Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không hỗ trợ Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) trong năm thứ ba liên tiếp, cơ quan Liên hiệp quốc tuyên bố vào sáng thứ Ba, 16 tháng 7.
Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không đóng góp 32,5 triệu Mỹ kim dự kiến cho cơ quan này. Thay vào đó, khoản tài trợ này sẽ được chuyển cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, nơi nó sẽ được sử dụng cho các chương trình kế hoạch hóa gia đình theo chính sách của Thành phố Mexico, cũng như các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và sinh sản.
Ông Pompeo cho biết Hoa Kỳ sẽ không hỗ trợ UNFPA vì mối quan hệ đối tác với chính phủ Trung Quốc thông qua văn phòng tại quốc gia đó.
“Các chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc vẫn liên quan đến việc sử dụng phá thai cưỡng chế và thực hành triệt sản không tự nguyện,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói.
Bộ Ngoại giao nói rằng, “Theo tài liệu riêng của quỹ, các đối tác của cơ quan về kế hoạch hóa gia đình với cơ quan chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm về các chính sách cưỡng chế này.”
UNFPA phủ nhận rằng công việc của họ ở nước này liên quan đến triệt sản hoặc phá thai. Sarah Craven, Chánh văn phòng UNFPA tại Hoa Thịnh Đốn nói với CNN rằng “cơ quan này đang cố gắng chấm dứt phá thai có chọn lọc giới tính và giới hạn sinh đẻ cưỡng bức,” và họ không có chiều hướng giúp đỡ chính phủ Trung quốc trong vào những mục tiêu này.
“Hoàn toàn ngược lại,” Craven nói với CNN.
UNFPA cũng phủ nhận rằng công việc của họ đang góp phần phá thai hoặc triệt sản, và đã chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ một lần nữa từ bỏ việc tài trợ cho cơ quan này.
“UNFPA vẫn chưa cho thấy bằng chứng để chứng minh cho những tuyên bố đúng đắn chống lại công việc của mình,” tổ chức này cho biết trong một tuyên bố được công bố trên trang web của mình. “UNFPA không thực hiện, thúc đẩy hoặc tài trợ cho phá thai và chúng tôi dành ưu tiên cao nhất cho việc tiếp cận phổ cập đến kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, giúp ngăn ngừa phá thai xảy ra.”
Ngoài ra, UNFPA cho biết họ đã phản đối các hành vi cưỡng chế, chẳng hạn như triệt sản bắt buộc và phá thai bị ép buộc, và coi đó là hành vi vi phạm nhân quyền.
Trong khi cơ quan này duy trì sự tách biệt khỏi việc sử dụng cưỡng chế phá thai và triệt sản, việc sử dụng cả hai thực hành như các công cụ kiểm soát dân số đã được tranh luận một cách tỉ mỉ.
Sứ vụ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc từ lâu đã cảnh báo về việc sử dụng các chính sách cưỡng chế trong các vấn đề dân số. Trong một bài phát biểu chính tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển vào tháng 9 năm 1994, nhà ngoại giao Vatican lúc đó tại Liên hiệp quốc là Đức Tổng Giám mục Renato Martino đã nói với hội nghị rằng phụ nữ thường là “nạn nhân chính” của chính sách dân số mà họ thường có xu hướng cưỡng chế và gây áp lực, đặc biệt là thông qua việc thiết lập các mục tiêu cho các nhà cung cấp.
Tổng Giám mục Martino đặc biệt dẫn chứng thực hành khuyến khích triệt sản cho phụ nữ như là một lựa chọn kế hoạch hóa gia đình của Cameron, thường không có phụ nữ hiểu được tính lâu dài của quy trình. Ngài cũng lưu ý rằng chiến dịch này ngày càng tăng nhằm công nhận phá thai là “quyền của con người.”
Vào tháng Tư năm nay, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, đã phát biểu tại một hội nghị được tổ chức để đánh giá những tiến bộ đạt được kể từ hội nghị thượng đỉnh năm 1994.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Auza đã nhấn mạnh sự phản đối của Giáo Hội đối với những nỗ lực đang diễn ra tại Liên hiệp quốc nhằm hợp pháp hóa và thúc đẩy phá thai là quyền của con người và coi đó là một công cụ hợp pháp trong việc kiểm soát dân số.
“Việc gợi ý rằng sức khỏe sinh sản bao gồm quyền phá thai rõ ràng vi phạm cách diễn đạt của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (1994), bất chấp những tiêu chuẩn đạo đức và pháp lý bên trong những luật pháp trong nước, và phân chia những nỗ lực để giải quyết nhu cầu thực sự của bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là những trẻ chưa sinh,” ngài nói.
Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn