Long đong phận người

GPVO (8/1/2023) – Bữa trưa mừng Giáng sinh trong làng nghèo cùng với anh chị em đồng bào, thấy cảnh lem luốc của lũ trẻ con cũng như nỗi nhọc nhằn trên khuôn mặt của người lớn để rồi cha Phêrô – người anh em linh mục Dòng Chúa Cứu Thế dường như cả đời tận hiến tâm huyết cho anh chị em sắc tộc (cách đặc biệt về giáo dục) – nói nhỏ:

– Kỳ này đời sống căng quá! Tối hôm qua mình ở Ea H’Leo thấy tội dân. Nghe nhiều người nói năm nay ở đó mất mùa và đói kém.

 

Nghe như thế “già làng” là cha xứ sở tại không nói gì. Nét mặt cha trầm ngâm và như không muốn nhắc đến cảnh khổ của dân. Trầm ngâm một lát tôi nói với cha Phêrô:

– Trên vùng đó mà mất mùa đói kém thì vùng này không biết nói làm sao luôn anh ơi!

Thật thế! Ở cái vùng nghèo thì khó tả. Chỉ có những ai đến và ở lại mới cảm thấy xót và đau chó cái nghèo.

Đêm vọng Giáng sinh ở những nơi hoành tráng hay xứ lớn thì họ tổ chức tiệc tùng hay vui với nhau chút gì đó. Còn ở đây, nghèo mà! Liệu cơm thì gắp mắm thôi! Có khả năng đâu mà giết heo hay giết bò hay làm mâm này mâm nọ. Đơn giản có ít con gà gọi là bồi dưỡng cho “diễn viên” lo cho phần diễn nguyện cùng một số người giúp việc. Kèm theo đó là sau lễ mỗi người một chiếc bánh mì ngọt trong tay.

Với chiếc bánh mì trong tay, nhiều người nhận như là nhận được cái gì to lắm vậy. Trị giá của nó không bằng một góc ổ bánh mì Huỳnh Hoa ở góc đường Lê Thị Riêng quận một. Một ổ bánh mì Huỳnh Hoa có lẽ mua cũng được gần chục cái bánh mì ngọt đêm hôm ấy. Ấy vậy mà vui !

Còn hang đá! Trưa nay nghe cha kia kể ở một giáo xứ nọ vùng Thủ Đức, trị giá cái hang đá đâu cũng cả nửa tỷ! Thôi thì cũng đúng thôi! Họ có khả năng họ làm đó là tự do của họ. Mình ở cái xứ nghèo chắc có lẽ ít triệu bạc dàn đèn bông lúa và ít đèn nhấp nháy. Đèn sao chổi tận dụng của người ta cho từ năm ngoái. Đặc biệt, cái tượng Hài Nhi Giêsu to đùng đùng ấy cũng có “mùi thơm nhang”.

Đời sống kinh tế ở đây là vậy lấy chi mà để đua đòi với nơi khác.

Chiều hôm sau của ngày đại lễ, ra tiệm để húi tóc. Đang khi hớt, nghe anh thợ hớt tóc nhận định về cuộc sống ở đây thấy mà thương. Gia đình có 3 đứa con nhưng nó lại phải rời nơi xứ sở này để vào Hóc Môn – Sài Gòn để kiếm sống. Mới có đứa cháu ngoại nữa nên bà ngoại vào chăm cháu. Mấy tháng nay anh chàng hớt tóc tủi thủi một mình ở nhà.

Vừa cạo cái đầu vừa to vừa ngố, anh kể chuyện đời sống của người dân ở đây. Nghe anh nói tôi mới nói với anh rằng người Kinh còn khốn đốn thì người đồng bào sẽ ra sao.

Anh nói rằng có nhiều trường hợp bỏ quê đi làm xa để rồi có người nghiệt ngã là không có tiền để về xe nữa. Chính xác là như vậy. Nhiều công ty hãng xưởng đã sa thải công nhân từ hơn một tháng trước để tránh đi chuyển lương thưởng của tháng 13 và phụ trợ khác. Nỗi khổ vẫn đến và ở lại với những người tha phương cầu thực thôi.

Thật vậy, sáng Chúa nhật, lui cui phụ bữa ăn sáng cho tụi nhỏ, một chàng giáo lý viên và cũng là một giáo dân nhiệt thành của giáo xứ ra phụ bữa sáng. Hỏi thăm gia cảnh thì chàng cho biết gia đình có được 2 con bò cùng đám rẫy khoai mì. Hỏi rằng nhiêu đó đủ sống không thì anh lắc đầu ngoay ngoảy.

Tò mò hỏi chăm hai con bò đó thì mấy năm cân ký được để bán. Nghe hỏi, anh nói là phải mất 2 năm!

2 năm để có được bò đủ lớn để bán. Giá thành mỗi con hiện tại có lẽ tầm mươi triệu. Như thế, cả vốn lẫn lời cho 2 năm được hai mươi triệu. Gia đình ngần ấy người làm sao đủ để chi tiêu đây ?

Gia cảnh anh này còn may mắn là có bò để chăm. Phần lớn người đồng bào ở đây nghèo đến độ cũng chả còn đất hay có đất để trồng trọt hay canh tác. Họ chỉ biết đi làm thuê làm mướn mà công việc dao động chỉ có vô vụ mùa.

Giảng lễ thiếu nhi, muốn nhắc nhớ chúng về công lao cha mẹ, hỏi thăm thu nhập của ba mẹ bao nhiêu một ngày thì được biết 150 ngàn đồng. 150 ngàn đồng mà cũng đâu phải ngày nào cũng có việc để làm đâu. Thế cho nên thiếu trước hụt sau vẫn là chuyện thường thấy ở nơi nghèo.

Lần nọ, giáo lý viên đi tĩnh tâm cách nhà hơn hai chục cây số. Cộng với số cây số từ trong làng thêm ít cây số nữa. Sợ các bạn phải thắt lưng buộc bụng nên dúi chút chút gọi là “lộ phí”. Lòng chẳng thể nào yên được với những mảnh đời nghèo.

Những ngày mùa và cuối năm làm cho sự hiện diện của giáo dân có phần thưa thớt. Lòng buồn thì có buồn nhưng không thể nào trách được sự thiếu vắng của cộng đồng tín hữu. Ai ai cũng phải chật vật với cuộc sống để rồi làm sao như ý mình muốn được. Lòng người mục tử có ai mà không muốn giáo dân đến nhà thờ, đến với Chúa qua thánh lễ và sinh hoạt trong giáo xứ đâu. Thế nhưng rồi cái nghèo cũng là một cản trở mà không ai có thể nói được. Giáo dân cũng muốn đến với Chúa lắm chứ! Thế nhưng rồi họ cứ phải lam lũ tìm kế sinh nhai.

Chả biết giận hờn cái nghèo thế nào đây vì lẽ cái nghèo nó cứ như thương anh chị em Jrai vùng này lắm. Cái nghèo nó cứ khắng khít với anh chị em bao đời nay. Chả biết bao giờ cái nghèo nó mới chịu buông tha cho những phận đời đau khổ ở đây.

Những ngày cuối năm đâu đó người ta mua sắm chộn rộn thì ở cái vùng nghèo này bầu khí nó lặng lại càng lặng hơn. Hàng quán dường như đã thưa nay lại thưa dần thêm nữa vì kẻ bán thì nhiều mà người mua thì lại ít.

Thời gian của một năm cũ đang cuốn dần lại. Dĩ nhiên vui để đón mừng năm mới nhưng thật sự chỉ là ráng thôi. Vui làm sao được khi xung quanh mình còn có quá nhiều mảnh đời đau khổ.

Lm. Anmai, CSsR