Osservatoreromano.va (10/10/2024) – Đèn Giáng sinh đã có ở một số ban-công và các cửa kiếng nhà hàng ở Rôma. Mùa hè sắp hết nhưng vẫn có những người chờ một mùa nghỉ mới, giảm thời gian chờ đợi giữa những kỳ nghỉ tiếp nhau. không quan trọng thời gian này là bao nhiêu ngày trên lịch. Thêm nữa, như chúng ta đã thấy từ nhiều năm qua, chúng ta chưa kịp mua bán Giáng sinh thì đã thấy quả trứng Phục sinh đầu tiên xuất hiện. Nhưng vì sao chúng ta lại thích sống trong bối cảnh mà các bảng hiệu và đồ vật – từ ánh đèn đến các sản phẩm, thực phẩm trong cửa hàng – luôn nhắc đến một dịp để ăn mừng? Có lẽ vì chúng ta không còn muốn chờ đợi nữa, nhất là chúng ta không muốn chờ đợi những điều mình quan tâm, chúng ta không còn nhận ra giá trị của thời gian trôi qua, điều này làm những gì chúng ta mong muốn có càng trở nên đáng khao khát hơn. Bây giờ chúng ta muốn mọi thứ có ngay lập tức. Và sau khi mọi thứ này kết thúc, được tiêu thụ quá nhanh, chúng ta tiếp tục nhìn “mọi thứ” khác, những thứ cũng sẽ biến mất nhanh chóng.
Trong vài thập kỷ nay, chúng ta đã là một phần của một xã hội trong đó tốc độ là khía cạnh áp đặt và ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và điều này đã đạt đến mức khác thường ở một số nơi trên thế giới. Chúng ta chế tạo xe hơi nhanh hơn, tàu cao tốc nhanh nhất. Chúng ta chế tạo các máy tính ngày càng nhanh nhất. Và cả thức ăn cũng phải nhanh! Câu tục ngữ cổ đã nói: “Rôma không được xây dựng trong một ngày: “ Nhưng bây giờ chính xác đó là điều chúng ta mong muốn: “Rôma trong một ngày”. Trong cái máy ly tâm này, mong chờ dư thừa đều bị loại bỏ không thương tiếc, mọi gián đoạn bị cho là vô ích, nhưng chúng ta đã đánh mất quá nhiều thứ đã cùng đi, cùng tra vấn con người trong hàng ngàn năm, điều này chẳng có gì ngạc nhiên vì nó là nguồn cảm hứng cho nhiều kiệt tác vĩ đại nhất của nhân loại: sự chờ đợi. Niềm tin tưởng chờ đợi điển hình là hình ảnh người nông dân gieo hạt trong Tin Mừng. Ông không biết hạt giống ông gieo có sinh hoa trái không, nhưng ông vẫn tiếp tục chăm sóc đất đai, không nản lòng chờ mùa thu hoạch đến.
Ngay cả Giáo hội, xuyên qua lịch sử và đồng hành với giáo dân ở mọi thời đại, cũng có thể có nguy cơ hấp thụ tinh thần thời đại không cho phép dừng lại, chứ không hẳn chỉ chờ đợi. Cuối cùng, ngay cả trong Giáo hội – trong các giáo xứ cũng như trong mọi thực tại lớn, nhỏ của Giáo hội – chúng ta mong muốn mọi việc được giải quyết nhanh chóng. Đây là phản ứng đầu tiên (rất con người) được phát động mỗi khi có vấn đề phát sinh. Đức Phanxicô nhiều lần cảnh báo chúng ta về nguy cơ vội vàng này – rất khác với vội vàng của Tin Mừng – muốn thuyết phục chúng ta rằng không gian vượt trội hơn thời gian chứ không ngược lại.
Một nơi đào tạo cho mong chờ này, để làm quen với thời gian của người nông dân gieo hạt mà không thể gặt hái được thành quả ngay lập tức, chắc chắn là Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Những gì đang diễn ra ở Vatican những ngày này thực sự là giai đoạn cuối cùng (nhưng đồng thời là một tái khởi đầu) của một hành trình dài kéo dài ba năm. Một tiến trình, theo lệnh của Đức Phanxicô, không tìm kiếm những câu trả lời sẵn sàng và dứt khoát, nhưng thay vào đó là những câu hỏi cởi mở và chia sẻ để bắt đầu cuộc thảo luận. Một so sánh không đứng yên, nhưng đang chuyển động – thực tế là có tính đồng nghị – có sự chăm chỉ của Người Samaritanô nhân hậu và kiên nhẫn của Người gieo hạt nhân lành, hai mô hình cần noi theo để xây dựng một Giáo hội ngày càng có khả năng loan báo Tin Mừng.
Alessandro Gisotti | Marta An Nguyễn dịch