Giáo phận Vinh hiệp thông cầu nguyện cho Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI

GPVO (5/1/2023) – Trong những ngày qua, cả Giáo hội và thế giới đau buồn trước thông tin Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI từ trần ngày 31/12/2022. Ngày cuối cùng của năm, ngài đã bước vào một đời sống mới trên Thiên Quốc. Thiên Chúa đã gửi ngài đến với Giáo hội trong hoàn cảnh đặc biệt. Là một thần học gia nổi tiếng, là vị Giáo hoàng tài giỏi tốt lành, ngài đã dành cả đời phụng sự Thiên Chúa Giáo hội. Nhớ về ngài, người ta chắc hẳn không thể kể hết những câu chuyện buồn vui, những cống hiến quan trọng ngài đã góp phần thay đổi lịch sử của Giáo hội và thế giới. Giờ đây với đức tin của người Công giáo, ngài đã an nghỉ trong tình yêu Chúa cùng với sự mộ mến của tất cả mọi thành phần dân Chúa dành cho ngài.

96 năm làm người, 71 năm hồng ân linh mục, 46 năm trong thiên chức giám mục đã khép lại, trong đó hơn 7 năm trên cương vị chủ chăn Giáo hội Công giáo Rôma (từ năm 2005 – 2013) là những mốc son xuyên qua thời gian. 96 năm trần thế với biết bao thăng trầm, trôi nổi nhưng cuộc đời của Đức Cố Giáo hoàng được kết dệt nên bởi “niềm tin” và “tạ ơn” như chính lời chia sẻ của ngài trong chúc thư tinh thần được đề ngày 29/8/2006: “Từ tận đáy lòng, tôi tạ ơn Chúa vì có rất nhiều bạn bè, nam cũng như nữ, những người mà Người luôn đặt ở bên cạnh tôi; tạ ơn về những người đồng nghiệp ở mọi giai đoạn trên con đường của tôi; về những giáo sư và sinh viên mà Người đã trao cho tôi. Tôi biết ơn tín thác tất cả họ cho lòng tốt của Người. Và tôi muốn tạ ơn Chúa về ngôi nhà xinh đẹp của tôi ở chân đồi ở Bavaria của dãy Alps, nơi tôi có thể nhìn thấy vẻ huy hoàng của chính Đấng Tạo Hóa tỏa sáng hết lần này đến lần khác. Tôi cảm ơn người dân quê hương tôi đã cho tôi được nhiều lần trải nghiệm vẻ đẹp của đức tin. Tôi cầu nguyện để đất nước của chúng ta sẽ mãi là một đất nước của niềm tin và tôi xin quý vị, những người đồng hương thân mến, đừng để niềm tin của quý vị bị lung lay. Cuối cùng, tôi tạ ơn Chúa vì tất cả vẻ đẹp mà tôi có thể cảm nghiệm được trong các giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình của tôi, nhưng đặc biệt là ở Rôma và Ý, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của tôi”.

Ngài được ơn hoàn thành cuộc hành trình của mình với tâm trí minh mẫn. Vừa là nhà thần học vừa là Giáo hoàng, ngài đã nói với chúng ta về những điều cách sâu sắc, đáng tin cậy và thuyết phục. Những trang sách và những lời của ngài về Cánh chung học, thông điệp của ngài về niềm hy vọng vẫn là một món quà cho Giáo hội mà lời cầu nguyện thầm lặng của ngài đã đóng ấn trong những năm dài ẩn dật “trên núi”.

Với sự ghi ơn, thương nhớ bậc hiền phụ đã dành trọn những năm tháng sống trên dương thế cho sứ mạng phục vụ và cai quản Dân Chúa, trong những ngày qua, đã có hơn 200.000 tín hữu khắp nơi trên thế giới đã về kính viếng và cầu nguyện cho Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Khắp các trang mạng xã hội được phủ kín bởi sự thương nhớ và biết ơn ngài. Đó là minh chứng sống động cho sự tri ân những cống hiến phục vụ không biết mệt mỏi suốt hơn 71 năm trong sứ vụ linh mục và 46 năm giám mục của ngài.

Cách đặc biệt, thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho Đức Cố Giáo hoàng vào lúc 5h00 sáng ngày 5/1/2023 tại nhà thờ Chính tòa Xã Đoài thật sự đã trở nên điểm hẹn của lòng hiếu thảo và hiệp nhất của hết mọi thành phần dân Chúa trong gia đình Giáo phận Vinh. Tất cả đều hướng về người cha già quá cố khả kính khả ái trong ngày trao gửi thân xác ngài về lòng đất mẹ.

Thánh lễ do Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên cử hành với sự hiện diện của cha quản hạt Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, cha phó Giuse Nguyễn Đức Kiên, thầy phó tế, quý tu sĩ cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phụ tá Phêrô đã quảng diễn về Thiên Chúa là Đấng trung tín ngang qua dung mạo của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa – Đấng yêu thương và thành tín, một danh xưng rất quen thuộc đối với dân Chúa, bao gồm cả dân Israel và dân mới của Người là Giáo hội, là chính chúng ta. Thật vậy, trải qua biết bao thăng trầm với kinh nghiệm cả một đời, con người mới khám phá ra “cõi lòng” của Thiên Chúa, một Thiên Chúa “nhân hậu từ bi, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” (Tv 86,15) mà sự khám phá này cũng do chính Người mạc khải. Sự mạc khải này được kiện toàn theo thời gian, được biểu lộ cụ thể qua chính Con Một Người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể đi vào trần gian, để con người gặp gỡ được Thiên Chúa vô hình. Mầu nhiệm Nhập Thể là bước cuối cùng trọn vẹn nhất của Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người.

Chính nhờ tình yêu trung tín của Thiên Chúa mà chương trình cứu độ được thực hiện một cách tiệm tiến trong thời gian qua giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người, cho dù con người có bất trung phản bội, phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đầy thương xót luôn trung thành nên “dù ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13). Như thế, tình yêu trung tín chính là bản chất của Thiên Chúa và ơn cứu độ đã được ban cho nhân loại một cách trọn vẹn vào thời sau cùng, nhờ bởi lòng khoan dung tha thứ, nhờ bởi tình yêu đến cùng của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô.

Những giây phút cuối đời, Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô vẫn thốt lên những lời yêu mến và tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng: “Signore, Ti amo!” (Lạy Chúa, con yêu mến Ngài!) những lời ấy như một bản tóm tắt toàn bộ cuộc sống của ngài, vì chính ngài đã dành biết bao năm cho đến thời điểm hiện tại để chuẩn bị chính mình cho giây phút cuối cùng này: cuộc gặp gỡ mặt giáp mặt với Đấng Tạo Hóa của mình. Qua đó, Đức cha giảng lễ đã tóm lược cuộc đời của Đức Cố Giáo hoàng bằng bảy chữ T: Tin tưởng; tạ ơn; thông hiệp; tri thức; thần học; thinh lặng; thập giá. Đức cha Phụ tá đã khắc họa lại đôi nét về cuộc đời và sứ vụ của Đức cố Bênêđictô XVI. Từ đó làm nổi bật lên hình ảnh người mục tử nhiệt tâm, hy sinh phục vụ, trung tín đến tận cuối đời dấn thân. Ngài trung tín với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Được biết, Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ được yên nghỉ trong phần mộ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trước khi được phong chân phước ngày 1/5/2011. Phần mộ này trước đây cũng được dành mai táng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Theo dự kiến, thánh lễ sẽ có hơn 120 hồng y, 400 giám mục và 4.000 linh mục đồng tế và có khoảng 60 ngàn tín hữu tham dự.

Tâm Quảng