Bài giảng của Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh trong Thánh lễ Tạ ơn mừng Ngân khánh Giám mục Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, ngày 16/11/2017.
Kính thưa anh chị em,
Chúng ta quy tụ về đây trong hân hoan để mừng ngân khánh Giám mục của Đức Cha Phaolô Maria kính yêu của chúng ta. Mặc dầu tầm mức tổ chức khiêm tốn nhưng niềm vui tràn đầy và mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Biến cố trọng đại này nằm trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam đang bước vào năm Đồng Hành Với Các Gia Đình Trẻ. Được gợi hứng bởi 2 sự kiện nói trên, tôi xin trình bày với anh chị em mấy ý tưởng đơn sơ: Thứ nhất, thiên chức Giám mục rất cao trọng; tiếp đến, chức thánh Giám mục là ơn thiên triệu được trao ban nhờ cuộc sống gia đình; và cuối cùng, gia đình ngày nay bị cám dỗ và chịu áp lực đón nhận hoa quả tình yêu dựa vào tính toán ích kỷ của vợ chồng và những hệ lụy tiêu cực của nó.
- Trước hết, thiên chức Giám mục là hồng ân trọng đại
Giáo luật điều 375 khẳng định: “Các Giám mục là những người, do ý định của Thiên Chúa, kế vị các Tông đồ do quyền lực của Chúa Thánh Linh đã ban cho họ, được đặt làm các Chủ chăn trong Giáo Hội để làm những thầy dạy đạo lý, tư tế phụng tự và tác viên lo việc quản trị.”
Sách Giáo lý số 1594 thì cho biết: “Việc truyền chức Giám mục trao ban sự viên mãn của Bí tích Truyền chức. Bí tích này làm cho Giám mục trở thành người kế nhiệm hợp pháp của các Tông đồ và hội nhập ngài vào Giám mục đoàn, chia sẻ với Ðức Giáo hoàng và các Giám mục khác sự quan tâm chăm sóc cho toàn thể Hội Thánh.”
Khó có thể nói hết về sự sự cao cả của thiên chức Giám mục, cũng không phải là đối tượng để bàn luận thấu đáo trong một bài giảng lễ, lại càng không phù hợp với khả năng và tư cách của tôi, vì làm thế khác nào “múa rìu trước mặt thợ”. Hơn thế nữa, những lời dạy chính thức của Hội Thánh trên đây đã bao gồm những yếu tố căn bản nhất của thiên chức Giám mục rồi. Tôi xin trình bày ý thứ hai ngay sau đây.
- Chức thánh Giám mục là ơn thiên triệu được trao ban nhờ cuộc sống gia đình
Đức tin dạy chúng ta biết thiên chức Giám mục cao cả bởi đó chính là ơn gọi đặc biệt Chúa trao ban: “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc.” (Gr 1,4). Mặc dầu vậy, Giám mục không phải là những siêu nhân hay những người hùng. Thiên chức này được ban cho những con người bằng xương bằng thịt như bao người khác. Công đồng Vatican II lưu ý: “Khi thi hành chức vụ thánh hóa, các Giám mục phải nhớ rằng mình đã được chọn từ muôn người và được đặt lên cho họ trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để dâng của lễ và lễ vật hy sinh đền tội.” (GM 1).
Hồng ân cao cả này là ơn kêu gọi đặc biệt từ Thiên Chúa, đồng thời cũng được kết tinh bởi công ơn sinh thành dưỡng dục, bởi đức độ và sự hy sinh cao cả của các bậc cha mẹ trần gian. Người ta truyền tụng cho nhau về điều mà mẹ của Thánh Giáo hoàng Piô X nói với con khi con làm Giám mục: “Nếu không có chiếc nhẫn cưới của mẹ đây thì làm sao có chiếc nhẫn Giám mục của con ngày hôm nay được!” Câu chuyện này chính xác bao nhiêu không rõ, nhưng nó nói lên một sự thật không thể chối cãi: Vị thánh Giáo hoàng của chúng ta đã được sinh ra bởi cha mẹ ngài. Được ông bà cố trực tiếp nuối nấng dạy dỗ, ít ra là cho tới ngày nhập trường đào tạo chính quy của Giáo Hội. Một hành trình tương tự cũng có thể được nói về Đức Cha già kính yêu của chúng ta. Điều này liên quan đến một câu thẩm vấn trong nghi thức lễ cưới: “Các con có sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội Thánh không?” Dĩ nhiên là các ông bà cố của Đức Thánh Giáo hoàng Piô X, của Đức Cha Phaolô Maria và cả cha mẹ chúng ta đã quảng đại đón nhận con cái như Chúa và Giáo Hội dạy. Điều này cũng được ghi trong Thư Mục vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa năm 2017 như sau: “Mặc dù có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ Công giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh…” (TMV 2017,2).
Có thể kể thêm câu chuyện về hai linh mục người Chile là anh em song sinh, cha Paulo Lizama và cha Felipe Lizama, sinh ngày 10 tháng 9 năm 1984. Hai anh em này đã được sinh ra nhờ thân mẫu kiên quyết không chịu phá thai. Mẹ của 2 linh mục này là bà Rosa Silva, khi siêu âm bào thai, được bác sĩ cho biết: “Thai nhi có 3 tay, hai cái đầu, chân thì quấn lấy nhau.” Bác sĩ còn cho biết “tính mạng bà có thể bị nguy hiểm và cách chữa trị là phá thai.” Tuy nhiên, bà Rosa đã kiên quyết từ chối lời đề nghị phá thai. Bà chấp nhận những gì Thiên Chúa trao cho bà.
Điều này minh họa thêm cho những gì đã nói trên: Giám mục, linh mục hay bất kỳ đấng bậc nào kể cả trong đạo và ngoài đời đã được hiện hữu và thi hành sứ vụ nhờ ơn gọi đặc biệt đến từ Thiên Chúa và sự đáp trả đầy yêu thương và trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Sự đáp trả này thật là cao quý, quảng đại và đáng trân trọng.
- Điều thứ batôi muốn nói với anh chị em là: dầu biết rằng các Giám mục hay bất cứ vĩ nhân nào trên thế giới cũng xuất thân từ gia đình mà điều cốt yếu đầu tiên là mầm sống được cha mẹ đón nhận từ bàn tay Đấng Toàn Năng, nhưng gia đình ngày nay bị cám dỗ đón nhận ơn Chúa theo sự lựa chọn ích kỷ của mình và thường dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Hội đồng Giám mục Viêt Nam trong Thư Mục vụ nói trên đã cảnh báo: “Phải nhìn nhận rằng do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính. (TMV 2017,2).
Nếu như sức sống dẻo dai của Đức Cha già được mọi người đón nhận cách hào hứng như là quà tặng quý giá của Thiên Chúa, và điều đó khiến cả giáo phận chúng ta phải dâng lời cảm tạ, thì điều trái ngược là sự sống ngày nay nhiều khi không được đón nhận. Đó là mâu thuẫn lớn nhất của con người thời đại. Nếu như người ta phải bỏ ra bạc tỷ để cứu sống một mạng người, mà nhiều khi lại không thành, thì người ta chỉ mất một liều thuốc nhỏ bé để giết một mạng người trong lòng mẹ. Con người đối xử với nhau theo lý của kẻ mạnh, kẻ mạnh được sinh ra, kẻ mạnh có quyền sống, kẻ mạnh có quyền tước mạng sống của kẻ yếu và quyết định số phận ai được sinh ra và ai không được sinh ra. Điều tồi tệ là chính cha mẹ trở thành kẻ mạnh đối với con cái mình và họ tự cho mình cái quyền quyết định con nào được sinh ra và con nào phải phá bỏ.
Cám dỗ đầu tiên của mọi cám dỗ là ma quỷ muốn lên bằng Đức Chúa Trời. Con người ngày nay cũng bị cám dỗ chiếm địa vị của Thiên Chúa, nắm quyền sinh sát trong tay. Mà một khi con người đã muốn chiếm địa vị của Thiên Chúa thì nấc thang giá trị bị đảo lộn. Vật chất được tôn lên hàng đầu và mọi sự đều được soi xét tính toán hơn thiệt dựa vào lăng kính lợi nhuận. Nếu như ngày nay người ta lai giống cho có bí siêu ngọn, rau siêu lá, gà siêu trứng và lợn mắn đẻ thì người ta lại triệt hạ con người trong dạ mẹ. Bởi tính toán theo cách duy vật thì con nào cũng là con, con lợn con chó đem lại lợi nhuận cho tôi, tôi phải phát triển nó. Con người sinh ra sẽ gây thêm phiền hà, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, kìm hãm đà tiến của tôi. Tôi phải triệt hạ nó!
Kính thưa anh chị em, tôi đoán chắc nhiều người trong chúng ta đã hơn một lần dự những buổi lễ đặc biệt liên quan Đức Cha già như là lễ Kim khánh linh mục, lễ mừng thọ 90 do con cháu và do giáo phận tổ chức, và nay là lễ mừng Ngân khánh Giám mục, bởi người là vị giám mục lập khá nhiều kỷ lục. Điều quan trọng là, nếu người có thêm những dịp kỷ niệm khác, chắc chắn con cái giáo phận nhà vẫn hào hứng tham gia và dành cho người tình cảm đặc biệt. Việc mừng ngân khánh Giám mục cũng như các dịp kỷ niệm khác của Đức Cha gắn liền với tuổi thọ và sức khỏe phi thường của người. Điều này chắc chắn là ơn Chúa ban, mặc dầu chúng ta không phủ nhận những bí quyết trong việc giữ gìn sức khỏe của người. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Có ai nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm một gang tay?”(Lc 12,25). Nói chuyện này trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam đang tiến vào năm Đồng Hành Với Các Gia Đình Trẻ; nếu như xác định hết những gì chúng ta đang có, và ngay chính bản thân chúng ta đều là ân huệ Chúa ban, thì điều trái ngược đang diễn ra trong không ít gia đình chúng ta, dường như họ đang nói với Thiên Chúa rằng: Chúa ban cho chúng con những ơn không đúng chỗ, không đúng cách, chúng con không mong đợi, và chúng con có tự do lựa chọn những ơn nào phù hợp với mình, những thứ khác, chúng con xin kiếu. Tôi muốn nói về tình trạng lựa chọn giới tính đang diễn ra khá phổ biến mà HĐGM VN có đề cập trong Thư Mục vụ năm nay. Thống kê báo chí đưa ra những con số khác nhau về tình trạng chênh lệch giới tính hiện nay tại Việt Nam, mà số trẻ nam đang chiếm ưu thế áp đảo. Có tài liệu cho rằng có 120 bé trai trên 100 bé gái. Thậm chí như ở Ba Vì (Hà Nội), một nghiên cứu đăng trên báo Lao Động cho biết có tới 130-140 bé trai trên 100 bé gái. Thật là những con số gây sốc! Điều đáng nói là những chuyện đó không phải chỉ xảy ra ngoài thiên hạ. Chính các xứ đạo chúng ta cũng bộc lộ tình trạng này. Quan sát các lớp thêm sức và xưng tội lần đầu tại các giáo xứ mấy năm nay chúng ta thấy những điều tương tự đang diễn ra tại không ít giáo xứ. Nếu ai còn hồ nghi điều này, xin hãy mở sổ sửa tội và thêm sức các giáo xứ trong vòng 5 năm trở lại đây để tìm hiểu thêm!
Nếu những người có đạo mà vẫn lựa chọn giới tính con cái, để rồi trẻ nam mới có quyền sinh ra thì chúng ta nghĩ gì? Phải chăng là Thiên Chúa không có quyền can thiệp vào gia đình của họ? Không ít đôi vợ chồng đã mời Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và các mối quan hệ của họ. Người ta đã đưa các phương tiện kỹ thuật và sự tính toán hơn thiệt vào cả mối quan hệ thầm kín riêng tư nhất của vợ chồng; hoa trái của tình yêu cũng được cắt xén bằng công nghệ. Mọi thứ được cân đong đo đếm hoàn toàn dựa vào cán cân kinh tế và dành trọn quyền quyết định cho cái tôi của họ.
Phải chăng người ta đã hoàn toàn cậy dựa vào sức mình, vào các phương tiện trần tục và dĩ nhiên là không có chỗ cho Thiên Chúa trong các quyết định của vợ chồng họ. Đây là sự phỉ báng lớn lao dành cho Thiên Chúa, bởi vì “Vinh Quang Của Thiên Chúa Là Con Người Sống” (Th. I-rê-nê). Vậy mà con người đã bị giết chết bởi chính bàn tay của cha mẹ họ.
Một vấn nạn được đặt ra là: nếu sự sống muôn loài, cách riêng loài người là độc quyền tạo dựng của Thiên Chúa, tại sao Ngài lại để cho người ta vi phạm cách dễ dàng như vậy? Thế chẳng hóa ra Thiên Chúa bất lực sao? Có vẻ giống như vậy, sự bất lực của Thiên Chúa tại bởi lòng thương xót của Ngài. Chúa không hành động theo cơn nóng giận, “Ngài chậm giận và giàu tình thương.” Chúa có giận thì “giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời”. Lẽ công bình của Ngài nhiều khi được thực thi bởi lòng thương xót. Mặc dầu vậy, hậu quả của việc khước từ Thiên Chúa là không tránh khỏi, như điều mà HĐGM VN đã đề cập trong Thư Mục vụ nói trên: “Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo hoá, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mới.” Quả thật, chỉ cần đề cập đến khía cạnh kinh tế xã hội thì đủ thấy, tình trạng mất cân bằng dân số đã khiến không ít đàn ông ở Trung Quốc và Ấn Độ không cưới được vợ tại quê nhà, họ phải đi khắp đất nước và thậm chí sang nước ngoài để tìm vợ. Cũng từ nó phát sinh những dịch vụ môi giới hôn nhân từ nước này sang nước khác, mà thực chất nhiều khi là một hình thức mua bán người qua tay các trung gian cò mồi. Riêng tại Việt Nam chúng ta đã có không ít phụ nữ bị lừa, bị bắt bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ. Thử hỏi, vài chục năm sau, thanh niên Việt Nam chúng ta có đủ tiền để mua vợ xứ người hay không?
Điều tôi đang nói xem ra không liên quan gì mấy đến ngày đại lễ hôm nay, tuy nhiên, tôi muốn nêu lên một thực tế là con người ngày nay xem ra ít trân trọng đón nhận những gì Thiên Chúa gửi đến mà không hợp gu với họ. Và cũng phải nhắc lại rằng, loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời là tự mình chuốc lấy tai họa. Tại Việt Nam chúng ta, do chính sách dân số độc đoán mà nhiều nơi được áp đặt cách phi nhân và máy móc. Kết quả là nhiều cá nhân và tập thể lập thành tích xuất sắc, có thể có những người được thăng quan tiến chức và hưởng bộc lộc nhờ chính sách này. Mục tiêu giảm bớt đà tăng dân số đã đạt được, nhưng ngày nay người ta đã phải lo lắng trước hiện tượng lão hóa dân số trong tình trạng đất nước “già mà chưa giàu” đặt ra những thách thức và khó khăn mới.
Kính thưa anh chị em, được cùng giáo phận nhà dâng lời tạ ơn Chúa dịp mừng ngân khánh Giám mục của Đức Cha già trong lúc Giáo Hội Việt Nam đang tiến vào khoảng giữa của chặng đường 3 năm mục vụ nhắm tới gia đình, tôi đã cố gắng minh họa phần nào tầm quan trọng của gia đình trong việc quảng đại đón nhận mầm sống Chúa ban và cho thấy Chúa đã làm nên những điều trọng đại từ sự hy sinh của các bậc cha mẹ. Đây cũng là cơ hội tốt để nhắc lại sứ điệp quan trọng mà Giáo Hội muốn gửi tới các gia đình trẻ: Hãy can đảm vượt qua mọi thử thách và cám dỗ để được tham dự cách sung mãn vào thiên chức mà Tạo hóa ban tặng là sinh sản và giáo dục con cái theo như ý Chúa muốn.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh