Bài giáo lý đầu tiên về chủ đề nhiệt tâm loan báo Tin mừng được Đức Thánh Cha trình bày có tựa đề “Ơn gọi tông đồ”, trong đó Đức Thánh Cha dựa trên đoạn Tin mừng (9,9-13) thuật lại ơn gọi của thánh Mátthêu để suy tư về ba điểm chính:
Tất cả bắt đầu khi Chúa Giê-su nhìn thấy một người đàn ông và Chúa không phán xét ông vì những gì ông đã làm – ông là người thu thuế – mà vì thực tại sâu thẳm của con người ông, về các đức tính và khuyết điểm của ông.
Khi được Chúa gọi, ông Mátthêu đã đứng dậy, từ bỏ địa vị quyền thế và những thứ đảm bảo của mình để sẵn sàng phục vụ Chúa Giêsu trong hành động phục vụ tha nhân.
Sau khi hoán cải, ông Mátthêu không đi đến một nơi xa xôi và lý tưởng nào khác mà trở về nhà mình. Khi trở về, ông đã không còn như trước. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã thay đổi ông, biến ông thành chứng nhân đích thực cho niềm vui của Tin mừng.
Ơn gọi của thánh Mátthêu
Trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý, đoạn Tin mừng thánh Mát-thêu (9,9-13) được công bố bằng một số ngôn ngữ chính như Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả-rập, Ba Lan:
Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý mới nói về một chủ đề cấp bách và quyết định đối với đời sống Kitô hữu: lòng say mê rao giảng Tin mừng, tức là nhiệt tâm tông đồ. Đó là một chiều kích sống còn đối với Giáo hội: cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu thực sự được sinh ra là cộng đoàn tông đồ, truyền giáo, chứ không phải là chiêu dụ tín đồ. Chúng ta cần phân biệt điều này ngay từ đầu: truyền giáo không giống với chiêu dụ tín đồ.
Truyền giáo là dưỡng khí của đời sống Kitô hữu
Chúa Thánh Thần uốn nắn cộng đoàn thành một cộng đoàn đi ra, để nó không co cụm lại trong chính mình nhưng hướng đến tha nhân, là chứng nhân dễ lan tỏa của Chúa Giêsu, vươn ra chiếu tỏa ánh sáng của Người đến tận cùng trái đất. Tuy nhiên, có thể xảy ra là lòng nhiệt thành tông đồ, ước muốn đến với người khác bằng việc loan báo Tin mừng tốt lành bị giảm sút, trở nên nguội lạnh. Đôi khi nó dường như bị co cụm hoàn toàn. Nhưng khi đời sống Kitô hữu không còn hướng đến chân trời của việc rao giảng Tin mừng, của việc loan báo thì nó trở nên ốm yếu: nó thu mình lại, trở nên quy ngã, héo tàn. Không có lòng nhiệt thành tông đồ, đức tin trở nên khô héo. Ngược lại, truyền giáo là dưỡng khí của đời sống Kitô hữu: nó tiếp thêm sinh lực và thanh lọc đời sống ấy. Vậy chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình tái khám phá niềm đam mê rao giảng Tin mừng, bắt đầu từ Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội, để kín múc lòng nhiệt thành tông đồ từ các nguồn mạch. Sau đó, chúng ta sẽ tiếp cận một số nguồn mạch sống động, một số chứng nhân đã khơi lại niềm đam mê Tin mừng trong Giáo hội, để họ có thể giúp chúng ta thắp lại ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần luôn muốn đốt cháy trong chúng ta.
Hôm nay tôi muốn bắt đầu với một sự kiện Tin mừng tiêu biểu mà chúng ta đã nghe: lời kêu gọi Tông đồ Mátthêu, và chính ngài kể lại trong Tin mừng của mình, trong đoạn Tin mừng chúng ta đã nghe (xem 9,9-13).
Cái nhìn của Chúa Giêsu
Tất cả bắt đầu từ Chúa Giêsu, Đấng “nhìn thấy” – bản văn Kinh Thánh nói – “một người”. Ít người nhìn thấy con người thật của ông Mátthêu: họ biết ông là người “ngồi ở trạm thu thuế” (c. 9). Trên thực tế, ông là một người thu thuế: nghĩa là một người người thu thuế thay cho Đế quốc Rô-ma đang chiếm đóng Palestine. Nói cách khác, ông là một kẻ cộng tác, một kẻ phản bội nhân dân. Chúng ta có thể tưởng tượng sự khinh bỉ của mọi người đối với ông: đó là một “kẻ thu thuế”. Nhưng, dưới con mắt của Chúa Giê-su, Mátthêu là một con người với những đau khổ và điều tốt của ông. Và trong khi có khoảng cách giữa Mátthêu và dân của ông thì Chúa Giê-su lại gần ông, bởi vì mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương. Ngay cả người đàn ông này đáng khinh bỉ thì Chúa cũng đến vì người này. Tin Mừng nói điều này: “Ta đến vì những kẻ tội lỗi, không vì người công chính.” Cái nhìn của Chúa Giêsu thật tuyệt vời, nhìn thấy người khác như là mục đích của tình yêu, là khởi đầu của niềm đam mê rao giảng Tin mừng. Mọi sự bắt đầu từ cái nhìn này, điều chúng ta học được từ Chúa Giêsu.
Cái nhìn của chúng ta
Chúng ta có thể tự hỏi: cái nhìn của chúng ta đối với người khác như thế nào? Đã bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy những khiếm khuyết của họ chứ không nhìn thấy những nhu cầu của họ; bao nhiêu lần chúng ta dán nhãn mọi người qua những gì họ làm hoặc nghĩ! Ngay cả khi là những Kitô hữu, chúng ta cũng tự nhủ: anh ta là người của chúng ta hay anh ta không phải là người của chúng ta? Đây không phải là cái nhìn của Chúa Giêsu: Chúa luôn nhìn từng người với lòng thương xót và trìu mến. Và các Kitô hữu được mời gọi làm giống Chúa Kitô, nhìn như Người nhìn, nhất là đối với những người được gọi là “những kẻ xa nhà thờ, xa cộng đoàn”. Thật vậy, trình thuật về việc kêu gọi thánh Mátthêu kết thúc với việc Chúa Giêsu nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (c. 13). Nếu mỗi người chúng ta cảm thấy mình là người công chính thì Chúa Giêsu ở xa, nhưng Người đến gần với những giới hạn, đau khổ của chúng ta để chữa lành.
Ông Mátthêu “đứng dậy”
Do đó, mọi sự bắt đầu từ cái nhìn của Chúa Giêsu: “Thấy một người”, Mátthêu. Tiếp theo sự việc này là một chuyển động, được tường thuật trong đoạn thứ hai. Ông Mátthêu đang ngồi ở trạm thu thuế; Chúa Giêsu nói với ông, “Ông hãy theo tôi.” Và ông “đứng dậy đi theo Người” (c. 9). Hãy lưu ý rằng văn bản nhấn mạnh rằng ông đã “đứng dậy”. Tại sao chi tiết này rất quan trọng? Bởi vì thời đó, người ngồi là người có quyền đối với những người khác, những người đứng trước mặt ông để lắng nghe ông hoặc như trong trường hợp đó để tỏ lòng kính trọng. Nói tóm lại, người ngồi là người có quyền lực. Điều đầu tiên Chúa Giêsu làm là tách ông Mátthêu ra khỏi quyền lực: từ việc ngồi để tiếp người khác, Người khiến ông chuyển động, đi đến với người khác; không ngồi đợi người khác nhưng đi đến với người khác. Người khiến ông rời bỏ địa vị thượng tôn để đặt ông ngang hàng với những người anh chị em và mở ra cho ông những chân trời phục vụ.
Chúng ta có đứng dậy đồng hành, tìm kiếm tha nhân không?
Đây là điều Chúa Kitô làm và đây là điều căn bản đối với các Kitô hữu: chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta là Giáo hội, chúng ta đang ngồi đợi dân chúng đến hay chúng ta biết đứng dậy, lên đường đồng hành với tha nhân, tìm kiếm tha nhân?
Thánh Mát-thêu bắt đầu truyền giáo ngay từ môi trường sống
Đức Thánh Cha trình bày suy tư thứ ba: Một cái nhìn – Chúa Giêsu nhìn thấy, một chuyển động – ông Mát-thêu đứng dậy, và tiếp đến là một đích đến. Sau khi đứng dậy đi theo Chúa Giê-su, ông Mát-thêu sẽ đi đâu? Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, sau khi đã thay đổi cuộc đời của người đàn ông đó, vị Tôn sư dẫn dắt ông đến những cuộc gặp gỡ mới, những trải nghiệm thiêng liêng mới. Không, hoặc ít nhất là không ngay lập tức. Đầu tiên, Chúa Giêsu đến nhà của ông; ở đó ông Mát-thêu dọn cho Người “một bữa thịnh soạn”, “rất đông những người thu thuế” tham dự (Lc 5,20), những người giống như ông. Ông Mát-thêu trở về với môi trường của ông, nhưng ông trở lại đó với con người đã được biến đổi và với Chúa Giêsu. Lòng nhiệt thành tông đồ của ông không bắt đầu ở một nơi chốn mới, trong sáng và lý tưởng, mà là ở đó, nơi ông sống, với những người ông quen biết.
Lời loan báo của chúng ta bắt đầu từ hôm nay, nơi chúng ta sống
Đây là thông điệp dành cho chúng ta: chúng ta đừng chờ đợi để trở nên hoàn thiện và chờ đợi sau khi đã theo Chúa Giêsu một chặng đường dài mới làm chứng cho Người; lời loan báo của chúng ta bắt đầu từ hôm nay, nơi chúng ta sống. Và nó không bắt đầu bằng việc cố gắng thuyết phục người khác, nhưng bằng việc làm chứng mỗi ngày cho vẻ đẹp của Tình Yêu đã nhìn chúng ta và nâng chúng ta đứng dậy; và chính vẻ đẹp này, việc loan báo vẻ đẹp này thuyết phục người khác. Không phải chúng ta, nhưng chính Chúa thuyết phục họ.
Giáo hội phát triển nhờ sự thu hút
Chúng ta là những người loan báo Chúa, chứ không loan báo về chính mình, cũng không loan báo về một đảng phái chính trị hay một ý thức hệ. Để Chúa Giêsu tiếp xúc với con người và để Chúa thuyết phục họ. Thật vậy, như Đức Thánh Cha Biển Đức đã dạy chúng ta, “Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Nhưng đúng hơn là Giáo hội phát triển nhờ sự thu hút” (Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc của Đại hội lần V của các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê, Aparecida, 13 tháng 5 năm 2007).
Có một lần tại một nhà thương ở Buenos Aires, các nữ tu đến làm việc ở đó nhưng vì có ít người nên các chị không thể tiếp tục công việc ở nhà thương. Thế là một cộng đoàn các nữ tu người Hàn Quốc đã đến và tiếp quản ngôi nhà của các nữ tu làm việc ở bệnh viện. Ngày hôm sau các nữ tu Hàn Quốc đến thăm các bệnh nhân ở nhà thương, nhưng họ không nói được từ tiếng Tây Ban Nha nào, họ chỉ nói tiếng Hàn Quốc, nhưng các bệnh nhân hạnh phúc bởi vì họ nói: “Những nữ tu này tốt quá!” nhưng các nữ tu này không nói gì mà bằng ánh nhìn họ đã nói với tôi, đã thông truyền Chúa Giêsu. Không phải là họ nhưng là cái nhìn, cử chỉ của họ. Đây là điều thu hút, ngược lại với việc chiêu dụ tín đồ.
Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên chứng tá thu hút và vui tươi
Chứng tá thu hút và vui tươi này chính là mục tiêu mà Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta đến qua cái nhìn yêu thương của Người và bằng chuyển động hướng đến tha nhân mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng chúng ta. Và chúng ta có thể suy nghĩ xem cái nhìn của chúng ta có giống ánh nhìn của Chúa Giêsu để thu hút người khác, để đưa họ đến gần Giáo hội không. Hãy suy nghĩ điều này. Cảm ơn anh chị em.
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.
Hồng Thủy