Chọn thánh ca phụng vụ sao cho đúng hướng dẫn của Giáo Hội?

Việc chọn được một bài thánh ca hay, phù hợp với phụng vụ là vấn đề không dễ giải quyết đối với nhiều ca trưởng. Giải quyết vấn đề này cũng là tìm ra những tiêu chí cần thiết cho việc phê bình những sáng tác được gọi là thánh ca.

Huấn thị về âm nhạc trong Phụng vụ thánh (Instructiode Musicain Sacra Liturgia) do Thánh Bộ Lễ nghi ban hành ngày 5-3-1967 đã định nghĩa thánh nhạc là “loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa, nên phải biểu lộ tính thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật tốt đẹp”.

Như vậy chúng ta có hai tiêu chuẩn rõ ràng để lựa chọn bài thánh ca dùng trong phụng vụ là: Tính thánh thiện (sanctitas) hay tiêu chuẩn tôn giáo và hình thức tốt đẹp (bonitas formae) hay tiêu chuẩn nghệ thuật.

Hợp xướng tổng hợp gồm các ca đoàn Gx Hiển Linh, Ban Hợp xướng Suối Việt, các thầy Dòng Tên tại trong lễ truyền chức ngày 25-8 tại Học viện Dòng Tên. Ảnh: Ban Truyền thông Dòng Tên

Ca từ của bài thánh ca dùng trong phụng vụ

Ca từ được coi như một nửa giá trị của ca khúc. Ca từ của một bài thánh ca phụng vụ trước hết phải bám sát bản văn phụng vụ (Kinh Thánh, Thánh vịnh, Thánh thi,…), ăn khớp với các động tác trong phụng vụ thánh lễ và phù hợp với Giáo lý Công giáo. Có thể xem ca từ như anh chị em với thơ.

Vì vậy, ngoài việc xứng hợp để dùng trong phụng vụ (tính thánh thiện), ca từ còn phải tuân theo những quy tắc của nghệ thuật thi ca (hình thức tốt đẹp), tránh những khuyết điểm căn bản như: Sai ngữ pháp; dùng từ không chuẩn, không có trong văn chương Việt Nam hoặc triết lý vụn vặt, luẩn quẩn; ngắt câu, ngắt chữ không đúng, làm sai lạc ý nghĩa; thô thiển, không có tính văn chương; có dấu giọng không phù hợp với giai điệu nhạc.

Nếu lấy hai tiêu chuẩn phù hợp với phụng vụ và mang tính thi ca để đánh giá ca từ của một bài thánh ca, chúng ta đã góp phần biểu lộ tính thánh thiện và diễn tả hình thức nghệ thuật tốt đẹp của thánh ca (đúng nghĩa) trong buổi cử hành phụng vụ.

Ngôn ngữ âm nhạc của bài thánh ca phụng vụ

Trong các yếu tố tạo thành âm nhạc, giai điệu đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Về tính thánh thiện của âm nhạc dùng trong phụng vụ, Thánh Giáo hoàng Pi-ô X đã viết trong tự sắc (motu proprio):

“… Một sáng tác càng thánh thiện và càng mang tính phụng vụ, khi càng gần với bình ca về nhịp điệu, cảm hứng và phong cách…” .

Nhịp điệu, theo cách dùng từ của bản văn trên được hiểu là chuyển động của giai điệu. Chuyển động của giai điệu bình ca thường là loại chuyển động liền bậc (quãng 2 hoặc quãng 3 tùy loại thang âm) và chỉ sử dụng ba loại bán cung: Mi – Fa, Si – Do và La – Sib.

Như vậy:

– Một giai điệu càng chuyển động liền bậc, càng giống bình ca và do đó càng có tính thánh thiện.

– Những giai điệu mang nhiều bán cung nhân tạo (chromatic) thường biểu lộ tâm trạng ủy mị, kịch tính hơn là tính thánh thiện.

– Những giai điệu dùng quá nhiều chuyển động cách bậc (nhảy quãng xa) thường mang lại cảm giác phóng túng, phù hợp với ca nhạc sân khấu, opera hơn là tính thánh thiện của thánh ca phụng vụ.

Tuy nhiên, trong bình ca cũng có dùng giới hạn những quãng xa như: quãng 4 đúng, quãng 5 đúng; không chuyển động với quãng 4 tăng (được gọi là “con quỷ trong âm nhạc”, diabolus in musica); không chuyển động với quãng 5 giảm; rất hiếm khi chuyển động với quãng 6 (vì mang tính trữ tình, lãng mạn).

Xét về tiêu chuẩn hình thức tốt đẹp, một giai điệu liền bậc thường chứa đựng một nội dung hòa âm phong phú. Một giai điệu đẹp bao giờ cũng được xây dựng trên một khung (hay cấu trúc) hòa âm được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đã đành một giai điệu mang tôn giáo tính cần phải được viết trên một nền hòa âm xứng hợp nhưng không phải lúc nào sáng tác đúng luật hòa âm, đối âm (hình thức tốt đẹp) cũng đảm bảo được tôn giáo tính (tính thánh thiện).

Phải nhìn nhận rằng trình độ hòa âm, phối khí của các nhạc sĩ Công giáo ngày nay hơn hẳn các bậc đàn anh, đàn chị, tiền bối của nền thánh ca Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có không ít nhạc sĩ đương thời tạo nên những bài thánh ca hợp xướng được xây dựng trên những liên kết hòa âm chỉnh về luật như ví dụ trong các sách giáo khoa về hòa âm nhưng giai điệu của từng bè khó hát hoặc hát khó nghe.

Một ngôn ngữ âm nhạc quan trọng khác là tiết điệu. Tiết điệu là yếu tố đầu tiên cấu thành âm nhạc. Trong cuốn Giáo trình sáng tác nhạc, nhà soạn nhạc người Pháp Vincent d’Indy có nói: “Có nhiều dân tộc không biết đến hòa âm, một vài dân tộc không biết đến cả giai điệu, nhưng không một dân tộc nào lại không biết tiết điệu”.


Những câu hỏi đặt ra khi chọn bài

• Có gì thú vị về giai điệu, hòa âm, tiết tấu?
• Âm nhạc và ca từ có phù hợp với nhau không?
• Nếu đây là một bản phối nhạc, hòa âm cho hợp xướng thì cần xem nó có phù hợp với tinh thần của bản gốc không, hay hòa âm quá mức cần thiết?
• Âm vực của các bè thế nào?
• Có phù hợp với ban hợp xướng của mình không?
• Phần bè hòa âm nghe có thú vị?
• Thử đánh giá xem tác phẩm này có hấp dẫn người biểu diễn và khán thính giả không?
• Có nằm trong khả năng của ca đoàn mình hay không?

 

TS Nguyễn Bách