GPVO (2/4/2023) – Loan báo Tin mừng luôn được Giáo hội coi là nhiệm vụ ưu tiên, bổn phận thiêng liêng và là mối bận tâm hàng đầu. Trong đó, sứ mạng giáo dục đức tin được ví như cốt tủy của Thân Thể Mầu Nhiệm vì nó liên quan trực tiếp đến sự sống và sức sống của Giáo hội, đem đến sự kế thừa gia sản đức tin và nên như “công cuộc truyền sinh thiêng liêng dòng giống con cái của một Cha trên Trời”. Là hành trình giữa lòng thế giới, nẻo đường sứ vụ giáo dục đức tin trong dòng thời gian mà Giáo hội đã và đang bước đi thường được định hình bởi những đặc trưng của thời đại. Trải qua bao thế hệ và dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, thực hiện bao nhiêu cuộc “viễn kiến thiêng liêng” tìm kiếm những cách thức truyền đạt Lời Chúa một cách có hiệu quả để tạo ra những bước đi mới phù hợp với thời cuộc bởi “mỗi xã hội đương đại vừa là cơ hội, vừa là cám dỗ; vừa là ân sủng, vừa là thử thách cho Giáo Hội” (Karl Ranner).
Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa với biết bao thách đố rất hiện sinh, cùng chung nhịp đập thao thức với các đấng bậc có trách nhiệm trong Giáo hội, Ban Điều hành Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã mời Ban Giáo lý – Đức tin của Giáo phận Vinh cộng tác tổ chức chuyên đề VIỆC DẠY VÀ HỌC GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TRONG BỐI CẢNH NGÀY NAY nhằm bồi bổ thêm những kiến thức vừa hữu ích vừa thực tế cho các học viên. Chuyên đề diễn ra vào sáng thứ Bảy ngày 1/4/2023 tại Hội trường Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vinh, với sự tham gia của quý cha trong Ban, quý cha giáo, quý thầy khóa XVII, quý bề trên các hội dòng và các học viên.
Sau phần sinh hoạt khởi động và xin ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần, cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Thiện Tạo đã có lời chào đón cha Fx. Hoàng Sỹ Hướng (Trưởng Ban Giáo lý – Đức tin Giáo phận Vinh), quý cha trong Ban Giáo lý – Đức tin và quý vị khách mời. Trong lời mở ngỏ, ngài nhấn mạnh đến vai trò tiên quyết của nhân lực (trong đó có những người sống đời thánh hiến) đối với sự tồn vong của công cuộc dạy giáo lý. Ngài cũng ước mong nhờ vào những chia sẻ thiết thực của Ban Giáo lý – Đức tin mà cảm thức về việc dạy giáo lý được nâng cao trong tâm thức của mỗi học viên.
Buổi chuyên đề được chia làm ba phần chính: Phần thứ I là thuyết trình về thực trạng dạy và học giáo lý tại Giáo phận Vinh do cha Fx. Hoàng Sỹ Hướng trình bày, phần thứ II là thảo luận nhóm, phần thứ III là tham luận của các đại diện đi kèm với việc giải đáp các thắc mắc và đúc kết của Ban Giáo lý – Đức tin.
Mở đầu phần thuyết trình, cha Trưởng Ban Giáo lý – Đức tin đã trưng dẫn những chỉ dẫn của Giáo hội về việc dạy giáo lý cách hiệu quả mà tiêu biểu là Tân Chỉ Nam Giáo Huấn (25/06/ 2020). Những nền tảng lý thuyết mà ngài đưa ra bám sát tài liệu hướng dẫn này.
Trước hết, cha Phanxicô Xaviê đã quảng diễn cách rất sâu sắc “bản chất và mục tiêu tối hậu” của việc dạy giáo lý. Dạy giáo lý là cho người ta liên lạc và hiệp thông cách mật thiết với Đức Chúa Giêsu Kitô: chỉ một mình Người có thể dẫn chúng ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và làm cho chúng ta chia sẻ sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh. Từ đó, đưa chúng ta đến sự hiệp thông với Đức Kitô là trung tâm đời sống Kitô hữu, giúp mỗi người được biến đổi cuộc đời và sống niềm xác tín của mình trong cuộc sống. Ngài nhận định rằng thường chúng ta mới dừng lại việc dạy và học giáo lý tại cánh cửa trí khôn mà chưa đi sâu hơn vào địa hạt của con tim. Trong khi đó, con tim mới là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Như vậy, học giáo lý không có gì khác ngoài tiến trình NỘI TÂM HÓA, tức là con đường từ trí khôn đến các quan năng và đích đến là trái tim.
Sau đó, ngài triển khai các điểm chính, đi kèm với những ví dụ rất thiết thực: Căn tính và ơn gọi giáo lý viên, linh mục và phó tế trong việc dạy giáo lý, những người được thánh hiến trong việc phục vụ việc dạy giáo lý, giáo lý viên giáo dân và những điều mà giáo lý viên cần nắm bắt.
Cuối cùng, với “lát cắt chi tiết” qua các con số “biết nói”, cha Phanxicô Xaviê đã vẽ nên bức tranh tổng thể về thực trạng dạy và học giáo lý tại Giáo phận Vinh. Hiện tại, Giáo phận có cơ cấu (12 lớp) song song với chương trình văn hóa phổ thông. Theo con số thống kê năm 2022-2023, toàn Giáo phận có 63.630 học sinh, trong đó 31.148 nữ và 32.482 nam. Tỷ lệ tham gia học đạt 90%. Đội ngũ giáo lý viên đông đảo, trình độ văn hóa hầu hết từ lớp 7 – 12, một số trình độ Cao đẳng hoặc Đại học, độ tuổi từ 20 – 70, phần lớn đã có gia đình.
Ẩn sâu bên trong những con số có rất nhiều vấn nạn, cha Phanxicô Xaviê đã gợi lên những thao thức và suy tư cho các tham dự viên bằng hai câu hỏi cho phần thảo luận tiếp theo:
- Căn cứ vào những chỉ dẫn trên về việc dạy giáo lý và hiện trạng tại Giáo phận Vinh, bạn đã từng tham gia dạy và học giáo lý, bạn thường gặp những trở ngại nào?
- Để vượt qua những trở ngại trong công tác giáo lý, bạn có những sáng kiến nào?
Sau phần thuyết trình này, Ban tổ chức chia các tham dự viên thành bốn nhóm theo phiếu khảo sát đã được thực hiện tại các giáo xứ tương ứng với bốn miền: thành thị, đồng bằng, miền núi và miền biển. Mỗi nhóm có một cha đồng hành, dẫn dắt việc thảo luận và đưa ra đúc kết.
Phần thứ ba là tọa đàm, được xem là phần thu hoạch của các tham dự viên. Bốn nhóm cử bốn đại diện lên thuyết trình về bản đúc kết của nhóm mình. Các ý kiến đưa ra thật phong phú, giúp các tham dự viên nắm bắt tỉ mỉ hơn về những thách đố hiện tại của mỗi vùng, đồng thời, mở ra những giải pháp để hạn chế cũng như khắc phục những khó khăn gặp phải. Kết thúc phần trình bày của đại diện bốn nhóm, rất nhiều cánh tay giơ lên để bổ sung và đưa ra những thắc mắc. Quý cha trong Ban Giáo lý – Đức tin trực tiếp trả lời các vấn nạn. Cuối cùng, cha Phanxicô Xaviê Hoàng Sỹ Hướng đã đưa ra một đúc kết cô đọng nhất cho buổi chuyên đề. Thiết nghĩ, giải pháp về “Mô hình Ba Bên cần được phối hợp giữa Giáo hội, gia đình và học sinh” mà cha đưa ra nên được mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận tích cực hưởng ứng và cộng tác để công cuộc dạy và học Giáo lý ngày càng khởi sắc hơn. Sau đây là mô hình Ba Bên cần thực hiện một sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả.
- Giáo hội: linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo lý viên
- Gia đình: phụ huynh, cha mẹ, người đỡ đầu, ông bà,…
- Học sinh: Phát xuất từ “khát vọng tuyệt đối” mà Đấng Sáng Tạo đã cấy trong lòng mọi người; hành vi đức tin được phát sinh từ tình yêu luôn khao khát một sự hiểu biết mỗi ngày một hơn về Đức Giêsu Kitô, đang sống trong Hội Thánh, vì lý do này mà mỗi tín hữu cần phải mở lòng ra bằng sự khao khát kiếm tìm, học hỏi để được Thiên Chúa lấp đầy tình yêu của Ngài.
Buổi chuyên đề kết thúc với phần cảm ơn long trọng của cha Giám đốc Phaolô và một chị em đại diện Học viện dành cho quý cha trong Ban Giáo lý – Đức tin, quý khách cũng như sự tham gia nhiệt tình của quý thầy. Buổi chuyên đề tạo nên bầu khí nhiệt tình sứ mạng trong tâm hồn các tham dự viên, cách riêng là các học viên Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Hy vọng rằng những thách đố được đưa ra không đe dọa tinh thần, không làm các học viên trở nên khiếp đảm hay đánh mất niềm hy vọng nhưng là để đưa ra một tầm nhìn đúng đắn và nung nấu nhiệt tâm cho sứ mạng giáo dục đức tin. Cách riêng, với những học viên sắp được sai đến những cánh đồng truyền giáo khác nhau vào hè sắp tới thì chắc hẳn buổi chuyên đề hôm nay phần nào mang đến những điều thật hữu ích để cất vào “chiếc bao hành trang” của mình. Dẫu mai đây bản thân được sai đến đâu và công cuộc này có thách đố đến cỡ nào thì ước mong rằng mỗi người luôn ghi nhớ “có Chúa Thánh Thần – Đấng thánh hóa mọi sứ vụ luôn chờ sẵn ở trước cánh đồng, đón đợi để hướng dẫn từng đường đi nước bước và tăng sức thiêng cho mỗi người”. Chính vì thế, “hãy an tâm rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn, hết tình đại lượng và dụng tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
Học viên K.VIII – Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII Giáo phận Vinh