Ngỏ lời với các tham dự viên, trước hết Đức Thánh Cha khuyến khích tất cả linh mục giải tội đọc lại và suy niệm về tài liệu Lưu ý về toà trong và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích, do Tòa Ân giải Tối cao ban hành vào năm 2019. Tài liệu này, theo Đức Thánh Cha, đề cập đến các khía cạnh rất có tính thời sự, và trên hết, nó giúp khám phá lại sự quý giá và cần thiết của thừa tác vụ Hoà giải, ngay cả trong thời đại của chúng ta, giúp chúng ta có thể nhìn thấy và nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người.
Tiếp đến Đức Thánh Cha chia sẻ 3 điểm để suy tư và đánh giá cuộc sống, cũng là 3 chiều kích thiết yếu của thừa tác vụ của linh mục giải tội.
Chào đón
Trước hết là sự chào đón. Đây phải là đặc điểm đầu tiên của linh mục giải tội. Nó giúp hối nhân đến với bí tích với tinh thần đúng đắn, không sợ hãi co cụm vì tội lỗi nhưng mở lòng với tình phụ tử của Thiên Chúa, với ân sủng. Việc chào đón là thước đo của lòng bác ái mục vụ. Nó mang lại nhiều hoa trái cho cả hối nhân và vị giải tội, như người cha vui mừng chào đón đứa con hoang đàng trở về. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Chúng ta có sự đón tiếp và niềm vui này không?
Lắng nghe
Điểm thứ hai là lắng nghe. Điều này đòi hỏi sự chú ý, sẵn sàng và kiên nhẫn. Cần mở rộng tâm trí để lắng nghe. Đức Thánh Cha khuyên rằng trong một số lần nghe xưng tội, linh mục chỉ cần lắng nghe và ban phép tha tội. Lắng nghe là một hình thức yêu thương làm cho người khác cảm thấy được yêu thương. Lắng nghe cũng là khi vị giải tội với tấm lòng hoàn toàn dành chỗ đón nhận tha nhân, dành chỗ cho quyền năng của Thiên Chúa và hành động của Người. Với đức tin, tín hữu mở lòng với vị giải tội, do đó họ có quyền được lắng nghe với đức tin và tình yêu thương của người cha dành cho con cái. Và điều này tạo nên niềm vui.
Đồng hành
Điểm cuối cùng là đồng hành. Linh mục giải tội đồng hành với hối nhân bằng sự khôn ngoan, phân định và bác ái mà mình có thể có, để họ nhận ra chân lý và ý muốn của Thiên Chúa. (CSR_1246_2022)
Hồng Thủy