Quý thầy khóa 14 tham dự kỳ thường huấn năm thực hành mục vụ (giai đoạn hai)

GPVO (14/1/2022) – Vào lúc 13h00 ngày 11/1/2023, quý thầy phó tế khóa 14 đã trở lại với kỳ thường huấn sau một thời gian tạm nghỉ để tiến tới chức thánh. Bước qua giai đoạn hai của chương trình thường huấn, quý thầy sẽ được tiếp cận sâu hơn về chiều kích các mối tương quan với giám mục và linh mục đoàn, với các tu sĩ hay giáo dân. Đặc biệt, trong giai đoạn này, quý thầy sẽ được đào luyện một cách trọn vẹn, hòa điệu về đức ái của người mục tử sẽ thi hành trong tương lai.

Kỳ thường huấn (quý 5) diễn ra tại Tòa Giám mục Xã Đoài từ ngày 11-12/1/2023 với chủ đề: “Mối tương quan giữa linh mục với giám mục và linh mục đoàn”. Các vị giảng phòng là cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, cha Đaminh Phạm Xuân Kế và quý vị đồng hành: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, cha Phaolô Nguyễn Thiện Tạo và cha Phêrô Nguyễn Văn Quang.

Ngày thứ nhất, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu đã cùng quý thầy tìm hiểu những quy định pháp lý của Giáo luật về đời sống độc thân thánh hiến cũng như những ngăn trở và bất hợp luật để thi hành chức thánh.

Trong giờ huấn đức vào buổi tối, Đức cha Anphong đã mời gọi quý thầy cùng suy tư và cảm nghiệm về chức linh mục, trở thành linh mục không thể được xem là việc thi hành một ước vọng cá nhân. Các linh mục dấn thân phục vụ Giáo hội qua việc loan báo Tin mừng và họ nhận sứ vụ này từ Giáo hội. Linh mục sẽ liên kết mật thiết với Giáo hội, không thể tách rời. Linh mục là thừa tác viên của Giáo hội, nói và hành động nhân danh Giáo hội.

Linh mục không thi hành chức vụ giống như những công chức khi ở trên công đường và trong giờ hành chính. Chức linh mục gắn liền người thụ phong với Chúa. Ơn của bí tích làm cho người được thụ phong nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Người là Ngôi Lời Nhập Thể, trọn vẹn cuộc sống của Người là cuộc sống của Con Thiên Chúa nơi trần gian. Không có lúc nào người có tên là Giêsu tách rời khỏi Ngôi Hai Thiên Chúa. Dù ăn, dù ngủ, dù đi lại hay hoạt động, Chúa Giêsu luôn luôn là Con Thiên Chúa. Mọi hành động của Người đều là hành động sinh ơn cứu độ và nhằm mưu ích cho con người. Vì thế, linh mục không phải là linh mục “bán thời gian”, tức chỉ một phần trong thời gian biểu hằng ngày. Chức linh mục thấm sâu và hòa nhập vào chính bản thể của người được thụ phong. Được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, tất cả những gì linh mục làm, nhất là trong khi thi hành bổn phận mục vụ, đều phản chiếu hình ảnh của Đức Giêsu và là chính hiện thân của Người giữa đời.

Đức cha cũng nhấn mạnh sứ vụ dấn thân của người mục tử qua đức ái. Linh mục nương tựa vào Chúa để trở thành chỗ tựa nương cho mọi người. Những người theo Chúa luôn được mời gọi đi vào cuộc hành trình mục tử của Chúa. Vì thế, ơn gọi linh mục không gì khác hơn là ơn gọi mục tử, đi theo Chúa là vị “Mục Tử Nhân Lành” (Ga 10,11) để trở thành “mục tử như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15). Như thế, cuộc đời linh mục là cuộc hành trình mục tử gồm hai khía cạnh: được Chúa dìu dắt để dắt dìu người khác. Linh mục được mời gọi trở nên “chiếc gậy mục tử” của Chúa. Như vậy, chiếc gậy không còn là biểu tượng “uy quyền hay thống trị”, nhưng luôn mang ý nghĩa “đỡ nâng và dẫn đường”.

Ngày thứ hai, quý thầy được lắng nghe bài chia sẻ tĩnh tâm của linh mục Đaminh Phạm Xuân Kế với chủ đề: “Tương quan giữa linh mục với giám mục và linh mục đoàn”. Trong bài chia sẻ, cha Đaminh đã rút kinh nghiệm từ những năm đảm nhiệm chức vụ linh mục của mình để giúp quý thầy phó tế “cảm nghiệm được sự bình an và hoa trái mà Chúa Thánh Thần mong muốn trao ban.”

Cha giảng phòng đưa ra những gợi ý và muốn quý thầy tập trung vào những gì mang tính “quyết định” đối với cuộc đời của một linh mục ngày nay, “những thái độ nâng đỡ chính mình với tư cách là các linh mục”. Ngài tập trung vào bốn trụ cột chính của đời sống linh mục như Đức Thánh Cha mô tả là “bốn hình thức gần gũi”: gần gũi với Thiên Chúa, với giám mục, với các linh mục đồng sự và với Dân Chúa.

Trong cuộc sống, mỗi người đều có kinh nghiệm riêng về các mối tương quan nhưng chỉ có Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành, con người hoàn hảo, là mẫu mực trong các mối tương quan. Vì thế, là hình ảnh sống động của Đức Giêsu, linh mục phải theo sát dấu chân Thầy mình trên mọi nẻo đường, trong mọi hành động và lời nói. Như Đức Giêsu luôn sống theo thánh ý Chúa Cha, trong sự tuân phục Đức Mẹ, thánh Giuse và hy sinh hạ mình phục vụ đến độ hiến mạng sống vì đoàn chiên thì linh mục quản xứ cũng được mời gọi tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và các công việc của Ngài. Đó là ngài luôn ý thức chu toàn bổn phận với giáo xứ và sống tốt các mối tương quan với các thành phần trong giáo xứ cũng như ngoài giáo xứ. Và mỗi một khi tương quan giữa linh mục quản xứ và giáo xứ là hoạ ảnh của tương quan giữa Đức Giêsu – linh mục tối cao – với cộng đoàn của Ngài xưa thì giáo xứ sẽ tràn ngập bình an và tình yêu.

Tâm Quảng