Vatican News (6.5.2021) – Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người Di dân và Tị nạn năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hòa nhập và tình huynh đệ. Ngài nói rằng, một “chúng ta” ngày càng rộng lớn hơn sẽ giúp đổi mới gia đình nhân loại, xây dựng một tương lai công lý và hòa bình, và đảm bảo rằng: không có ai bị bỏ lại phía sau.
Sáng ngày 6/5, Phân bộ Di dân và Tị nạn trực thuộc Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã họp báo công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Người Di dân và Tị nạn năm 2021, có chủ đề: Tiến tới một “chúng ta” ngày càng rộng lớn hơn.
Ngày Thế giới Người Di dân và Tị nạn được cử hành hàng năm vào Chúa nhật cuối cùng của tháng Chín. Đó là ngày dành để bày tỏ sự quan tâm và thể hiện tình liên đới đối với những người dễ bị tổn thương khi di tản; để cầu nguyện cho họ khi họ phải đối mặt với nhiều thách thức và nâng cao nhận thức về những cơ hội mà người di cư mang lại. Ngày này năm nay sẽ được cử hành vào ngày 26/9.
“Chúng ta”
Trong sứ điệp, trước hết, trình bày về lịch sử của ý niệm “chúng ta”, Đức Thánh Cha khẳng định rằng, nó đã có trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, khi Người tạo dựng con người, nam và nữ, khác nhau nhưng bổ sung cho nhau (St 1,27-28). Và Người cứu độ toàn thể nhân loại. “Chúng ta” đã có ở khởi đầu và kết thúc của lịch sử cứu độ và ở tâm điểm của các mầu nhiệm của Chúa Giêsu.
“Chúng ta” bị thương tích và biến dạng
Nhưng hiện nay, cái “chúng ta” này bị đổ vỡ và phân mảnh, bị thương tích và biến dạng do các hình thức chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và hiếu chiến và chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Những người chịu hậu quả nhất của điều này là những người bị xem là người khác: ngoại kiều, người di dân, người bị gạt ra bên kề, những người sống trong những vùng ngoại biên của cuộc sống.
Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi kép: đến các tín hữu Công giáo và đến mọi người trên thế giới, để cùng nhau tiến tới một “chúng ta” ngày càng rộng lớn hơn.
Một Giáo Hội Công giáo hơn
Với các tín hữu Công giáo, Đức Thánh Cha kêu gọi dấn thân để trung thành hơn với căn tính “Công giáo” của chúng ta, như thánh Phaolô nhắc cộng đoàn Êphêsô: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (Ep 4, 4-5).
Đặc tính Công giáo và tính hoàn vũ của Giáo Hội phải bao gồm mọi lứa tuổi. “Các tín hữu Công giáo được mời gọi làm việc cùng nhau, mỗi người ở giữa cộng đồng của mình, để làm cho Giáo hội trở nên hòa nhập hơn bao giờ hết, khi thực hiện sứ mạng được Chúa Giêsu giao phó cho các Tông đồ (Mt 10,7-8).”
Cụ thể, ngày nay, “Giáo Hội được mời gọi đi đến các đường phố, các vùng ngoại biên của cuộc sống để chữa lành các vết thương và tìm kiếm người lạc lối, không thành kiến hay sợ hãi, không chiêu dụ tín đồ, nhưng sẵn sàng mở rộng căn lều của mình để đón nhận mọi người”, trong đó có nhiều người di dân và tị nạn, người tản cư và nạn nhân của nạn buôn người.
Theo Đức Thánh Cha, “Làn sóng di dân có thể được xem là “biên cương” mới cho sứ vụ, một cơ hội đặc biệt để loan báo Chúa Kitô và làm chứng cho đức tin Kitô trong tinh thần bác ái và sự tôn trọng sâu sắc dành cho các cộng đồng tôn giáo khác.”
Một thế giới bao gồm hơn
Tiếp đến Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người trên thế giới cùng nhau tiến đến một “chúng ta” ngày càng rộng lớn hơn, để canh tân gia đình nhân loại, cùng nhau xây dựng một tương lai công bằng và hòa bình, và bảo đảm không ai bị bỏ lại đàng sau.
Được cảm hứng từ biến cố Ngũ Tuần trong sách Công vụ Tông đồ (2, 9-11), Đức Thánh Cha kêu gọi nỗ lực phá đổ những bức tường ngăn cản chúng ta và xây dựng các nhịp cầu kiến tạo văn hóa gặp gỡ, với ý thức sâu sắc về mối liên kết sâu sắc của chúng ta. Ngài nói rằng , các phong trào di dân là cơ hội để chúng ta vượt qua sợ hãi và để cho mình được phong phú bởi sự đa dạng khả năng của mỗi người.
Cùng nhau ước mơ
Và cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta được mời gọi để cùng nhau mơ ước, không sợ hãi, như một gia đình nhân loại duy nhất, như những người bạn đồng hành trong cùng một cuộc hành trình, như những người con trên cùng một trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, tất cả là chị em và anh em.” (CSR_3239_2021)
Hồng Thủy