xứ Thu Chỉ và cha Vũ Văn Triều, chính xứ Kim Lũ (Quảng Bình). Về phía chức sắc dòng họ hiện diện trong thánh lễ, có ông Võ Tá Thành, Trưởng tộc, các vị khác trong Ban Quản lý Từ đường, Hội đồng Tộc biểu và đông đảo bà con thôn Liên Nhật và các thôn lân cận. Cuối thánh lễ, ông Võ Tá Phùng, Chủ tịch Hội đồng Tộc biểu đã bày tỏ niềm vui lớn lao trước cảnh đoàn viên ấm cúng của thánh lễ và ước mong mỗi dịp Thanh minh lại được sống trong bầu khí sum họp này.

Chia sẻ trong thánh lễ, cha Khánh nêu bật ý nghĩa của hai chữ thanh và minh là trong và sáng, để nói lên tính giáo dục nhiều mặt của lễ hội Thanh minh. Lễ hội này thường đi liền sau lễ Phục sinh, cho nên với người Công giáo, lời mời gọi sống trong sáng không chỉ đến từ thiên nhiên nhưng còn đến từ chính Chúa Kitô Phục sinh là sự Sáng thật, là Đường, sự Thật, sự Sống và là Đấng Cứu chuộc nhân loại.

Sáng 5-4 là chính ngày Thanh minh. Hội đồng Tộc biểu đã cử hành tế tổ toàn tông trước đông đảo bà con đồng tộc từ khắp các miền đất nước hội về với sự hiện diện của đại diện Hội đồng Dòng họ Vũ Võ Việt Nam, đại diện Hội đồng Dòng họ Vũ Võ Tỉnh Nghệ An và các vị trong Hội đồng Dòng họ Vũ Võ Tỉnh Hà Tĩnh. Bài ca tế Thanh minh nêu rõ cả hai sự kiện phân cách và đoàn tụ nói trên. Bài chúc văn trong lễ tế không những hướng về cụ Võ Kỵ, thế kỷ XVI, khởi tổ của họ Võ ở Thạch Hà, và cụ Vũ Hồn, thế kỷ IX, khởi tổ của họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương, mà còn hướng tới các bậc “cao cao cao tổ khảo, cao cao cao tổ tỉ, cao cao cao tổ thúc, cao cao cao tổ cô”… tức là hướng tới những nguồn cội xa xưa nhất của loài người, mở ra viễn ảnh sum họp đại đồng “bốn biển anh em một nhà”, con cùng một Cha chung trên trời là Đấng Tạo Hóa bao dung và nhân ái.

Một người họ Võ


 

LỄ THANH MINH TRONG ÁNH SÁNG PHỤC SINH

(Bài chia sẻ trong thánh lễ tại từ đường Võ tộc, Thạch Hạ, Hà Tĩnh – 4.4.2018)

Mỗi năm người Việt mình có hai ngày tảo mộ để chăm sóc cho mồ mả tổ tiên. Một ngày cuối năm và một ngày đầu năm. Vào tháng Một hay tháng Chạp, người ta chọn một ngày nào đó thuận lợi để mọi người trong gia tộc rủ nhau cùng về chăm sóc phần mộ ông bà cha mẹ trước khi kết thúc năm cũ. Mỗi nhánh họ, mỗi dòng tộc một ngày riêng biệt, không thống nhất.

Còn ngày tảo mộ đầu năm, được gọi là ngày xuân thủ, tức là ngày tế đầu xuân, thì việc chọn ngày Thanh minh là khá phổ biến, chung cho các dòng họ.

Với chữ thanh có nghĩa là trong và chữ minh có nghĩa là sáng, hai tiếng Thanh minh nghĩa là trong sáng, là vẻ đẹp an bình của cảnh trời mùa Xuân. Như nơi những câu Kiều của Nguyễn Du:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Chữ thanh ngoài ý nghĩa là trong suốt, còn có nghĩa là màu xanh. Đạp thanh nghĩa là dẫm lên màu xanh cây cỏ.

Người xưa đặt ra một ngày hội giữa mùa Xuân tươi mới với tên gọi Thanh minh, đã gói ghém nơi tên gọi giản dị này nhiều ý nghĩa giáo dục rất cao đẹp.

Trước hết là giáo dục về môi trường. Mùa xuân, ta bước ra đường là chạm đến màu xanh của cây cỏ tươi non. Ta thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên để thêm ý thức, để nhắc nhau bảo tồn và phát triển thiên nhiên: nương đồng, núi đồi, biển cả, bầu trời, giữ cho tất cả được tươi và xinh, trong và sáng.

Sống với thiên nhiên lành mạnh là một cách tự nhiên để có được sức khỏe bền bỉ và nghị lực dẻo dai, như người ta vẫn nói: Hồn lành trong xác khỏe. Thân thể khỏe mạnh giúp tuổi trẻ dễ vun đắp cho mình tâm hồn trong sáng và lạc quan.

Ngày Thanh minh còn là ngày hội đạp thanh, bước trên màu xanh hy vọng, ngày hội để tuổi xuân tìm hiểu nhau, trao cho nhau những tình cảm đầu đời, cả tình bạn lẫn tình yêu nam nữ trong sáng nhất. Chỉ sáng mai thôi, trên những nẻo đường dẫn về miếu Quan Quận này ta sẽ lại thấy cái cảnh:

Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Ánh nắng ban mai, cảnh sắc thanh quang, khí xuân ấm áp, tất cả đều là những tiếng gọi để người trẻ biết giữ mãi cho mình nét trong và nét sáng hồn nhiên của giá trị làm người, làm người Việt và làm con cháu của Dòng họ.

Giữa cảnh sắc tươi xanh lạc quan ấy, cái uyên thâm của người xưa bỗng chèn vào một nét hết sức bất ngờ đầy tính sư phạm. Vâng, thật hết sức bất ngờ, vì ngày Thanh minh lại cũng là ngày tảo mộ. Câu hỏi được nêu lên: Tại sao lại đem chuyện chăm sóc phần mộ gắn liền vào chuyện ngày xuân sáng trong đầy hy vọng? Có bạn trẻ nào quanh tôi đây trả lời được không nhỉ?

Các tác giả của lễ hội Thanh minh cho tuổi trẻ dừng lại bên nấm mộ để làm gì? Thưa, sự ngỏ ý thật sâu xa, qua đây tiền nhân muốn hiến tặng cho tuổi trẻ một cơ hội tốt của minh triết, của lẽ khôn ngoan cần thiết cho kiếp người. Vâng, biết dừng lại bên mộ giữa ngày Thanh minh hôm nay, thì rồi giữa mọi tình huống của cuộc đời mai sau, ta sẽ luôn biết tự hỏi: Rồi sao nữa? Rồi sao nữa? Học thành tài, rồi sao nữa? Yêu nhau, lấy nhau, rồi sao nữa? Nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái, rồi sao nữa? xây dựng sự nghiệp, công thành danh toại, rồi sao nữa? và cuối cùng, nhắm mắt xuôi tay, rồi sao nữa? Vâng cuối mọi nẻo đường đời, nấm mồ sẽ đợi chờ ta. Mồ cao mả đẹp hay chỉ “sè sè nắm đất ven đường, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” vẫn là nấm mộ. Và bên kia nấm mộ là gì? Ai sẽ ân thưởng cho ta về những nỗ lực triền miên để gìn giữ sự trong sáng cho thiên nhiên cây cỏ, sự cường tráng cho thân thể, nét trong sáng của cõi lòng cũng như sự bình an của gia đình và gia tộc, của dân tộc và nhân loại? Ai sẽ ân thưởng nếu không phải là chính Đấng Tạo Hóa, Đấng đã tạo nên cho ta cảnh sắc thanh minh quang đãng, sáng và trong?  

Vâng, giữa ngày Thanh minh, ngày trong và sáng, tuổi trẻ cần biết cận kề với nấm mộ cách thanh thản, để không đánh mất bản thân vì những cái phù phiếm mau qua, để biết xây đắp tình yêu và hôn nhân nhắm tới những viễn ảnh cao đẹp nhất – để cả cuộc đời luôn trong và sáng.

Thông điệp Phục sinh của Lời Chúa trong bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay chẳng những có phần tương tự với lẽ khôn ngoan của ngày lễ hội Thanh minh mà còn đi xa hơn. Bài Tin mừng nhắc lại rằng sau khi Chúa Giêsu bị giết chết trên thập giá và an táng trong mộ, các môn đệ Ngài thấy mọi sự đều tăm tối. Hai người trong nhóm đã thất vọng bỏ về quê, tâm hồn u ám nặng trĩu sầu buồn. Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại rồi mà họ không biết. Họ vừa đi vừa buồn bã trao đổi tâm sự với nhau. Chúa đến bên, cùng bước đi bên cạnh họ mà họ không hề ngờ đó là Chúa. Ngài cảm thông và chia sẻ với họ, rồi viện dẫn Kinh thánh để giúp họ hiểu rằng Đấng Cứu Thế phải chịu đau khổ và chịu chết rồi mới từ cõi chết sống lại trong vinh quang. Lòng họ ấm dần lên. Và rồi Ngài nhận lời mời của họ, cùng vào quán trọ. Họ kinh ngạc bắt gặp nơi Ngài những cử chỉ rất quen thuộc, giống hệt cử chỉ Thầy của họ. Cũng như Thầy của họ thường làm, Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn Chúa, bẻ ra rồi trao cho họ. Họ nhìn kỹ thì nhận ra Ngài chính là Thầy Giêsu của họ. Thế nhưng cùng lúc ấy Ngài đã biến khỏi tầm mắt họ…

Lòng họ không còn sầu thương tăm tối nhưng đã bừng sáng lên. Họ rời quán trọ, chạy ngược về nơi họ bỏ đi. Mặc cho sau lưng họ mặt trời đang khuất dần và phía chân trời trước mặt nắng đang tắt, tất cả vẫn cứ như càng lúc càng rực sáng.

Tại sao hoàng hôn đang buông nhưng lòng họ vẫn trong và sáng như buổi mai lễ hội Thanh minh. Thưa, vì Ngài chính là sự sáng. Các vị giáo chủ đều chỉ cho môn sinh một điều tốt đẹp và bảo: Đây là ánh sáng, đây là con đường, đây là sự thật, đây là Chân lý. Còn Chúa Giêsu và chỉ một mình Ngài mới có thể nói: Tôi là sự Sáng, tôi là con Đường, tôi là Sự thật, là Chân lý.

Vâng, Chúa Kitô Phục sinh đem đến cho cuộc lễ hội của chúng ta một nét mới. Qua đoạn Kinh thánh vừa nghe, ta hiểu rằng cái chết không chấm dứt tất cả, vì Đức Kitô là Sự Sống và là Sự Sống Lại, đang ở giữa chúng ta. Ngài đã phục sinh, đã từ cõi chết sống lại. Dù ta không để ý, Chúa vẫn bước ngay bên.

Mỗi khi tâm hồn nặng trĩu buồn phiền, ta hãy nhớ lại chuyện hai môn đệ trên đường Emmau, hãy đến với Chúa Giêsu, thì sẽ tìm lại được trong và sáng. Dù là ban mai, cặp tối hay nủa đêm khuya khoắt, có Chúa trong lòng vẫn là lễ hội Thanh minh.

Chính Chúa Giêsu là nguồn mạch của mọi điều trong sáng. Hãy đọc Kinh thánh Tân ước và nghiền ngẫm, rồi anh chị em sẽ ngày càng biểu rõ hơn về Chúa.

“Chúa ở với con. Con đây, lạy Chúa!” Ngay ở đây, ngay lúc này, bạn hãy thực tập để nghiệm thấy Chúa đang ở với ta. Hãy dừng chân và ý thức rằng Chúa đang hiện diện, đang ở với. Hãy phó thác và sẽ thấy bình an. Nào, bạn hãy thử xem.

Mến chúc mọi người một lễ hội Thanh minh lòng đầy trong sáng. 

Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh