Từ miền bắc đến miền nam nước Ý, các linh mục đang sống trong nghịch lý bi kịch: vẫn gần gũi với dân chúng mà không gia tăng sự lây nhiễm, và các vị đã tìm được câu trả lời bằng sự gần gũi qua phương tiện truyền thông kỹ thuật số.
Các linh mục buộc phải thừa nhận rằng sự gặp gỡ, gần gũi dân chúng lúc này là vô trách nhiệm; và yêu thương cộng đồng thì phải tránh xa ra. Đây là nghịch lý bị kịch đang xảy ra tại các giáo xứ của các giáo phận Ý những ngày này vì đại dịch virus Covid-19. Hội đồng Giám mục Ý đón nhận các sắc lệnh của chính phủ bằng cách đình chỉ tất cả các nghi lễ tôn giáo. Trong khi ở nhiều tỉnh, số ca nhiễm virus corona và tử vong gia tăng, các linh mục và cha sở, nhận thức được sứ vụ của mình, các ngài tìm kiếm các hình thức làm mục vụ mới trên phương tiện truyền thông kỹ thuật số, khuyến khích cầu nguyện, quyết định ở lại chiến tuyến trong những ngày bi thương này với những sáng kiến được Chúa Thánh Linh trao ban.
Không có lễ mừng bổn mạng Giuse của giáo xứ
Đây là trường hợp lịch sử của giáo xứ thánh Giuse, ở vùng Trionfale của Roma. Lẽ ra trong những tuần tháng Ba này giáo xứ sẽ sống hạnh phúc, như thường lệ thì cả khu phố đều tham gia, lễ thánh bảo trợ. Nhưng hiện nay, nhiều người sống trong im lặng và sợ hãi. Cha Salvatore Alletto, cha phụ tá của giáo xứ, chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng không để mất liên lạc với các tín hữu của chúng tôi. Chúng tôi muốn làm cho mọi người cảm thấy rằng có cộng đoàn và trên hết là củng cố các liên kết giữa chúng tôi”.Do đó, giáo xứ chiếu trực tiếp những khoảnh khắc cầu nguyện trên Facebook. Đầu tiên là vào buổi sáng lúc 8 giờ với Kinh Sáng và sau đó là Thánh lễ, được cử hành sau cánh cửa đóng kín. Nhà thờ giáo xứ chỉ được mở để cầu nguyện cá nhân. Vào lúc 7 giờ tối, khi nhà thờ được đóng cửa, một khoảnh khắc cầu nguyện khác được truyền qua trang web, vào buổi tối, với tuần 9 ngày kính thánh Giuse. Cha Salvatore giải thích: “Không thể mừng lễ cùng nhau là điều đau lòng đối với chúng tôi. Nhưng chúng tôi chuẩn bị cách tương tự với tuần 9 ngày và các mạng xã hội cho chúng tôi cơ hội này để cầu nguyện cùng nhau”.
Cầu nguyện khấn xin
Cha Salvatore chia sẻ tiếp: “Là linh mục, tôi đang đau khổ trong thời gian này. Tôi ngưỡng mộ những người đang ở tuyến đầu. Tất cả các bác sĩ, y tá, cả những người mà dù cho tình trạng khẩn cấp vẫn tiếp tục công việc của họ. Như tất cả các linh mục, tôi tự hỏi mình có thể làm gì để gần dân chúng mà không trở thành vô trách nhiệm khi có thể lây virus cho nhau. Điều quan trọng đầu tiên chắc chắn là lời cầu nguyện của chúng tôi. Hơi giống như ông Môsê đã cầu nguyện cho dân tộc, cả chúng tôi cũng được mời gọi cầu nguyện cho tất cả cộng đoàn của chúng tôi.”
Đời sống giáo xứ tiếp tục
Tại giáo xứ thánh Giuse có một nhà nguyện mà rất nhiều người trẻ thường đến. Trong những ngày này, nhà nguyện cũng phải đóng cửa. Đây là một điều đau lòng. Cha Salvatore chia sẻ: “Nhìn nhà nguyện trống vắng thật sự rất buồn. Chúng tôi đang tìm cách liên lạc với các bạn trẻ. Mỗi ngày tôi làm một video ngắn để cảm thấy hiệp thông với tất cả trẻ em và với tất cả các thiếu niên, và cả với các nhóm thanh niên, chúng tôi bắt đầu gặp trên Skype hoặc trên các nền tảng kỹ thuật số khác. Vì vậy, các cuộc gặp gỡ vẫn đang tiếp tục và ngay cả các giáo lý viên cũng cho thấy sự hiện diện của họ bằng tin nhắn âm thanh và các video ngắn. Vào Chúa nhật, lúc 10 giờ 30 sẽ cử hành Thánh lễ cho các trẻ em và gia đình, phát trực tiếp trên Facebook, trong khi các tin nhắn âm thanh giúp mọi người đang ở nhà tham dự Thánh lễ. Cuộc sống giáo xứ tiếp tục, trên hết là trực tuyến.”
Nỗi đau của các giáo xứ ở miền bắc nước Ý
Giáo phận Tortona có nhiều giáo xứ ở miền Piemonte và Lombardia, những nơi mà số người bị nhiễm và là nạn nhân của virus corona nhiều nhất nước Ý. Cha Paolo Padrini, cha sở giáo xứ ở Val Curone, là một linh mục chuyên về mục vụ kỹ thuật số. Cha và Đức giám mục giáo phận đang sống những ngày thật khó khăn. Cha chia sẻ rằng các ngài đang sống trong cầu nguyện không ngừng, tìm mọi cách để có thể cầu nguyện cùng nhau, đặc biệt qua các phương tiện truyền thông mới để có thể ở bên các giáo dân của mình bao nhiêu có thể. Cha chia sẻ thêm: “Chúng tôi vẫn đang mở cửa các nhà thờ của chúng tôi, cố gắng an ủi giáo dân và tôn trọng tất cả các quy tắc. Nhưng điều đó rất khó khăn: vì không may trong các giáo xứ của chúng tôi bắt đầu có nhiều người chết và do đó những thân nhân vô cùng đau khổ vì không thể tham dự bất kỳ nghi lễ nào và nhiều gia đình có những người chết đang bị cách ly. Những gì chúng tôi đang trải qua là một tình huống khủng hoảng và khó khăn lớn”.
Tình yêu của Thiên Chúa được phổ biến qua các trang web
Trong giáo phận này, các linh mục cũng thuộc vào số những người có nguy cơ bị lây nhiễm virus corona bởi vì các ngài đã gặp gỡ nhiều người. Các linh mục chú ý giữ các quy tắc vệ sinh và an toàn nhưng các ngài cũng tìm cách nào đó để tiếp tục giữ liên lạc với dân chúng. Do đó, cha Paolo tin rằng “trong những ngày này, việc mục vụ kỹ thuật số, gần gũi qua các phương tiện kỹ thuật số, không chỉ là có thể mà còn là nghĩa vụ. “Chúng ta biết rõ rằng cầu nguyện trên internet khác với cầu nguyện khi ở gần nhau. Điều tương tự cũng xảy ra với việc cử hành thánh lễ. Nhưng không khác về bản chất, trái tim, thứ tốt đẹp mà chúng ta có thể có được tại thời điểm này không khác gì khác nhau. Trong thánh lễ, truyền thống của Giáo hội dạy chúng ta, có sự hiệp thông thiêng liêng. Chúng ta có thể hiệp thông thực sự giữa chúng ta trong Chúa Thánh Linh và điều này rất quan trọng. Là Giáo Hội, chúng ta là Thân thể thật của Chúa Kitô và không gì có thể tháo gỡ những ràng buộc được thiết lập dựa trên lời cầu nguyện. Do đó, chúng ta phải làm mọi cách để giữ cho các liên kết này vững chắc thông qua những gì Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta. Vì vậy, ngay cả với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số mà tại thời điểm này, tôi nhận ra, chúng thực sự là một món quà mang đến cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời. Nhu cầu của các linh mục tại thời điểm bị nhiễm virus corona là phát minh ra các hình thức gần gũi mới để qua đó lan truyền tình yêu của Thiên Chúa. Cha Paolo kết luận: “Tôi tin rằng tình yêu Chúa cũng loan truyền qua một kết nối internet, nếu được sử dụng một cách lành mạnh, và đúng cách và với tình yêu.”
Tại đền thánh Đức Mẹ nước mắt ở Siracusa trên đảo Sicilia
Cha Raffaele Aprile, phụ trách đền thánh, chia sẻ: “Chúng ta được mời gọi mang Lời Chúa đến cho các tín hữu. Do đó, chúng ta phải sử dụng tất cả phương tiện mà công nghệ cung cấp cho chúng ta. Ở đây tại Đền thánh, đời sống mục vụ chắc chắn đã thay đổi, nhưng tôi nghĩ là giống như trong tất cả các giáo phận. Hội đồng Giám mục đã đưa ra một giải thích xác thực cho sắc lệnh của chính phủ và yêu cầu tất cả các giám mục ngưng các cử hành Thánh lễ hoặc các nghi lễ với sự tham gia của người dân và do đó, bao gồm tất cả các cử hành tôn giáo và phụng vụ. Chúng tôi đã ngưng việc cầu nguyện Lectio Divina, Chầu Thánh Thể, ngắm Đàng Thánh giá, vv. Các Thánh lễ, bằng cách sử dụng các phương tiện công nghệ, được cử hành sau cánh cửa đóng kín và phát trực tiếp trên trang web của đền thánh www.madonnadellelacrime.it.”
Can đảm nghĩa là cầu nguyện
Cha Raffaele chia sẻ: “Trong những thời khắc như chúng ta đang sống, điều quan trọng là đừng để mình bị sự sợ hãi giam cầm. Thiên Chúa không bao giờ vắng mặt trong cuộc sống của chúng ta. Do đó, lòng can đảm biến thành lời cầu nguyện trong thinh lặng và suy niệm Lời Chúa. Chúng ta phải khám phá lại niềm vui của các mối quan hệ gia đình lành mạnh, kích hoạt một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta cần hiểu ý nghĩa của cuộc đối thoại ảo, đảm bảo rằng không ai cảm thấy bị bỏ rơi. Linh mục, đối với tôi, như một thiên thần không bao giờ lùi bước trước nguy hiểm, nhưng, với sự thận trọng, ngài phải có mặt để khuyên bảo, mang lại hy vọng và an ủi. Ngài phải mang lại ý nghĩa cho thời gian này để giúp mọi người hiểu chúng ta vô cùng mong manh như thế nào. Và tất cả điều này có thể được thực hiện chỉ với sự giúp đỡ của cầu nguyện.”
Hồng Thủy