Ủy ban Văn Hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Bốn trăm năm hình thành & phát triển chữ quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam

Trong hai ngày 25 và 26/10/2019, Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về chủ đề ‘‘Bốn Trăm Năm Hình Thành & Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng tại Việt Nam’’. Theo thư mời do Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa ký tên, trong hai ngày 25 và 26/10/2019, sẽ có bốn buổi thuyết trình tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Khóa hội thảo kết thúc với việc phát hành và tặng sách “Thư mục ấn phẩm sách báo Công Giáo Việt Nam 1651-1975” do linh mục Trần Anh Dũng, Giáo xứ Việt Nam tại Paris, soạn thảo.

I – Bốn Trăm Năm Hình Thành và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ

‘‘Thư mục Ấn phẩm Sách Báo Công Giáo Việt Nam 1651 -1975’’ lấy năm 1651 mở đầu các ấn phẩm Công Giáo của nước ta. Vào năm 1651, giáo sĩ Alexandre de Rhodes, sau này được Việt hóa là Đắc Lộ (得路) có nghĩa là gặp được nẻo đi, ấn hành tác phẩm Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt – Bồ – La) do Thánh bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc (Congregatio pro Gentium Evangelisatione) xuất bản tại Thánh đô Rôma năm 1651.

Cuốn ‘‘Phép giảng 8 ngày’’ do Cha Đắc Lộ soạn thảo khai tâm giáo lý cho người Việt vào thế kỷ XVII, đồng thời khai sinh chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ khai sáng một kỷ nguyên mới trong công cuộc phúc âm hóa nước ta, mở đầu nền văn học quốc ngữ mà còn giúp cho dân tộc ta thoát ra ngoài ảnh hưởng của chữ hán, giữ gìn nền độc lập cho tổ quốc.

Trong số báo tháng 5/1961, nguyệt san Missi của Dòng Tên, tạp chí thông tin thiêng liêng nhằm thắt chặt tình liên đới giữa các dân tộc đã trình thuật công trình khai sáng chữ quốc ngữ của linh mục Đắc Lộ như sau:

‘‘Khi khai sáng mẫu tự Latinh, cha Đắc Lộ đã đưa Việt Nam đi trước đến ba thế kỷ, giải phóng đất nước. Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị lệ thộc vào chữ viết này. Trước đó, các cha thừa sai dòng Tên người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã ghi lại phát âm của tiếng Việt. Tuy nhiên, cha Đắc Lộ là người đưa công trình chế biến chữ Quốc ngữ đến chỗ hoàn tất ngay từ năm 1651, là năm mà cuốn tự điển Việt-Bồ-La ra đời. Đây cũng là năm sinh chính thức của chữ Quốc ngữ. Và cuộc khai sinh diễn ra tại Roma, nơi nhà in Vatican. Chính nơi nhà in Vatican mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình.

Cha Đắc Lộ đã khai sinh ra chữ quốc ngữ, ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng, sau đó, được toàn thể dân Việt Nam dùng và biến nó thành chữ quốc ngữ.

Trong một bút ký, cha Alexandre de Rhodes đã thuật lại quá trình ‘‘Đắc Lộ’’ như sau :‘‘Khi tôi vừa đến Đàng Trong và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót lu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi giảng, phải có người thông dịch. Chỉ có cha François Nina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong bốn tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau sáu tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại.’’

II – Thư mục Sách báo Công Giáo Việt Nam 1651-1975. Quốc nội và Hải ngoại 1975-2015 :

Tác phẩm dày 662 trang, khổ 15 x 24 cm do linh mục Trần Anh Dũng (Giáo Xứ Việt Nam Paris) biên soạn có vinh dự được :

– Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đề tựa,

– Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam viết lời giới thiệu,

– Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý, Thư ký Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam viết cảm nghĩ.

Đức Cha Đặng Đức Ngân mở cho người đọc cánh cửa để bước vào không gian của tác phẩm như sau:

‘‘Dưới ánh nhìn của người Đông phương, cái dụng của chiếc cửa không là phần cánh cửa vững chắc, dầy dặn, nhưng là khung cửa trống cho người ra, người vào. Chúng ta liên ý cái cửa với bản Thự mục Sách báo Công Giáo Việt Nam 1651-1975 & Quốc nội và Hải ngoại 1975-2015. Thư mục là ô cửa dẫn vào kho báu sách báo. Cuốn Thư mục trong tay chúng ta đang mở ra, dẫn chúng ta vào kho tàng sách báo 400 năm qua cho người đọc và nghiên cứu lịch sử Giáo hội Việt Nam từ lúc khởi đầu.’’

‘‘Với tập Thư mục Sách báo Công Giáo trong tay, nhiều người cảm nhận tập Thư mục giống một loại Google Maps, Vietnam Maps dẫn lối chúng ta tìm tới địa chỉ một tài liệu lịch sử hay một chứng từ.

‘‘Hôm nay, có thể tác giả sách báo đã đi rồi nhưng tác phẩm vẫn vượt không – thời gian truyền tiếp tới các thế hệ sau.

‘‘Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thực lòng cám ơn cha Giuse Trần Anh Dũng đã ưu ái trao quyền tái bản và phát hành lần thứ nhất cuốn Thư mục Sách báo Công Giáo Việt Nam 1651-1975 & Quốc nội Hải ngoại 1975-2015 cho UBVH/HĐGMVN.’’ (VII – XIV)

Tác giả phân loại sách báo Công Giáo theo phương pháp thập phân Dewey (CDD) như sau :

Chương 0 : ẤN PHẨM TỔNG QUÁT

Chương 1 : Giáo Hội Công Giáo

Chương 2 : THẦN HỌC

Chương 3 : PHỤNG VỤ – BÍ TÍCH

Chương 4 : GIÁO LÝ

Chương 5 : ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Chương 6 : CÁC TÔN GIÁO

Chương 7 – 8 : CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI – KINH TẾ

Chương 9 : TRIẾT HỌC – VĂN HỌC – KHOA HỌC

Chương 10 : TÁC PHẨM KHÔNG PHÂN LOẠI

Cuối tập sách là Danh mục Tác giả Việt Nam và Nước ngoài.

Trong phần đề tựa, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh viết như sau :

‘‘Đây là một đóng góp rất có ý nghĩa, ví từ trước tới nay, chưa có ai làm công việc này cách quy mô như thế. Hy vọng nó sẽ là một chất xúc tác cho nhiều khảo cứu tiếp theo.’’ (tr. XXXI).

Lê Đình Thông