Tôi lại đến Trại Gáo, lần này là vào một buổi sớm của những ngày tàn thu. Những cơn gió đẫm sương sớm mang hơi lạnh phả vào da thịt. Khói nhang bảng lảng. Linh địa khẽ cựa mình, cảm giác như chỉ một cử động nhỏ thôi cũng đủ làm vỡ tan đi cái im ắng Thánh đang trầm mặc bao phủ nơi đây.
Từ lúc mảnh đất này còn là một trang trại của Nhà Chung Xã Đoài với cái tên Trại Gạo, sau đọc trệch ra thành Trại Gáo, cho đến khi trở thành một linh địa bề thế như hiện nay là cả một hành trình thăm thẳm, lắm thác nhiều ghềnh.
Trong dòng chảy hào hùng lẫn bi tráng của giáo phận Vinh, có thể ví lịch sử của linh địa này như một khúc sông, mà dòng chủ lưu ở đấy sáng văn vắt. Bao nhiêu lớp sóng là bấy nhiêu dâu bể phận người và thăng trầm thời cuộc…
* Tích xưa, chuyện cũ
Tích xưa kể rằng Trại Gạo ban đầu là một vùng đồi núi thâm u, chốn nương thân của vài ba gia đình làm công cho trang trại, lẫn với một số người nghèo khổ được các linh mục Nhà Chung đưa về đây sinh sống.
Ngày tháng nối nhau, nhiều hộ dân ở vùng thấp trũng cũng kéo đến kiếm kế sinh nhai, dần dà nhóm thành một họ đạo nhỏ. Một ngôi nhà nguyện được cất lên ngay cạnh kho lúa và thánh Antôn Pađôva được chọn làm bổn mạng cho những mảnh đời khốn khổ nơi rẻo đất heo hút này.
Các cố Tây cho đặt mua một bức tượng thánh Antôn bằng thạch cao từ tận bên Pháp. Tượng đi bằng đường biển, về đến Nhà Chung rồi ngược lên Trại Gáo. Dân xếp hàng cung nghinh tít đầu làng Thanh Hương, định sẽ rước lên tận đỉnh núi. Song sau khi nghỉ ngơi lấy sức thì tượng đột nhiên khựng lại, các dây khiêng đồng loạt bị đứt, thử đủ cách vẫn không xê dịch nổi.
Cho rằng Ông Thánh muốn dừng chân, giáo hữu cho lập một ngôi đền trên chính nơi pho tượng tọa lạc. Đền thờ làm bằng gỗ, dài chừng 18m, rộng 12m.
Phép lạ đầu tiên được loan đi, khai mở cho một truyền kỳ bất tận của niềm tin và lòng trắc ẩn. Đền thánh Antôn trở thành ngôi nhà chung kể từ dạo ấy…
* Nghĩa nặng, tình thâm
Người khắp nơi túa về xin ơn. Những thân xác héo rũ và nhếch nhác lầm lũi mang theo thứ của nả còn đáng giá là những nguyện ước tinh ròng. Cuộc đời họ bị mưa quăng gió quật, đã rách, đã nát, tả tơi đi nhiều, duy niềm tin vào Chúa là vẫn còn đầy đặn.
Vô số người đã nhận được những ơn lành của Chúa qua lời bầu cử của thánh Antôn. Có cả những người không cùng niềm tin tôn giáo. Từ chuyện mất chiếc xe đạp, chỉ vàng, đến đủ chứng bệnh nan y. Từ chuyện miếng cơm manh áo tới cảnh con cái hư hỏng, vợ chồng ly tán. Người này ước thật nhiều tiền tài. Kẻ kia mong đường quan lộ hanh thông. Này là những thiếu nữ đến cầu duyên. Kia là mấy thiếu phụ vô sinh, hiếm muộn. Đủ cả!
Mỗi sinh linh là một câu chuyện về ánh sáng và bóng tối, tình yêu và thân phận… Thảy đều đan quyện và nhói buốt trong nhau. Những câu chuyện đong đầy tình yêu thương, như một bản thánh ca bất hủ về Lòng Thương Xót vượt lên trên bệnh tật, cái chết và sự chia lìa.
Hơn mười thập niên hiện diện, linh địa Trại Gáo như một ngôi nhà từng ngày từng giờ âm thầm giữ ấm cho nhiều trái tim hoang lạnh, những đôi chân đã như rời rã trước vô vàn cảnh đời cùng quẫn, tối tăm, bế tắc, khổ đau, bất hạnh…
Ngôi nhà này đang và sẽ còn bền bỉ thắp lên niềm vui sống cho biết bao phận người. Rằng sau những giông gió, rốt cuộc tình yêu sẽ vượt lên sự hữu hạn, ánh sáng đẩy lui bóng tối, niềm tin chiến thắng bi lụy, hy vọng lấp đầy mất mát và nghịch cảnh khốn cùng…
Vào ngày thứ Ba hàng tuần, tại Trại Gáo vẫn đều đặn diễn ra các Thánh lễ cầu an. Mồng Ba Tết Nguyên đán, hàng chục ngàn người đổ về đây hiệp dâng thánh lễ xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, ước nguyện một năm mới an lành, hạnh phúc.
Tinh thần mộ mến thánh Antôn được biểu hiện sinh động nhất vào Đại lễ mừng kính ngài. Ngày Mười Ba tháng Sáu trở thành ngày nhóm họ của tất cả những ai là con cái của thánh Antôn. Dù đi ngược về xuôi, cứ đúng ngày này, những đứa con không phân biệt giáo lương hẹn nhau về Trại Gáo hội ngộ, khấp khởi bồi hồi như về lại nhà mình. Tháng Sáu, trời Vinh nắng như đổ lửa, dòng người tay cầm lá, nước và các ảnh tượng, thành kính dâng lên Ông Thánh hay làm phép lạ những nỗi niềm sâu kín nhất của lòng mình.
* Khát vọng miền địa linh
Nằm trên quốc lộ 34, thuộc địa bàn xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Trại Gáo mang vẻ đẹp thâm nghiêm, phảng phất hồn cốt của một miền thánh địa. Du khách thập phương tới đây có thể thả hồn vào miền thanh tịnh, gột rửa bụi trần, tìm lại sự thanh thản, an yên trong cuộc sống.
Ai đã một lần đến với Trại Gáo, hòa mình vào cái khoáng đạt của đất trời, sẽ còn nghe trong sâu thẳm hơi thở của miền linh địa này giai điệu của một bài ca.
Có người cất cao khúc hát tạ ơn. Có thể trực giác cảm nhận được giai điệu này được hát lên với lòng hân hoan thế nào, khi nhìn vào đầy dẫy những tấm bia tri ân đặt ngay ngắn lối vào cổng Tam quan.
Nhưng cũng có những người đi hát bề trầm. Ca từ của họ là tiếng lòng rên siết, héo hon, sầu muộn. Tay họ cầm chắc cỗ tràng hạt, mắt môi không ngừng mấp máy những lời kinh. Bao nhiêu chuỗi hạt là bấy nhiêu đoạn trường. Này là hạt vui, hạt buồn, hạt cay, hạt đắng…
Bài ca ấy không phải là không lẫn với những tạp âm. Về với linh địa, không thiếu những kẻ miệng khấn tài lộc, nhưng bụng dạ vẫn ngổn ngang những giấc mơ trần tục. Họ cầu an, nhưng hồn trĩu nặng đố kỵ, bon chen, thù hận. Tạp âm đó sẽ vẫn còn lẩn khuất khi người đến đây chỉ biết mở tay chờ chực “phép lạ” cho riêng mình, song lại từ chối mở lòng để trở thành “phép lạ” cho người khác…
Ngày 9 tháng 7 năm 2018, Trại Gáo được Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp nâng lên đơn vị trực thuộc giáo phận với bản quy hoạch mới, xứng tầm là một Trung tâm Hành hương quy mô, hiện đại của Giáo Hội Việt Nam. Hiện linh địa đang từng bước được tôn tạo, trùng tu, hoàn thiện cơ sở với các hạng mục: Đền Thánh, Nhà khách, Lễ đài, Đường Thánh giá, Khu Xưng tội, Nhà Tĩnh tâm, Vườn hoa, Trung tâm y tế…
Xuôi theo nhịp gõ của thời gian, điều đọng lại trong tâm khảm của mỗi người về Đền Thánh Antôn vẫn là ký ức linh thiêng về một nơi chốn mà yêu thương không bao giờ vơi cạn, nơi mà mãnh lực đáng sợ của nghịch cảnh, ranh giới tột cùng của thân phận phải chấp nhận cúi mình trước sức mạnh của sự dịu dàng.
Trở thành ngôi nhà chung của hết thảy những ai thành tâm tìm đến là giấc mơ bao đời của miền địa linh. Song phải chăng khát vọng lớn hơn nữa là dòng người sau khi trở về từ Trại Gáo biết chắt chiu ân trạch Chúa, mà nuôi nấng và chăm bẵm sự hiền lương trong cuộc đời này.
Bởi bao lâu cung lòng còn ti tiện thấp hèn, thì bấy lâu nhân gian còn mờ mịt đường về bình an. Sống có nhân có nghĩa, có trước có sau, cưu mang những việc tử tế từng ngày một, mới mong có cơ may đón nhận phúc lộc từ Trời.
Và rằng, trên những niềm thê lương của cuộc sống, vẻ trác tuyệt của niềm tin và lòng trắc ẩn phải không ngừng được trao truyền…
Antôn Trần Văn Dũng