GPVO (26/8/2022) – Nhà thờ là nơi con người thờ phượng Thiên Chúa, cũng là nơi Thiên Chúa ngự trị và hiện diện cách hữu hình nơi trần gian. Chính nơi đây, Thiên Chúa tụ họp dân Ngài, để họ chúc tụng và ngợi khen tôn vinh Danh Thánh, cùng nhau chia sẻ Bàn tiệc Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, nhà thờ được gọi là nơi thánh thiêng, là điểm tâm giao để con người dễ dàng kết hiệp mật thiết với Chúa. Đây cũng là nơi đào tạo, nuôi dưỡng và xây dựng đức tin, nhờ đó mỗi người can đảm trở nên chứng nhân rao truyền lời Chúa.
Với tất cả ý nghĩa đó, vào lúc 8g00’, sáng thứ Năm ngày 25/8/2022, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã long trọng cắt băng khánh thành và cung hiến thánh đường giáo xứ Đồng Sơn. Hiện diện trong thánh lễ có cha Tổng đại diện Phêrô Nguyễn Văn Vinh, cha quản xứ Giacôbê Nguyễn Quang Lành, quý cha quản hạt, quý cha trong và ngoài giáo hạt Xã Đoài, quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Đồng Sơn, một tên gọi thân thương, hàm chứa nhiều ý nghĩa tích cực trong tương quan với xã hội, với con người và với Đấng Siêu Việt. Tuy nhiên, giáo xứ Đồng Sơn như chúng ta thấy ngày nay không phải là một thực thể vốn hoàn hảo, bất di bất dịch ngay từ đầu nhưng là thành quả của một quá trình tự khẳng định mình trong dòng lịch sử. Thành quả đó không chỉ đạt được bằng mồ hôi nước mắt mà thôi mà còn bằng cả máu đào của bao thế hệ cha anh.
Thật vậy, mảnh đất Đồng Sơn đã được các bậc tiên tổ khai hoang, định cư, lập nghiệp tự bao đời nay. Giáo xứ Đồng Sơn là người con của xứ mẹ Trang Nứa, đã được các nhà truyền giáo thuộc các dòng tu mang nhiều quốc tịch khác nhau đến gieo trồng hạt giống lời Chúa từ những năm cuối thế kỷ 17. Trải qua 345 năm, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia đã không ngừng gầy dựng, vun đắp hạt giống đức tin, nhất là kể từ ngày Bề trên Giáo phận chính thức cấp giấy chứng nhận thành lập giáo họ Đồng Nhân (cách đây 134 năm). Có thể nói: các bậc tiền bối, các nhà truyền giáo và các thế hệ cha anh là những “Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1C 3, 6).
Giáo xứ Đồng Sơn, tên gọi được hợp thành bởi tên của ba giáo họ là Đồng Nhân, tức giáo họ trị sở, Sơn Lạng và Tân Sơn. Giáo xứ thành lập ngày 7/5/2008 và được công bố vào ngày 28/8/2008 với quan thầy là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Từ đó, tên gọi giáo xứ Đồng Sơn đã được tháp nhập vào đội ngũ các giáo xứ của Giáo phận Vinh.
Đến ngày 16/08/2010, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm cha Giuse Trần Nam Thắng về coi sóc giáo xứ. Ngài vừa về đến giáo xứ thì đã bắt tay vào công việc xây dựng cơ sở vật chất và đời sống đạo của giáo xứ. Đặc biệt, thấu hiểu được nguyện vọng của bà con là xây dựng ngôi nhà thờ mới, ngài đã cùng với bà con tháo dỡ ngôi thánh đường cũ và đến ngày 1/7/2013 thì tiến hành đào móng ngôi thánh đường mới. Chỉ trong vòng 2 tháng, phần móng đã hoàn thành. Đến ngày 8/9/2013, Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã về dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường.
Trải qua 9 năm xây dựng với biết bao hy sinh của cha tiền nhiệm Giuse và cha xứ đương nhiệm Giacôbê Nguyễn Quang Lành, với lòng nhiệt thành và quảng đại của bà con trong giáo xứ, cũng như sự giúp đỡ của các ân nhân, ngôi thánh đường, trường giáo lý và các công trình khác phục vụ cho giáo xứ đã hoàn thành. Và ngày 25/8/2022 này đánh dấu một bước ngoặt trong trang sử giáo xứ Đồng Sơn: ngôi thánh đường đầu tiên của giáo xứ sẽ được cung hiến để từ đây chính thức trở thành nơi thờ phượng, cử hành phụng vụ, nơi gặp gỡ, nối kết tình hiệp nhất và liên đới của mọi thành phần dân Chúa.
Trước giờ khai lễ, đáp lại lời thỉnh nguyện của cha quản xứ, Đức cha Anphong đã có lời huấn từ với cộng đoàn trước khi chính thức cắt băng khánh thành ngôi nhà thờ mới. Cha quản xứ nhận chìa khóa từ tay Đức cha, mở cửa nhà thờ và đoàn đồng tế lần lượt tiến vào, bắt đầu cử hành thánh lễ.
Trong bài giảng, Đức cha Anphong đã quảng diễn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cung hiến thánh đường cho Thiên Chúa, qua đó mời gọi mỗi người cũng biết dâng hiến đền thờ tâm hồn là nơi Thiên Chúa ngự trị cách xứng hợp nhất. Đền thờ là biểu tượng của niềm tin Kitô giáo. Nơi đây, Thiên Chúa ngự trị với dân Người cách mật thiết nhất. Việc cung hiến đền thờ cho Thiên Chúa bày tỏ nỗi niềm khát khao của đoàn dân khi mong ước Thiên Chúa đến và ở lại nơi đền thờ. Hơn bao giờ hết, Chúa Giêsu là đền thờ của Thiên Chúa khi chính Ngài đã để Thiên Chúa ở lại và hoạt động cách mạnh mẽ nơi chính đời sống của Ngài. Vì thế, mỗi người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 26; Cl 1, 15) và qua bí tích Rửa tội, con người được thánh hiến và trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã quả quyết rằng: “Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em? Nếu ai phá hủy đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và anh em chính là đền thờ ấy” (1 Cr 3,16-17). Như vậy, mỗi người phải ý thức về ngôi đền thờ trong tâm hồn của chính mình, nhờ đó biết cắt tỉa và canh tân tâm hồn cách xứng hợp nhất để Thiên Chúa cư ngụ.
Ngoài ra, Đức cha cũng mời gọi mỗi người biết mở ngôi đền thờ vật chất và tâm hồn để những người chưa nhận biết Chúa tìm thấy ánh sáng của ơn cứu độ. Qua đời sống bác ái, yêu thương và sẻ chia, đó là những hương thơm của đạo Công giáo giúp mọi người hấp dẫn bởi các nhân đức của anh chị em tín hữu.
Sau bài giảng lễ, nghi thức cung hiến bàn thờ được cử hành với các phần: Kinh Cầu Các Thánh – Lời nguyện cung hiến – Xức dầu và xông hương bàn thờ – Phủ khăn và thắp sáng bàn thờ. Từ nay, bàn thờ này sẽ là bàn thờ được cung hiến cho hy tế của Đức Kitô và trở nên bàn ăn của Người. Xin cho nơi đây vang lên lời ca ngợi hân hoan của loài người hợp với cộng đoàn các thánh và cho lời nguyện cầu vì phần rỗi thế gian được bay lên trước tôn nhan Chúa. Xin cũng cho nơi đây, kẻ nghèo gặp được lòng thương xót, người áp bức tìm được tự do và mọi người mặc được phẩm giá của con cái Chúa, cho đến ngày họ sung sướng đạt tới Giêrusalem trên trời… (x. Lời nguyện cung hiến nhà thờ và bàn thờ).
Tâm tình cuối thánh lễ, vị đại diện HĐMV giáo xứ đã bày tỏ lời tri ân, cảm tạ đến Đức cha, quý cha, quý ân thân nhân xa gần cùng cộng đoàn đã luôn đồng hành, giúp đỡ giáo xứ trong suốt quá trình xây dựng ngôi thánh đường, cách riêng đã quan tâm, ưu ái và trở về hiệp thông trong thánh lễ làm phép và cung hiến hôm nay.
Gioan Nguyễn