Có một ngôi sao lớn vừa vụt tắt,
Cả rừng sao lặng lẽ, lòng hiu hắt.
Sương tràn tím cả hoàng hôn Bát Nhật,
Bóng người lữ hành an yên về lòng đất.
Một thoáng lặng cũng đầy muôn thuở nhớ,
Cả biển tình chắt được mấy vần thơ!
Hôm nay, tôi cúi mình và cầm bút tiễn biệt một người cha mà tôi chưa bao giờ có diễm phúc được diện kiến, một người đã mãi mãi đi vào chốn ngàn thu nhưng vẫn đang hiện diện rất sống động và tràn trề trong trái tim tôi. Một người ở nơi rất xa nhưng lại thật gần. Xa vì khoảng cách địa lý, gần vì gương sáng và tấm lòng cao cả của ngài đã chạm tới con tim.
Giờ này, đó đây trên khắp địa cầu, “màn tang của sự thinh lặng và tưởng nhớ” đang bao trùm những đám đông và các cá nhân. Một thoáng suy tư lại cuộc đời của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI, tôi ngỡ ngàng nhận thấy cuộc đời của ngài lại có điểm đầu và điểm kết thật ý nghĩa. Từ Thứ Bảy Tuần Thánh ngày 16/04/1927 (ngài chào đời và được rửa tội cùng ngày) đến Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Giáng Sinh ngày 31/12/2022 (ngài hoàn tất hành trình đức tin), đây quả là một cuộc lữ hành đầy phúc ân! Tiếng khóc đầu đời trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh nay đã được thay thế bằng nụ cười cuối cùng của sự viên mãn trong ngày Thứ Bảy Bát Nhật Giáng Sinh bởi biến cố chào đời của Đấng Cứu Thế đã mang đến cho ngài một cuộc “hạ sinh mới” trên Thiên Quốc. Ngài đã chào đời trong vòng tay của Đức Mẹ Sầu Bi và nay ra đi êm ái trong vòng tay của Mẹ Thiên Chúa – Nữ Vương Hòa Bình. Và sự an nghỉ của ngài trong ngày cuối cùng của năm 2022 như là một sự cán đích thành toàn, một dấu chấm tận đầy đủ ý nghĩa, một nốt lặng thiên thu!
Có lẽ cả Giáo hội và thế giới phải cúi mình nhìn nhận rằng “ngài là một con người đầy bản lĩnh trước thời cuộc và tràn trề khí chất thiêng liêng trong sâu thẳm nội tâm”. Cuộc đời của ngài là một minh chứng sống động cho cuộc lữ hành tìm kiếm và trải nghiệm vẻ đẹp của đức tin, của Đấng Tạo Hóa. Ngài là một mầm sống tuyệt vời đã vươn dậy trong bão tố nghiệt ngã của chế độ Đức Quốc Xã, là một tâm hồn thanh khiết can trường kinh qua những “đêm dài và đêm dày” trong sứ vụ là người thầy dẫn dắt đức tin và là vị cha chung của Giáo hội hoàn vũ. Từ độ thanh xuân cho đến lúc già nua tóc bạc, từ khi còn là sinh viên đến khi làm giáo sư Thần học, cho tới lúc trở thành Giáo hoàng và Giáo hoàng danh dự (Pope Emeritus), sự bình yên nơi tâm hồn ngài dường như được “chưng cất” từ những đau khổ, thử thách. Đọc lại tiểu sử của người cha vĩ đại này, ngoài việc trầm trồ trước “Personal Profile quá ấn tượng” của ngài thì chúng ta cũng phải thán phục nguồn sức mạnh nội tâm phát xuất từ một cuộc đời thinh lặng suy tư để tìm kiếm Thiên Chúa.
Con người đặc biệt này còn để lại ấn tượng sâu sắc cho chúng ta về năng lực trí tuệ và sự phong nhiêu của tâm hồn. Hơn 60 năm cuộc đời, ngài đã đồng hành với Giáo hội trên con đường thần học, chuyển dịch từ quê hương Bavaria, qua những chặng đường với các thành phố đại học ở Đức, đến Münich rồi cuối cùng ở Roma. Có thể nói ơn gọi nghiên cứu và giảng dạy thần học là một sợi chỉ xuyên suốt chuỗi ngày sống của ngài ngay cả khi là Giáo hoàng. Chiều sâu của dòng tư tưởng Ratzinger và cung giọng ngôn ngữ thần học linh đạo của ngài vút cao và trổi vượt đến nỗi ngài được kể vào danh sách những nhà thần học lỗi lạc của thế kỷ XX và XXI. Chính cốt tủy của nguồn tri thức thánh nơi con người ngài đã cho phép ngài vững vàng hướng dẫn Giáo hội đương đầu với những khủng hoảng và bão tố. Cho nên, người ta không ngần ngại gọi ngài với danh xưng: “Servitore di Dio e dell’umanità” (Tôi tớ của Thiên Chúa và của nhân loại). Ảnh hưởng của người tôi tớ này thật lớn lao đối với những tín dân của thời hiện đại, nền tảng đức tin của biết bao người đã mang “thuần chất Ratzinger”, từ các em trong độ tuổi giáo lý phổ thông đến các học viên thần học, các học giả tiếng tăm. Thật không uổng công cho một cuộc đời suy tư và nghiên cứu, hướng trọn ánh mắt và trái tim về Đấng Toàn Thiện. Như thế mới thấy được sức lôi cuốn của Thiên Chúa mạnh mẽ đến nhường nào!
Trải qua một cuộc đời dài và đã kinh qua biết bao thăng trầm của thời vận, ngài vẫn luôn là một chứng nhân đức tin kiên vững và một chứng nhân của niềm hy vọng hằng sống. Cho đến khi da mồi tóc bạc, ngài vẫn tỏa ra được nguồn sức mạnh trong sự yếu đuối. Khi sinh khí trên thân thể càng hao mòn thì sức sống trong linh hồn của ngài lại càng phong nhiêu. Càng tiến xa dần ra khỏi thế gian thì ngài lại tiến gần hơn đến cổng Nước Trời. Sự hiện hữu của ngài đã làm bừng tỉnh nhiều tâm hồn với lời minh chứng sống động: “Thiên Chúa không bao giờ chết”. Cho đến giờ phút cuối đời, con người này vẫn là một tâm hồn cực kỳ giàu có: những kinh nghiệm đức tin, những trải nghiệm phận người, một đầu óc tinh anh, một tâm hồn tinh tế, một thế giới nội tâm phong nhiêu và một tấm lòng dạt dào tình thương.
Giờ đây, ngài đã thực sự đi mãi về nơi xa xôi, về mảnh đất mà ngài hằng ước ao. Khi sinh thời, ngài đã đào sâu Cánh Chung Luận với khát khao tìm thấy đường về Thượng Trí, nay ngài đã có thể trải nghiệm những gì mà mình đã đanh thép chứng minh. Sự am hiểu và tình bạn với Vị Thẩm Phán tối cao sẽ cho phép ngài tự tin bước qua cánh cửa tăm tối của sự chết để “diện đối diện” chiêm ngưỡng đối tượng duy nhất của lòng trí ngài. Ngài ra đi thì có lợi cho ngài nhưng Giáo hội lại mất đi một điểm tựa vững chắc. Giờ đây, người ta mới hiểu cảm giác thế nào là “ngôi nhà mất đi một mái che lớn”. Quả thật, nếu ví Giáo hội là một ngôi nhà thì giờ đây ngôi nhà ấy mất đi một mái che vững chắc. Cảm giác trống trải và thiếu vắng cứ theo cơn gió buốt giá mà lùa vào hồn người.
Đôi dòng cảm tưởng của một người con trong Giáo hội Việt Nam mong được hòa vào những dòng tâm tưởng âm thầm khác nơi mảnh đất bên bờ Đông Nam lục địa Á Châu này, xin nhờ “làn sóng thiêng” chuyển về Giáo đô Rôma, nơi an nghỉ cuối cùng của ngài. Ước gì linh hồn của vị cha chung trong giờ phút này được đích thân Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa dẫn dắt đến trước thiên nhan Đấng Tối Cao để ca ngợi quyền năng và lòng thương xót của Chúa cho đến muôn đời
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh