Thánh lễ khai mạc 80 năm hồng ân giáo xứ Bình Thuận (1943-2023)

GPVO (16/2/2023) – Sáng ngày 14/2/2023, giáo xứ Bình Thuận đã hân hoan tổ chức thánh lễ khai mạc 80 năm hồng ân nhân dịp kỷ niệm thành lập (1943-2023). Chủ sự thánh lễ là Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên. Có khoảng 25 linh mục đồng tế với sự hiện diện của quý tu sỹ, quý khách và đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

80 năm rạng ngời đức tin

Tên gọi Bình Thuận mà cha ông đặt cho phản ánh đúng ước mong và tính cách con người nơi đây: “bình an, thuận hòa”. Theo một nguồn sử liệu được ghi lại trong Văn khố Tòa Giám mục vào thời điểm 1919, cha xứ Nhân Hòa đã viết về giáo họ Bình Thuận như sau:

“Họ Bình Thuận xưa kia gọi là Trại Đò, sau cũng gọi là Trại Hà, đã đổi tên là Bình Thuận thời Đức cha Gauthier Ngô Gia Hậu vì tên Trại Đò không đẹp mấy. Trại Đò xưa kia là vùng đạo toàn tòng.

Gốc tích trước là người tứ chiếng, chung một làng với Thanh Hương, sau chia làm hai họ vạn ở làm nghề sông nước, sau lên định cư đất Đò Thiện và đạo đất Thịnh Mỹ hội nhau ở thành họ gọi là Trại Hà. Nơi đây đã có đạo từ đời Cảnh Thịnh.

Vào thời kỳ bắt đạo, kẻ có tên bộ thì phải chịu giam tháp, kẻ không thì phải ẩn lánh trong các làng ngoại đạo. Nhà thờ và đồ dùng đều phải đi gửi cho anh em ngoại giáo, vườn tược thì bị phá tan tác.

Nhân danh trong họ 414 người bây giờ đông hơn trước bằng một nay bằng ba… Nhà thờ bằng gỗ, lợp ngói mới làm 13 năm, vừa cho họ, lấy của công, của đóng góp của người ta cúng, đồ thờ hoa nến, hào quang thường, bàn thờ xây, đàng câu rút cũng thường”…

Cũng theo một tài liệu khác tại Văn khố, Bình Thuận hình thành quãng năm 1800 với khoảng 15-20 hộ. Vào năm 1943, Bình Thuận “tạm tách khỏi Nhân Hòa vì có cha già Chức về hưu tại đó”. Đến năm 1945, Tòa Giám mục chính thức đặt cha già Bảng làm linh mục quản xứ Bình Thuận cho đến khi ngài mất vào năm 1951. Một kỷ nguyên mới đã mở ra trong lịch sử Bình Thuận. Từ đây, Bình Thuận đã có thể sánh vai với những giáo xứ khác có tên trong lịch sử Giáo phận.

Tuy nhiên, những diễn biến sau Cách mạng Tháng Tám đã gây ra một số xáo trộn nơi đời sống đạo của giáo xứ non trẻ. Các mục tử và giáo dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vì chiến tranh, nạn đói, di cư. Sau hiệp định Geneve năm 1954, một phần lớn dân số Bình Thuận di cư vào Nam và định cư tại giáo họ Bình Thuận, xứ Vinh An (xã Đức Minh, huyện Đakmil, tỉnh Đaknông) và Bình Giã (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Quá trình di cư tiếp tục diễn ra sau 1975.

Sau khi cha Bảng qua đời, từ năm 1951-1962, cha già Biển quê ở xứ Thượng Lộc quản xứ Bình Thuận và sau đó là thời kỳ thiếu vắng linh mục từ 1962-1965. Giai đoạn này Bình Thuận phải nhập vào Nhân Hòa do cha già Fx. Phan Xuân Án phụ trách. Năm 1965, Tòa Giám mục cử cha Giuse Nguyễn Đức Châu quản xứ Bình Thuận cho đến 1973 lại phải nhập về Nhân Hòa. Từ năm 1973-1975, cha già Phêrô Hanh về hưu và chết tại đây.

Theo thống kê năm 1990, Bình Thuận chỉ có 841 giáo dân, là một trong sáu giáo xứ thuộc hạt Nhân Hòa. Đến năm 1994, cha Giuse Nguyễn Đăng Điền về quản xứ Nhân Hòa, phụ trách xứ Bình Thuận đã xây lại ngôi nhà thờ và hoàn thành năm 2001.

Ngày 14/12/1995, giáo họ Đồng Vông thuộc xứ Lộc Mỹ đã lấy ý kiến xin sát nhập vào xứ Bình Thuận cho tiện việc đi lại, tham dự thánh lễ và đã được Tòa Giám mục chấp thuận.

Theo những số liệu gửi về để làm Album Giáo phận Vinh, năm 1996, giáo xứ Bình Thuận có 151 hộ, 754 nhân khẩu. Số giáo dân di cư vào Miền Nam sau 1975 là 74 hộ, dân di cư vào Bình Giã là 217 hộ, 1085 khẩu; Đức Minh là 185 hộ, 925 khẩu.

Vào quãng những năm 1996 đến năm 2022, giáo xứ Bình Thuận đã lần lượt được quý cha sau đây quản xứ: Gioan Trần Minh Cẩn, Antôn Đặng Hữu Nam, Giuse Nguyễn Ngọc Ngữ, Micae Hồ Trung Dũng. Với sự dẫn dắt của các ngài, giáo dân Bình Thuận đã tiếp nối truyền thống và phát triển thêm những thành quả mà cha ông đã dày công đắp xây.

Sau sự cố xảy ra ngày 13/7/2022, tình hình giáo xứ đang dần được ổn định theo hướng tích cực. Vào ngày 7/2/2023, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã ghé thăm và dâng lễ cầu bình an cho mọi người trong giáo xứ. Niềm vui, sự hào hứng, phấn khởi là điều dễ nhận thấy nơi những người giáo dân Bình Thuận trong buổi tối hôm đó. Một mùa đông ảm đạm đã dần qua đi và thay thế vào đó là sự “mát mẻ” của tiết trời mùa xuân.  

Hiện nay, giáo xứ Bình Thuận có khoảng 1.200 giáo dân, thuộc địa bàn xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nằm bên cạnh Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An do linh mục Antôn Trần Đức Hà phụ trách.

Vượt lên những khó khăn, dưới sự dẫn dắt của các vị chủ chăn, hiện nay, giáo xứ đã có một ngôi nhà xứ khang trang xây dựng thời cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngữ và một trường giáo lý khá rộng rãi.

Thánh lễ khai mạc 80 năm hồng ân thành lập (1943-2023)

Từ sáng sớm, không khí giáo xứ Bình Thuận đã trở nên náo nhiệt bởi tiếng người í ới, náo nức kéo tới thánh đường để tham dự thánh lễ đặc biệt. Đội trống trắc của giáo xứ và đội kèn đồng của giáo xứ Thượng Lộc đã làm không khí thêm vui tươi, phấn khởi. Khắp mọi nẻo đường được trang trí cờ như dấu hiệu dẫn về trung tâm giáo xứ.

Sau khi đoàn đồng tế được rước vào nhà thờ, trong lời khai lễ, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã bày tỏ niềm vui mừng trước sự kiện giáo xứ khai mạc 80 năm hồng phúc thành lập. Ngài chúc mừng cha phụ trách cũng như giáo xứ Bình Thuận trong dịp đặc biệt này.

Trong bài giảng tại thánh lễ, Đức cha Phụ tá đã đề cập đến sự biết ơn trong cuộc sống đời thường. Biết ơn là thái độ căn bản mà mỗi người cần có để có thể sống tốt hơn. Thái độ cần thiết của mỗi thụ tạo là cần phải biết ơn Tạo Hóa. Người vô ơn cũng là người kiêu ngạo và người kiêu ngạo cũng là người vô ơn. Adam và Eva vô ơn với Thiên Chúa và tội lỗi đã xâm nhập trần gian. Nếu chúng ta biết ơn Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không phạm tội.

Đức cha nhắn nhủ cộng đoàn hãy luôn biết sống tâm tình tạ ơn. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Thessalonica: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5,18). Mỗi người cũng phải biết tri ân Thiên Chúa vì muôn tình thương hải hà Người đã ban xuống. Chúa đã cho chúng ta hiện diện trong thế gian này. Chúa đã cho chúng ta được trở thành người Kitô hữu. Chúa đã cho chúng ta đạt được biết bao nhiêu điều hạnh phúc trong cuộc sống. Mặc dù chúng ta mang lấy bản tính Adam và Eva nhưng chúng ta cần cộng tác với Chúa để sống tinh thần biết ơn. Chúng ta là ai thì quan trọng hơn chúng ta là cái gì. Mỗi người chúng ta cần biết xây dựng căn tính, đời sống của mình trong đời sống trần thế.

Ngài cũng nhắc mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ biết chung tay, cộng tác dựng xây Bình Thuận ngày một phát triển. Đó cũng là cách để nói lên tâm tình tạ ơn với Thiên Chúa. Ước gì tâm tình tạ ơn là trung tâm của đời sống mỗi người và mỗi người biết xây dựng “văn hóa tạ ơn”.

Ngài rút gọn bài giảng trong ba chữ T: Chữ T thứ nhất là tạ ơn. Để tạ ơn đó có thể thực hiện được thì cần chữ T thứ hai là thông hiệp. Chữ T thứ ba là trung tín: trung tín ơn gọi Kitô hữu của mình giữa lòng nhân thế. Chúng ta hãy trung tín với nhau: vợ chồng trung tín với nhau, con cái trung tín với cha mẹ, linh mục – tu sỹ trung tín với giám muc. Thế giới này loạn lạc vì ai cũng lấy mình làm chuẩn, ai cũng cho mình là sự thật và quy chiếu vào đó nhưng cái thuật chúng ta không chuẩn. Cần biết rằng chỉ có Chúa Giêsu là sự thật…

Sau bài giảng, thánh lễ tiếp diễn với phần lời nguyện giáo dân, dâng lễ vật và Kinh nguyện Thánh Thể… Cuối thánh lễ, một vị đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã bày tỏ lòng tri ân Đức cha, quý cha, quý tu sỹ và quý khách đã đến chia sẻ niềm vui với bà con giáo xứ Bình Thuận nhân sự kiện khai mạc 80 năm hồng ân.

Để kết

Năm 1943 là dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ, thời điểm giáo xứ Bình Thuận chính thức thành lập, tách từ xứ mẹ Nhân Hòa. Từ bước đi chập chững đầu tiên, niềm vui làm con Chúa lớn lên theo cùng năm tháng. Những điệp khúc bi hùng nối tiếp nhau tạo nên bản nhạc đầy sắc màu. Giai điệu rộn rã đó như lời gọi mời hấp dẫn cho một cuộc hành trình về nguồn để trầm mình và sâu lắng trong hình hài của quê mẹ mến thương.

Đi trên những dâu bể can qua, người Bình Thuận vẫn vẹn tròn khúc hát tạ ơn, dù hành trình ấy có khi là khúc ai ca thấm đẫm máu và nước mắt, có lúc là bản hùng ca chứa chan niềm hy vọng, tin yêu.

80 năm lịch sử (1943-2023) trôi qua giữa những thăng trầm, thử thách, bao hồng ân được dệt nên nhờ ơn trên và công khó cha ông. Mồ hôi trộn lẫn nước mắt, khó nhọc và hy sinh cộng với dòng máu nóng của các bậc tiền nhân đã thấm vào lòng đất, cuối cùng kết tinh nơi dáng đứng Bình Thuận vững chãi và tươi tốt hôm nay.

Sebastian Trần Bình An