ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê: Đức cha Phêrô chủ tọa Lễ Đúc kết Khóa Lãnh đạo và Tổ chức cho 43 thầy ban Thần học

Vào chiều ngày 26/02/2019, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh đã đến chủ tọa Lễ Tổng kết khóa học về Kỹ năng Tổ chức và Nghệ thuật Lãnh đạo cùng nghi thức trao Chứng chỉ Tham dự cho 43 Thầy ban Thần học – sau khi hoàn tất 30 tiết học về lãnh đạo, từ ngày 18/02/2019 đến ngày 26/02/2019.

Buổi lễ đã được tổ chức tại Hội trường Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, Giáo phận Vinh với sự tham dự của Lm. G.B. Nguyễn Khắc Bá, Giám đốc Đại Chủng viện; Lm. G.B. Hoàng Đông Dương, Giáo sư Đại Chủng viện kiêm Linh mục Chủ nhiệm Khoá XIV; và Tiến sĩ Giuse Nguyễn Trung Hiếu, Giáo sư môn Nghệ thuật Lãnh đạo tại Đại Chủng viện và đương kim Giám đốc Chương trình Thạc sĩ tại Đại học Công Lập Chicago (Hoa Kỳ).

Chia sẻ trong buổi tổng kết, Đức Cha Phêrô đã đề cập đến tầm quan trọng của nghệ thuật lãnh đạo và khẳng định đây là một môn học đặc biệt cần thiết mà các cơ sở giáo dục và đào tạo tại nhiều quốc gia tân tiến trên thế giới đang áp dụng. Lãnh đạo có thể quyết định đến thành công hay thất bại của bất cứ tổ chức nào, kể cả các tổ chức của Giáo Hội. Và đặc biệt hơn, lãnh đạo có tầm quan trọng trong sứ vụ linh mục, vì lãnh đạo cùng với rao giảng và thánh hóa làm nên ba chức năng chính yếu của linh mục. Đức cha đã không quên nhắn nhủ quý thầy rằng, giữa hai hình thức lãnh đạo chủ yếu là chuyên quyền và phục vụ thì trong tư cách là người môn đệ, luôn học phong cách lãnh đạo phục vụ theo mẫu gương của Chúa Giêsu.

Dựa theo Giáo huấn của Giáo Hội, ba sứ vụ quan trọng nhất của linh mục là: (1) Rao giảng; (2) Thánh hóa; và (3) Lãnh đạo. Vì vậy, môn học Kỹ Năng Tổ Chức và Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được thiết lập nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cho sứ vụ thứ 3 của linh mục là lãnh đạo. Đức Giám Mục Giáo phận cùng với Ủy Ban Giáo Dục & Đào Tạo Giáo phận Vinh đã chấp thuận đưa môn học này vào học trình chính thức của Đại Chủng Viện thánh Phanxicô Xaviê cho các chủng sinh năm thần học. Trọng tâm của môn học này là giúp học viên tìm hiểu và áp dụng kỹ năng tổ chức công việc giáo xứ và nghệ thuật lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa theo phong cách lãnh đạo phục vụ (Servant Leadership) và noi gương lãnh đạo của Đức Kitô (Lead like Jesus).

Phương pháp sư phạm nhân bản và khoa học được giảng viên thường xuyên sử dụng trong lớp để khuyến khích học viên tham dự lớp cách tích cực (không tiêu cực) và chủ động (không thụ động). Mỗi học viên sở hữu một tập sách giáo khoa để tham khảo trước, trong và sau giờ học lớp. Chủng sinh được học theo nhóm với các đề tài chủ yếu về phát triển nhân cách (personality development), kỹ năng làm việc nhóm (teamwork skills), phẩm hạnh và phong cách lãnh đạo (leader’s qualities and leadership styles). Các trắc nghiệm khoa học xã hội và tâm lý học là những công cụ hỗ trợ và đo lường khả năng hiện tại của học viên (assessment) và lượng giá (evaluation) thành quả thu thập được sau hóa học Kỹ Năng Tổ Chức và Nghệ Thuật Lãnh Đạo (được gọi tắt là môn học về Lãnh Đạo và Tổ chức).

Khoá Kỹ năng Tổ chức và Nghệ thuật Lãnh đạo đã được thực hiện với nội dung giảng huấn và những cảm nghiệm giáo dục sau đây:

  1. SÁCH GIÁO KHOA

Mỗi học viên đều có một tập sách giáo khoa để có thể đọc bài trước khi đến lớp. Sách giáo khoa có tựa đề là 21 Nguyên Tắc Vàng của Nghệ Thuật Lãnh Đạo của Tiến sĩ John C. Maxwell và sách giáo khoa online (e-book) có tựa đề là The Leadership Experience của Tiến sĩ Richard L. Daft, với các chủ đề về lãnh đạo, như: Lý trí và Tình cảm Lãnh đạo, Lãnh đạo bằng Khích lệ và Trao quyền, Quyền lực và Ảnh hưởng của Lãnh đạo, Tầm nhìn và Đích điểm Lãnh đạo, Các Phong cách Lãnh đạo Thức thời.

  1. THAM GIA HỌC HỎI

Học viên được chia thành 8 nhóm để học chung với nhau và làm bài thuyết trình chung với nhau. Mỗi nhóm có một đề tài riêng. Học viên sẽ đóng vai trò thầy giáo trong lớp để chỉ dẫn cho các học viên khác.

  1. TRẢI NGHIỆM LÃNH ĐẠO

Ngoài phần lý thuyết, thầy giáo đứng lớp còn chia sẻ những trải nghiệm của thầy trong các trường hợp lãnh đạo cụ thể, giúp học viên rút tỉa được những bài học thực tế về lãnh đạo.

  1. TRẮC NGHIỆM TÂM LÝ

Các học viên được tham dự một cuộc tự lượng giá về nhân cách (personality) – với 36 câu hỏi lượng giá – để nhận biết nhân cách của mình cũng như sở trường và sở đoản của riêng mình.

  1. TRẮC NGHIỆM LÃNH ĐẠO

Các học viên được tham dự một cuộc tự lượng giá về phong cách lãnh đạo (leadership style) – với 12 câu hỏi lượng giá – để tự nhận biết mình có khuynh hướng thiên về phong cách lãnh đạo nào (độc tài, dân chủ, tùy tiện) và ở mực độ nào (cao, thấp, trung bình).

  1. LƯỢNG GIÁ DIỄN TIẾN (FORMATIVE ASSESSMENT)

Lượng giá theo diễn tiến, để nhìn thấy những tiến bộ của học viên qua từng buổi học, để bổ sung cho những thiếu sót và để phong phú hoá chương trình giảng huấn.

  1. LƯỢNG GIÁ THÀNH QUẢ (SUMMATIVE ASSESSMENT)

Lượng giá theo thành quả là những câu hỏi được đặt ra trước lớp và những câu trả lời được đón nhận sau lớp. Một phần của lượng giá theo thành quả là kỳ thi kết khoá học gồm các câu hỏi mang tính cách học để nhớ và các câu hỏi mà học viên được tự do trả lời theo sáng tạo cá nhân.

  1. CÁC BÀI CA GIÁO DỤC (EDUCATIONAL SONGS)

Những bài ca giáo dục đã được chia sẻ vài phút trước và sau giờ học để vừa chuẩn bị tinh thần cho khóa học và vừa chuẩn bị hành trang sinh hoạt với các đoàn thể trong giáo xứ như Đoàn Sinh Viên Công Giáo, Đoàn Hướng Đạo Công Giáo, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Mỗi bài ca là một thông điệp yêu thương, hợp tác, kết đoàn…

  1. NGHI THỨC ĐÚC KẾT KHÓA HỌC

Nghi thức này được tổ chức trong tất cả các lớp học do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách để tạ ơn Chúa, cảm ơn nhau và để ghi dấu ấn bước tiến đầu tiên của một hành trình vạn dặm – hành trình tự luyện lãnh đạo bản thân (self leadership) và hành trình lãnh đạo phục vụ tha nhân (servant leadership). Nghi thức đúc kết khóa học bao gồm (1) Thánh ca Nguyện xin; (2) Bài đọc, Đáp ca và Phúc âm; (3) Chia sẻ lời Chúa; (4) Trao Chứng chỉ Tham dự; (5) Thể hiện tình Liên đới; (6) Thánh ca Tạ ơn; và (7) Hình lưu niệm chung.

Được biết, các khóa tập huấn về kỹ năng tổ chức và nghệ thuật lãnh đạo là một chương trình hợp tác đào tạo lâu dài giữa Giáo phận Vinh và Thầy Giuse Nguyễn Trung Hiếu, Huynh Trưởng Nghĩa Sinh. Chương trình đã được triển khai liên tục từ năm 2011 đến nay đã được 9 năm, lần lượt cho các linh mục, các khoá chủng sinh trong đại chủng viện, các hội dòng và các tổ chức Công giáo tiến hành trong giáo phận.

Nguyễn Công Chính