Một đề nghị cho KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
NGÀY ĐẾN VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN
I. Ý HƯỚNG
– Khánh nhật Truyền giáo là ngày Giáo hội kêu gọi các tín hữu khắp thế giới cầu nguyện và góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Kitô. Đây là bổn phận của mọi Kitô hữu đã lãnh Bí tích Rửa tội, nhất là Bí tích Thêm Sức, không dành riêng cho ai và không ai được miễn trừ.
– Ngoài việc cầu nguyện và lạc quyên cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội như thói quen nhiều nơi từ trước tới nay, thiết tưởng còn không ít những hoạt động cụ thể khác mà các tín hữu Việt Nam có thể thực hiện để nói lên quyết tâm thi hành lệnh Chúa truyền.
– Khánh nhật Truyền giáo vào Chúa nhật III của tháng 10, rất gần với lễ Cầu Cho Các Linh Hồn ngày 02/11 hằng năm. Lễ này thật ý nghĩa cho những người Công giáo muốn tuyên xưng mình tin có sự sống lại và sự sống đời sau, đồng thời cũng là dịp để tín hữu Việt Nam long trọng tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên và bày tỏ lòng hiếu kính.
– Việc thờ kính Ông Bà xưa nay vốn là một vấn nạn khá lớn, ảnh hưởng đến việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam và cả vùng Á Châu. Còn nhiều dư luận và thành kiến không hay về người Công giáo đối với việc thờ kính này. Vì thế, cử hành lễ Các Đẳng Linh Hồn 02/11 là cơ hội tốt để người Công giáo Việt Nam trả lời cho những thắc mắc liên quan.
– Theo những ý hướng trên, xin gợi ý và đề nghị một hoạt động truyền giáo rộng khắp như sau :
Dịp Khánh nhật Truyền giáo hằng năm, các nhà thờ và các cộng đoàn phát động “NGÀY ĐẾN VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN”: Mỗi tín hữu chọn lựa và cố gắng mời ít là một người lương lân cận hay quen biết tới tham dự Buổi Thắp hương Hiếu thảo Tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên vào ngày 02/11.
– Hoạt động gồm ba bước cụ thể :
(1) Đầu Tháng 10: Phát động chương trình;
(2) Lễ Truyền giáo : Lên đường mời gọi;
(3) Lễ Các Đẳng: Cử hành tưởng nhớ
II. THỰC HIỆN
1. Phát động
Chuẩn bị Khánh Nhật Truyền giáo, Cha sở sẽ cùng Hội đồng Mục vụ phác họa một kế hoạch thực hành truyền giáo, có thể lấy tên là chương trình “LÊN ĐƯỜNG ĐẾN VỚI LƯƠNG DÂN ”, xác định mục tiêu, trù liệu các phương thế và các khâu tổ chức, trong đó :
– Gây ý thức đây là bổn phận của mọi người và ơn Chúa sẽ giúp cho ai cũng thi hành được khi biết cầu xin.
– Từ đầu tháng 10, kêu gọi mọi người,
+ lần hạt chung riêng hằng ngày chục kinh thứ hai mùa vui, tha thiết xin ơn biết cùng Đức Mẹ LÊN ĐƯỜNG.
+ suy nghĩ, chọn lựa, dự kiến sẽ mời (những) ai cụ thể trong số các anh chị em lương dân mình đã quen biết do các mối quan hệ như : bà con xa gần, sui gia, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiêp, đối tác làm ăn, ân nghĩa…
+ hướng tới (những) người đó thường xuyên trong kinh nguyện.
– Treo băng-rôn quanh nhà thờ: Khánh nhật Truyền giáo, ngày đến với anh em lương dân – Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian – Chúng ta cùng đem Tin Mừng đi khắp đó đây – …
– Chuẩn bị tinh thần cho cộng đoàn có nhiều người tự nguyện sẵn sàng tham gia chương trình, để ngày 02/11, họ sẽ đích thân mỗi người đón tiếp (những) khách mời của mình vào nhà thờ cùng cả giáo xứ tham dự Lễ Thắp hương Hiếu thảo Tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên.
– In sẵn thư mời. Có thể tham khảo mẫu dưới đây:
– Chúa nhật Truyền giáo, cha sở một lần nữa giải thích cụ thể Phương thức Một-cặp-Một (mỗi người mời ít nhất một người), và phổ biến rộng rãi Chương trình ngày 02/11, kêu gọi tất cả mọi giáo dân hưởng ứng như một thực hành truyền giáo cụ thể sau khi đã nghe giảng dạy, cầu nguyện và đóng góp vật chất.
2. Lên đường
– Kết thúc Thánh lễ Chúa nhật Truyền giáo, mỗi giáo dân sẽ nhận một hay nhiều thư mời tại cửa nhà thờ hay tại khu/xóm đạo của mình, rồi tìm dịp thuận tiện nhất và sớm nhất đến thăm (những) người mình đã dự kiến mời.
– Thời gian thăm viếng để chuyển thư sẽ trong khoảng 2 tuần lễ, từ Chúa Nhật Truyền giáo đến áp ngày lễ Các Linh hồn 02/11.
– Người đi mời sẽ giải thích cho khách nhận thư biết trước ý nghĩa của Lễ Thắp hương Hiếu thảo, chẳng hạn có thể nói: Người Công giáo
+ cũng tôn kính Tổ Tiên, nhất là Cha Mẹ Ông Bà đã quá cố.
+ cũng thắp nhang đèn và có thể cũng cúng cơm bánh hoa quả trên bàn thờ các ngài, không phải để các ngài hưởng dùng, nhưng để con cháu nói lên lòng hiếu thảo, tri ân.
+ hằng ngày, trong các thánh lễ tại nhà thờ, cùng nhau cầu nguyện cho cha mẹ ông bà tổ tiên của mình và của anh chị em đồng đạo hay của những người mình thân quen.
+ mỗi năm, dành ra suốt tháng 11 dương lịch để tưởng nhớ Tiên nhân, gọi là tháng Các đẳng linh hồn.
+ Trong tháng này, đặc biệt và long trọng nhất là ngày mùng 2, lễ Các đẳng linh hồn.
+ Bà con lương dân đến dự Lễ Thắp hương Hiếu thảo ngày 02/11 này, có thể mang theo di ảnh của những người thân yêu đã qua đời, để sẽ đặt chung trên giá với di ảnh của bà con trong giáo xứ, có hoa nến trang trọng. Linh mục và mọi người sẽ thắp nhang tưởng niệm, rồi làm lễ dâng kinh cầu nguyện chung cho tất cả các bậc Tiên nhân lương giáo.
– Khi được nhận lời, người chuyển thư sẽ hẹn gặp lại khách mời tại cổng chính nhà thờ ngày 02/11, vào một giờ nhất định trước giờ ghi trong Thư mời.
3. Cử hành
Lễ 02.11 kéo dài tinh thần của Khánh Nhật Truyền Giáo, nên cần tổ chức thật trọng thể.
Đây là ngày gặp gỡ thân tình mà mối liên kết đậm đà và hiệu quả chính là Thiên Chúa Tình Yêu và Linh hồn của các bậc Cha Mẹ Ông Bà Tiền Nhân Tiên Tổ lương-giáo, nhất là của những người thân yêu mới qua đời. Đức ái chân thực xuất phát tự đáy lòng mọi người bên đạo, từ linh mục, tu sĩ tới từng người giáo dân, trong mọi chi tiết diễn biến suốt buổi Thắp Hương Tưởng Nhớ, từ lúc đón tiếp cho đến giây phút tạm biệt, chính là linh hồn của ngày truyền giáo thực hành này.
a) Đón tiếp
– Đến ngày Lễ 02/11, giáo xứ treo một băng-rôn lớn, ngay trước nhà thờ, nói lên ý nghĩa của ngày Lễ và Tháng Các Linh Hồn. Ví dụ : Tháng 11: Cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên đã qua đời hoặc: LỄ THẮP HƯƠNG HIẾU THẢO NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN
– Cá nhân đã chuyển thư mời sẽ giữ giờ hẹn với khách của mình, có mặt sẵn tại cổng nhà thờ trước giờ lễ để đón tiếp, tuyệt đối không để khách bơ vơ lạc lõng vì không gặp được người quen ; dẫn khách tới ngay Bàn Tiếp Tân sau cổng nhà thờ.
– Ban Lễ Tân của giáo xứ ân cần và niềm nở chào đón, có thể gắn hoa hay phù hiệu cho cả người mời lẫn khách…
– Người mời có thể đưa khách đi tham quan khung cảnh nhà thờ, giới thiệu các cơ sở cùng với những sinh hoạt của giáo xứ… Cần nhất là luôn diễn tả niềm vui, tình thân ái và lòng kính trọng chân thành.
. Đến giờ lễ, đưa khách vào nhà thờ, dẫn khách tới chỗ dành riêng. Tốt nhất là ngồi bên cạnh cho khách yên tâm, nhẹ nhàng và vắn tắt giải đáp thắc mắc của khách khi cần.
. Trước lễ, Cha chủ tế đại diện cộng đoàn giáo xứ long trọng chào mừng và cám ơn quí khách dã hoan hỷ đáp lời thỉnh mời của giáo xứ, nói ý nghĩa của Ngày Lễ và Tháng Cầu cho Các Linh Hồn, mời gọi mọi nguời tham dự thánh lễ và cùng cầu xin Ơn Trên cho Tiên nhân được siêu độ và nhất là cùng cử hành Nghi thức Thắp hương Hiếu thảo trước các di ảnh, cùng bày tỏ lòng hiếu kính, tình thảo thơm và dạ tri ân của mọi người con cháu giáo lương.
b) Thắp hương
– Có thể cử hành trước giờ Thánh lễ.
– Bàn thờ Tổ Tiên có hoa đèn và lư hương lớn; hai bên là giá đặt các di ảnh bà con lương giáo đem tới, rải rác phía trước là những lư hương nhỏ.
– Bắt đầu bằng bài hát “Uống nước nhớ nguồn” hoặc một bài thánh ca.
– Người hướng dẫn xướng vài ý tưởng niệm: Tạ ơn Tiên nhân vì công đức sinh thành dưỡng dục; Tạ lỗi với Tiên nhân vì những thiếu sót bổn phận phụng dưỡng, vì những bất hiếu và những việc làm ô danh gia tộc…; Khấn cầu Tiên nhân phù hộ cho con cháu được ấm no, hạnh phúc, sống đức hạnh, yêu thương đùm bọc lẫn nhau… Sau mỗi ý, có thể điểm thêm những nhịp trống chiêng…[1]
– Linh mục chủ tế, các đại diện và một số vị trọng tuổi (đã được mời và có tập trước) thinh lặng niệm nhang trước bàn thờ Tiên nhân và trước các di ảnh….
– Hát điệp khúc bài “Cầu cho Cha Mẹ” hay một bài thánh ca ngắn về mầu nhiệm phục sinh trong khi chủ tế, rồi đến từng người trong đoàn niệm nhang tiến lên cắm nhang vào các lư hương.
– Nhóm thiếu nhi bước lên tiến hoa quả…
– Linh mục đọc một Lời nguyện kết thúc Nghi thức Thắp hương.
c) Thánh lễ
– Rước nhập lễ: Có thể kết hợp với Nghi thức Thắp hương:
Những người mang theo di ảnh Tiên nhân sẽ nhận mỗi người một cây nhang nhỏ, xếp thành hai hàng theo sau Thánh Giá đèn hầu từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh, cúi chào bàn thờ, rồi tiến đến trước kệ, đặt di ảnh Tiên nhân lên, đứng ngay ngắn, niệm nhang một giây (không xá nhang), rồi về chỗ. Mỗi bên bàn thờ Tổ Tiên có một người đứng chực sẵn, xếp đặt lại các di ảnh cho thứ tự, đẹp mắt.
Sau cùng, cha chủ tế và giúp lễ, các đại diện và một số vị trọng tuổi đứng thành đội hình, nghe xướng ý tưởng niệm rồi xá nhang trước bàn thờ Tổ tiên… như đã nói ở phần Thắp hương trên đây.
Rồi chủ tế và giúp lễ tiến lên bàn thờ, bắt đầu thánh lễ.
– Bài đọc: Theo Phụng vụ ngày 02.11.
– Bài giảng: Giải thích Lời Chúa, trình bày ý nghĩa của Nghi thức Thắp hương Hiếu thảo và của niềm hy vọng vào sự sống đời sau trong đạo Công giáo : Chúa Giêsu, Đấng đầu tiên trong nhân loại đã chết và đã sống lại, sẽ ban sự sống lại và sống vĩnh cửu cho những ai tin theo Người. Bài giảng đặc biệt nhắm tới anh chị em lương dân, nên thật ngắn, thật bình dị và tóm thật gọn những điều chính yếu để dễ nhớ.
– Lời cám ơn trước Kết lễ : Đây là dịp rất tốt để cha sở và giáo xứ ghi sâu những dấu ấn thiện cảm trong lòng khách lương dân: Cám ơn quý khách đã như những người anh chị em rất thân thương đến thăm nhà thờ, chia sẻ tâm tình thảo hiếu, chung lời cầu xin Ơn Trên cho Ông Bà Tổ Tiên lương giáo. – Mời ghé thăm lại nhà thờ dịp Noel & dịp Tết sắp tới… – Kêu gọi chung tay làm việc thiện, cụ thể là nhận những thùng mì và những kí gạo của giáo xứ (do bà con giáo dân tự tình góp lại), đem về chia sẻ lại cho bà con xóm giềng nào lỡ gặp cảnh túng thiếu. – Sau cùng, mời nán lại ngay sau lễ, cùng “ăn đám giỗ Tiên nhân” với nhau, chia sẻ vài món thanh đạm và những câu chuyện thân tình.
c) Bữa ăn nhẹ họp mặt lương giáo
– Sau Thánh lễ, để siết chặt mối thân tình, giáo xứ có thể dọn sẵn một bữa liên hoan nhẹ: bánh, nước ngọt, chè cháo, hoặc hội chợ ẩm thực…, mời anh chị em lương dân tham dự với tất cả bà con giáo dân hoặc với những ai đã mời khách.
– Để dễ chuyện trò trao đổi, có thể vẫn ngồi theo cách Một-cặp-Một. Dễ đi vào tâm tình của nhau nhất là hỏi chuyện về những người thân yêu đã khuất, nhất là khi có những anh chị em mới mất. Cũng có thể hỏi cảm nghĩ về buổi lễ, về Nghi thức Thắp hương; hay có thể xin những ý kiến đóng góp khác để lần sau tổ chức tốt hơn… (Cha sở sẽ hỏi lại giáo dân về những cảm nghĩ và ý kiến này của khách).
– Để giúp vui bầu khí, có thể tổ chức thêm vài mục văn nghệ bỏ túi, theo các chủ đề : thảo hiếu, công ơn tiền nhân, tình thân lương giáo. Nhưng văn nghệ đừng quá dày và đừng lấn át những trao đổi thân tình.
– Đây cũng là cơ hội tốt để giáo xứ giới thiệu các hoạt động bác ái: gạo cho người nghèo, quỹ trợ giúp người khuyết tật, dự án nhà tiền chế cho hộ nghèo, hòm từ thiện và gạo giúp các đám tang gặp khó khăn, học bổng cho thiếu nhi nghèo, bữa ăn sáng cho người bán vé số, hội chợ trang phục… Cụ thể, có thể nhờ ngay mỗi khách mời mang về dăm ký gạo hoặc một thùng mì, trao lại cho những người túng thiếu, như chút lòng thảo thơm từ ‘đám giỗ’.
– Tuy nhiên, việc bác ái nào cũng rất cần phân minh tách bạch với những dụng ý ‘đạo dụ’. ‘Đức tin’ do bị mua chuộc, dầu dưới những hình thức tinh vi nhất, cũng sẽ là một đức tin bề ngoài hời hợt, không thể vững ngay từ những bước chân đầu tiên theo Đức Kitô thập giá.
– Kết thúc, có thể chuẩn bị thêm một món quà nhỏ (tấm bánh cho người già, bịch kẹo cho các cháu bé ở nhà…). Cha sở và giáo xứ tiễn khách ra tận cổng, với lời hẹn gặp lại trong Đêm No-en 24/12 (Xem Đề nghị một Chương trình Canh thức Noel cho lương dân).
III. KẾT LUẬN
– Khánh Nhật Truyền giáo, vào Chúa Nhật III của tháng 10, năm nào cũng ngay trước Lễ Các Đẳng 02.11, nên sẽ là cơ hội rất tốt (1) để giáo dân thực hành truyền giáo, (2) để người Công giáo giới thiệu cách thể hiện đạo hiếu vốn rất gần gũi với anh chị em lương dân, (3) để giáo xứ mở rộng giao lưu ra môi trường xung quanh (4) và cũng để giới thiệu các hoạt động bác ái của giáo xứ.
– Việc thực hành truyền giáo này :
+ giúp giáo dân sống tinh thần truyền giáo một cách thực tế, cụ thể, ai cũng làm được, tập làm quen với việc đến với anh chị em lương dân (thăm viếng, mời gọi họ đi lại với nhà thờ, chia sẻ với họ niềm tin và việc phụng tự…).
+ tạo điều kiện cho lương dân thấy được những nét đẹp của đạo Công giáo trong việc tôn kính Ông Bà, trong các sinh hoạt của nhà thờ, các hoạt động bác ái ; đưa họ lại gần hơn với linh mục, cởi mở và thân thiện hơn với giáo dân…
+ làm cho Khánh Nhật Truyền giáo hằng năm thêm ý nghĩa thực tế và thực sự thành ngày “Ra đi loan báo Tin mừng” cho lương dân, chứ không phải chỉ đơn thuần là một ngày cầu nguyện hay một dịp đóng góp chút tiền của vật chất.
– Mời được một lương dân đến nhà thờ, tạo được tình thân với anh em tôn giáo bạn, giới thiệu được một đôi nét về giáo xứ… là một thành quả truyền giáo. Như thế, người giáo dân đã thực sự bắt đầu tích cực góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng và làm cho Khánh Nhật Truyền giáo thêm tròn đầy ý nghĩa.
– Ước chi gợi ý này không chỉ được thử nghiệm một lần “cho biết” rồi thôi luôn cho đỡ mệt, hoặc không chỉ áp dụng luẩn quẩn trong phạm vi một vài giáo xứ, nhưng được đón nhận và bổ sung hay hoàn thiện ngày mỗi hơn, rồi được coi như những sáng kiến chung của mọi người hợp lại và được tổ chức “đồng loạt” trong một hay nhiều giáo phận, năm này qua năm khác, hy vọng, nhờ ơn Chúa, dần dần thành một “thông lệ” truyền giáo đầy ấn tượng của Giáo hội Việt Nam vào mỗi Chúa nhật thứ III trong Tháng Mân Côi, Tháng Hoa Hồng rực rỡ mừng kính Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, Đức Mẹ Truyền Giáo.
Lm. GB. Trương Thành Công
congcantho@gmail.com
Lm. Dom. Nguyễn Đạt Tam
nguyentsss@yahoo.com.vn
[1] Nên đánh rất nhẹ tiếng, tạo bầu khí linh thiêng.