Dưới đám mây phân định

GPVO (9/1/2023) – Dòng đời diễn qua như nước chảy, mới ngày nào đó tôi rời xa vòng tay của bố mẹ mà đã 12 năm tròn. Nay tôi đã trở thành một nữ tu. Tôi nhớ lắm lời dạy của mẹ: Giây phút của ngày hôm nay, ngày mai con sẽ không bao giờ lấy lại được. Chiếc áo đã mặc rồi chẳng ai gọi nó là áo mới hay quả mít con đã xẻ làm đôi sẽ chẳng hàn gắn lại thành một quả mít nguyên vẹn. Cốc nước đầy con làm đổ ra, sẽ chẳng bao giờ con thu gom lại đầy như cốc nước ban đầu trừ khi phải lấy một lượng nước từ nơi khác rót vào. Cuộc đời là của con. Hãy làm chủ lấy nó… và biết gầy dựng tương lai cho bản thân. Đã đến lúc con phải tự mình chọn lựa, con phải có trách nhiệm về cuộc đời của con”.

Quả vậy, từ khi sinh ra, mẹ đã lo lắng cho tôi rất nhiều, từ đôi dép đến áo mặc, từ món ăn, giấc ngủ đến việc học tập… Mẹ vừa là người mẹ tuyệt vời, vừa là một chuyên gia tư vấn đặc biệt của tôi. Mẹ đã nuôi dạy, cho tôi hành trang vào đời trong khi trí hiểu tôi còn quá nhỏ bé. Quãng thời gian đó, tôi đã rất hạnh phúc bình an, vui chí thỏa thích bay lượn trong khoảng trời bình yên xoay quanh một góc nhỏ nơi quê nhà. Tôi cứ ngỡ là rộng lớn lắm. Thế mà, để đến hôm nay, khi tóc mẹ đã dần phai màu, đường đời cứ mãi trải rộng, tự mình tôi bước đi trên đôi chân phong sương, không còn bám víu vào mẹ được nữa, tôi mới hiểu phần nào câu thơ của Lưu Quang Vũ trong bài thơ “Tự sự”:

“Nếu tất cả đường đời đều trơn lãng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trên đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy”

Thật sự, càng lớn lên tôi càng thấm thía rằng: chẳng ai có thể cất dành cuộc đời như em bé ăn bánh để dành, như người thương gia cất của cải vào kho… nhưng cuộc đời đối với mỗi người chỉ có một và cứ mãi xoay vần theo thời gian. Người già sẽ chẳng trở về tuổi thanh xuân, bố mẹ sẽ chẳng thể sống lại giây phút hạnh phúc những ngày nào hẹn hò đôi lứa. Các bạn trẻ sẽ chẳng thể nào trở lại những ngày được bồng bế bên hông, được nâng niu trên đầu gối. Chính vì thế, biết mình là ai, đang đi đâu và về đâu là chìa khóa đầu tiên để tôi có thể dành lấy một cuộc sống tròn đầy và ý nghĩa.

“Hãy chế lấy mây và gầy lấy nắng
Chế lấy đừng vay mượn đất trời
Để khi nhật nguyệt còn xa vắng
Đầu hè còn có ánh trăng soi”.

Quả thật, đối với nhà thơ Mai Thảo: mây và nắng không hẳn chỉ ở bên ngoài, mây và nắng nằm cả ở bên trong tâm hồn con người. Cuộc đời phải biết tự chế ra mây, gầy ra nắng. Phải biết phân định, chọn lựa đúng đắn. Để tới khi bên ngoài kia không còn mây, không còn nắng thì trong lòng mình vẫn đầy ắp mây trắng, nắng vàng.

Và cứ thế, tháng ngày trôi đi, chẳng biết có cuốn trôi đi sự mạnh mẽ và can đảm, để tôi cố dành lấy áng mây, hãy mau gầy lấy nắng, hay kịp thời dành lấy niềm hạnh phúc, sự bình an mà con đường tương lai đang chờ đợi. Bởi có khoảng thời gian, trong tôi đang như đang bị vây bủa bởi đám mây đen nhám của sự phân định. Tôi nhớ đến mẹ, rồi bật lên một lời than vãn rằng:

Phân định là gì hở mẹ?
Lòng con cứ thấp thỏm, bộn bề nghĩ suy.

Có lẽ, trong muôn vàn từ ngữ mà từ thuở bé đến nay tôi đã nói, đã biết và hiểu, tôi chẳng biết cụm từ “phân định” đã đi vào cuộc đời tôi lúc nào? Tôi cũng chẳng biết tự khi nao, cái cụm từ đó lại len lỏi vào tâm trí tôi, nó hào hùng và da diết như bây giờ. Tự bao giờ nó xuất hiện, tự bao giờ tôi đã ý thức, hiểu rõ cái cụm từ này.

Nghe có vẻ mỹ từ cao siêu nhưng phải chăng “phân định” là sự chọn lựa? Tôi tìm thấy trong cuốn từ điển “American College Dictionnary” định nghĩa như sau: “Phân định chính là việc: 1) “nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác…; 2) phân biệt bằng trí tuệ, nhận ra sự khác biệt coi như tách biệt nhau; phân biệt”… nhưng định nghĩa này nghe có vẻ mù mờ với những gì thực tế trong tôi. Bởi tôi nhận ra rằng đám mây phân định của tôi có chút mùi vị thiêng liêng thì phải? Tôi đành phải tìm đến lời nhắc nhở thánh Phaolô để ước mong tìm được cái gì đó: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Và như thế, một ánh sáng le lói dọi vào tâm trí đòi buộc tôi phải biết phân định, một sự phân định không mấy dễ dàng và không thể theo nhãn quan và trí tưởng thuần túy của con người nông cạn như tôi. Bước chân tôi mò mẫm, muốn thoát ra khỏi đám mây đen u ám để nhìn thấy bầu trời bình an, tỏa đầy nắng vàng. Tôi hy vọng, nơi đó, tôi có thể tìm ra Thánh ý Chúa.

Và quả thật, phân định như sợi dây vô hình thắt gọn suy nghĩ của tôi. Có lúc những suy nghĩ nối đuôi nhau như mắt xích, như sơ đồ tư duy mà tôi đã từng học. Nó chỉa ra muôn vàn ý khác nhau và cứ thế dày lên theo cấp số nhân 2n. Lúc thì lẳng lặng quay đi quẩn lại một suy nghĩ làm cho tôi cảm thấy nặng nề, muốn kêu gào lên nhưng chẳng được. Lúc thì lượn sóng, lên cao xuống thấp chập chờn, chòng chành, làm cho tôi thở dài thở ngắn, oằn mình theo từng chi tiết để rồi phải mệt nhoài người ra. Phải chăng những cảm xúc lưu lại của phân định lại trở nên một món quà siêu nhiên mà như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong số 70 của Tông huấn Gaudete Et Exsultate – Hãy Hân Hoan Và Nhảy Mừng: Ta cần luôn nhớ rằng sự phân định là một ơn Chúa ban. Đành rằng nó bao gồm lý trí và sự cẩn trọng, nó vẫn vượt trên cả hai, vì nó là chuyện dò tìm xem đâu là kế hoạch mầu nhiệm và độc đáo Thiên Chúa đang dành cho mỗi người chúng ta, kế hoạch đang rõ dần giữa biết bao hoàn cảnh và giới hạn khác nhau. Nó không chỉ là chuyện liên quan tới một sự an vui trần thế, một sự hài lòng vì đã làm một điều gì hữu ích, hay là niềm khao khát có một lương tâm thanh thản. Điều đáng kể chính là ý nghĩa của đời tôi trước mặt Chúa Cha, Đấng biết tôi và yêu thương tôi, là cái mục đích cuối cùng của đời tôi, mà không ai biết rõ hơn Ngài. Rốt cuộc, sự phân định dẫn đến chính nguồn suối của cuộc sống bất diệt, nghĩa là được nhận biết Đức Chúa Cha, là Thiên Chúa thật duy nhất, và Đấng Ngài đã sai đến, là Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17,3). Sự phân định không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, cũng không chỉ dành cho những người thông minh hơn hoặc có học thức cao, và Chúa Cha đã vui lòng tỏ mình ra cho những người bé nhỏ (x. Mt 11,25)

Giữa dòng đời thế sự nhốn nhang, làm sao để biết được là một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ? Cách duy nhất là phải phân định. Sự phân định không những đòi phải có một khả năng tốt để lý luận và phải có lương tri (khả năng biết lẽ thường – ND), mà còn là một ơn cần phải cầu xin. Nếu chúng ta tin tưởng cầu xin Chúa Thánh Thần ơn này, đồng thời tìm cách vun trồng nó bằng cầu nguyện, suy niệm, đọc sách và nghe lời khuyên tốt, chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng tinh thần này (số 166). Điều đặc biệt hơn nữa, ngài nói rằng: ngày nay khả năng phân định càng đặc biệt trở nên cần thiết. Cuộc sống hiện nay cống hiến cho ta vô số khả năng để hành động và giải trí, và ai cũng xem như tất cả đều được phép và tốt. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đều chìm trong một nền văn hóa cảm ứng, liên tục “chấm, quẹt”. Ta có thể đồng thời lướt hai hoặc ba màn ảnh và tương tác trên hai ba cảnh ảo cùng một lúc. Nếu thiếu sự sáng suốt phân định, ta có thể dễ biến thành những con rối chiều theo mọi xu hướng chóng qua (số 167).

Thật vậy! Làm chủ cuộc đời, làm chủ bản thân là xu hướng, là từ khóa thật sự có sức hút rất dữ dội với một thế hệ như tôi, được sinh ra khi không còn đói nghèo, không phải quá lo lắng cái ăn, cái mặc, cái tích lũy phòng thân. Thế hệ chúng tôi, thế hệ Millennials hay còn gọi là thế hệ Y (khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), thế hệ trưởng thành song song với sự phát triển của công nghệ, thông tin và mạng xã hội. Công cụ tìm kiếm Google ra đời năm 1998, Youtube thành lập năm 2005, các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram lần lượt ra đời các năm 2004, 2006, 2010. Chính vì thế, ảnh hưởng của công nghệ đã cho phép người trẻ chúng tôi được sáng tạo một phiên bản cá nhân theo tiêu chuẩn của xã hội, hạn chế khả năng giao tiếp trực tiếp và thể hiện cái tôi của mỗi cá nhân, một cái tôi thật khác biệt, thích tự do, một chút lạc lối và thật nổi bật để có được vị trí trong xã hội.

Bên cạnh đó, cuộc sống qua phương tiện truyền thông và các khóa học trực tuyến đưa vào tâm trí tôi, hình mẫu của những người làm chủ bản thân, làm chủ giấc mơ, làm chủ cuộc sống, tự do khám phá thế giới và làm tất cả những điều mình thích. Từ đó, chẳng có gì là tình cờ để dưới bầu trời mộng tưởng với những suy nghĩ nhỏ nhen trong tôi rằng: “Cuộc sống thời thượng này, cứ thích là nhích, cứ muốn là làm, cứ vui là sống chứ đâu cần phải mất thì giờ để chọn lựa” đang dần đánh thức tôi qua trung gian của đám mây phân định.

Sống trong thời bình, phải chăng những người trẻ như tôi vẫn còn đó căn bệnh của sự nông nổi nhất thời, dễ chán nản thất vọng. Đặc biệt, với những người trẻ mang trên mình bóng dáng trở thành một tu sĩ. Liệu đã có chút suy nghĩ về cuộc sống? Sống để làm gì? Tại sao ta lại đi tu? Đi tu để làm gì? Lòng sự khao khát cháy bỏng của sức trẻ sẽ yêu Chúa với tình yêu như thế nào?

Thật quá đỗi mầu nhiệm để yêu, hiểu và cảm nếm tình yêu với Chúa, một tình yêu quá cao siêu, diệu vợi bởi trong khi trào lưu nơi người trẻ vẫn còn đó thích sờ mó, đụng chạm, thích cái gì đó màu mè, sáng tạo, thích nổi trội nhưng có chút thanh tao giản dị; thích thực tế, muốn thử nghiệm; làm phải có kết quả; định nghĩa phải chính xác; câu chuyện phải có tình tiết; lý lẽ phải sắc bén; dẫn chứng phải thực tế, không mông lung. Thật sự, người trẻ chúng tôi có lúc lơ mơ, tơ tưởng những điều đố ai có thể đoán được.

Tôi cũng có thể nói lên một cảm nhận rằng dường như tôi cũng như một vài bạn trẻ khác cũng đang mắc kẹt giữa hai dòng thời gian di chuyển ngược chiều. Một mặt, chúng tôi được nuôi dạy với một kế hoạch nghĩa là học xong phổ thông đại học và sau đó tự tin bước vào đời với nghề nghiệp trong tay, hy vọng sẽ thực hiện nhiều ước mơ, xây dựng gia đình và tiếp tục cuộc sống. Mặt khác, thực tế cho tôi biết, cuộc đời tôi không thực hiện theo đúng kế hoạch như đã định. Trước viễn cảnh đó, nếu người trẻ chúng tôi không trưởng thành trong suy nghĩ, qua lăng kính của cầu nguyện, đối thoại chân thành trong yêu thương, khiêm tốn và cởi mở, ắt hẳn sẽ dễ dàng suy sụp tinh thần. Và điều hiển nhiên là dễ chiều theo cám dỗ, dễ ngả sang ngã rẽ khác mà nhiều lúc đó lại ngõ cụt.

Chính vì thế, phân định là một công cụ chiến đấu giúp tôi theo Chúa cách tốt hơn. Tôi luôn cần nó để nhận ra được đâu là giờ của Thiên Chúa và của ân sủng Ngài để khỏi lãng phí ơn linh hứng của Chúa và khỏi bắt hụt lời Ngài đang mời gọi lớn lên. Sự phân định cũng giúp tôi nhận ra những phương thế cụ thể Chúa xếp đặt trong kế hoạch mầu nhiệm đầy yêu thương của Ngài, để giúp tôi không chỉ ngừng lại với những ý định tốt lành (số 169). Khi phân định, tôi cũng phải uốn mình chạy theo lối suy nghĩ như một mắt xích khổng lồ dài dằng dặc bao trọn cả khối óc và con tim. Tôi khó rứt ra được lối suy nghĩ ấy. Tôi cần một bàn tay chìa ra nâng đỡ. Tôi cần được lắng nghe thay vì chất vấn. Tôi cần lắm một lối thoát, một chọn lựa đúng đắn. Tôi vẫn luôn hy vọng được nâng đỡ bởi một người từng trải, họ đã cảm nhận được vị chua cay mặn ngọt từ món ăn phân định đưa ra trong cuộc đời họ. Để rồi, họ có thể tự tin trình bày món ăn ấy cho tôi cũng như cho những người đi sau thưởng thức và tất nhiên không làm mất đi vẻ nhàm chán nhưng tăng thêm hương vị của cuộc đời, biết chia sẻ cảm thông và đưa người khác tiến bước đi lên hướng về Thiên Chúa là cùng đích của bài học phân định với sự tự do. Bởi Thiên Chúa, Ngài luôn yêu cầu tôi dò xét cả những tín hiệu bên trong – các ước muốn, lo âu, sợ hãi và kỳ vọng của tôi – và cả những thứ bên ngoài đang xảy ra quanh tôi – “những dấu chỉ của thời thế” – để nhận ra đâu là những nẻo đường đưa đến tự do hoàn toàn. “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ” (1 Tx5,21) (số 168).

Thoáng nhìn lại, hình như dưới đám mây phân định, tất cả những giấc mơ đẹp đẽ của tuổi trẻ với tôi nay có phần hoang dã, lạc lối khi tôi thiếu đi cái nền tảng chắc chắn của cầu nguyện, của sự tín thác cậy trông vững vàng, của sự can đảm nơi chính bản thân. Bởi chính trong lúc cầu nguyện, tôi lại tránh né sự chất vấn của Chúa Thánh Thần, Đấng đầy tự do, luôn hành động như ý Ngài muốn (số 172). Tôi học được nhiều qua tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi phải nhớ rằng sự phân định trong cầu nguyện đòi buộc ta phải bắt đầu từ sự mở lòng lắng nghe: lắng nghe Chúa, lắng nghe người khác, và lắng nghe chính thực tại vẫn hằng thách thức tôi bằng những cách thế mới. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có được tự do nội tâm để từ bỏ những ý tưởng chủ quan hoặc phiến diện của mình, cũng như những thói quen cố hữu và những định kiến của mình. Có thế, tôi mới thực sự mở lòng đón nhận cái tiếng gọi có thể phá vỡ sự an toàn của ta, nhưng lại dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Quả thật, nào phải cứ mọi sự đều xuôi chảy, đều yên ổn là đã đủ! Thiên Chúa còn có thể cho tôi một điều gì đó tốt hơn nhiều, nhưng chỉ vì cầu an chểnh mảng mà tôi không nhận ra. Như thế, phân định không phải là một kiểu tự phân tích chỉ biết có mình, hoặc một hình thức nội quan (tự xét nội tâm) tập trung vào mình, nhưng là một tiến trình thật sự ra khỏi chính mình để tiến về mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng giúp ta làm tròn sứ vụ mà Ngài đã mời gọi tôi, vì lợi ích cho anh chị em của tôi (số 172).

Tôi là ai?  Dưới đám mây phân định, tôi đã làm gì? Dừng lại, bước đi hay rẽ trái, rẽ phải? Điểm quan trọng là cuối cùng an nhiên tự tại tỏa ra từ tự do nội tâm của chính tôi, giúp tôi ý thức rằng: ngày hôm nay là quà tặng Chúa dành cho  tôi, tôi có một chút gì đáp trả lại hồng ân diệu vời đó?

                                                                                    La Nobita