Các nhu cầu và điều kiện chung của truyền thông mục vụ và truyền giáo

LỜI GIỚI THIỆU

Nói đến truyền thông, cách riêng nói đến tầm quan trọng, lợi ích và ảnh hưởng lớn lao của truyền thông xã hội, thánh Công đồng Vatican II đã khẳng định 45 năm về trước rằng: “Trong những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật truyền thông do nhân loại phát minh, Giáo Hội đặc biệt lưu ý tới những phương tiện trổi vượt và có ảnh hưởng lớn lao đến không chỉ từng người, mà cả đại chúng và toàn thể nhân loại như: báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến” (Inter Mirifica 4/12/1963). Ngày nay, danh sách này phải kéo dài ra cả trang để kể thêm nào là kỹ thuật số, Internet, Email, Website, nào là Cyberspace, Hi-tech, Mobile, Ipod, Intel…

Về nhiệm vụ truyền thông, sắc lệnh nêu đích danh như sau:

  1. “Đức Giáo Hoàng cũng cần có một uỷ ban riêng của Toà Thánh để thi hành mục vụ tối cao về những phương tiện truyền thông xã hội” (I.M, 19). Uỷ ban này được nâng lên thành Uỷ ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, và nay trở thành một Bộ của Toà Thánh.
  2. Về Giám mục, “các chủ chăn đáng kính phải cấp tốc chu toàn phận vụ mình trong lĩnh vực này, vì nó liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ thông thường của các ngài là giảng dạy…” (I.M, 13b). “Các giám mục có bổn phận chăm sóc các công cuộc và các tổ chức thuộc loại này trong giáo phận mình. Các ngài phải cổ võ và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, thì phải phối hợp chúng, kể cả các tổ chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ” (I.M, 20).
  3. Trên bình diện quốc gia, thánh Công Đồng quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi các cơ quan quốc gia về báo chí, điện ảnh truyền thanh và truyền hình… “Website, email, blogs…” và phải dùng mọi phương thế giúp đỡ các cơ quan đó (I.M, 21a).
  4. “Trong mỗi quốc gia, việc điều khiển các tổ chức trên phải được uỷ thác cho một Uỷ ban Giám mục đặc biệt hoặc cho một Giám mục đặc trách (I.M, 21c).
  5. Nhiệm vụ trước tiên của các cơ quan này là tìm cách “đào tạo đứng đắn lương tâm tín hữu trong việc sử dụng những phương tiện đó, cùng cổ vũ và phối hợp mọi công cuộc của người Công giáo trong lĩnh vực này”! (I.M, 21b)

Tại Việt Nam, mãi đến cuối năm 2006, Uỷ ban Truyền thông Xã hội mới được Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức thành lập. Kế hoạch, nhiệm vụ chính yếu đầu tiên của Uỷ ban Truyền thông là đầu tư nhân sự, huấn luyện và đào tạo nhân sự về truyền thông!

Nói đến huấn luyện, đào tạo nhân sự về truyền thông, thánh Công đồng nêu rõ như sau: “Phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ” (I.M,15).

“Trong các trường công giáo thuộc mọi cấp, trong các chủng viện và trong cả những nhóm tông đồ giáo dân, phải cổ vũ, tăng gia và theo nguyên tắc luân lý Kitô giáo, hướng dẫn các tổ chức có khả năng theo đuổi mục đích này, nhất là những tổ chức dành riêng cho giới trẻ” (I.M, 16b).

Nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu cấp bách của sắc lệnh về “các phương tiện truyền thông xã hội” nói trên, tập sách “Truyền thông trong Mục vụ và Truyền thông trong Truyền giáo” của Cha Franz-Josef Eilers, SVD, đã được tổ Giáo dục Truyền thông của Uỷ ban Giám mục về Truyền thông chuyển dịch ra tiếng Việt để làm tài liệu giảng dạy cho các chủng sinh, linh mục và giáo dân vì nội dung rất bổ ích và giá trị của cuốn sách!

Chúng tôi xin hết lòng cám ơn Cha Franz-Josef Eilers, SVD, Tổng Thư ký Văn phòng Truyền thông Xã hội (OSC) của liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), đồng thời cũng là tác giả nổi tiếng của tập sách này và nhiều bộ sách quý giá khác về truyền thông, đã cho phép Uỷ ban Truyền thông Xã hội chuyển ngữ ra tiếng Việt và sử dụng như sách giáo khoa cho việc đào tạo, huấn luyện nhân sự về truyền thông!

Xin Chúa chúc lành cho những ai đã đóng góp công sức cho việc hình thành tập sách này.

Hà Nội, ngày 8/8/2008

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB

Nguyên Chủ tịch UBTTXH

——————-

NHẬP ĐỀ

Hội thánh có sứ vụ truyền thông Tin Mừng cứu độ và tình thương của Thiên Chúa cho mọi tạo vật, và Hội Thánh còn phải tiếp tục truyền thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi công việc truyền thông của Người về mầu nhiệm Mặc Khải và Nhập Thể vào cuộc sống cụ thể hằng ngày qua muôn thế hệ. Việc truyền thông này được thực hiện bằng ba phương thức có liên hệ mật thiết với nhau: rao giảng (Kerygma), đời sống cộng đoàn hiệp thông (Koinonia) và phục vụ chu đáo (Diakonia). Truyền Thông Mục Vụ theo nghĩa rộng quan tâm tới cả ba phương thức này dưới góc nhìn của việc truyền thông sự chăm sóc của Thiên Chúa cho dân Người.

Thần học truyền thông nhìn toàn thể Thần học dưới nhãn quan truyền thông. Vì vậy ‘Truyền Thông’ trở thành một nguyên tắc thần học từ đó chúng ta nhìn toàn bộ thần học: Thần học Hệ thống là học về nội dung và các hình thức của việc Thiên Chúa truyền thông trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. Thần học Kinh Thánh vạch ra các đường lối, ý nghĩa và nội dung của việc Thiên Chúa truyền thông trong các Sách Thánh. Thần học Cơ Bản là học về việc Thiên Chúa truyền thông trong tạo dựng và trong lịch sử nhân loại. Thần học Mục vụ là học về các cách thức và phương tiện của truyền thông trong việc chăm sóc dân Thiên Chúa. Thần học Truyền giáo học về các cách thức và phương tiện Thiên Chúa dùng để truyền thông cho những ai chưa là thành viên của Hội Thánh. Phụng Vụ là cách diễn tả truyền thông của kinh nguyện và cộng đoàn với và trong Thiên Chúa. Khoa giảng thuyết là học và thực hành các cách thức rao giảng trong Hội Thánh. Một cách đặc biệt, chúng ta phải dựa vào tất cả các lãnh vực này để thể hiện thừa tác vụ Truyền thông Mục vụ của Hội Thánh trong việc chăm sóc các thành viên Hội Thánh.

1. Truyền thông Mục vụ

Truyền thông Mục vụ liên quan tới Thần học Mục vụ. Gerald O. Collins (2001) cho rằng Thần học Mục vụ có mục đích và mục tiêu sau đây:

     * Chuyển từ học hỏi Kinh Thánh và thần học hệ thống sang Rao giảng và Huấn giáo.

     * Thực hành Phụng vụ và đời sống bí tích.

     * Tư vấn về đời sống luân lý và thiêng liêng.

     * Chăm sóc những người gặp các vấn đề đặc biệt.

     * Đấu tranh cho công lý và hoà bình.

     * Chăm sóc những người thuộc các lứa tuổi và các cảnh sống khác nhau.

Collins coi Thần học Mục vụ là một Thần học Thực hành và một suy tư có phê phán về sứ mạng đa diện của Hội Thánh trên thế giới.

Nhìn dưới nhãn quan này, Truyền thông Mục vụ là truyền thông về việc chăm sóc mục vụ, ‘chăn dắt’, xây dựng, duy trì và đào sâu đức tin. Một cách đặc biệt và theo nghĩa chặt hơn, truyền thông mục vụ là communicatio intra Ecclesiam, truyền thông bên trong Hội Thánh cho các thành viên của Hội Thánh hay những người đang chuẩn bị trở thành thành viên Hội Thánh.

Truyền thông Mục vụ xuất phát từ ‘người Mục tử,’ người chăn dắt’ và là tất cả những gì liên quan tới các phương tiện, phương pháp và nội dung truyền thông mà người mục tử cần đến để truyền thông với đoàn chiên và nuôi dưỡng đoàn chiên. Đức Kitô mục tử nhân hậu là gương mẫu (x. Ga 10).

Chính Người đề ra và mô tả các chuẩn mực và thái độ cần thiết đối với một người truyền thông mục vụ mẫu mực:

     * Người mục tử tốt thì biết chiên của mình, và nói theo thuật ngữ truyền thông là biết các khán thính giả của mình, các khách hàng của mình, những người được giao cho mình chăm sóc. Không chỉ biết mặt biết tên, nhưng hơn thế nữa, càng biết các thái độ, các kỳ vọng và nhu cầu của họ, người mục tử càng có thể truyền thông hiệu quả hơn…

     * Đàn chiên biết chủ chiên của mình, và nói theo thuật ngữ truyền thông, người chủ chiên trở nên dễ thấy, trong suốt, dễ tiếp cận và sẵn sàng mở cửa lòng mình cho những người được giao phó cho mình coi sóc, và họ cũng mở cửa lòng họ ra vì hoàn toàn tin cậy chủ chiên của họ.

     * Chủ chiên hiến mạng sống mình cho đàn chiên vì quan tâm tới các nhu cầu thực sự của họ, đức tin, cuộc sống của họ và mối quan hệ rộng mở của họ đối với Chúa. Các quan tâm đầu tiên của người chủ chiên không phải là quan tâm về các nhu cầu cá nhân của mình, chúng có thể cản trở hay làm phai mờ sự truyền thông với những người được giao phó cho họ (x. Ed 34,1-16). Với thái độ truyền thông và cởi mở, người chủ chiên “hiến mình trong tình yêu” theo định nghĩa của Communicatio et Progressio (số 11) về truyền thông trong bản chất sâu xa nhất của nó.

Như vậy, theo nghĩa rộng, Truyền thông Mục vụ có thể được nhìn trong mọi hoạt động truyền thông của Hội Thánh và của các thành viên Hội Thánh. Nó là chiều kích mục vụ của truyền thông xã hội của Vatican II được hiểu như là truyền thông trong và của xã hội loài người. Uỷ ban chuẩn bị cho Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican đề nghị thuật ngữ truyền thông xã hội bởi vì thuật ngữ này diễn tả rõ rệt hơn mối quan tâm của các nghị phụ Công Đồng vượt qua các phương tiện truyền thông đại chúng hay các phương tiện quảng bá. Thuật ngữ này đã được thích nghi cho việc sử dụng chung của Hội Thánh và chỉ về mọi hoạt động truyền thông của con người trong xã hội. Nó liên quan đến các “quan hệ truyền thông của các thành viên của một hệ thống xã hội, các phương tiện, cơ cấu và qui trình của các mối quan hệ ấy”. Nó bao gồm “tất cả các hành vi truyền thông nào của con người mà có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với một xã hội con người cụ thể” (có thể xem trình bày chi tiết hơn trong: Franz-Josef Eilers, Communicating in Community. Ấn bản thứ 3, Manila 2002, tr. 311-318).

Tuy nhiên theo một nghĩa hẹp hơn, Truyền thông Mục vụ trước hết và trên hết quan tâm tới các thành viên của Hội Thánh trong các nhu cầu truyền thông của họ. Nó là chiều kích truyền thông của mọi thừa tác vụ của Hội Thánh, các phương tiện truyền thông, các cách thức, cơ cấu, nhu cầu và khả năng truyền thông đối với thừa tác vụ của

          – các thừa tác viên của Hội Thánh như giám mục và linh mục;

          – các thừa tác viên giáo dân trực tiếp tham gia vào hoạt động của Hội Thánh;

          – mọi Kitô hữu với tư cách là thành viên của Hội Thánh, có bổn phận truyền thông đức tin của mình bằng lời nói và việc làm một cách trực tiếp hay gián tiếp cho mọi người xung quanh.

Là Kitô hữu và sống ơn gọi này có một chiều kích thừa tác và truyền thông. Nó đòi phải làm cho Đức Kitô ‘nhập thể’ và khám phá ra sự nhập thể của Người nơi những người khác, những nền văn hoá và tôn giáo của họ.

Truyền thông Mục vụ có nghĩa là:

     * Hiện diện khi người khác cần chúng ta nhất;

     * Làm chứng cho các giá trị của Chúa Giêsu trong quan hệ với người khác;

     * Đưa người ta vào mối hiệp thông và đời sống cộng đoàn để làm men cho xã hội;

     * Đem sự sống đến cho người khác trong tình yêu thương và phục vụ quên mình (‘diakonia’) qua việc chăm sóc họ;

     * Giúp người ta tìm ra câu trả lời cho cuộc tìm kiếm của họ về:

          – ý nghĩa cuộc đời

          – hướng đi đúng

          – chọn lựa đúng

          – sống các niềm xác tín và đức tin

          – tìm ra con đường dẫn đến Thiên Chúa và Chúa Giêsu

     * Trở nên bạn đồng hành trong việc truyền thông với người khác.

2. Truyền thông trong rao giảng Tin Mừng

Khi nhìn Truyền thông Mục vụ theo nghĩa rộng, ta cũng có thể thấy sự ‘chăm sóc mục vụ’ được mở rộng ra cho những người chưa thuộc về đàn chiên Chúa, những người được mời gọi vào đàn chiên. Nhưng như khoa truyền giáo biệt lập với khoa Thần học Mục vụ, thì cũng thế, trong lĩnh vực truyền thông, khía cạnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng, hay missio ad gentes, như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi trong thông điệp Redemptoris Missio (1990) của ngài về truyền giáo, cũng phải được nhìn như một lĩnh vực quan tâm, học hỏi và thực hành riêng biệt. Hội Thánh có nhiệm vụ bó buộc phải loan báo, rao giảng Tin Mừng, nhiệm vụ này khác với việc chăm sóc các thành viên trong nội bộ Hội Thánh; phương pháp truyền thông trong lĩnh vực này cũng phải khác. Missio ad intra (sứ mạng đối nội) là một mặt của Hội Thánh, còn mặt kia là missio ad extra (sứ mạng đối ngoại), sứ mạng vươn ra bên ngoài Hội Thánh và cũng có thể gọi là truyền thông Kerygmatic, truyền thông loan báo và rao giảng Tin Mừng. Loại truyền thông này khác với Truyền thông Mục vụ theo nghĩa hẹp. Truyền thông Mục vụ hướng nhiều hơn vào đời sống bên trong Hội Thánh (ad intra) trong khi Truyền thông Rao giảng Tin Mừng (= Truyền thông Truyền giáo) hướng tới đời sống và bổn phận của các Kitô hữu và của Hội Thánh ra ‘bên ngoài’ (ad extra).

Truyền thông Truyền giáo quan tâm tới việc truyền thông Nước Thiên Chúa vượt ra ngoài ranh giới hạn hẹp của Hội Thánh. Nó là sự truyền thông tình yêu cho những ‘người ngoài’, việc truyền thông này thường bắt đầu bằng chứng tá đời sống. “Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao” là lời bình luận của dân chúng về các Kitô hữu tiên khởi và thường trở thành yếu tố cơ bản để gia nhập Nước Đức Kitô.

Vì vậy truyền thông truyền giáo đi xa hơn nhưng cũng bao gồm rất nhiều việc sử dụng các phương tiện đại chúng trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Hồng y Francesco Ingoli, Bộ Trưởng đầu tiên của Thánh Bộ Truyền Bá Đức tin ở Rôma (thiết lập năm 1622) đã từng khuyến khích và bảo vệ nhu cầu sử dụng việc ấn loát và báo chí cho hoạt động truyền giáo của Hội Thánh; đó là những phương tiện truyền thông hiện đại nhất vào thời ấy. Hơn nữa, ngài còn nói, sách vở có thể đi xa hơn cả đích thân các nhà truyền giáo… Truyền thông bằng loan báo, rao giảng Tin Mừng không loại trừ các phương tiện kỹ thuật hiện đại này, nhưng vượt xa hơn chúng và bao gồm mọi cách thức và phương tiện truyền thông trong xã hội loài người (Truyền thông Xã hội).

Cả Truyền thông Mục vụ lẫn Truyền thông Truyền giáo đều là những thành phần thiết yếu của một Hội Thánh được kêu gọi truyền thông. Chúng giống như hai mặt của một đồng tiền. Có thể nói đơn giản rằng

          – Truyền thông Mục vụ là communicatio ad intra (truyền thông đối nội), và

          – Truyền thông Rao giảng hay Truyền thông Truyền giáo là communicato ad extra (truyền thông đối ngoại).

Vì cả hai là hai khía cạnh và thành phần khác nhau của cùng một thực tại, nên chúng cũng có các yếu tố và các viễn tượng chung với nhau và cần phải được xét đến trước khi đi vào các yếu tố chuyên biệt của mỗi lĩnh vực quan tâm này. Một số nền tảng và điều kiện chung này cho Hội Thánh truyền thông là:

          – Một Thần học Truyền thông.

          – Một Linh đạo truyền thông.

          – Sự truyền thông tập thể của Hội Thánh như được phản ánh trong sứ mạng và nhãn quan của Hội Thánh và các Hoạt động Truyền thông Công cộng/các Quan hệ Công cộng của Hội Thánh.

          – Các phương pháp truyền thông tổng quát của Hội Thánh, đặc biệt các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện.

          – Các văn kiện và cơ cấu nền tảng của Hội Thánh.

          – Sự cống hiến chung của Hội Thánh cho lĩnh vực truyền thông trong xã hội, được diễn tả trong các lãnh vực như đạo đức truyền thông và giáo dục truyền thông.

Dựa trên cơ sở các viễn tượng và thực tại chung này, Truyền thông Mục vụ và Truyền thông Truyền giáo phải được xét đến một cách chi tiết hơn để hiểu rõ các cách thức, nhu cầu, khả năng và thách thức riêng của chúng.

PHẦN I: CÁC NHU CẦU VÀ ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO

I. THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG

Có ít là 3 cách triển khai khác nhau về thần học và truyền thông. Trong quá khứ có một thời người ta tìm cách triển khai một thứ Thần học Truyền thông đôi khi giống như người ta muốn ‘rửa tội’ cho các Phương tiện Đại chúng và Truyền thông Đại chúng để đưa chúng vào hàng ngũ đức tin Kitô giáo. Thứ thần học Truyền thông này tìm cách coi sự kiện truyền thông xã hội như một mệnh lệnh thần học: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta các Phương tiện này để làm việc tông đồ và vì thế chúng ta phải sử dụng chúng giống như Chúa Giêsu đã sử dụng mọi phương tiện có sẵn vào thời Người để truyền thông sứ điệp. Khi Sắc lệnh Inter Mirifica của CĐ. Vatican II (1963, số 3) khẳng định quyền của Hội Thánh đối với các phương tiện truyền thông xã hội, Sắc lệnh đã đi theo hướng này, đã thay đổi ngay trong Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971), được thực sự mở đầu với vai trò của truyền thông xã hội trong xã hội loài người.

Cố gắng này có thể được minh hoạ bằng biểu đồ sau đây:

Một cách triển khai khác về Thần học và Truyền thông là hướng tới một khoa Thần học Truyền thông. Cố gắng này muốn trình bày và dạy Thần học sao cho ngay cả những người bình dân cũng có thể hiểu một cách dễ dàng. Các từ và thành ngữ nó dùng có thể được những con người bình thường và đương thời hiểu dễ dàng, vì các nhà thần học sử dụng ngôn ngữ và các khái niệm của họ để cắt nghĩa và truyền đạt Lời Chúa và ơn cứu rỗi cho con người thời nay. Những người hoạt động trong lãnh vực Quan hệ Công cộng và Quảng cáo cũng sử dụng một phương pháp tương tự, đó là lắng nghe những nhu cầu và những mong đợi của con người thời nay rồi diễn tả thông điệp của họ cho phù hợp. Loại Thần học truyền thông này tìm cách trả lời các câu hỏi và các ước muốn thâm sâu của con người thời nay. Chẳng hạn, nó sử dụng niềm khát vọng “hạnh phúc” của họ để chứng tỏ lòng nhân từ của Thiên Chúa được phản ánh và tháp nhập vào đời sống chúng ta. Phương pháp này mang một chiều kích mục vụ và truyền giáo quan trọng, được phản ánh bằng việc đặc biệt hướng tới những người tiếp nhận (xem ở dưới, Phần I, 5.2.3).

Phương pháp này có thể được minh hoạ bằng biểu đồ sau đây:

Tuy nhiên, thời gian gần đây có những hướng triển khai dưới tiêu đề Thần học Truyền thông, đặc biệt ở Áo và Đức (Innsbruck, Tuebingen), muốn mở rộng cách hiểu về nó như một khoa Thần học “phản ánh việc thực hành truyền thông của sự hiệp thông các tín hữu”. Cách triển khai này coi thần học như một “hành động truyền thông” (xem Habermas) của các tín hữu trong một cộng đoàn sống động. Nền tảng cuối cùng của nó là mặc khải của Thiên Chúa như được phản ánh trong khả năng truyền thông của con người: ‘Communio’ (sự hiệp thông) do Chúa ban được phản ánh trong một ‘Communicatio’ (sự truyền thông) tương ứng (Scharer/Hilberath 2003, 24tt). Cách triển khai này ứng dụng sự ‘tương tác theo chủ đề’ (‘theme centered interaction’) của nhà tâm lý học Ruth C. Cohn vì mục đích thần học.

Theo cách hiểu này, ‘Thần học truyền thông’ có vẻ trở thành một chiều kích khác nữa dẫn tới khoa Thần học Truyền thông.

Rất sớm sau Vatican II, nhưng đặc biệt vào cuối thập niên 1990, đã xuất hiện một cách triển khai mới và hiểu sâu hơn nhằm đưa Truyền thông vào tâm điểm của Thần học, hướng mới này đã có những ảnh hưởng đặc biệt đối với Thần học Mục vụ. Trong Thần học Truyền thông theo hướng mới này, không phải Thần học tìm cách ‘rửa tội’ cho truyền thông, nhưng toàn bộ Thần học được nhìn trong viễn tượng truyền thông. Ở đây Truyền thông trở thành một nguyên lý thần học hay một chìa khoá để mở ra một sự hiểu biết mới về Thần học trong viễn tượng Truyền thông, là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với hoạt động Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo. Thần học này nghiêm túc coi Thiên Chúa như là một Vị Thiên Chúa truyền thông và mọi cách biểu hiện của Người được coi như là sự truyền thông.

Phương pháp mới này có thể được minh hoạ bằng biểu đồ sau:

Các trình bày về Truyền thông Mục vụ và Truyền thông Truyền giáo trong sách này sẽ dựa trên hướng Thần học Truyền thông này.

1. ‘Truyền thông’ như một khái niệm thần học

Có lẽ nhà thần học Đức Gisbert Greshake là người đầu tiên trong thần học chứng minh một cách thuyết phục rằng ngay từ nguồn gốc của nó, từ ‘truyền thông’ là một thành ngữ thần học. Ông viết về nguồn gốc ý niệm truyền thông ngay ở đầu phần trình bày của ông (2002,5-26): “Trong bài viết này, tôi muốn triển khai và chứng minh rằng ‘truyền thông’ tự nguồn gốc của nó là một ý niệm đích thực thần học được đặt nền trên mặc khải Kitô giáo và có chủ đề là tâm điểm sự hiểu biết của Kitô giáo về Thiên Chúa và thế giới”. Ông chứng minh rằng khái niệm thần học Kitô giáo này về truyền thông đã được chuẩn bị ngay từ trong triết học Hy Lạp và cuối cùng được thể hiện trong chiều kích Ba Ngôi và Kitô học của khái niệm này. “Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một Đơn tử cô độc, không phải một bậc toàn năng thu gọn, không phải một người cha chuyên chế siêu việt sống một cách nào đó và ở một nơi nào đó, ‘trên các vì sao’ – theo lời của Schiller. Ngược lại, vị Thiên Chúa độc nhất và duy nhất là sự thể hiện một cộng đoàn, một mối hiệp thông và truyền thông nơi bản thân Người và trong quan hệ với loài người… Niềm tin vào một Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể này được dựa trên kinh nghiệm của chúng ta rằng Thiên Chúa đã tự truyền thông cho con người một cách hoàn toàn không dè giữ, Người không truyền thông một cái gì đó của Người, mà là chính bản thân Người hiểu theo nghĩa đen, theo cách Người tỏ ra cho loài người”. Greshake cũng là tác giả của một tác phẩm nghiên cứu sâu rộng về Thiên Chúa Ba Ngôi (Ấn bản lần thứ 4, 2001). Sau đó ông chứng minh rằng trong lịch sử thần học Kitô giáo, ngay từ thời Công đồng Nicêa, Thiên Chúa đã được nhìn như là một ‘sự duy nhất trong quan hệ’, Đấng là sự truyền thông nơi chính Người. Lối hiểu này của Hội Thánh thời kỳ đầu về thực tại Thiên Chúa như là quan hệ và là truyền thông nơi chính Người, đã được tiếp tục ở thời Trung Cổ. Sau khi trích dẫn Richard of St. Victor, Bonaventure và các tác giả khác, Richard cho thấy rằng chính Tôma Aquinô cũng dạy rõ ràng rằng Thiên Chúa xét như một nhân vị chính là sự quan hệ và truyền thông. Ở đây Ba Ngôi là “một bản thể Thiên Chúa duy nhất được nhìn như một sự kiện truyền thông giữa các ngôi vị cùng tiếp nhận, sở hữu và thi hành bản tính duy nhất của mình trong mạng lưới truyền thông”.

Từ đó chúng ta thấy rõ rằng loài người vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, nên đã được tạo thành những ngôi vị giống như thế và do đó cũng có quan hệ với nhau. Greshake trích lời của Richard of St. Victor khi nói rằng: “Sự hoàn bị của một con người đòi hỏi sự hiệp thông với những con người khác”. Mối quan hệ này giữa những con người còn được phản ánh nơi toàn thể tạo vật. Toàn thể tạo vật là một “sự duy nhất mang tính liên hệ và truyền thông được hướng tới một tiến trình ngày càng lớn hơn về sự hiểu biết và truyền thông lẫn nhau”. Chính vì vậy mà “Hội Thánh từ thời Công vụ Tông đồ đã hiểu về mình như là ‘koinonia’, là communio (hiệp thông) và communicatio (truyền thông) (x. Cv 2,42), là sống trong cộng đoàn, cùng trao đổi và cùng chia sẻ”.

Dựa trên quan điểm của các lý thuyết và các tiến triển về truyền thông ngày nay, Greshake tóm lược các khám phá và các xác tín của ông như sau: “Thiên Chúa tự bản chất là truyền thông. Người truyền thông chính mình cho thế giới và giúp cho chính thế giới trở thành truyền thông để nhờ đó toàn thể tạo vật trong thế giới trở nên giống Người và đạt tới mối hiệp thông mật thiết nhất với Người. Theo quan điểm này, Thần học có nhiệm vụ cơ bản là thể hiện sự truyền thông phổ quát”.

Do đó chúng ta có thể kết luận rằng từ ngữ và khái niệm ‘truyền thông’ ngay từ gốc rễ đã là một khái niệm thần học rồi, không cần phải được ‘rửa tội’ bằng bất cứ cách nào, nhưng tự nó đã chất chứa và trên thực tế đã bắt nguồn từ đức tin và Thần học Kitô giáo. Thần học Truyền thông nắm lấy sự kiện này và tìm cách triển khai xa hơn trong các lãnh vực thần học khác nhau chiều kích truyền thông của Mặc Khải Thiên Chúa và sự thể hiện việc truyền thông nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa trong thế giới này. Như thế ‘truyền thông’ trở thành một nguyên lý thần học hướng dẫn và điều khiển cách chúng ta hiểu, học và sống Đức Tin Kitô giáo của mình vào một thời mà truyền thông là yếu tố trọng tâm của xã hội loài người. Như thế truyền thông trở thành một nguyên lý cơ bản và một chiều kích cốt yếu cho bất cứ khoa thần học nào.

2. Thông điệp Thánh Kinh

TGM. Carlo M. Martini đã triển khai một đường lối truyền thông như thế trong kế hoạch mục vụ của ngài cho Tổng Giáo phận Milan năm 1990. Ngài thấy mọi hoạt động truyền thông bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là căn nguyên của mọi tạo vật và mọi hiện hữu: “Từ mối hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi và cuộc đối thoại không ngừng phát xuất từ tình yêu của Người” (1990, 35). Khi Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Người và giống như Người, Người cũng ban cho họ khả năng và nhu cầu thiết lập các mối quan hệ truyền thông với nhau. Thiên Chúa tự do thiết lập cuộc đối thoại với tạo vật mà Người yêu thương, cuộc đối thoại này cũng là cơ sở của mối quan hệ hỗ tương và đối thoại giữa các con người với nhau, và “mọi trang sách Thánh Kinh đều đào sâu sự kiện đối thoại này, sự đổ vỡ và tái tạo sự đối thoại này”. Các ân huệ của Thiên Chúa và các cách diễn tả đặc biệt về cuộc đối thoại này là giao ước trên núi Sinai và biến cố Lễ Ngũ Tuần. Theo TGM Martini, Tin Mừng của Lễ Ngũ Tuần là “Tin Mừng của Truyền thông” bởi vì Thiên Chúa là hiệp thông và truyền thông: “Người tự truyền thông chính mình cho chúng ta và nhờ đó giúp chúng ta có thể truyền thông lẫn cho nhau đồng thời gạt bỏ bất cứ điều gì cản trở sự truyền thông của chúng ta” (36). TGM Martini còn nói, giống như giai điệu chủ đạo của một bản hoà tấu được lặp đi lặp lại bằng nhiều cách khác nhau, chủ đề và sự kiện Thiên Chúa truyền thông này được diễn tả bằng nhiều chủ đề, hình ảnh và biểu tượng trong Sách Thánh, ví dụ như việc vượt qua tình trạng lộn xộn của vụ tháp Babel trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần dùng “khả năng truyền thông siêu vời” của Người để mở lại các kênh truyền thông đã bị đóng chặt từ vụ Babel, tái lập mối tương quan dễ dàng và trung thực giữa những con người với nhau nhân danh Đức Giêsu Kitô, và nhờ đó Hội Thánh được sinh ra như “dấu chỉ và công cụ của việc truyền thông với Thiên Chúa và của mối hiệp nhất giữa con người với nhau”.

3. Vai trò Chúa Thánh Thần

Khái niệm của Karl Rahner về việc Thiên Chúa tự truyền thông theo nghĩa thần học đã được phản ánh trong Văn kiện Dei Verbum của Vatican II về Mặc khải, trong đó các nghị phụ Công Đồng phát biểu rằng “Thiên Chúa đã muốn dùng mặc khải để bày tỏ và thông ban (= communicare: truyền thông) chính mình Người cùng những ý định muôn đời của Người liên quan đến phần rỗi nhân loại… (số 6, xem số 4). Đức Gioan Phaolô II đã lấy lại triền tư tưởng này trong thông điệp về Chúa Thánh Thần Dominum et Vivificantem (1988), trong đó ngài đã triển khai trên thực tế các cơ sở cho một nền thần học về việc Thiên Chúa tự truyền thông. Ngài đã sử dụng và minh hoạ cách diễn tả này hơn 10 lần. Theo ngài, việc Thiên Chúa tự truyền thông bên trong Ba Ngôi cũng trở thành một sự tự truyền thông cho loài người: “Thiên Chúa Đấng là thần khí vô biên đã đến gần với thế giới hữu hình. Thiên Chúa Ba Ngôi tự truyền thông chính mình cho Loài Người trong Chúa Thánh Thần ngay từ khởi nguyên bằng việc tạo nên loài người ‘theo hình ảnh và giống như Người’. Dưới tác động của cùng một Thần Khí, loài người được đưa đến cứu cánh tối hậu của họ trong Thiên Chúa, và nhờ con người, thế giới thụ tạo đã được Đức Kitô cứu chuộc cũng được đưa đến cứu cánh tối hậu ấy” (số 64).

Thiên Chúa tự truyền thông chính mình trong trật tự tạo dựng và ân sủng và “Mầu nhiệm Nhập thể chính là tột đỉnh của sự thông ban này, của việc Thiên Chúa tự truyền thông này… ‘Thời gian viên mãn’ được đánh dấu bởi một sự viên mãn đặc biệt của việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự truyền thông chính mình trong Chúa Thánh Thần. ‘Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần’, mầu nhiệm ‘ngôi hiệp’ được hoàn thành, nghĩa là sự hiệp nhất bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người, thiên tính và nhân tính trong một Ngôi Vị là Ngôi Lời-Con. Vào lúc Truyền Tin, khi Đức Maria nói lên lời ‘xin vâng’: ‘Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’ (Lc 1,38), Người đã cưu mang cách đồng trinh một con người, Con của Loài Người, Đấng là Con Thiên Chúa. Bằng việc ‘nhân hoá’ này của Ngôi Lời-Con, việc Thiên Chúa tự mặc khải đạt tới sự viên mãn vĩnh viễn trong lịch sử tạo dựng và cứu độ. Sự viên mãn này được mô tả một cách phong phú và biểu cảm trong bản văn Tin Mừng Thánh Gioan: ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’ (Ga 1,14).

Cuối cùng, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, việc tự truyền thông bằng nhập thể trong Đức Giêsu Kitô đã dẫn tới một chiều kích mới của việc Thiên Chúa tự truyền thông. Các biến cố Vượt Qua “là khởi điểm mới của việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự truyền thông cho loài người trong Chúa Thánh Thần nhờ công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Khởi điểm mới này là việc cứu chuộc thế giới: ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người…’ (Ga 3,16)” (số 23; xem 13,14).

Với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, việc Thiên Chúa tự truyền thông mà “đã được hoàn tất trong Đức Kitô và được làm chứng bởi lời rao giảng của các tông đồ, tiếp tục được tỏ lộ trong Hội Thánh nhờ sứ mạng của Đấng Cố Vấn vô hình, Thần Chân Lý…” (số 7). Hội Thánh “từ ban đầu đã công bố niềm tin của mình vào Chúa Thánh Thần như là Đấng ban sự sống, chính nơi Người mà Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu đã tự truyền thông chính mình cho loài người và nhờ đó ban cho họ nguồn sống trường sinh” (số 1). Chúa Thánh Thần được nhìn như là biểu hiện không ngừng của việc Thiên Chúa tự truyền thông cho mọi dân tộc và mọi thời đại. Người không chỉ là tác nhân của Sứ mạng và Rao giảng Tin Mừng như lời Đức Gioan Phaolô II nói trong Redemptoris Missio (1990) và Đức Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi (1975), nhưng Người phải được nhìn chung như là người thực hiện và hoàn thành việc Thiên Chúa tự truyền thông cho Hội Thánh và cho loài người. Chính Người là Thánh Thần, là cách diễn tả nhân vị của việc tự hiến mình, của việc Người là tình yêu” (số 10). Đây chính là nền tảng Ba Ngôi của mọi sự truyền thông được hiểu như là ‘tự hiến trong tình yêu’, như được diễn tả trong Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 11). Sự ‘tự hiến trong tình yêu’ của chúng ta xét trên bình diện truyền thông nhân loại được đặt nền trên việc Thiên Chúa tự truyền thông theo nghĩa tự trao ban chính mình Người cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là biểu hiện không ngừng và là tác nhân của điều này cho mọi dân tộc và mọi thời đại. Đức Gioan Phaolô II nhìn Chúa Thánh Thần dưới khía cạnh này như là “nguyên lý trực tiếp và theo một nghĩa nào đó, như là chủ thể của việc Thiên Chúa tự truyền thông trong trật tự ân sủng” (số 50).

4. Thần học Truyền thông: Các yếu tố cơ bản

Trong quyển “Phương pháp Thần học” (1971) của ông, Bernard Lonergan nhìn truyền thông như là một chiều kích cơ bản của mọi thần học. Chính Avery Dulles trong quyển “Nghệ thuật Thần học: từ Biểu tượng tới Hệ thống” (1992), đã đem áp dụng cho toàn bộ thần học khái niệm của Karl Rahner về việc Thiên Chúa tự truyền thông chính mình. Ông kết luận rằng “thần học ở tất cả các điểm của nó đều quan tâm tới các thực tại của truyền thông” (22). Ông còn triển khai điều này xa hơn khi gắn nó với thần học cơ bản, các khoa thần học hệ thống như Kitô học, Tạo dựng, Giáo hội học, Cánh chung học, các bí tích và thần học thực hành gồm truyền giáo học và thần học mục vụ. Khi kết luận bằng quan điểm Ba Ngôi, ông gọi Kitô giáo là “một tôn giáo trổi vượt về truyền thông, vì Thiên Chúa tự bản thể sâu xa nhất của Người chính là một mầu nhiệm của việc tự truyền thông. Toàn bộ công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá là một sự nối dài tiến trình nội tại trong Ba Ngôi…”.

Thần học Truyền thông có thể được xét theo 4 bước hay 4 chiều kích, truyền thông trong Ba Ngôi, Mặc Khải và Nhập Thể để dẫn tới Hội Thánh như là sự tiếp nối ba bước này trong thực tại cụ thể của mọi dân tộc. “Hội Thánh là Truyền thông” (Dulles 1971). Các suy tư này có thể được tóm lược như sau:

Chúa Ba Ngôi

Trong chiều kích Ba Ngôi, Thiên Chúa được nhìn như là một vị Thiên Chúa truyền thông trong chính mình. Cha, Con và Thánh Thần truyền thông lẫn cho nhau trong các chuyển động nội tại của Ba Ngôi. Bernhard Haering (1973, 155) đã mô tả rất thích hợp sự truyền thông bên trong này như sau:

“Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, mặc khải cho chúng ta thấy đời sống thần linh là một sự truyền thông, chia sẻ. Người cầu nguyện, ‘Mọi sự của con là của Cha, và mọi sự của Cha là của con’ (Ga 17,10). Việc Đức Giêsu chia sẻ chính mình và mọi sự thật phát xuất từ sự chia sẻ hoàn toàn giữa Cha và Con trong Thánh Thần. Thánh Thần là chia sẻ, là truyền thông. ‘Khi Thần Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại…’ (Ga 16,13-15).

Truyền thông là một thành phần trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi đểu sở hữu tất cả chân, thiện, mỹ, nhưng dưới dạng hiệp thông và truyền thông. Tạo dựng, cứu chuộc, và truyền thông xuất phát từ mầu nhiệm này và có mục đích cuối cùng là lôi kéo chúng ta vào hiệp thông với Thiên Chúa nhờ chính sự truyền thông này. Khi dựng nên chúng ta theo hình ảnh Người và giống như Người, Thiên Chúa cho chúng ta chia sẻ sự truyền thông sáng tạo và giải phóng trong hiệp thông, nhờ hiệp thông, và vì hiệp thông”.

Tại sao trong thân phận con người, chúng ta có khả năng truyền thông? Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng truyền thông này đã tạo dựng chúng ta theo ‘hình ảnh Người và giống như Người’. Bởi vì Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa truyền thông, nên chúng ta cũng có khả năng truyền thông.

Mặc Khải

Nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi không đóng kín trong mình, Người tự mặc khải và truyền thông với các tạo vật của Người, để làm chúng thành các đối tác của Người. Người tự mặc khải nhờ tạo dựng và ân sủng. Tất cả Cựu Ước có thể được coi như một bản tường thuật về việc Thiên Chúa truyền thông với Israel là dân của Người. Trong Cựu Ước, Người sử dụng mọi đường lối và phương tiện truyền thông bằng lời và không bằng lời mà nền văn hoá nhân loại hiện có.

Quả là điều kỳ diệu khi thấy Người vận dụng mọi cách truyền thông khác nhau, từ giận dữ tới yêu thương, bằng động đất và thinh lặng, bằng bão tố và sự bảo vệ khỏi các kẻ thù và thiên tai. Người nói trực tiếp với các ngôn sứ và vua chúa, ‘diện đối diện’ với Môsê, với các nhóm dân chúng và các cá nhân. Người kêu gọi Môsê vào việc phục vụ đặc biệt cho Người từ trong bụi cây đang bốc cháy mà ông đã lại gần có lẽ vì tò mò nhiều hơn. Thiên Chúa sử dụng nhu cầu và cảm giác về các tin tức nơi những con người để thiết lập các mối quan hệ với họ và truyền đi các thông điệp và các mối quan tâm của Người.

Trong Giao Ước Thứ Nhất, chúng ta đọc được chính việc Thiên Chúa truyền thông với Israel: “Người chúc phúc, giải phóng, cứu thoát, dẫn dắt họ trên những con đường nguy hiểm, ban cho họ những lời khuyên cứu sinh (nhờ Môsê); Người muốn sống giữa dân Người nhưng Người cũng bắt họ đối diện với tình trạng tội lỗi của họ; Người ký kết một giao ước với dân Người và cho họ kinh nghiệm lòng tha thứ của Người để giúp họ luôn luôn bắt đầu trở lại… Các lời hứa của Người được chứa trong một cuốn sách, Kinh Thánh, là ‘sách giao ước’ (x. Ed 24,7), trong đó Thiên Chúa đã cam kết với Israel rằng Người là Thiên Chúa của sự thật và lòng thương xót” (Erich Zenger). Như vậy, Thiên Chúa truyền thông bằng nhiều cách, bằng lời và không bằng lời, và cuối cùng việc truyền thông của Người được trình bày, lưu giữ và niêm phong trong một cuốn sách, một phương tiện truyền thông làm chứng về hoạt động truyền thông của Thiên Chúa.

Nhập Thể

Tuy nhiên, đỉnh điểm việc truyền thông của Thiên Chúa là sự Nhập Thể của Con của Người: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa…” (Dt 1,1-3).

LỜI này truyền thông như thế nào? Tìm hiểu các cách thức và phương pháp truyền thông của Đức Giêsu Kitô sẽ cho chúng ta thấy rõ khá nhiều điều:

     * Ngài nói dựa trên các hoàn cảnh của đời ngài. Việc ngài trở thành xác phàm nhờ Thánh Thần, việc ngài sinh ra trong máng cỏ, những năm sống ẩn dật tại Nadarét, 40 đêm ngày trong hoang địa, nỗi thống khổ của ngài trên đồi Canvê và cái chết của ngài trên thập giá, sự sống lại của ngài. Tất cả các sự kiện này là những biểu hiện về sứ mạng và sự dấn thân của ngài đối với việc Chúa Cha sai ngài đến cứu rỗi loài người.

     * Những nơi ngài giảng dạy thuộc nhiều loại và hầu như khắp nơi: ngài là nhà rao giảng lưu động, ngài giảng trong các hội đường và nhà riêng, ngoài đường và nơi phố chợ, trên biển và trên núi… Bất cứ đi đâu, ngài luôn luôn nhắm phục vụ sứ mạng.

     * Toàn thể việc truyền thông của ngài đặt nền trên việc chia sẻ với Cha trong kinh nguyện, đặc biệt vào ban đêm.

     * Các lời ngài nói với dân mở đầu bằng các kinh nghiệm hằng ngày và các mối quan tâm của họ, ngài liên kết mọi sự với thánh ý của Cha. Ngài Ngài không bao giờ nói về bản thân ngài nhưng nói về Đấng đã sai ngài. Vì vậy ngài dùng các câu truyện rút ra từ cuộc sống hằng ngày như công việc của người đánh cá, người gieo giống, kinh nghiệm của bà góa đi tìm đồng bạc bị mất, kinh nghiệm của người làm bánh…

     * Ngài nói với những thính giả tụ tập thành đám đông nhưng ngài cũng nói với những nhóm nhỏ như nhóm môn đệ ngài và ngài đến với các cá nhân bằng những mối quan hệ sâu xa của con người như với Nicôđêmô, người phụ nữ Samaria, Ladarô và những người khác.

     * Lời rao giảng của ngài dựa trên Kinh Thánh Cựu Ước, nhưng ngài cũng dùng các dụ ngôn, các câu chuyện đời thường và thậm chí cả các ‘tin tức’ thời sự như vụ những người bị tháp Silôê đè chết.

     * Lời giảng của ngài không phải để làm người ta vui tai. Ngài hỏi các câu hỏi – Hans Wijngaards đếm được chỉ riêng trong Tin Mừng Gioan đã có 164 câu hỏi như thế. Ngài đòi người ta phải quyết định. “Nếu mắt anh em làm cớ cho anh em…”. “Cả anh em cũng muốn bỏ đi ư?” Ngài thậm chí đặt người ta vào tình trạng nguy kịch để buộc họ phải quyết định.

     * Mọi việc Đức Giêsu chữa lành không chỉ có mục đích chữa lành thân xác nhưng – như lời TGM. Carlo Martini nói – đúng hơn là để tái lập đường dây truyền thông với Thiên Chúa là Cha. Ngài tha các tội cho người mù trước khi chữa mắt họ khỏi mù. “Các tôi của anh đã được tha…” thì quan trọng hơn sức khoẻ thể xác.

     * Sau cùng, việc truyền thông của Đức Giêsu không chỉ là truyền đi các thông tin và thông điệp. Trên cả những điều này, truyền thông của ngài là một sự cam kết sâu xa của cá nhân với Cha và thông điệp của Người, một sự cam kết đòi hỏi toàn thể con người. Đức Giêsu truyền thông bằng toàn thể con người của ngài, cho tới cái chết trên thập giá. Ngài không chỉ ‘nói’ mà còn đi đến chỗ thinh lặng trên thập giá, trong sự hiến dâng trọn cuộc đời ngài. Điều này cũng cho thấy việc truyền thông của ngài không kết thúc ở cuộc đời này, nhưng còn chỉ đến một thực tại sâu xa hơn ở bên kia…

Vị Thiên Chúa Truyền thông: Tòa Thương Xót

Tất cả các đường lối truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi được tổng hợp một cách nghệ thuật bằng hình ảnh Tòa Thương Xót. Ngay từ trong Cựu Ước, “Khám Giao Ước’ đã được gọi như thế rồi, và được Martin Luther dịch sang tiếng Đức là “Gnadenstuhl.” Trong Tân Ước, đó là chính Thiên Chúa Cha khi Người ban tặng Người Con (chịu đóng đinh) của Người trong Chúa Thánh Thần cho các tạo vật của Người. TGM. Carlo Martini gọi đây là một “biểu tượng của hành vi Truyền Thông Thần Linh tột đỉnh” và một “biểu tượng không thể vượt qua về sự Truyền thông của Thiên Chúa” (số 24). Trong lịch sử nghệ thuật Kitô giáo từ ít là 700 năm trước, đã có hàng trăm ảnh biểu tượng loại này.

Hội Thánh được sai đi

Vì vậy, Hội Thánh được gọi và được sai đi vào thực tế của mọi nơi và mọi thời để tiếp tục công việc truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Mặc Khải và Nhập Thể. Chính Chúa là Đấng sai đi: “Anh em hãy đi rao giảng – truyền thông – Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ…” (Mt 28,19).

Hội Thánh này được khai sinh trong hành vi truyền thông của Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chính Thánh Thần này đã biến đổi các môn đệ nhát sợ thành các sứ giả dũng cảm. Mọi người có mặt ở khắp nơi trên thế giới đều hiểu được ngôn ngữ của các môn đệ. Như Vatican II nói trong sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes:

“Hội Thánh ở trần gian này tự bản chất là truyền giáo, vì theo kế hoạch của Chúa Cha, Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Kế hoạch này tuôn trào từ ‘suối tình yêu’ của Chúa Cha, Người là Nguyên lý phi nguyên lý, bởi Người mà Chúa Con được sinh ra và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần” (số 2).

Sự kiện ngày lễ Ngũ Tuần còn là một gương mẫu ấn tượng về sự truyền thông liên văn hoá, sự truyền thông về việc Thiên Chúa đến với mọi dân tộc thuộc mọi nền văn hoá vào thời ấy – bằng một ngôn ngữ duy nhất và vào một dịp duy nhất.

Tất cả sách Công vụ Tông đồ là một bản tường thuật về sự tiếp nối hành vi sai đi và truyền thông liên tục của Thánh Thần Thiên Chúa ở buổi đầu của Hội Thánh. Một sự kiện rất có ý nghĩa là ngay cả những người thuộc giới tiếp thị ngày nay (Berger/Gleissner, 1998) cũng phát hiện trong tất cả điều này nòng cốt của các nguyên tắc làm việc của họ khi họ nói đến “nguyên tắc Phaolô”. Họ nhắc đến hoạt động truyền thông của Thánh Phaolô như là “chiến lược tiếp thị thành công nhất trong lịch sử loài người.” Họ nói vị tông đồ này không chỉ đáp ứng đầy đủ bốn nguyên tắc tiếp thị cơ bản với 4 chữ “P”―Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Placement (Địa điểm), Promotion (Khuyến mãi)―mà còn đáp ứng cả nguyên tắc thứ 5, là chìa khóa thực sự của thành công: Personality (Con người). Rõ ràng các chuyên gia tiếp thị này coi Thánh Phaolô là bậc thầy truyền thông vĩ đại nhất cho tới ngày hôm nay.

5. Lịch sử Cứu độ: Lịch sử Truyền thông của Thiên Chúa

Như vậy, toàn thể lịch sử cứu độ có thể được coi như một lịch sử của việc Thiên Chúa tự truyền thông. Từ hoạt động truyền thông bên trong Ba Ngôi, Thiên Chúa đi ra tới các tạo vật của Người. Người tạo dựng loài người ‘theo hình ảnh Người và giống như Người,’ nghĩa là Người tạo dựng họ có khả năng truyền thông và sống trong một cộng đoàn truyền thông. Rồi người nói và mặc khải chính mình Người cho những con người này, bắt đầu với Ađam và đặc biệt với Israel trong lịch sử. Sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô là đỉnh điểm và sự sung mãn của việc Thiên Chúa tự truyền thông, qua việc Con của Người trở thành một người giữa chúng ta và truyền thông tình yêu của Cha cho toàn thể loài người. Mặc Khải và Nhập Thể dẫn tới Hội Thánh như là sự tiếp tục việc Thiên Chúa tự mặc khải cho tới ngày tận thế. Hội Thánh này bắt đầu với việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần và tiếp tục được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần như là ‘tác nhân của việc Thiên Chúa tự truyền thông.’ Trong đời sống và hoạt động của Hội Thánh, việc Hội Thánh tiếp nối hoạt động tự truyền thông này của Thiên Chúa được diễn tả chủ yếu bằng việc rao giảng (Kerygma), bằng đời sống cộng đoàn (Koinonia), và bằng việc phục vụ (Diakonia). Tất cả tiến trình này có thể được trình bày bằng lược đồ sau đây:

Truyền Thông – Lịch sử/Tiến trình Cứu độ

(Xem thêm chi tiết trong Franz-Josef Eilers, SVD, Communicating in Community, 3rd Edition, Manila 2002, tr. 41-60).

6. Các Hệ quả cho Truyền thông Mục vụ

Từ tất cả các điểm trên đây, chúng ta có thể rút ra một số kết luận cơ bản – tuy chưa phải là tất cả – cho hoạt động truyền thông trong mục vụ:

  1. Mọi việc truyền thông mục vụ đều đặt nền trên bản tính độc nhất và mối quan hệ truyền thông trong Ba Ngôi.
  2. Mọi việc truyền thông mục vụ phải đi theo các cách thức và qui luật của việc truyền thông của Thiên Chúa. Người truyền thông như thế nào và chúng ta tuân theo cách thức và ‘phương pháp’ của Người thế nào?
  3. Trong cách truyền thông của Ngài, Đức Giêsu Kitô là mẫu mực và thầy dạy cho mọi việc truyền thông mục vụ của chúng ta.
  4. Mọi người truyền thông mục vụ chỉ truyền thông trong mức độ họ dựa trên sự truyền thông của Thiên Chúa. Có nghĩa là Truyền thông mục vụ trước hết và trên hết cần phải được sống và trải nghiệm sâu xa bởi chính người truyền thông mục vụ.
  5. Mọi việc truyền thông mục vụ còn phải phát xuất từ việc truyền thông của một cộng đoàn Hội Thánh (‘koinonia’), cộng đoàn này phải phản ánh sự truyền thông bên trong của Ba Ngôi Thiên Chúa.
  6. Mọi việc truyền thông mục vụ phải được hướng dẫn và được sung mãn bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần như là yếu tố truyền thông trong mặc khải và cứu độ.

II. TRUYỀN THÔNG – LINH ĐẠO TRUYỀN THÔNG

Bất cứ ai muốn nói về Linh đạo đều phải bắt đầu với chính Chúa Thánh Thần. Linh đạo là kinh nghiệm sống về Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần dựng nên Hội Thánh vào lễ Hiện Xuống. Chính Thánh Thần biến đổi các tông đồ thầm lặng và nhát sợ thành các nhà truyền thông mãnh liệt và dũng cảm về sứ điệp cứu độ của Đức Kitô cho mọi dân tộc. Được đầy tràn sức mạnh Chúa Thánh Thần, họ truyền thông không chút sợ sệt cho toàn thể Israel và cho thế giới vào thời của họ. Không phải vô lý khi Hồng y Carlo Martini (1996, số 19) đã gọi kinh nghiệm Hiện Xuống (x. Cv 2,1-47) là Tin Mừng Truyền Thông. Ngài cảm thấy rằng kinh nghiệm này thậm chí vượt ra ngoài cả ranh giới của lễ Hiện Xuống, vì nó được diễn tả như một “giai điệu chủ đạo lớn với nhiều môtíp và… nhiều hình ảnh và biểu tượng” xuyên suốt Kinh Thánh. Trong biến cố Ngũ Tuần, “cảnh lộn xộn của Babel đã được vượt qua”. Sự can thiệp của Thiên Chúa bằng việc Chúa Thánh Thần hiện xuống được tiếp nối bằng “phép lạ nói các tiếng lạ mà cả các môn đệ lẫn các thính giả của các ngài đều trải nghiệm được” (Cv 2,3-12) và “trong phần thứ ba (Cv 2,14-17), Phêrô giải thích những sự việc đã xảy ra: ơn của Chúa Thánh Thần được gửi đến bởi Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại. Ngài nhắc lại các hiệu quả ‘lây lan’ của ơn này; từ đó phát sinh cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên: ‘Và hôm ấy đã có thêm khoảng 3.000 người theo đạo” (2,41).

Chính ơn của Chúa Thánh Thần ngày Lễ Hiện Xuống đã “làm bùng lên một khả năng truyền thông phi thường. Nó mở lại các kênh truyền thông đã bị đóng chặt ở Babel và nó tái lập cho con người khả năng có những mối quan hệ dễ dàng và chân thực với nhau nhân danh Đức Giêsu Kitô. Nó làm phát sinh Hội Thánh như là dấu chỉ và công cụ của sự truyền thông giữa Thiên Chúa và gia đình nhân loại, và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại”.

Chính trong kinh nghiệm này mà việc sai Hội Thánh đi đã bắt đầu như là sự tiếp tục truyền thông sứ mạng của Đức Kitô. Trong kinh nghiệm truyền thông liên văn hoá (xem Eilers, 1992, 147t.) của lễ Hiện Xuống, các dân tộc thuộc mọi nền văn hoá hiện hữu đều hiện diện, nghe và hiểu được thông điệp, thông điệp này cũng là sự cam kết của Hội Thánh trong việc truyền thông mục vụ và truyền giáo hôm nay. Chính từ sự lắng nghe trong thinh lặng sâu xa của tâm hồn (x. 1 V 3,9) và kinh nghiệm về Thánh Thần của Thiên Chúa mà mọi việc truyền thông của Hội Thánh tìm được những hiệu quả năng động bên trong cũng như bên ngoài. Sau cùng, trước hết và trên hết không phải việc sử dụng các phương tiện và kỹ thuật tạo được sức thuyết phục và nâng đỡ người ta, mà là tâm hồn cởi mở và lắng nghe, đầy tràn Thánh Thần của Thiên Chúa. Như lời Thánh Basiliô Cả (330-379): “Con người thần thiêng là người không còn sống bởi xác thịt nhưng được hướng dẫn bởi Thần Khí Thiên Chúa, người được gọi là con cái Thiên Chúa, được tái tạo giống hình ảnh của Con Thiên Chúa. Giống như thị lực hoạt động trong một con mắt lành mạnh, Thánh Thần hoạt động trong một linh hồn thanh sạch” (Về Thánh Thần, chương 26, số 61). Thánh Phaolô Tông Đồ quả quyết với chúng ta rằng “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5) và ngài nhắc nhở chúng ta: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,21tt).

1. Linh đạo Truyền thông là sự mở lòng

Linh đạo Truyền thông bắt đầu bằng kinh nghiệm và lửa của Chúa Thánh Thần, và muốn chúng ta cũng diễn tả và chia sẻ sự sung mãn này cho người khác. Truyền thông Mục vụ là sự chia sẻ và đưa Thần Khí này vào sâu trong cuộc sống người khác; Truyền thông Truyền giáo chia sẻ Thần Khí này của Đức Giêsu Kitô cho những ai chưa trải nghiệm đầy đủ hay hầu như đã hoàn toàn để mất Người.

Linh đạo truyền thông phải là cơ sở của mọi việc truyền thông Kitô giáo. Về cơ bản điều này đòi mỗi người truyền thông phải có sự mở lòng về ba phương diện:

     * mở lòng với Thiên Chúa

     * mở lòng với chính mình, và

     * mở lòng với người khác.

Mở lòng với Thiên Chúa

Sự mở lòng với Thiên Chúa và Thần Khí Người bắt đầu với kinh nghiệm bản thân về Chúa Giêsu trong cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh, kinh nghiệm về Thần Khí Người trong việc cử hành chung Phụng vụ và đời sống cộng đoàn. Sự mở lòng này với Thần Khí là điều kiện tiên quyết cho mọi linh đạo truyền thông, như lời Đức Gioan Phaolô II khẳng định trong thông điệp của ngài nhân Ngày Truyền Thông Thế Giới 1998: “Các nhà truyền thông Kitô giáo phải là những con người cầu nguyện với đầy Thần Khí, ngày càng đi sâu hơn vào sự truyền thông với Thiên Chúa để lớn lên trong khả năng nuôi dưỡng sự truyền thông giữa đồng loại. Họ phải được Chúa Thánh Thần dạy dỗ về lòng trông cậy, vì Người là tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng”.

Trong một thái độ mở lòng như thế, linh đạo truyền thông mục vụ cũng giống như linh đạo truyền giáo, với các yếu tố được Đức Gioan Phaolô II vạch ra trong Thông điệp Truyền giáo Redemptoris Missio (1990):

  1. Linh đạo truyền thông trước hết và trên hết được diễn tả “bởi một đời sống hoàn toàn dễ dạy với Chúa Thánh Thần. Nó đòi chúng ta phải được Thần Khí uốn nắn bên trong để ngày càng trở nên giống Đức Kitô hơn. Không thể nào làm chứng cho Đức Kitô mà không phản ánh hình ảnh Người, được ân sủng và sức mạnh của Thần Khí làm sống động trong chúng ta. Thái độ dễ dạy đối với Thần Khí cho chúng ta đón nhận các ơn sức mạnh và khôn ngoan, là những yếu tố cơ bản của linh đạo truyền giáo” (số 87) cũng như một linh đạo truyền thông đích thực. Ở điểm này các Tông Đồ của Chúa có thể là một mẫu gương cho chúng ta: “Tuy họ rất yêu mến Chúa và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Người, họ vẫn tỏ ra không có khả năng hiểu được những lời của Người và không sẵn sàng đi theo Người trên con đường đau khổ nhục nhã. Thần Khí đã biến đổi họ thành những chứng nhân can đảm cho Đức Kitô và những sứ giả sáng suốt cho lời của Người. Chính Thần Khí đã hướng dẫn họ đi theo những con đường sứ mạng đầy khó khăn và mới mẻ. Ngày nay cũng như trong quá khứ, sứ mạng ấy luôn đầy những khó khăn và phức tạp, chúng ta cần có ơn can đảm và ánh sáng của Thần Khí”.
  2. Linh đạo Truyền thông được sống dựa trên “mối hiệp thông thân mật với Đức Kitô. Chúng ta chỉ có thể hiểu hay thi hành sứ mạng nếu chúng ta qui nó về Đức Kitô như là Đấng được sai đi để rao giảng Tin Mừng,” được sai đi để truyền thông. Sự nhập thể và cứu chuộc của Người được Thánh Tông Đồ Phaolô mô tả (Pl 2,5-8) “như là một sự trút bỏ mình hoàn toàn, làm cho Đức Kitô trải nghiệm đầy đủ thân phận con người và chấp nhận trọn vẹn kế hoạch của Cha. Đây là một sự trút bỏ mình thấm nhuần tình yêu và diễn tả tình yêu” (RM 88). Một người truyền thông Kitô giáo trong hoạt động truyền thông mục vụ và truyền giáo phải kết hợp và hiệp thông sâu xa với hành vi trút bỏ mình này của Đức Kitô, để thể hiện việc truyền thông như là “hành vi hiến mình trong tình yêu,” như cách diễn tả của Communio et Progressio (1971, 11; cũng xem Ep 5,25). Vì vậy người truyền thông mục vụ và truyền giáo phải “từ bỏ mình và tất cả những gì mà từ trước đến nay mình vẫn coi là của mình, và làm cho mình trở nên mọi sự cho mọi người” (AG 24). Có nghĩa là họ phải hiến mình hoàn toàn cho những người mà họ truyền thông.
  3. Linh đạo truyền thông để phục vụ hoạt động truyền thông mục vụ và truyền giáo còn được nổi bật vì đức ái tông đồ, là “đức ái của Chúa Kitô, Đấng đến để ‘quy tụ các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối’ (Ga 11,52), đức ái của người mục tử tốt lành biết các chiên của mình, đi tìm kiếm chúng và thí mạng mình vì chúng (x. Ga 10). Người truyền giáo được thúc đẩy bởi ‘nhiệt tình vì các linh hồn’, một nhiệt tình được gợi hứng từ đức ái của chính Đức Kitô, được biểu hiện bằng sự quan tâm, dịu dàng, cảm thông, cởi mở, sẵn sàng phục vụ và quan tâm tới các vấn đề của dân. Tình yêu của Đức Giêsu rất sâu: Người là Đấng ‘biết rõ lòng dạ con người’ (Ga 2,25), Người đã yêu thương mọi người bằng cách ban cho họ ơn cứu độ và Người đau khổ khi ơn cứu độ này bị từ chối”. Giống như người truyền giáo, người truyền thông Kitô giáo là “con người của đức ái. Để rao giảng cho mọi anh chị em mình rằng họ được Thiên Chúa yêu thương và có khả năng yêu thương, người truyền thông phải biểu lộ tình yêu đối với mọi người, hiến mạng sống mình cho mọi người. Người truyền giáo là ‘người anh em của mọi người’, mang nơi mình tinh thần của Hội Thánh, thái độ cởi mở và quan tâm của Hội Thánh đối với mọi dân tộc và mọi cá nhân, đặc biệt những anh chị em hèn mọn và nghèo khổ nhất. Bằng thái độ ấy, họ vượt qua được những rào cản và phân cách về chủng tộc, giai cấp hay ý hệ. Họ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới – một tình yêu không loại trừ hay thiên vị một ai” (RM 89).
  4. Sau cùng, linh đạo của người truyền thông là một lời kêu gọi vươn tới sự thánh thiện bản thân. Họ chỉ là một người truyền thông Kitô giáo đích thực nếu họ dấn mình vào việc này và nếu tất cả hoạt động truyền thông của họ tuôn trào từ sự dấn mình này. “Sự thánh thiện phải được gọi là một điều kiện nền tảng và không thể thay thế đối với mọi người trong việc hoàn thành sứ mạng cứu rỗi trong Hội Thánh” (Christifideles Laici, 1988, 17). Lời kêu gọi mọi người phải vươn tới sự thánh thiện là một thách thức đặc biệt đối với những người truyền thông mục vụ và truyền giáo. Họ phải hằng ngày cố gắng canh tân bản thân trong Thần Khí và ngày càng đi sâu hơn trong sự quý chuộng Kinh Thánh và “cũng cố gắng cập nhật việc huấn luyện giáo thuyết và mục vụ của họ” (RM 91).

Contemplata Tradere, truyền đạt điều mình suy niệm, là châm ngôn của Dòng Giảng Thuyết (Đaminh) trong Hội Thánh. Thánh Inhaxiô Loyôla, sáng lập Dòng Tên, là người đầu tiên được gọi là nhà chiêm niệm trong hành động. Đức Gioan Phaolô II cũng đòi hỏi người truyền giáo phải có thái độ ấy và một người truyền thông Kitô giáo muốn xứng với tên gọi này cũng phải có thái độ như vậy. Theo Đức Gioan Phaolô II (RM 91), một ‘người chiêm niệm trong hành động’ là người “tìm thấy câu trả lời cho các vấn đề trong ánh sáng của lời Chúa và trong kinh nguyện cá nhân và cộng đoàn. Các tiếp xúc của tôi với đại diện của các truyền thống thiêng liêng ngoài Kitô giáo, đặc biệt các truyền thống ở Châu Á, đã xác nhận cho tôi quan điểm rằng tương lai của truyền giáo tuỳ thuộc một phần rất lớn vào chiêm niệm. Trừ khi người truyền giáo là một người chiêm niệm, họ không thể nào rao giảng Đức Kitô một cách đáng tin được. Họ là một chứng nhân về kinh nghiệm Thiên Chúa, và họ phải có thể nói như các tông đồ: ‘điều chúng tôi đã thấy tận mắt… về Lời sự sống… chúng tôi loan báo cho anh em’ (1 Ga 1,1-3)”. Lời Đức Thánh Cha nói ở cuối Thông điệp của ngài cũng áp dụng cho người truyền thông Kitô giáo: “Nét đặc trưng của mọi cuộc đời truyền giáo đích thực là niềm vui bên trong phát xuất từ đức tin. Trong một thế giới bị dằn vặt và đè bẹp bởi quá nhiều vấn đề, một thế giới bị cám dỗ bởi thái độ bi quan, thì người loan báo ‘Tin Mừng’ phải là một người đã tìm thấy niềm hy vọng thực sự trong Đức Kitô” (số 91).

Mở lòng với chính mình

Sự mở lòng của người truyền thông mục vụ và truyền giáo với Thiên Chúa cũng được phản ánh qua sự mở lòng ra với chính mình và với các nhu cầu riêng của mình. Chỉ ai biết đối diện với thực tế của bản thân mình mới có thể là một đối tác truyền thông với Thiên Chúa và với tha nhân. Người ta muốn truyền thông với một con người cụ thể, quân bình, trưởng thành, đầy Thánh Thần và có trách nhiệm, chứ không phải với những con phỗng vô tri vô giác hay với những người quá bị giày vò bởi các rắc rối của bản thân mình. Vì vậy, người truyền thông Kitô giáo phải quan tâm tới đời sống và sự trưởng thành thiêng liêng cũng như phát triển nhân bản của chính mình. Họ cần quí chuộng và phát triển kinh nghiệm về việc linh hướng, cũng là một phần cơ bản của truyền thông mục vụ. Một vị linh hướng giỏi giúp phân định rõ những đường lối của Thánh Thần, khích lệ sự tăng trưởng và cống hiến niềm hi vọng và mục đích trong cuộc đời và sứ mạng. Người truyền thông sáng suốt và có nền tảng Kitô giáo sâu xa sẽ trân trọng và chấp nhận giá trị của một cộng đoàn Kitô giáo, mà trong trường hợp lý tưởng thậm chí có thể là một cộng đoàn các người truyền thông Kitô giáo, sống và tìm kiếm sứ mạng của mình trong cuộc đời. Chính trong thái độ cởi mở đối với tất cả những điều này mà mọi hành động của chúng ta rạng chiếu nền linh đạo đích thực. Một người truyền thông thiêng liêng sẽ dễ dàng được nhận ra và sẽ có thể góp phần vào việc xây dựng “các cộng đoàn bằng tình yêu, chia sẻ, hiệp thông, quan hệ và bình đẳng” (Hội nghị các Giám mục FABC-OSC 1999). 

Mở lòng với người khác

Sự mở lòng với Thiên Chúa và với bản thân mình dẫn tới sự mở lòng với người khác, trong việc lắng nghe các câu truyện và kinh nghiệm của họ, các nhu cầu và nguyện vọng của họ, chia sẻ các kinh nghiệm đức tin, tạo dựng và nâng đỡ các cộng đoàn. Đây là nguồn mạch cho đời sống thiêng liêng của người truyền thông. Trong khi dấn thân cho hoạt động truyền thông, họ cần được sự nuôi dưỡng và nâng đỡ của cộng đoàn. Không phải vô cớ mà hai từ ‘cộng đoàn’ (community) và ‘truyền thông’ (communication) có cùng từ gốc Latinh là communis, nghĩa là ‘chung’. Khi đào sâu ý nghĩa các từ này, Gisbert Greshake (2002, 6f) thấy trong gốc của từ này nguyên thuỷ có hai khía cạnh. Nó đến từ gốc “mun” có nghĩa là một cái gì giống như một khối, hay một bức tường bao quanh. Những người sống trong hiệp thông, trong quan hệ truyền thông, thì “cùng nhau ở sau cùng một bức tường”, cùng nhau ở cùng một chỗ và cùng một môi trường, ở đó mọi người lệ thuộc lẫn nhau. Nghĩa thứ hai cũng dựa trên cùng một gốc “mun” như được phản ánh trong từ Latinh “munus” nghĩa là quà tặng, phục vụ, và dấn thân. Nó cho thấy người truyền thông sống để phục vụ người khác, chia sẻ bản thân và mọi sự của mình để từ đó phát triển một cái gì chung, đó là cộng đoàn.

Linh đạo truyền thông vì vậy không chỉ là linh đạo cá nhân mà còn là linh đạo cộng đoàn. Kinh nghiệm cộng đoàn trong Kinh nguyện, Thánh Thể và đời sống bí tích, trong chia sẻ Kinh Thánh và đời sống chung, kinh nghiệm ấy nuôi dưỡng và tạo sức mạnh, đặc biệt trong những tình huống truyền thông khó khăn. Chính từ điểm này mà người truyền thông Kitô giáo cảm thấy mình đặc biệt gắn chặt với các nhu cầu của người khác và vì vậy, trong nhiều trường hợp, họ trở thành ‘tiếng nói của những người không có tiếng nói’.

Đặc biệt tính sáng tạo nhân bản và truyền thông vượt trên các phương tiện kỹ thuật chính là cái được nuôi dưỡng nhờ linh đạo sâu xa hơn của cá nhân và cộng đoàn. Trong một thông điệp gửi Đại hội Thế giới các tổ chức Công giáo Quốc tế về Truyền thanh và Phim ảnh (Unda/OCIC) tại Montreal 1998, Hồng y Angelo Sodano từ Văn phòng Quốc vụ khanh Vatican đã nhân danh ĐTC viết (ngày 14-7) đích thị về mối quan tâm này. Sau khi nhắc đến “sự sáng tạo kỳ diệu về kỹ thuật” trong thế giới các phương tiện truyền thông thời gian gần đây, ngài đòi rằng chúng “cần được đi đôi với một sự sáng tạo khác mang tính chất thiêng liêng chân chính. Sự sáng tạo thiêng liêng chân chính nhấn mạnh ‘sự ưu tiên của đạo đức trên kỹ thuật, sự trổi vượt của con người trên sự vật, sự siêu việt của tinh thần trên vật chất’ (Redemptoris Hominis, 16). Nó mở con người ra với mầu nhiệm là cốt tủy của mọi sự vật, mở ra với cái tốt, cái thật và cái đẹp là những điều mà mọi người khao khát. Nó mở ra các tầng trời để thấy được niềm hy vọng, và như thế nó dự phần vào sự sáng tạo của Thiên Chúa. Sự sáng tạo này đòi những người Công giáo đang dấn thân trong hoạt động truyền thông xã hội phải có một trình độ chuyên môn đầy đủ trong một lĩnh vực đang phát triển quá nhanh. Nó cũng đòi hỏi họ một trí tưởng tượng có chất lượng – khả năng nhìn thế giới không chỉ như nó hiện có mà như nó sẽ có thể là gì, và nhờ đó cống hiến những tầm nhìn tiềm năng để nuôi hy vọng. Theo nghĩa này, người truyền thông Công giáo cần phải là một nghệ nhân có khả năng phá vỡ những nhận thức cũ và chán nản về thế giới để sinh ra những nhận thức mới đầy hi vọng. Về phần mình, trí tưởng tượng có chất lượng này đòi hỏi một sự thánh thiện đích thực – một sự mở lòng ra với mầu nhiệm Thiên Chúa và một sự gần gũi Đức Kitô như là Đấng mà trong vinh quang của Người cái tốt, cái thật và cái đẹp đạt được sự sung mãn của chúng. Sau cùng, một sự ‘thánh thiện’ dựa trên sự gần gũi Đức Kitô đòi hỏi người truyền thông Công giáo một phẩm chất can đảm, giúp họ rao giảng Tin Mừng trong một thế giới thường tỏ ra dửng dưng và có khi thù nghịch ra mặt. Nếu những người truyền thông Công giáo tìm được những ngôn từ và những hình ảnh đúng để rao giảng Tin Mừng, thì ngay cả những người dửng dưng và thù nghịch cũng có thể nhận ra những gì được cống hiến cho họ, một tiếng nói sáng tạo thực sự thấm vào tận những khát vọng thâm sâu nhất của họ”.

Trong thái độ cởi mở với tha nhân, “Đức Ái Tông Đồ” – cũng là kết quả của sự mở lòng ra với Thiên Chúa (xem ở trên, 2.1.c) – được diễn tả một cách đặc biệt cho người linh mục và cả cho người truyền thông mục vụ bằng điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là ‘Đức Ái Mục Tử”. Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis (số 24), ngài mô tả nội dung cơ bản của Đức Ái Mục Tử là “nhân đức mà nhờ đó chúng ta bắt chước Đức Kitô trong sự hiến mình và phục vụ. Không chỉ là những việc chúng ta làm, nhưng chính sự hiến mình của chúng ta bộc lộ tình thương của Đức Kitô đối với đàn chiên của Người. ‘Đức Ái Mục Tử’ xác định cách chúng ta suy nghĩ và hành động, cách chúng ta quan hệ với người khác. Nó có những đòi hỏi đặc biệt đối với chúng ta…”. Đối với các linh mục, và cũng có thể áp dụng cho mọi người truyền thông mục vụ, Đức Thánh Cha bảo đảm rằng ‘Đức Ái Mục Tử’ như một nguyên lý năng động nội tại “có khả năng thống nhất nhiều hoạt động khác nhau của người linh mục. Nhờ nguyên lý nội tại này… họ có thể đáp ứng thích hợp sự đòi hỏi cơ bản và thường xuyên về sự thống nhất giữa đời nội tâm của linh mục và các hoạt động bên ngoài cùng với các bổn phận thừa tác vụ của họ, một đòi hỏi đặc biệt cấp bách trong một bối cảnh văn hoá-xã hội và giáo hội chứa đầy sự phức tạp, manh mún và phân tán” (x. Eilers, 1999, tr. 93tt.).

2. Linh đạo Truyền thông làm Cơ sở cho Kế hoạch Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo

Với văn kiện Novo Millennio Ineunte (6-1-2001) của ngài, một cách chi tiết và ấn tượng, Đức Gioan Phaolô II cho thấy bằng cách nào linh đạo phải là nền móng và cơ sở cho mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh. Sau khi điểm lại những kinh nghiệm của Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đề nghị “bắt đầu vạch ra một kế hoạch mục vụ hiệu quả sau Năm Thánh”, đương nhiên cũng bao gồm lĩnh vực truyền thông mục vụ và truyền giáo. Thay vì bắt đầu với các đề nghị ‘làm thế nào’, văn kiện này trình bày khá dài về các nền tảng thiêng liêng cho một kế hoạch như thế, cũng là một kế hoạch cơ bản để có một hoạt động truyền thông sâu xa hơn và có trách nhiệm hơn trong thiên niên kỷ mới này. Đức Gioan Phaolô viết: “Tuy nhiên, điều quan trọng là những gì chúng ta đề nghị, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, phải được đặt nền sâu xa trên sự chiêm niệm và cầu nguyện. Thời đại chúng ta là thời đại chuyển động không ngừng, thường dẫn tới rối động, với nguy cơ ‘làm vì làm’. Chúng ta phải kháng cự lại cám dỗ này bằng cách cố gắng ‘là cái gì’ trước khi cố gắng ‘làm cái gì’. Về phương diện này, chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Giêsu khiển trách cô Mácta: ‘Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần mà thôi…’ (Lc 10,41-42). Trong tinh thần này, trước khi nêu lên một số hướng dẫn suy tư cho anh chị em, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một ít suy niệm về mầu nhiệm Đức Kitô, nền tảng tuyệt đối của mọi hoạt động mục vụ của chúng ta” (số 15).

     * Truyền thông mục vụ và truyền giáo bắt đầu với việc chiêm ngắm khuôn mặt Đức Kitô ăn rễ sâu trong đức tin mà Thánh Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). “Phêrô đã đến được với đức tin này như thế nào? Và chúng ta cần phải làm gì nếu muốn đi theo vết chân của ngài với một niềm xác tín ngày càng lớn hơn? Mátthêu cho chúng ta một trực giác sáng suốt qua lời Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng của Phêrô: ‘Không phải máu thịt mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời’ (16,17). Thành ngữ ‘máu thịt’ là chỉ về loài người (‘phàm nhân’, theo bản dịch của Nhóm CGKPV) và cách hiểu chung của loài người về sự vật. Đối với Chúa Giêsu, cách hiểu này không đủ. Cần phải có một ơn ‘mặc khải’ đến từ Cha. Luca cho chúng ta một chỉ dẫn theo cùng một hướng này khi ngài lưu ý rằng cuộc đối thoại này diễn ra khi Đức Giêsu ‘đang cầu nguyện một mình’ (Lc 9,18). Cả hai chỉ dẫn trên đây đều làm sáng tỏ rằng chúng ta không thể nào đạt được sự sung mãn trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu nếu chỉ dựa vào cố gắng riêng của mình, nhưng phải để cho ân sủng cầm tay dẫn chúng ta đi. Chỉ có kinh nghiệm về sự thinh lặng và cầu nguyện mới cung cấp cho chúng ta khung cảnh thích hợp để nuôi dưỡng và phát triển một sự hiểu biết đích thực, trung thành và nhất quán về mầu nhiệm với cách diễn tả tột đỉnh được tìm thấy trong lời tuyên bố long trọng của Thánh Gioan tác giả Tin Mừng: ‘Và NGÔI LỜI đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, đầy tràn ân sủng và sự thật…’” (Ga 1,14) (số 19,20).

Liên quan tới nhu cầu thinh lặng và cầu nguyện, có lẽ rất ích lợi nếu chúng ta biết rằng Uỷ ban Phụng vụ của Hội đồng Giám mục Đức đã công bố (ngày 14-2-2003) một văn kiện dài về “Các Căn Phòng Yên Tĩnh. Một ít tư tưởng về việc bảo tồn một điều tốt đang có nguy cơ bị mất đi trong các Thánh Đường của chúng ta”, văn kiện này trình bày đích thị về nhu cầu thinh lặng và yên tĩnh trong thời đại ngày nay, đặc biệt tại các nhà thờ của chúng ta, nơi đang ngày càng trở nên một địa điểm du lịch giống như các viện bảo tàng. Văn kiện cũng nhấn mạnh nhu cầu thinh lặng trong các cử hành phụng vụ cũng như nhu cầu suy niệm trong thinh lặng về các ảnh tượng thánh như là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Văn kiện kêu gọi hãy có những “Đảo Thinh Lặng” trong thế giới ồn ào của chúng ta.

Các suy từ này mới đây đã được nhấn mạnh thêm bởi Tông huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Phụng vụ Thánh nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiến chế Sacrosanctum Concilium, ngày 12-12-2003, số 13): “Một khía cạnh phải được các cộng đoàn của chúng ta đặc biệt quyết tâm vun trồng, đó là kinh nghiệm về thinh lặng. Chúng ta cần sự thinh lặng để ‘đón nhận trong tâm hồn âm vang đầy đủ của tiếng Chúa Thánh Thần, và để kết hợp một cách mật thiết hơn kinh nguyện cá nhân với Lời Chúa và với tiếng nói công cộng của Hội Thánh’ (số 32). Trong một xã hội ngày càng sống cuồng nhiệt, điên đảo vì những tiếng ồn ào và bị cuốn hút vào những thứ phù du, thì tìm lại giá trị của thinh lặng là một điều sống còn. Không phải tình cờ mà ngoài việc phụng tự Kitô giáo, các việc thực hành nguyện gẫm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hồi tâm đang đang trở thành phổ biến. Sao chúng ta không dấn mình thực hiện bằng sự táo bạo sư phạm một việc giáo dục chuyên biệt về thinh lặng trong ranh giới của kinh nghiệm Kitô giáo? Chúng ta phải đặt trước mắt gương sáng của Chúa Giêsu, ‘Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó’ (Mc 1,35). Trong số các lúc và các dấu hiệu khác nhau của nó, Phụng Vụ không thể coi nhẹ các lúc và các dấu hiệu của sự thinh lặng”.

     * Mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo phải gắn chặt vào sự thánh thiện. Dựa trên chương 5 của Lumen Gentium của Vatican II với ‘ơn gọi mọi người nên thánh’, rõ ràng đây cũng là một điều kiện cho mọi công việc mục vụ và truyền thông Kitô giáo. “Thoạt nghe, việc nhắc lại sự thật sơ đẳng này có vẻ là chuyện thiếu thực tế… Có thể nào ‘lên kế hoạch’ cho sự thánh thiện chăng? Từ ‘thánh thiện’ có thể có nghĩa gì trong bối cảnh của một kế hoạch mục vụ? Thực ra đặt kế hoạch mục vụ dưới tiêu đề của sự thánh thiện là một chọn lựa mang nhiều hệ quả. Nó bao hàm niềm xác tín rằng, vì Phép Rửa là một cửa ngõ thực sự để đi vào sự thánh thiện của Thiên Chúa qua việc sát nhập vào với Đức Kitô và việc Thánh Thần của Người đến cư ngụ trong chúng ta, nên sẽ là mâu thuẫn nếu chấp nhận một đời sống tầm thường, với một nền đạo đức tối thiểu và một lòng đạo nông cạn. Hỏi những người dự tòng: ‘Anh chị em có muốn lãnh nhận Phép Rửa không?’ cũng đồng thời có nghĩa là hỏi họ: ‘Anh chị em có muốn nên thánh không?’ Nó có nghĩa là đặt ra trước mắt họ bản chất triệt để của Bài Giảng Trên Núi: ‘Anh em hãy nên trọn lành như Cha của anh em trên trời là Đấng trọn lành’ (Mt 5,48)” (các số 30, 31).

     * ‘Nghệ thuật cầu nguyện’ là phần cốt yếu của mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo. Đức Gioan Phaolô II viết: “Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng cầu nguyện không phải là một chuyện tự nhiên mà có. Chúng ta phải học cầu nguyện: như thể chúng ta học nghệ thuật luôn luôn mới mẻ này từ chính miệng Thầy Chí Thánh, giống như các môn đệ đầu tiên: ‘Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!’ (Lc 11,1). Cầu nguyện làm phát triển cuộc đàm thoại với Đức Kitô để biến chúng ta thành các bạn hữu chí thiết của Người: ‘Hãy ở lại trong Thầy và Thầy trong anh em’ (Ga 15,4). Tính hỗ tương này là chính bản chất và linh hồn của đời sống Kitô giáo và là điều kiện của mọi đời sống mục vụ đích thực. Được Chúa Thánh Thần thực hiện trong chúng ta, tính hỗ tương này mở lòng chúng ta ra để chiêm ngắm khuôn mặt Cha, nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô. Việc học biết hình dạng Ba Ngôi này của kinh nguyện và sống nó trọn vẹn, đặc biệt trong phụng vụ, tột đỉnh và nguồn mạch đời sống của Hội Thánh, mà cả trong kinh nghiệm cá nhân, đó chính là bí quyết của một đời sống Kitô đích thực, không có lý do gì để sợ tương lai, bởi vì nó không ngừng trở về với các nguồn mạch và tìm thấy sức sống mới ở đó… Các cộng đoàn Kitô giáo của chúng ta phải trở thành các ‘trường học’ cầu nguyện đích thực, ở đó việc gặp gỡ Đức Kitô được diễn tả không chỉ bằng việc cầu xin trợ giúp, nhưng còn bằng việc tạ ơn, ngợi khen, thờ lạy, chiêm ngắm, lắng nghe và sốt sắng mến yêu, cho tới khi quả tim thực sự ‘say đắm’…” (các số 32, 33).

     * Địa vị tối thượng của ân sủng là yếu tố cơ bản của mọi việc truyền thông Kitô giáo. “Nếu trong kế hoạch đang chờ đời chúng ta, chúng ta dấn mình một cách tin tưởng vào một hoạt động mục vụ mà trong đó việc cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn được dành một chỗ thích hợp, thì chúng ta đang tuân giữ một nguyên tắc cơ bản của nhân sinh quan Kitô giáo: địa vị tối thượng của ân sủng. Có một cám dỗ xưa nay luôn cản trở mọi hành trình thiêng liêng và hoạt động mục vụ: đó là nghĩ rằng kết quả tuỳ thuộc khả năng hành động và kế hoạch của chúng ta. Đương nhiên Thiên Chúa muốn chúng ta thực sự cộng tác với ân sủng của Người, và Người mời gọi chúng ta vận dụng mọi tâm lực để phục vụ Nước Người, nhưng sẽ là tai hoạ thực sự nếu chúng ta quên mất rằng ‘không có Đức Kitô, chúng ta không thể làm được gì’ (x. Ga 15,5). Chính kinh nguyện giúp chúng ta gắn chặt với chân lý này. Kinh nguyện không ngừng nhắc nhớ chúng ta về địa vị tối thượng của Đức Kitô và của đời sống nội tâm và thánh thiện trong mối kết hợp với Người. Khi nguyên tắc này không được tôn trọng, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các kế hoạch mục vụ của chúng ta chỉ là công dã tràng và để lại trong lòng chúng ta một cảm giác thất vọng. Những lúc như thế, chúng ta có cùng một trải nghiệm như các môn đệ trong câu chuyện Tin Mừng về mẻ cá lạ: ‘Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì’ (Lc 5,5). Đây là lúc để cầu nguyện, để nói chuyện với Thiên Chúa, xin Người mở lòng chúng ta ra trước đợt sóng ân sủng của Người và để cho Lời Đức Kitô thấm nhập vào lòng chúng ta với tất cả sức mạnh của Lời ấy. Duc in altum! (‘Hãy ra chỗ sâu mà thả lưới!’) Lúc ấy, chính Phêrô đã nói lên lời nói đức tin: ‘Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (số 38).

     * Linh đạo Truyền thông phải là một linh đạo Hiệp thông. Linh đạo này “vạch rõ trên hết việc chiêm niệm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong chúng ta, và ánh sáng của mầu nhiệm này cũng phải có thể được nhìn thấy rạng ngời trên khuôn mặt của các anh chị em xung quanh chúng ta. Linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là khả năng suy nghĩ về các anh chị em chúng ta trong đức tin, với sự duy nhất sâu xa của Nhiệm Thể, và vì vậy, có thể nhìn họ như là ‘những thành phần của tôi’. Điều này giúp chúng ta biết chia sẻ những vui buồn của họ, cảm thấy được các nguyện vọng và quan tâm tới các nhu cầu của họ, cống hiến cho họ tình bạn sâu xa và chân thật. Linh đạo hiệp thông cũng bao hàm khả năng thấy được những điểm tích cực nơi người khác, đón nhận và quý chuộng chúng như là một quà tặng của Thiên Chúa… Sau cùng, linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết cách ‘dành chỗ’ cho anh chị em chúng ta, mang ‘gánh nặng lẫn cho nhau’ (Gl 6,2) và kháng cự lại các cám dỗ ích kỷ không ngừng làm chúng ta buồn phiền và khích động sự cạnh tranh, nghi kỵ và ghen tương. Chúng ta không được có ảo tưởng: Nếu chúng ta không đi theo linh đạo này, thì các cơ cấu hiệp thông bề ngoài” – và truyền thông! – “sẽ chẳng có ích gì. Chúng sẽ chỉ là những cỗ máy vô hồn, ‘những mặt nạ’ truyền thông thay vì là phương tiện để diễn tả và tăng trưởng” (số 43).

Một linh đạo truyền thông sâu xa phải là cơ sở cho mọi hoạt động truyền thông, nhưng đặc biệt cho loại truyền thông liên quan đến việc chăm sóc mục vụ và sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Loại linh đạo này không phải là cái có thể học được giống như các kỹ năng hay kỹ thuật, nhưng phải được sống. Phải lớn lên trong nó. Nhưng chúng ta có các ‘thầy dạy’ để chỉ cho chúng ta đường đi, giúp chúng ta trong nhiệm vụ cơ bản này không? Chúng ta có các cơ cấu để phát huy sự lớn lên như thế không? Đây là một thách thức của cả đời, không riêng gì đối với cá nhân người truyền thông nhưng cả đối với mọi tổ chức và tập thể quan tâm và dấn thân cho việc truyền thông đời sống và đức tin Kitô giáo.

Sách Công vụ Tông đồ (4,23-40) vạch ra con đường và chỉ cho chúng ta thấy các bước cụ thể của một sự truyền thông dựa trên Thần Khí: Sau khi Phêrô và Gioan đã làm chứng trước Thượng Hội Đồng và được thả, toàn thể cộng đoàn tạ ơn và cầu nguyện cùng Thiên Chúa. “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa”. Từ điểm này, chúng ta có thể rút ra ba bước mà mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo phải làm: 1. Cầu nguyện, 2. Tràn đầy Thánh Thần, 3. Mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa. Truyền thông mục vụ và truyền giáo bắt đầu với việc cầu nguyện bởi vì đó là sự truyền thông của Thiên Chúa. Rồi nó phải được tràn đầy Thánh Thần của Người, Đấng làm cho chúng ta can đảm rao giảng giống như các tông đồ nhát sợ vào ngày lễ Hiện Xuống đã được Thánh Thần biến đổi thành những người can đảm trình bày Lời của Người.

Để chuẩn bị cho thiên niên kỷ mới, văn kiện Novo Millennio Ineunte (các số 30 tới 40) nêu lên cơ bản bốn trụ cột cho mọi hoạt động mục vụ: 1. Sự thánh thiện, 2. Cầu nguyện, 3. Các bí tích, 4. Lời Thiên Chúa.

III. VIỆC TRUYỀN THÔNG TẬP ĐOÀN CỦA HỘI THÁNH

Hội Thánh không phải chỉ là một pháp nhân nhưng trước hết và trên hết là một cộng đoàn những con người sống động, những con người có thể được nhìn và đánh giá theo các việc làm, hành động, lối sống và các giá trị nền tảng của họ. Truyền thông Mục vụ cũng như Truyền giáo ăn rễ sâu trong hình ảnh tập đoàn này của Hội Thánh và các phần tử của Hội Thánh. Hội Thánh địa phương cụ thể này dọi chiếu ra cho những người sống chung quanh mình thế nào? Đời sống bên trong của cộng đoàn này và các thành viên của cộng đoàn được phản ánh ra bên ngoài như thế nào? Nó có thật sự phản ánh Nước Thiên Chúa được làm thành hữu hình ở địa phương này hay không?

Yêu cầu đầu tiên để có một sự truyền thông lành mạnh là chúng ta phải ý thức về mình như là một Hội Thánh và thân thể sống động của Đức Kitô. Chúng ta có cái nhìn thế nào về mình và chúng ta phản ánh cái nhìn ấy thế nào? Sứ mạng chúng ta là gì và chúng ta làm thế nào để đáp ứng những kỳ vọng và tiêu chuẩn mà một sứ mạng như thế đòi hỏi?

“Để xây dựng mối quan hệ với các giới ‘công cộng’ khác nhau cả ở trong lẫn ở ngoài, Hội Thánh trước tiên cần làm sáng tỏ nhãn quan, sứ mạng và các giá trị của mình, dựa trên Nước Chúa, trong mọi tình huống và mọi bối cảnh: Tại sao Hội Thánh hiện hữu? Hội Thánh đại diện cho cái gì? Chúng ta đang đi về đâu?” (FABC; BISCOM I, 1997, Orientations 3).

Thánh Phaolô đã từng nhắc nhở các tín hữu Philípphê (2,14t): “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”.

1. Sứ mạng và Tầm nhìn: Chứng tá đời sống

Cái làm nền cho một hoạt động truyền thông hiệu quả không phải là chúng ta muốn mình là gì mà là chúng ta thực sự là gì trong tư cách của một Hội Thánh và cộng đoàn. Ở đây chứng tá đời sống là yếu tố quan trọng nhất để việc truyền thông của chúng ta đáng tin. Đức Phaolô VI trong Tông Huấn về Rao Giảng Tin Mừng Evangelii Nuntiandi (1975) nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta phải là những chứng nhân sống động về lòng trung thành với Chúa Giêsu – những chứng nhân về nghèo khó và từ bỏ, tự do đứng trước các quyền lực của thế gian này (số 11).

Ở đoạn sau, khi liệt kê bảy “Phương thức Rao giảng Tin Mừng”, ngài bắt đầu ngay với ‘chứng tá đời sống’ như là phương thức đầu tiên để rao giảng Tin Mừng:

“Đối với Hội Thánh, phương thức rao giảng Tin Mừng đầu tiên là làm chứng về một cuộc sống Kitô giáo trung thực, được hiến dâng cho Thiên Chúa trong một sự hiệp thông mà không gì có thể huỷ diệt, đồng thời hiến mình cho tha nhân với một nhiệt tình vô hạn. Như chúng tôi vừa nói cho một nhóm giáo dân: ‘Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì đó là vì những người này là những chứng nhân’. Thánh Phêrô đã diễn tả rất hay điểm này khi ngài nêu lên gương sáng của một cuộc đời đáng kính và trong sạch không cần nói lời nào mà vẫn có thể chinh phục được những người không tin Lời Chúa (x. 1 P 3,1). Vì vậy, chủ yếu nhờ hạnh kiểm và đời sống của mình mà Hội Thánh sẽ có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nói khác đi, nhờ sống chứng tá lòng trung thành của mình với Chúa Giêsu – chứng tá về nghèo khó và từ bỏ, về tự do trước các quyền lực của thế gian này, tóm lại, chứng tá về sự thánh thiện” (số 41).

Ở đoạn trên (số 21) trong cùng văn kiện này, ngài mô tả động năng của chứng tá đời sống bằng những lời sau đây, không chỉ áp dụng cho việc truyền thông rao giảng Tin Mừng mà thôi: “Hãy nhìn một người Kitô hữu hay một nhóm Kitô hữu khi họ sống giữa cộng đồng của họ: họ bộc lộ khả năng thấu hiểu và chấp nhận người khác, chia sẻ cuộc đời và số phận với người khác, liên đới với họ trong mọi cố gắng cao đẹp và tốt lành của họ. Hơn nữa, giả sử họ chiếu toả một cách hoàn toàn đơn sơ và chân thật niềm tin của họ vào các giá trị vượt lên trên các giá trị hiện hữu, và niềm hy vọng của họ vào một điều gì mà con mắt thông thường không xem thấy và không ai dám tưởng tượng. Bằng việc chứng tá không lời này, các các Kitô hữu này khơi dậy những câu hỏi không thể cưỡng lại được nơi lòng trí những ai trông thấy cách họ sống: Tại sao họ thích điều này? Tại sao họ sống theo cách này? Cái gì hay ai khơi dậy những điều đó? Tại sao họ sống giữa chúng ta? Một chứng tá như thế đã là một việc loan báo Tin Mừng một cách âm thầm và là một chứng tá rất mạnh và hiệu quả…”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông điệp Truyền giáo Redemptoris Missio (1990) cũng lặp lại cùng mối quan tâm này và vạch ra các hình thức chứng tá khác nhau mà Hội Thánh và các thành viên của Hội Thánh phải sống (số 42):

“Chứng tá của đời sống Kitô giáo là hình thức truyền giáo đầu tiên và không thể thay thế: Chúng ta tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, Người là chứng nhân tuyệt hảo (Kh 1,5; 3,14) và là mẫu mực của mọi chứng tá Kitô giáo. Chúa Thánh Thần đồng hành với Hội Thánh trong cuộc lữ hành này và liên kết Hội Thánh với chứng tá của Người về Đức Kitô (x. Ga 15,26-27).

  1. Hình thức chứng tá đầu tiên là chính cuộc sống của người truyền giáo, của gia đình Kitô giáo, và của cộng đoàn Hội Thánh, nó bộc lộ một cách sống mới. Dù mang những giới hạn và khiếm khuyết của con người, nhưng nếu người truyền giáo sống một nếp sống đơn sơ, lấy Đức Kitô làm mẫu mực, thì họ là một dấu chỉ về Thiên Chúa và về các thực tại siêu việt. Nhưng mọi người trong Hội Thánh khi cố gắng bắt chước Thầy Chí Thánh thì đều có thể và phải thể hiện kiểu chứng tá này (x. LG 28,35.38; GS 43; AG 11-12); trong nhiều trường hợp, đây là cách duy nhất họ có thể làm để là một người truyền giáo.
  2. Chứng tá Tin Mừng lôi cuốn nhất đối với thế giới là chứng tá về sự quan tâm tới con người, và về lòng bác ái đối với những người nghèo, những người yếu đuối và những người đau khổ. Lòng quảng đại hoàn toàn trong thái độ và trong các hành động này tương phản hẳn với tính ích kỷ của con người. Nó nêu lên chính những câu hỏi dẫn đến Thiên Chúa và Tin Mừng. Sự dấn thân cho hoà bình, công lý, nhân quyền và thăng tiến con người cũng là một chứng tá cho Tin Mừng khi nó là một dấu hiệu về sự quan tâm tới con người và nhắm tới sự phát triển toàn diện con người.
  3. Các Kitô hữu và các cộng đoàn Kitô hữu là thành phần rất gắn bó của đời sống dân tộc của họ và có thể là một dấu chỉ của Tin Mừng về lòng trung thành với tổ quốc, với nhân dân và với văn hoá dân tộc của họ, trong khi vẫn giữ được sự tự do mà Đức Kitô đã đem đến cho họ. Kitô giáo mở ra với tình anh em bốn bể một nhà, vì mọi người đều là con trai con gái của cùng một Cha và là anh chị em với nhau trong Đức Kitô.
  4. Hội Thánh được kêu gọi làm chứng cho Đức Kitô bằng cách giữ một lập trường can đảm và tiên tri trước tình trạng tham nhũng của quyền lực chính trị và kinh tế, bằng việc không tìm kiếm của cải và danh vọng cho riêng mình; bằng việc sử dụng mọi nguồn lực mình có để phục vụ những người nghèo khổ nhất và noi gương đời sống đơn sơ của chính Đức Kitô…” (số 43).

2. Truyền thông Công cộng/Quan hệ Công cộng

Trong nhiều năm qua, nhu cầu về các mối quan hệ công cộng đối với Hội Thánh đã được nhấn mạnh rất nhiều. Chính các Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971) và Aetatis Novae (1992) đã từng nhấn mạnh rằng Hội Thánh “phải quan tâm tới các nguyên tắc của các mối Quan hệ Công cộng” (C&P 174; xem AN 31). Một số người coi các Quan hệ Công cộng (QHCC) chỉ là một cách để quảng cáo, bán sản phẩm và làm cho người ta tin thay vì đưa họ vào chính thực tế, như được thấy rõ qua câu truyện sau đây của người kế toán thuê Narayan Swamy, người Ấn Độ, được trình bày tại hội nghị hằng năm của “Trung tâm Truyền thông Đại chúng và Thông tin Châu Á” ở Kuala Lumpur năm 1997:

Swamy là một típ người trung bình về nhiều mặt. Anh sống một nếp sống trung bình. Và khi anh chết, Thần Chitragupta, kiểm toán viên của Trời đã lập một bảng tổng kết các việc tốt và các việc xấu của anh và kết quả cũng là một tỉ lệ 50:50%.

Thần Chitragupta bảo Swamy rằng vì các việc tốt và xấu của Swamy ngang nhau, nên ngài không thể quyết định. Vì vậy chính Swamy phải chọn. “Nhưng tâu Ngài,” Swamy vốn tính hay bối rối từ khi còn sống bây giờ lại càng bối rối nói, “làm sao con biết được điều gì là tốt cho con?” “Đừng lo”, thần Chitragupta nói. “Ta sẽ giới thiệu ngươi với phát ngôn viên của thiên đàng và của hỏa ngục, họ sẽ góp ý cho ngươi”.

Người phát ngôn của thiên đàng trong trang phục đơn sơ dẫn Swamy tới một cửa sổ ở phía góc – một cửa sổ mở vào thiên đàng. Swamy nhìn qua cửa sổ này. Quang cảnh có thể được mô tả là huyền ảo. Có những núi toàn là bơ với những con sông sữa chảy qua, rồi cũng có những vại mật ong. Thần Rishis và thần Gurus đang ngồi suy niệm trên tảng đá.

“Tuyệt”, Swamy nói, “bây giờ xin cho con xem hỏa ngục”.

Người phát ngôn của hỏa ngục trong trang phục thời thượng Saville Row, miệng phì phà điếu Dunhill. Hắn mời Swamy một điếu và hỏi xem anh ta thích một ly bia hay rượu gin trước khi xem hỏa ngục. “Chuyện ấy để sau”, Swamy đáp. “Cho tôi xem hỏa ngục trước đã”. Anh được đưa sang một góc khác, chỗ có một cửa sổ mở vào hoả ngục. Quang cảnh trông rất giống ở hành lang khách sạn Hilton. Rất đông những quý ông quý bà trang điểm trau chuốt từ đầu đến chân đang ngồi trên các tảng đá xung quanh, miệng nhâm nhi những ly rượu nho và rượu mạnh. Họ thưởng thức những món ăn đắt tiền và thảo luận về các vụ chém giết họ đã làm tại các thị trường chứng khoán. Họ thưởng thức âm nhạc và các vũ điệu má kề má. Ai nấy đều có một thời gian thoải mái siêu vời. “Đủ rồi, đủ rồi”. Swamy nói, lần đầu tiên anh ta dám ra khỏi cái hiện hữu tẻ nhạt, tầm tầm của mình để gia nhập giới thượng lưu. “Tôi chọn hoả ngục”, anh la lên.

Cổng hỏa ngục mở ra. Sau khi đi qua những dãy hành lang tối om, Swamy được một thiên thần xinh đẹp của hỏa ngục dẫn tới một căn hầm hơi nóng. Anh bị cột vào một cái cột và bị một thằng quỷ dùng roi quất cho không thương xót, trong khi một thằng quỷ khác đổ dầu sôi lên đầu anh, và một thằng thứ ba lấy một thanh sắt nung nướng thịt anh ta. Mặc kệ cho anh ta nài nỉ xin nước, bọn chúng không cho. “Dừng lại, dừng lại”, Swamy hét lên với người phát ngôn của hoả ngục trong khi hắn rút đi. “Đây không phải cái mà ông đã cho tôi xem!” Người phát ngôn biến đi mà không thèm ngoái đầu nhìn lại.

Swamy van xin các tên quỉ và nói rằng anh ta đã bị dẫn đến sai chỗ vì lầm. “Không có lầm lẫn nào cả”, một tên quỷ nói. “Nhưng ông ấy đã cho tôi xem một chỗ khác,” Swamy cãi lại. “Tất nhiên”, tên quỷ đáp, “ông ấy là Trưởng Phòng Quan hệ Công cộng của chúng tôi!”

Dứt khoát Hội Thánh không quan tâm tới loại quan hệ công cộng giả trá và bội tín như thế. Đối với Hội Thánh, các quan hệ công cộng có nghĩa là các quan hệ của mình đối với quần chúng phải dựa trên thực tế, sự kiện và sự thật. Quan tâm của Hội Thánh là ‘làm điều thiện và phổ biến điều thiện’ nhưng Hội Thánh cũng lo sao để người ta nhìn Hội Thánh và chúng ta như là những thành viên của Hội Thánh.

Bên cạnh thái độ cởi mở cơ bản đối với người khác, nói một cách cụ thể điều này còn có nghĩa là:

     * Cung cấp thông tin thích hợp. Người ta biết gì về chúng ta? Chúng ta có tỏ lộ đủ thông tin khi tiếp xúc với họ không? Chúng ta có cho họ thông tin cụ thể về đời sống, các sinh hoạt, mong đợi, nguyện vọng, kế hoạch và việc phục vụ của chúng ta không? Những thông tin này phải hoàn toàn dựa trên sự thật và phản ánh đúng thực tại của chúng ta.

     * Cung cấp giải thích. Rất thường xuyên việc cung cấp thông tin đơn thuần mà không cho biết bối cảnh thì không đủ. Trong nhiều trường hợp, cần phải cho thêm các lời cắt nghĩa và giải thích, đặc biệt đối với những người ở ngoài Hội Thánh vì có thể họ không quen với các thuật ngữ và khái niệm thần học cơ bản. Không phải mọi người ở ngoài Hội Thánh – và đôi khi cả ở trong Hội Thánh – có thể hiểu ngay ý nghĩa của các lời nói, hành động, nghi thức và biểu tượng. Rất nhiều khi chúng ta phải cắt nghĩa: Tại sao chúng ta làm điều này, tại sao chúng ta thích điều này, mục tiêu và mục đích của chúng ta là gì?

     * Thích nghi với con người và với hoàn cảnh. Các thông điệp và thông tin phải được thích nghi với thính giả mà chúng ta đang nói với. Vì vậy phía chúng ta cũng cần phải có một sự hiểu biết chi tiết về những người mà chúng ta nói với: Các hình ảnh và các khung tư tưởng của họ là gì? Họ có hình ảnh gì về Hội Thánh và các tín hữu? Họ có các thành kiến gì, các kinh nghiệm và các mong đợi gì?

     * Chọn đúng các phương tiện truyền thông. Đâu là những phương tiện có sẵn trong một tình huống nhất định và đâu là những phương tiện thích hợp hơn và đáng ao ước hơn đối với thính giả mà chúng ta muốn đạt tới? Làm thế nào phối hợp một số phương tiện ấy và nối kết chúng với nhau để làm cho các thông tin và sự hiểu biết sáng tỏ hơn và có một ảnh hưởng lớn hơn?

Một ví dụ rất hay về thách thức của các nhu cầu Quan hệ Công cộng cơ bản trong một giáo xứ đã được trình bày bởi cố tác giả F.C. Borlongan, một tác giả viết bài xã luận trên Nhật Báo “Manila Bulletin” ở Manila. Ông đã chia sẻ các kinh nghiệm và tư tưởng của ông về vai trò ‘những ngọn cờ đầu’ trong các giáo xứ như sau, dưới tiêu đề: Nhu cầu của các giáo xứ: Các Quan hệ Công cộng và các bộ phận thông tin (19-1-1997):

… những người tiền tuyến trong giáo xứ buộc phải thực hành những mối quan hệ con người và công cộng. Vì sự thiếu hiểu biết phổ biến về giáo lý, chính sách và các việc thực hành của Hội Thánh, nên một bộ phận thông tin được quản lý tốt là điều không gì có thể thay thế được.

Và nếu trong giáo xứ những người phải nêu gương sáng trong các quan hệ tốt về con người và công cộng, thì đó phải là ‘những ngọn cờ đầu’ như cha xứ, thư ký văn phòng giáo xứ, các người lo phòng thánh và các thừa tác viên giáo dân.

Quan hệ công cộng có nghĩa là cố gắng làm điều tốt và phục vụ công cộng, đồng thời phổ biến các việc làm tốt để các cá nhân và các nhóm khác có thể noi gương. Cố gắng này có một cơ sở Kinh Thánh: ‘Ánh sáng của anh em phải chiếu toả trước những người khác để họ thấy các việc lành của anh em mà tôn vinh Cha anh em ở trên trời’ (Mt 5,16). Quan hệ con người có nghĩa là đối xử với người khác với lòng kính trọng, lịch thiệp và sẵn sàng giúp đỡ. Đó là hành động của người láng giềng tốt phát xuất từ một tập hợp các thái độ và các giá trị nhân bản vững chắc.

Hai hôm trước ngày bắt đầu lễ “Simbang Gabi” (16-12), tôi gọi điện đến một đền thờ ở EDSA để hỏi thông tin về thời biểu các thánh lễ rạng đông. Một phụ nữ giọng rất trẻ trung trả lời, nhưng ngay lập tức cô thốt ra một câu hỏi thừa và vô ích, nếu không muốn nói là ngu ngốc: Ông muốn biết để làm gì? Hoàn toàn chưng hửng, tôi nói tôi đang viết cho tờ Manila Bulletin và rất vui để loan báo thời biểu của lễ ‘Simbang Gabi’ tại đền thờ này. Tôi nghĩ bụng cô ta (và cha xứ hay giám đốc của cô ta) sẽ rất vui khi biết rằng các thánh lễ rạng đông sẽ được quảng bá. Cô đáp, ‘Tôi không biết’ rồi gác máy. Vai trò của một ngọn cờ đầu là phải nắm rõ thông tin về các chương trình và thời biểu sinh hoạt của giáo xứ cũng như phải được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản về các quan hệ công cộng tốt đẹp và hiệu quả. 

Rồi tôi thử gọi cho một văn phòng giáo xứ ở Grace Park, Thành phố Caloocan, và nêu lên cùng một câu hỏi. Cô thư ký văn phòng giáo xứ trả lời rằng cô không biết gì về các thánh lễ rạng đông. Cô bảo tôi đợi để cô tìm xem có ai biết hay không. Thêm hai giọng nói khác nhìn nhận rằng họ cũng chẳng biết gì…

Philip Chesterfield (1694-1773), một chính khách và nhà văn Anh, nói rằng phép lịch sự đích thực hay phép xã giao chân thực có nghĩa đơn giản là đối xử, nói chuyện và hiểu người khác như bạn muốn mình được người khác đối xử, nói chuyện và thấu hiểu. Một ví dụ về thái độ bất lịch sự và kém xã giao tôi được chứng kiến có thể đã xảy ra nhiều lần trước rồi tại những nơi khác. Một người đàn ông bước vào một văn phòng giáo xứ để hỏi về thời gian, lệ phí và các yêu cầu để lãnh phép rửa tội. Ông lập tức bị la mắng với lý do là ông không chịu đọc tờ thông báo ở cửa nhà thờ. Người đàn ông im lặng. Rồi người ta hỏi con ông là con hợp pháp hay con tự nhiên. Ông không biết các từ ‘hợp pháp’ và ‘tự nhiên’. Thế là cô thư ký lên giọng chửi ông là ngu dốt. Nhưng nếu có người không những ngu dốt mà còn mất ý thức về tình huynh đệ và các mối quan hệ con người, thì người ấy phải là chính cô thư ký giáo xứ. Vì bản thân cô không biết rằng chỉ có 15% người Công giáo đi nhà thờ thường xuyên…

Các ví dụ trên đây tự chúng đã rõ nghĩa. Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971) đòi hỏi “mọi giáo phận, mọi Hội đồng Giám mục hay Đại hội Giám mục” phải có “người phát ngôn hay đặc trách báo chí chính thức và thường trực” (số 174). Nhưng trên thực tế, không phải chỉ có người phát ngôn hay cán bộ quan hệ công cộng phản ánh quan điểm của Hội Thánh. Mọi thành viên đều là một cán bộ quan hệ công cộng của Hội Thánh theo cách riêng của mình trong các mối tiếp xúc thân thiện với những người xung quanh và biết thích nghi cách đối xử của mình với họ trong sự tôn trọng lẫn nhau.

Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae (số 31) trình bày như sau các mối quan hệ công cộng của Hội Thánh như là một phần của một kế hoạch mục vụ về Truyền thông Xã hội:

* Aetatis Novae nói về các mối Quan hệ Công cộng (số 31)

“Các mối quan hệ công cộng được thực hiện bởi Hội Thánh có nghĩa là việc truyền thông tích cực với cộng đồng qua các phương tiện đạo và đời, bao gồm sự sẵn sàng truyền thông các giá trị Tin Mừng và công khai hoá các hoạt động mục vụ và các chương trình của Hội Thánh. Hội Thánh cần phải làm hết sức mình để bảo đảm rằng hình ảnh của mình phản ánh trung thực về Đức Kitô.

Một Kế hoạch Mục vụ về Truyền thông Xã hội phải tìm cách:

  1. Tổ chức các văn phòng Quan hệ Công cộng với nguồn nhân lực và tài lực cân xứng để tạo một hoạt động truyền thông hiệu quả giữa Hội Thánh và toàn thể cộng đồng bao có thể.
  2. Xuất bản sách báo và sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình và video có chất lượng tốt nhất, có khả năng làm cho người ta thấy rõ ràng thông điệp Tin Mừng và sứ mạng của Hội Thánh.
  3. Lập các giải thưởng về truyền thông và các phương thức nhìn nhận khác hầu khích lệ và nâng đỡ các chuyên gia truyền thông.
  4. Cử hành Ngày Thế giới Truyền thông như một phương tiện để gây ý thức về tầm quan trọng của truyền thông xã hội và hỗ trợ các sáng kiến truyền thông của Hội Thánh”.

Hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh là cơ sở cho mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo. Hơn nữa, Truyền thông Mục vụ trong Hội Thánh cũng có thể giúp phát triển và tạo ra một hình ảnh tích cực hơn về Hội Thánh và các thành viên Hội Thánh cho người ngoài.

Một việc rất hữu ích không những cho hoạt động truyền thông công khai của Hội Thánh mà cả trong nội bộ Hội Thánh, phản ánh hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh, đó là tìm hiểu các qui luật và kinh nghiệm về Truyền thông trong Kinh doanh. Truyền thông kinh doanh quan tâm tới các cách thức và phương tiện truyền thông trong và cho các doanh nghiệp. Các hình thức khác nhau hiện có, các phương tiện được sử dụng và các kỹ năng được phát triển cho việc truyền thông trong kinh doanh cũng là những điều thiết yếu cho việc truyền thông trong Hội Thánh và trong mục vụ, và có thể tuỳ nghi được áp dụng. Giữa nhiều điều khác, truyền thông kinh doanh quan tâm tới các cách truyền thông trong các công ty. Nó quan tâm tới các cách đối xử và tương tác với khách hàng, phỏng vấn, phát huy tài nghệ viết các tin tức và các bản tường thuật, cách chuẩn bị các cuộc giới thiệu và xuất bản. Các sách viết về truyền thông kinh doanh có rất nhiều và chắc chắn rất hữu ích cho người truyền thông mục vụ trong công việc hằng ngày.

* Truyền thông trong Kinh doanh

Một khóa học đặc biệt về Truyền thông Kinh doanh có thể gồm các môn học sau:

  1. Căn bản: Truyền thông Kinh doanh là gì? Các yếu tố: Nghe; hiểu hoạt động truyền thông không lời nói; truyền thông liên văn hoá. Xây dựng êkíp; Căn bản về ngữ pháp và ngôn ngữ.
  2. Truyền thông viết: Lập kế hoạch các thông điệp truyền thông; tổ chức và biên soạn, duyệt lại các Thông điệp Thiện chí – các Thông điệp Không vui. Viết các thông điệp thuyết phục: thư, bản ghi nhớ, E-mail… Sửa các biểu tượng; biên tập.
  3. Truyền thông bằng lời: Lập kế hoạch, viết, trình bày các bản tường trình và các đề nghị; chuẩn bị và đọc các bài thuyết trình… Hoàn tất các bản tường trình và các bài giới thiệu chính thức.
  4. Truyền thông việc làm: Viết các sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Phỏng vấn xin việc và các bước tiếp theo…
  5. Công nghệ và kỹ thuật Truyền thông: Sử dụng Internet và các công nghệ khác; tìm, đánh giá và xử lý thông tin; định dạng và trình bày các văn kiện và các bản báo cáo kinh doanh; cung cấp và chuyển giao các phương tiện kỹ thuật về tường trình và giới thiệu. Đánh giá các nhu cầu và mong đợi của khách hàng.

Tương tự, các kinh nghiệm về Truyền thông trong lĩnh vực Tổ chức cũng có thể được áp dụng ở đây. Tiếc rằng cả hai lãnh vực truyền thông kinh doanh và truyền thông tổ chức rất hiếm khi được ứng dụng trong các tổ chức của Giáo Hội, mặc dù chúng cung cấp các qui luật và tư liệu để xử lý trong nội bộ các tổ chức cũng như đối với người ngoài. Các người truyền thông Kitô giáo cũng phải coi việc huấn luyện tài nghệ truyền thông kinh doanh là một yếu tố thiết yếu. Nó phải là thành phần của việc huấn luyện mục vụ bởi vì nó liên quan cụ thể với các loại và hình thức truyền thông, các phương tiện sử dụng, sự phát triển tài nghệ, liên lạc thư từ, nói trước công chúng và viết.

Đôi khi hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh bị nguy hiểm vì các sự kiện không lường trước, các sự kiện này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh và các hoạt động này của Hội Thánh như trong các trường hợp gây tai tiếng hay các chuyện tiêu cực khác được phổ biến rộng rãi và có thể bị “xuyên tạc” bởi các phương tiện truyền thông. Ở đây cần học hỏi các suy tư và hướng dẫn về Xử lý khủng hoảng. Xin xem chi tiết ở Phần II, 7.

3. Hội Thánh và Phương tiện Đại chúng/Đa Phương tiện

Trong tư cách tập đoàn của mình, Hội Thánh không thể tránh cặp mắt của các Phương tiện Đại chúng cũng như các Đa Phương tiện đang ngày càng gia tăng. Các phương tiện này không chỉ đưa thông tin về Hội Thánh mà còn đánh giá và phê bình Hội Thánh. Vì vậy cần có một cố gắng mục vụ đặc biệt để luôn luôn sẵn sàng và kiên nhẫn tìm cách cung cấp thông tin và cắt nghĩa đúng mỗi khi cần thiết.

Mặt khác, công dụng và khả năng của các Phương tiện Đại chúng và Đa Phương tiện cũng góp phần vào đời sống và sự tăng trưởng bên trong của Hội Thánh, cũng như có thể hữu ích trong các mối quan tâm mục vụ đặc biệt.

Tuy nhiên, cũng cần ý thức rằng giữa Hội Thánh và các Phương tiện Đại chúng có một số khác biệt căn bản không dễ gì san bằng. Nhà thần học Mỹ và nay là Hồng y Avery Dulles (1994) đã liệt kê ra những khác biệt sau:

Hội Thánh (là): Các Phương tiện Đại chúng (là):
Mầu Nhiệm đức tin Tìm tòi, nghiên cứu
Tin Mừng vĩnh cửu duy nhất và liên tục Mới lạ, chóng qua, ‘ồn ào’
Thống nhất và Thâm trầm Bất đồng, Xung đột
Ân sủng, phước lành thiêng liêng mới Tường thuật cụ thể, chọn lọc
Phẩm trật, uy quyền của Đức Kitô Tiêu chuẩn ‘dân chủ’
Phức tạp và tinh tế trong giảng dạy -Thần học phát triển qua các thời đại Tìm kiếm các ‘câu truyện’ – ngắn, đơn giản, giật gân
Thuyết phục người nghe về Sự Thật của Mặc Khải và dấn thân. Các sự kiện mọi người có thể tiếp cận, chấp nhận và thích thú

Đức Gioan Phaolô II tìm cách giải quyết một số khác biệt này, và ngài diễn tả ý tưởng của ngài trong thông điệp thường niên của ngài nhân Ngày Thế giới Truyền thông 1999 như sau (số 3):

“Trong cuộc hành trình tìm kiếm của con người, Hội Thánh muốn làm bạn với các phương tiện truyền thông vì biết rằng mọi hình thức hợp tác đều mang lại lợi ích cho mọi người. Hợp tác cũng có nghĩa là chúng ta sẽ biết rõ nhau hơn. Thỉnh thoảng các mối quan hệ giữa Hội Thánh và các Phương tiện Truyền thông có thể bị lu mờ vì sự hiểu lầm lẫn nhau, dẫn đến sợ sệt và nghi kỵ lẫn nhau. Đúng là văn hoá Hội Thánh và văn hoá truyền thông khác nhau; thực vậy, có một sự tương phản rõ rệt ở một số điểm. Nhưng không có lý do gì để các khác biệt này khiến chúng ta không thể thân thiện và đối thoại với nhau. Trong nhiều mối tình bạn thâm sâu nhất, chính những khác biệt khích lệ sự sáng tạo và bắc cầu.

     * Văn hoá tưởng nhớ của Hội Thánh có thể cứu văn hoá ‘tin tức’ nhất thời của phương tiện truyền thông khỏi sự quên lãng làm xói mòn hi vọng; và các phương tiện truyền thông có thể giúp Hội Thánh loan báo Tin Mừng trong tất cả sự tươi mát bền vững của nó trong thực tế đời sống hằng ngày của con người.

     * Văn hoá khôn ngoan của Hội Thánh có thể cứu văn hoá thông tin của các phương tiện truyền thông khỏi trở thành một sự chồng chất vô nghĩa các sự kiện; và các phương tiện truyền thông có thể giúp sự khôn ngoan của Hội Thánh bén nhạy trước hàng loạt những tri thức mới đang xuất hiện hôm nay.

     * Văn hoá niềm vui của Hội Thánh có thể cứu văn hoá giải trí của các phương tiện truyền thông khỏi trở thành một sự thờ ơ trốn tránh sự thật và trách nhiệm; và các phương tiện truyền thông có thể giúp Hội Thánh truyền thông với con người một cách tốt hơn, lôi cuốn và thậm chí tạo nhiều hứng thú hơn.

     * Đây chỉ là một ít ví dụ cho thấy một sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tinh thần thân thiện và ở mức độ sâu xa hơn có thể giúp cả Hội Thánh lẫn các phương tiện truyền thông phục vụ con người thời nay trong việc tìm kiếm ý nghĩa và sự hoàn thành bản thân”.

Một thách thức đặc biệt đối với hoạt động truyền thông mục vụ và truyền giáo là phải đem sự khôn ngoan của đức tin và Hội Thánh vào trong đời sống cụ thể của con người. Tuy nhiên thách thức này đòi người truyền thông phải có hiểu biết về mọi phương tiện khác nhau và phát triển các năng khiếu cần thiết để áp dụng chúng một cách chuyên nghiệp nhưng cũng đầy tràn Thánh Thần.

Hồng Y Martini trong một chuyến thăm tòa soạn báo Corriere della Sera tại Milan ngày 23-1-2001, đã cống hiến 5 hướng dẫn cơ bản cho các phóng viên khi so sánh công việc của họ với thừa tác vụ tư tế và tiên tri khiến họ cũng là những người truyền thông mục vụ. Ngài đề nghị các điểm nòng cốt sau đây cho thế giới truyền thông: quan tâm, có chỗ cho các biểu tượng, khả năng nắm bắt các dấu hiệu hy vọng, dẹp bỏ sự tôn thờ cá nhân, chú ý tới đời sống thường ngày của Hội Thánh.

Theo lời tường thuật của Hãng Thông tấn Zenith (ngày 24-1-2001), “từ ‘quan tâm’ đòi hỏi lòng khiêm tốn cần thiết để hiểu những khó khăn của việc truyền thông các sự kiện tôn giáo. ‘Trong giới phóng viên, người ta có khuynh hướng đơn giản hoá sự việc’, Hồng Y nhận xét. Về việc dành chỗ cho các biểu tượng, HY Martini nhắc tới việc mở Cửa Thánh của Đền Thánh Phêrô, một nghi lễ đã được hai triệu người trên 60 quốc gia theo dõi. Các phóng viên cũng phải nhạy bén để nắm bắt nhanh các dấu hiệu hy vọng trên khắp thế giới – một liều thuốc giải độc chống lại chủ nghĩa bi quan, ‘căn bệnh thực sự của thế giới Phương Tây’. Ở điểm thứ bốn, Đức Hồng Y nhấn mạnh nhu cầu giảm thiểu sự ‘tôn thờ cá nhân’ liên quan tới Hội Thánh. Điều cần phải đề cao là sự vĩ đại của cộng đoàn Kitô giáo, vượt lên trên đời sống của những cá nhân thành viên của cộng đoàn ấy. Sau cùng, Đức Hồng Y nhấn mạnh nhu cầu chú ý tới đời sống thường ngày của Hội Thánh, tới sứ mạng của Hội Thánh, là cái vượt lên trên hàng loạt các sự kiện lớn lao và ngoạn mục”.

IV. CÁC ĐƯỜNG LỐI CỦA HỘI THÁNH ĐỐI VỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Đức Giêsu Kitô, Người Truyền Thông Hoàn Hảo như cách gọi của Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio, thực sự là một bậc thầy trong việc truyền thông với dân chúng vào thời của Người. Người sử dụng mọi phương tiện Người có để loan truyền Tin Mừng tình yêu của Cha cho dân chúng xung quanh. Người đã truyền thông

     * cho mọi người, những người đơn sơ sống quanh Người cũng như những người trí thức như Pharisêu và luật sĩ.

     * với mọi phương tiện Người có bằng lời nói và việc làm, bằng phép lạ và chữa lành bệnh tật, bằng các hành động và cử chỉ, bằng thinh lặng và sau cùng bằng việc hiến mạng sống mình.

     * ở mọi nơi có thể: Người truyền thông trong các Hội đường Do Thái và nơi phố chợ, trên núi và trên biển, nơi công cộng và tại nhà riêng, và Người cũng tìm những nơi rất riêng tư cho các cuộc trao đổi cá nhân như với Nicôđêmô và người phụ nữ bên giếng nước;

     * bằng ngôn ngữ trong giảng dạy, nhưng Người cũng dùng những ngôn từ đe doạ và không ngại dùng một thứ ngôn từ cởi mở và đôi khi cả mắng chửi.

Chúng ta có thể nói không sai rằng cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu thấm nhuần và hoàn toàn tràn đầy sứ mạng truyền thông. Chính Người đã nhân bản hoá việc truyền thông trong mọi việc Người làm.

Chúng ta cũng có thể cảm thấy một tinh thần ‘hoàn toàn truyền thông’ giống như thế nơi các Kitô hữu tiên khởi, được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ, tường thuật đầu tiên về một Hội Thánh truyền thông. Sau khi được Thánh Thần ban sức mạnh vào ngày Hiện Xuống, các môn đệ ra đi khắp thế giới để truyền thông sứ điệp của Đức Kitô. Ở đâu họ không được tiếp đón, họ bỏ đi nhưng lại tìm thấy các cánh cửa khác mở ra cho việc rao giảng. Họ lắng nghe Chúa Thánh Thần và bất cứ nơi nào Thánh Thần đưa họ đến, họ đều truyền thông đức tin và kinh nghiệm của họ bằng mọi cách có thể. Mặc dù không có bất cứ phương tiện truyền thông ghê gớm nào của thế giới hôm nay, Hội Thánh Kitô đã phát triển khắp vùng Địa Trung Hải cho tới Rôma và tới tận Tây Ban Nha.

Chỉ sau này khi Hội Thánh được thiết lập một cách chính thức hơn và được cả các quyền lực thế tục nhìn nhận, thì khi ấy các vai trò và bổn phận được xác định rõ hơn nhưng tinh thần truyền thông vẫn được duy trì như là cơ bản đối với cộng đoàn Hội Thánh. Thánh Augustinô trong quyển De doctrina Christiana đã ứng dụng khoa tu từ ngoại giáo cho việc giảng dạy của Hội Thánh, và năm 591 trong tác phẩm nổi tiếng Regula Pastoralis của ngài, Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả đã viết rất dài về nhu cầu thích nghi việc truyền thông trong hoạt động rao giảng và chăm sóc mục vụ đối với các thành phần thính giả khác nhau. Mỗi lần, thông điệp phải được điều chỉnh một cách mới mẻ cho phù hợp với các nhu cầu và mong đợi của thính giả, và ngài liệt kê hơn 40 loại thính giả khác nhau tùy theo các hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau, bên trong cũng như bên ngoài. Cuốn ‘cẩm nang truyền thông mục vụ’ này đã trở nên quan trọng đến nỗi trong suốt thời Trung Cổ, nó được đặt cùng với sách Kinh Thánh trên đầu của mỗi tân giám mục trong nghi lễ tấn phong.

Đặc biệt từ sau cuộc cải cách (Tin Lành) năm 1517 và việc Luther sử dụng rộng rãi phương pháp máy in mới của Johannes Gutenberg với kỹ thuật xếp chữ, Hội Thánh càng ngày càng mất đi ý thức về việc ‘truyền thông toàn diện’. Dần dần, các thế lực khác bắt đầu tấn công và thách thức Hội Thánh khiến cho cuối cùng Hội Thánh rơi vào một thái độ tự vệ kéo dài khá lâu. Từ sau cuộc cải cách và đặc biệt cũng từ sau cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, Hội Thánh ngày càng giữ thái độ tự vệ hơn đối với các thế lực này, tìm cách đối phó bằng sự đàn áp thay vì có một đường lối truyền thông tích cực và sáng tạo. Chính từ thời kỳ này và do thiếu thái độ cởi mở đối với các phát minh kỹ thuật mới, nhiều vị hữu trách trong Hội Thánh ngày càng chuyển sang thái độ nghi kỵ và bài bác lãnh vực này, như được chứng tỏ qua việc gia tăng công tác kiểm duyệt và kiểm soát. Bây giờ có vẻ như không còn là Chúa Thánh Thần của thời kỳ khởi nguồn Kitô giáo, mà là cuộc đấu tranh giành quyền lực và một ý thức trách nhiệm hẹp hòi đã thắng thế. Thỉnh thoảng, đặc biệt vào các thời đại sau, khuynh hướng này cũng đổi sang khuynh hướng ngược hẳn lại, là bắt chước và sử dụng các phương tiện truyền thông bằng mọi giá mà không nhận ra rằng cũng cần phải có sức mạnh của Chúa Thánh Thần để biết phân định.

Thái độ Hành động Vị trí
Khuynh hướng I: Nghi kỵ và bài bác Kiểm duyệt và kiểm soát Bên ngoài
Khuynh hướng II: Bắt chước & tham vọng Sử dụng bằng mọi giá Bên lề
Khuynh hướng III: Hiểu có phê phán Sử dụng có phân biệt / Phục vụ với sự cảm thông Bên trong

Thái độ của Hội Thánh đối với Truyền thông/Phương tiện Đại chúng
(Xem Roberge 1983; Eilers 2002, 222)

Chỉ khi có một sự hiểu biết phê phán nhưng chuyên môn về vai trò và tiềm năng của các phương tiện truyền thông tiên tiến, Hội Thánh mới lại có thể truyền thông trong thế giới chúng ta hôm nay giống như trong thời kỳ đầu của Kitô giáo. Có nghĩa là sẽ lại thể hiện được những tiềm năng của các phương pháp khác nhau, thích nghi và kết hợp chúng sao cho chúng tác động đến dân chúng. Truyền thông mục vụ và truyền giáo phải quan tâm tới điều này một cách đặc biệt. Chứng tá cá nhân và chứng tá đời sống ngày nay vẫn còn là một phương tiện và cách thức thiết yếu để đến với dân chúng và phục vụ họ.

1. Các đường lối tích cực ngày nay

Sau khi đã có một ít phát triển rất tích cực ngay từ thời Đức Piô XI và Đức Piô XII trong đường lối của các ngài đối với Truyền thông Xã hội, Công đồng Vatican II đã phát triển một thái độ khá cởi mở. Vatican II không chỉ là Công đồng Chung lần đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh đưa ra một văn kiện đặc biệt là Sắc lệnh Inter Mirifica (1963), nhưng các văn kiện khác của Công Đồng cũng xác nhận khuynh hướng tích cực này.

Đường lối của Hội Thánh đối với truyền thông từ thời Đức Piô XI cho tới sau Vatican II cơ bản gồm hai khía cạnh: (1) sử dụng các phương tiện truyền thông vì mục đích riêng của Hội Thánh và (2) bổn phận có phán đoán đạo đức đối với việc sử dụng chúng.

  1. Hội Thánh có quyền và bổn phận sử dụng các phương tiện truyền thông vì mục đích và sứ mạng của mình. Đây là hoạt động truyền thông trong Hội Thánh cũng như đối với bên ngoài. Công đồng Vatican II quả quyết trong Sắc lệnh Inter Mirifica (1963): “Hội Thánh có quyền sử dụng và sở hữu mọi phương tiện truyền thông cần thiết hay có ích cho việc đào luyện các Kitô hữu và cho hoạt động mục vụ của mình” (số 3). Sau đó, Đức Phaolô VI khẳng định trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975): “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người đang làm cho ngày càng hoàn hảo hơn. Nhờ các phương tiện này, Hội Thánh rao giảng ‘trên các mái nhà’ thông điệp mà mình nắm giữ. Hội Thánh coi chúng là một phương thức hiện đại và hiệu quả của việc rao giảng. Nhờ chúng, Hội Thánh thành công trong việc nói chuyện với quần chúng” (số 45).
  2. Hơn nữa, Hội Thánh hầu như luôn luôn quan tâm “đào tạo một lương tâm đúng đắn trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông” (IM, số 5). Điều này đã được chứng tỏ trong văn kiện đầu tiên của Hội Thánh vào thế kỷ 20 với chuyên đề Phim Ảnh, đó là Thông điệp Vigilanti Cura của Đức Piô XI năm 1936. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha cổ võ các nguyên tắc và tư cách thành viên của ‘Đạo quân Đức Hạnh’ (Legion of Decency) và ngài quan tâm tới các giá trị đạo đức của phim ảnh. Trong các văn kiện khác, đạo đức của các phương tiện truyền thông không ngừng được nói đến và cũng rất thường xuyên được liên kết với việc giáo dục truyền thông.
  3. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô cũng đưa ra thêm một đường lối mới về lĩnh vực truyền thông hiện đại trong Thông điệp Redemptoris Missio về Truyền giáo, trong đó đặc biệt vai trò của truyền thông và văn hoá trong tương quan với tôn giáo được ngài nhìn dưới các khía cạnh sau:
  4. Con người thời nay, cá nhân cũng như tập thể, được ‘đào tạo’ bởi các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông sáng tạo một văn hoá mới. Văn hoá ở đây chỉ về các lối suy nghĩ, hành động và các mối quan hệ với người khác và “đặc biệt, thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị chi phối bởi các phương tiện đại chúng” (số 37c).
  5. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một văn hoá con người làm nền tảng cho xã hội. Theo quan điểm của Đức Giáo Hoàng, Hội Thánh có vai trò và trách nhiệm bảo vệ ‘văn hoá đích thực’ này của con người. Nhưng nền văn hoá này phải được quyết định và xác định như thế nào? Có thể chắc là nó dẫn tới việc bảo vệ các quyền con người và sự vẹn toàn đạo đức của cá nhân cũng như xã hội, như đã được diễn tả trong quá khứ trên quan điểm đạo đức.
  6. Hơn nữa, cũng có chiều kích khác của một thực tại sâu hơn không được quyết định bởi nội dung của riêng truyền thông mà thôi, mà còn bởi “các cách truyền thông mới, với các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới và một tâm lý mới.” Theo quan điểm này, Hội Thánh thấy mình đứng trước một ‘cử tọa’ được quyết định bởi các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại nhiều hơn là bởi các truyền thống.

2. Các mẫu của một Hội Thánh Truyền thông

Avery Dulles (1988), người từng nghiên cứu và phân tích các văn kiện của Công đồng Vatican II trong lĩnh vực Truyền thông Xã hội, đã đi đến 5 mẫu và phương thức khác nhau, không loại trừ nhau nhưng phải được coi là bổ sung cho nhau. Đó là cùng một việc Truyền thông Xã hội của Hội Thánh và cho Hội Thánh, được nhìn dưới các góc cạnh khác nhau và các hướng khác nhau nhưng bổ sung cho nhau. Vì vậy ta không nên quên rằng chính Công Đồng này cũng đã sử dụng thành ngữ “Truyền thông Xã hội”.

Uỷ Ban chuẩn bị Văn kiện Inter Mirifica đã nói trong một mục cước chú ở đầu văn kiện dự thảo rằng các thành ngữ như ‘Phương tiện Đại chúng, Phương tiện Nghe-Nhìn, Phương tiện Truyền bá’ đều không diễn tả đầy đủ mối quan tâm thực sự của Hội Thánh, vì vậy Uỷ Ban đã đề nghị dùng một tên gọi mới đã được chấp nhận nhưng không bao giờ được cắt nghĩa thêm. ‘Truyền thông Xã hội’ có nghĩa đầy đủ hơn các phương tiện đại chúng và bất kỳ phương tiện hiện đại nào khác. Nó bao gồm tất cả các thứ này nhưng một cách đặc biệt nó cũng bao gồm mọi cách thức và phương tiện khác trong và của xã hội loài người. Một điều tối quan trọng là phải luôn lưu tâm tới định nghĩa này, đặc biệt đối với việc Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo.

Điều này cũng liên hệ tới các mẫu của Avery Dulles, bao gồm mọi cách thức truyền thông của Hội Thánh. Ngài đã triển khai các mẫu và phương thức sau đây:

  1. Mẫu cơ chế hay phẩm trật “quan tâm một cách hạn hẹp tới quyền bính của chức vụ và tính chất bó buộc của học thuyết chính thức. Mẫu này muốn nhìn truyền thông theo nghĩa thần học như là một quy trình đi xuống, bắt đầu từ Thiên Chúa xuống qua Đức Giáo Hoàng và hàng giám mục rồi tới các thành viên khác của Hội Thánh…” (112). Mẫu này quan tâm tới các mối quan hệ bên trong Hội Thánh giữa những người phục vụ Lời Chúa và những người được phục vụ…”. Nó “phân biệt rõ nét giữa hàng giáo phẩm như là bậc giảng dạy có thẩm quyền (ecclesia docens) và phần còn lại là các tín hữu như là thành phần học tập (ecclesia discens). Nó có “nội dung là lời giảng dạy có thẩm quyền của Hội Thánh” (114t.). Mẫu này được diễn tả bằng các văn kiện chính thức, các thư và thông báo mục vụ, và các tài liệu khác nữa. Chủ yếu là các trình bày bằng văn bản.
  2. Mẫu loan báo hay rao giảng được Dulles gán cho nền thần học Kinh Thánh Tin Lành và thần học của Karl Barth về Lời, nhưng đặc biệt được diễn tả trong văn kiện của Vatican II về Mặc khải (Hiến chế Dei Verbum, DV) và nhiều phần của sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh (Ad Gentes, AD): Được Đức Kitô uỷ thác, Hội Thánh “không ngừng tiếp tục gửi các sứ giả đi loan báo Tin Mừng…” (114). Ở đây sứ vụ truyền thông của Hội Thánh được nhìn trong tương quan với những người ngoài trong khi mẫu thứ nhất liên quan nhiều hơn tới việc truyền thông trong nội bộ Hội Thánh. Vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo (AG 2), “mọi tín hữu đã được rửa tội đều là những người mang thông điệp.” Mẫu này dựa nhiều hơn trên các chiều kích của văn hoá miệng và điều nó mong ước là sự đáp ứng của người nghe qua việc hoán cải. Trong mẫu phẩm trật, sự đáp ứng là “một sự suy phục của trí tuệ đối với quyền bính đòi hỏi sự tôn trọng; sự đáp ứng việc rao giảng là một sự gắn bó hiện sinh của con người toàn diện với các tin vui cứu độ” (116).
  3. Mẫu bí tích cho thấy rằng “truyền thông tôn giáo không chỉ xảy ra qua những lời nói mà còn qua những con người và biến cố (DV 2). Chính Đức Kitô được coi là biểu tượng mặc khải tối thượng, là hình ảnh sống làm cho Thiên Chúa một cách nào đó trở nên hữu hình. Đức Kitô không chỉ truyền thông bằng những lời Người nói, nhưng hơn thế nữa, bằng chính con người và hành động của Người…” Ở đây, Hội Thánh cũng được nhìn như là một dấu chỉ hiệu quả hay một bí tích trong đó Đức Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động. Ở đây chiều kích truyền thông của phụng vụ được coi là “hình thức bí tích của truyền thông,” trong đó “các dấu hiệu thánh tạo ra hiệu quả cứu độ nhờ quyền năng của Đức Kitô” (117).
  4. Mẫu hiệp thông hay cộng đoàn của Hội Thánh truyền thông là ‘koinonia,” “sự hiệp thông đời sống, đức ái và sự thật (LG 9), được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động.” Đường lối này được diễn tả trong chương 2 của Hiến Chế Lumen Gentium của Vatican II về Hội Thánh (LG 9-17) dưới tiêu đề “Dân Thiên Chúa”. Mẫu hiệp thông này “cổ võ việc chứng tá và đối thoại chung” cả với các Kitô hữu khác. Có lẽ nó phải được mở rộng cả ra ngoài Kitô giáo (xem LG 16; Nostra Aetate), do đó nó dẫn tới mẫu thứ 5 sau đây.
  5. Mẫu thế tục-đối thoại chủ yếu dựa trên giáo huấn của Vaticanô II trong Hiến chế Gaudium et Spes (GS) về Hội Thánh trong thế giới hôm nay. Ở đây thế giới không-Kitô giáo không được coi một cách đơn giản như là “nguyên liệu thô để Hội Thánh cải hoá nó theo mục đích của mình, cũng không phải như là một đối tượng đơn thuần của nhiệt tình truyền giáo, nhưng như là một lãnh vực mà ý định sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa đang hoạt động một cách mầu nhiệm” (118). Ở đây, việc đối thoại của Hội Thánh với các nền văn hoá và các tôn giáo tìm được địa điểm và cuộc đối thoại với thế giới truyền thông đang phát triển mà Đức Gioan Phaolô II đã liệt kê trong Thông điệp về Truyền giáo Redemptoris Missio (1990) như là areopagus, nghị trường hàng đầu của thời hiện đại” (37c). Theo mẫu này, Hội Thánh cũng phải giải thích các dấu chỉ thời đại (x. GS 11,14) và đây được coi như là một thách thức đặc biệt đối với giáo dân (x. GS 43,62), sau đó ý tưởng này cũng đã được xác nhận bởi Tông huấn Christifideles Laici (1962). Theo Dulles, “kiểu thần học thế tục-đối thoại này… có tác động mạnh trên loại đối thoại đang diễn ra trong Hội Thánh” (120). Nhưng ở đây, mẫu này cũng thấy rằng mặc khải “không bắt đầu với Kinh Thánh và truyền thống, thậm chí cũng không bắt đầu với Đức Giêsu Kitô, nhưng với Ngôi Lời, nơi Người mọi sự đã được tạo thành. Ân sủng được giả thiết là luôn hoạt động trong toàn thể lịch sử nhân loại. Tuy được đặc ân hiểu biết về việc Thiên Chúa tự mặc khải một cách tối thượng nơi Người Con nhập thể của Người, Hội Thánh có thể không ngừng đào sâu sự hiểu biết của mình về Thiên Chúa qua đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác và qua việc giải thích các dấu chỉ thời đại” (121). Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio làm sáng tỏ các hệ quả của mẫu này khi nhìn thế giới hiện đại như là một “chiếc bàn tròn lớn” trên đó “một cộng đồng toàn cầu đang được hình thành thông qua một sự trao đổi thông tin và hợp tác” (1973, 97.98).

Giữa tất cả các mẫu này, mẫu cộng đoàn và mẫu bí tích có một tác động đặc biệt đối với việc Truyền thông Mục vụ, trong khi các mẫu rao giảng và thế tục-đối thoại sẽ đặc biệt thích hợp cho hoạt động Truyền thông Truyền giáo.

3. Các cách thức diễn giải của Hội Thánh

Việc giải thích của bất cứ loại truyền thông nào của Hội Thánh đều phải lưu ý rằng, theo quan điểm của Giám mục Teodoro Bacani, có ít là 4 “cách thức diễn giải của Hội Thánh” cho việc truyền thông mục vụ. Mọi sự giải thích một thông điệp trong đời sống hằng ngày đều được quyết định bởi các từ được dùng, cách chúng được nói ra và các “hoàn cảnh khơi dậy các từ và xảy ra xung quanh” chúng. Điều này cũng đúng cho mọi loại truyền thông của Hội Thánh: đâu là các ý hướng của giám mục, linh mục hay người giáo dân đang truyền thông? Bacani thấy có 4 mẫu sau:

  1. Mẫu diễn giải ngôn sứ có lẽ là thông dụng nhất: “Khi chúng ta đọc các ngôn sứ trong Kinh Thánh, chúng ta thấy họ nói một cách có uy quyền và quả quyết như thế nào. Họ không lý luận về các lập trường họ có. Họ khẳng định lập trường của họ và khẳng định một cách chắc chắn như là lời của Chúa trong một tình huống nhất định…”. Mẫu này phần nào tương ứng với ‘mẫu phẩm trật/cơ chế’ của Dulles về Hội Thánh truyền thông: Các sự kiện và mặc khải của Thiên Chúa được khẳng định với uy quyền…
  2. Mẫu diễn giải thần học: “Thần học cũng quan tâm tới hành động, nhưng quan tâm chính của nó là các nguyên tắc điều khiển hành động. Một nhà thần học xứng với danh nghĩa của mình sẽ tìm cách cắt nghĩa tại sao một đường lối hành động là hợp lý, thậm chí bắt buộc tuyệt đối, theo tiêu chuẩn của đức tin và lý trí. Họ sẽ lý luận để đi tới các kết luận. và nhà thần học sẽ cẩn thận đưa ra các sự phân biệt…
  3. Mẫu diễn giải ngoại giao: “Ngoại giao là một nghệ thuật cũng được thực hành bởi nhiều nhân vật trong Hội Thánh, trong đó một số, như các Khâm sứ Tòa Thánh, phải thực hành nghệ thuật này một cách chuyên nghiệp. Ngoại giao tìm cách phát huy các mối quan hệ tốt hơn giữa các dân tộc và các tổ chức. Vì vậy các nhà ngoại giao cẩn thận trong cách họ sử dụng các từ để truyền đi các thông điệp. Họ không chỉ quan tâm nói sự thật, mà cũng che giấu sự thật một cách khéo léo, hay nói sự thật nhưng không làm mất lòng người ta…”.
  4. Mẫu diễn giải mục vụ “tìm cách kết hợp bao có thể cả ba mẫu trên. Người mục tử tốt phải nói sự thật cho dân của mình bởi vì sự thật mang lại sự sống và giải phóng. Họ phải nói với dân chúng sự thật cả khi sự thật ấy làm người ta khó chịu. Họ phải nói với dân những điều dân cần nghe chứ không phải những điều dân thích nghe. Nhưng đồng thời người mục tử không được nói sự thật giống như một người ném đá vào thính giả. Ngược lại họ phải trình bày sự thật như là bánh mang lại sự sống cho dân. Thế nên họ cũng phải nói với tài ngoại giao. Và họ phải xét đến những hoàn cảnh đặc thù của người nghe, nên thường họ cũng thực hiện các sự phân biệt giống như một nhà thần học”.

Nguyên thuỷ các mẫu này được xuất bản như một bài xã luận trên một nhật báo với mục đích giúp thính giả/độc giả biết cách đánh giá và giải thích các phát biểu của Hội Thánh được công bố trên các phương tiện truyền thông. Nhưng chúng cũng có thể giúp người truyền thông mục vụ trở nên ý thức về cách thức hoạt động của mình: Tôi muốn truyền thông điều gì? Thế nào? Cho ai? Trên thực tế, mẫu mục vụ của Bacani còn có thể được chia nhỏ thành một sự truyền thông cho các thính giả trong hay ngoài Hội Thánh. Chẳng hạn, truyền thông cho các thính giả ngoài Hội Thánh hay ở một nước mà phần đa dân số không phải là Kitô hữu thì phải khác và vì vậy cần có một sự nhạy cảm đặc biệt.

Các phát triển xa hơn

Các phát triển sau Vatican II, đặc biệt sự sát nhập các Phương tiện Truyền thông [Đại chúng] (Mass Media) vào với Công nghệ Thông tin [Information Technology (IT)] để trở thành ‘Infomedia’ hay Đa phương tiện đã mang tới những thách thức và khả năng mới, chúng cũng ảnh hưởng đến Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo. Chẳng hạn, để biết những gì đến được với khán thính giả ngày nay, nếu chỉ biết các chương trình TV chính mà người ta xem thì không đủ. Còn phải biết rằng có hàng trăm chương trình TV có trên Truyền Hình Cáp và hàng triệu websites trên Internet đang cung cấp các chương trình và thông tin vượt xa tất cả những gì là ‘bình thường’ khoảng 10 hay 15 năm trước.

Đặc biệt giới trẻ ngày nay đang lớn lên và rất thường xuyên bị hút chặt vào Internet. Vì vậy việc đào luyện giới trẻ ngày nay không còn chỉ được quyết định bởi các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng ngày càng được quyết định nhiều hơn bởi các Đa phương tiện. Tại các nước đang phát triển, giới trẻ cũng đang ngày càng rời xa các giá trị truyền thống để đi vào những chọn lựa với tất cả các hậu quả truyền thông và đào tạo của chúng. Ai là người giúp đỡ giới trẻ trong các chọn lựa của họ? Các Giám mục Truyền thông Châu Á trong Hội nghị Thường niên (FABC-OSC Bishops’ Meet, 1999) tại Bangkok đã nói:

“Trong quá khứ, giới trẻ lớn lên trong các xã hội dựa trên những truyền thống văn hoá, đạo đức và thiêng liêng vững chắc. Bây giờ, các truyền thống này rất thường xuyên bị thay thế bằng các chọn lựa khác có sẵn cho các cá nhân và cộng đồng. (x. Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 7, 39).”

Nhận định này đã đưa các giám mục tới sự nhận thức về các thách thức truyền thông sau đây:

“1. Truyền thông Kitô giáo phải cho thấy giá trị của các truyền thống nhưng đồng thời cũng phải giúp phân định các phát triển mới.

  1. Đặc biệt giới trẻ cần sự hướng dẫn trong một xã hội đang ngày càng trở nên đa dạng hơn. Các người truyền thông Kitô giáo phải là người bạn đồng hành và người hướng dẫn của giới trẻ, chứ không chỉ chú tâm vào những lợi ích vật chất hay tài chính từ các hoạt động của mình.
  2. Trong tình hình truyền thông ngày nay, khi ai ai cũng có thể có được tin tức chỉ trong nháy mắt, các nhà báo và các lãnh đạo của Hội Thánh không còn chỉ là những ‘gác cửa’ để quyết định điều gì đến được với khán thính giả. Họ phải là những ‘người hướng dẫn’ trong khu rừng của các chọn lựa, nhờ sự soi sáng của các nguyên tắc và nhãn quan của đức tin Kitô giáo”.

Đức Gioan Phaolô II trước đó cũng đã viết về tình hình này trong Thông điệp Redemptoris Missio (1990, 37c):

“Vì chính việc rao giảng Tin Mừng cho văn hoá ngày nay tuỳ thuộc một phần rất lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nên nếu chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông mà thôi để loan truyền thông điệp Kitô giáo và giáo huấn chân chính của Hội Thánh thì không đủ. Cũng cần phải tích hợp thông điệp ấy vào nền văn hoá mới được tạo ra bởi ngành truyền thông hiện đại. Đây là một vấn đề phức tạp, bởi vì nền văn hoá mới phát sinh không chỉ từ những nội dung được diễn tả ra, mà còn từ chính sự kiện là có những cách thức truyền thông mới, với các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới và một khoa tâm lý mới. Đức Phaolô VI đã nói rằng “sự phân cách giữa Tin Mừng và văn hoá chắc chắn là thảm kịch của thời đại chúng ta’ (Evangelii Nuntiandi, 1975, 20), và lĩnh vực truyền thông hoàn toàn xác minh nhận định này”.

Trong Hội Thánh hôm nay, có các đường lối khác nhau cho việc tích hợp lãnh vực truyền thông xã hội. Tình trạng hội tụ và tích hợp ngày càng gia tăng trong truyền thông có thể được thấy như là đang chuyển từ một phương tiện đại chúng duy nhất sang sự tích hợp đa phương tiện và sau cùng có thể hội tụ vào một thiết bị như các máy vi tính. Cũng vậy, Hội Thánh phải chuyển từ thái độ cô lập sang thái độ tích hợp trong mọi hoạt động của mình. Đây không chỉ là vấn đề cơ cấu mà là một sự chuyển đổi não trạng và phương pháp: từ hoạt động cá thể sang niềm xác tín rằng mọi hoạt động của Hội Thánh đều mang một chiều kích truyền thông thách thức mọi người chứ không riêng gì các chuyên gia. Tổng Tu nghị 1995 của Dòng Tên đã diễn tả khá hay điều này trong văn kiện Truyền Thông: Một Văn Hoá Mới, trong đó có nói như sau:

“Truyền thông trong xã hội thường vẫn được nhìn như một khu vực của hoạt động tông đồ, một môi trường cho một số chuyên gia thường cảm thấy bị cô lập hay ở bên lề tập thể tông đồ. Xã hội cần phải nhìn nhận rằng truyền thông không phải là một lãnh vực chỉ dành riêng cho một số chuyên gia Dòng Tên, mà là một chiều kích tông đồ chính cho mọi hoạt động tông đồ của chúng ta. Đương nhiên không phải mọi hội viên Dòng Tên đều phải dấn mình vào lãnh vực truyền thông. Tuy nhiên, mọi hội viên Dòng Tên nếu muốn hoạt động hiệu quả đều phải hiểu biết và thành thạo các ngôn ngữ, các biểu tượng, các ưu điểm và nhược điểm của văn hoá truyền thông. Đây là cách để tạo sự chuyển đổi, để nhận ra rằng môi trường truyền thông mới này là một môi trường giúp chúng ta đến được với đông đảo dân chúng và làm giàu cho họ, một môi trường để nuôi dưỡng văn hoá, tri thức và tình liên đới.

Công cuộc canh tân được đề nghị sẽ cho phép các hội viên Dòng Tên chia sẻ tốt hơn đức tin mà họ được kêu gọi để phục vụ. Đôi khi điều này bao gồm việc rao giảng trực tiếp Tin Mừng và các giá trị Tin Mừng cho các nhóm đông đảo qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hay cho các nhóm nhỏ hơn qua các phương tiện truyền thông tập thể. Khi khác, có thể dùng một phương pháp gián tiếp hơn để giúp các cá nhân ý thức về một sự trình bày thông điệp Kitô giáo một cách cá nhân hơn. Trong mọi trường hợp, điều này đòi chúng ta sử dụng thứ ngôn ngữ mà cả các chuyên gia truyền thông lẫn quần chúng của ngôi làng toàn cầu đều có thể hiểu được. Chính Đức Giêsu đã truyền thông sứ điệp của Cha qua các dụ ngôn, phép la và các hành vi thương xót, Người phải là mẫu mực cho chúng ta”.

Truyền thông Mục vụ và Truyền giáo không chỉ dựa trên một phương tiện hay một chiến lược, nhưng dựa trên sự tích hợp giữa các nhiệm vụ khác nhau và giữa những người tin rằng Hội Thánh và mọi thành viên Hội Thánh tự cơ bản đều là truyền thông. Đức Kitô đã sinh ra và nhập thể trong những hoàn cảnh cụ thể và bởi những con người cụ thể.

V. NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA HỘI THÁNH CHO TRUYỀN THÔNG TRONG XÃ HỘI

1. Đạo đức Truyền thông

Đạo đức trong truyền thông là một lĩnh vực vượt xa những quan tâm của Hội Thánh. Nhưng đức tin Kitô giáo có thể có một cống hiến đặc biệt bằng cách đưa ra các nguyên tắc cơ bản, có thể ảnh hưởng cả đến các suy tư khác của xã hội.

Từ cuối những năm 70 (của tk 20), có những nghiên cứu đặc biệt về Đạo đức học trong Truyền thông và ngày càng có nhiều tác phẩm được xuất bản về lĩnh vực này. Một nghiên cứu về đạo đức báo chí của Trung tâm Hastings ở New York năm 1977/79 cho thấy chỉ có 15 cuốn sách viết về đề tài này được xuất bản từ 1924 đến 1979, và có khoảng 68 giáo trình độc lập về đề tài này tại các tổ chức giáo dục Hoa Kỳ. Hai mươi năm sau, 1999, đã có khoảng 100 quyển sách nữa và gần 200 giáo trình độc lập về Đạo đức học trong Truyền thông. Theo một báo cáo được Clifford G. Christians trình bày trước Nhóm quan tâm đến Đạo đức học Truyền thông của Hội Giáo dục về Báo chí và Truyền thông Đại chúng (AEJMC), các vấn đề nòng cốt được bàn đến trong các sách này là: các nguồn tư liệu mật, xâm phạm sự riêng tư, các cám dỗ kinh tế, an ninh quốc phòng và đề tài chiến tranh, tự do báo chí/xét xử công bằng, khủng bố và rối loạn công cộng, các nhóm thiểu số, lừa đảo và sự chính xác. Một số nghiên cứu này đề cập một cách đặc biệt đến các chiều kích bảo mật và pháp lý, đạo đức học về đại diện như chủ nghĩa phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc. Nhưng chính ông Christians, một trong những nhà nghiên cứu phong phú về lãnh vực này, cũng nhìn nhận rằng “về mặt kỹ thuật và chuyên nghiệp, lĩnh vực truyền thông đang phát triển phức tạp hơn và với một tốc độ nhanh hơn là những phân tích hàn lâm của chúng ta”. Nhưng ông cũng thấy rằng gần đây có một sự phát triển tích cực hơn, đó là Đạo đức học truyền thông đã trở nên ngày càng được nhìn nhận “như là một lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm”.

Khi nghiên cứu chuyên đề về Đạo đức học Truyền thông, Cha Ruediger Funiok Dòng Tên (2002, 44) cho rằng mọi đạo đức học truyền thông đều cách này hay cách khác có liên quan tới các câu hỏi cơ bản sau:

  1. Ai chịu trách nhiệm?
  2. Cái gì là nguyên nhân?
  3. Họ chịu trách nhiệm về điều gì?
  4. Họ chịu trách nhiệm với ai?
  5. Họ phải giải trình cho ai?
  6. Tại sao họ phải chịu trách nhiệm (các giá trị, qui tắc, tiêu chuẩn)

Bây giờ sự cống hiến chuyên biệt của Hội Thánh cho mối quan tâm này là gì, vì mối quan tâm này có liên hệ rất chặt chẽ với Truyền thông Mục vụ?

Gerald O’Collins và Edward G. Farrugia mô tả Đạo đức như là “ngành triết học nghiên cứu về các nguyên tắc đạo đức để làm sáng tỏ cái gì là đúng và sai hay con người phải tự do làm gì hay tránh làm gì” (2001,80). Trong lĩnh vực truyền thông, đạo đức học này có thể đặc biệt liên quan tới ba khía cạnh sau:

  1. a) Khía cạnh đạo đức của truyền thông trong xã hội như tự do truyền thông, tự do báo chí hay ngôn luận, các lý do và hậu quả của chúng, cũng như các giới hạn của chúng đối với các quyền con người như quyền riêng tư, bảo vệ trẻ em…, là những điều cũng dễ đưa tới việc nghiên cứu và cắt nghĩa các luật có liên quan.
  2. b) Khía cạnh đạo đức của các chuyên gia truyền thông như các chủ nhân và các nhân viên truyền thông. Đây là lĩnh vực của các bộ luật đạo đức nghề nghiệp, các tập thể tự quản như các Hội đồng Báo chí, các tôn chỉ của ban biên tập và các nguyên tắc về giá trị.
  3. c) Thứ ba là khía cạnh đạo đức đối với giới tiêu thụ truyền thông, những người tiếp nhận các phương tiện truyền thông và việc họ sử dụng một cách có trách nhiệm các khả năng mà truyền thông cung cấp.

Khác với Đạo đức học (Ethics), Thần học Luân lý (Moral Theology) nghiên cứu và dạy người ta biết “người Kitô hữu phải sống như thế nào. Sự suy tư hệ thống này về hành vi của người Kitô hữu được rút ra từ Kinh Thánh (ví dụ, Mười Điều Răn, Bài Giảng Trên Núi, và các lời khuyến dụ của Thánh Phaolô), từ lý do triết học, và từ kinh nghiệm của truyền thống và giáo huấn của Hội Thánh.” (O’Collins 2001,167).

Cống hiến của Hội Thánh cho Đạo đức Truyền thông là việc đem áp dụng một cách đặc biệt các nguyên tắc đạo đức Kitô giáo vào việc sử dụng và tiêu thụ các phương tiện Truyền thông Xã hội.

Có thể triển khai Đạo đức Truyền thông từ những góc cạnh khác nhau, như từ những niềm tin của các tôn giáo khác hay các trường phái triết học hay xã hội học khác. Bob Anderson và Veronica Ross (1998,291; cũng xem 272-297) đã liệt kê 5 lý thuyết sau đây về đạo đức truyền thông:

     * Đạo đức học đức hạnh của thuyết trung dung

     * Đạo đức học Lão giáo của thuyết vô vi

     * Đạo đức học đối thoại của tính hỗ tương

     * Đạo đức học chợ tư tưởng của tự do cá nhân và công bằng

     * Đạo đức học tường thuật và cộng đồng của sự gắn kết cộng đồng

Khi xét về các cố gắng này, các nguyên tắc đạo đức Kitô giáo có lẽ có thể được áp dụng và tiềm tàng trong đa số các yếu tố trên, ít là với tính chất của các nguyên tắc cơ bản.

Trong một số văn kiện quan trọng của Hội Thánh về truyền thông, có các hướng dẫn cho đạo đức truyền thông như trong Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican II về Truyền thông Xã hội, trong đó các nghị phụ nói: “Để các phương tiện truyền thông được sử dụng đúng đắn, điều thiết yếu là mọi người sử dụng chúng phải biết các nguyên tắc về trật tự đạo đức và trung thành áp dụng chúng vào lĩnh vực này…” (số 4). Hơn nữa, “Điều thiết yếu là mọi người có liên quan phải đào tạo một lương tâm đúng đắn về việc sử dụng các Phương tiện Truyền thông…” (số 5).

Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971), được viết theo yêu cầu của các Nghị phụ Công đồng, kêu gọi chính những người truyền thông “có bổn phận lương tâm phải được huấn luyện thành thạo về nghệ thuật Truyền thông Xã hội” (số 15). Ở một đoạn dưới, Huấn thị nói rằng “đã có một sự suy thoái các chuẩn mực đạo đức trong nhiều lĩnh vực đời sống ngày nay, và đây là lý do khiến mọi người lương thiện phải quan tâm sâu xa. Có thể dễ dàng tìm thấy bằng chứng của sự suy thoái này trong mọi phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng không thể đổ hết lỗi cho các phương tiện này. Nhiều người đứng đắn cho rằng các phương tiện này chỉ là sự phản ánh những gì đã hiện hữu trong xã hội rồi…” (số 22).

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải coi nguyên tắc cơ bản về đạo đức và luân lý của Communio et Progressio là sự cống hiến dặc biệt của Hội Thánh cho lĩnh vực này, đó là nguyên tắc về phẩm giá con người:

“Bởi vì chính những con người là những chủ thể quyết định phải sử dụng các phương tiện truyền thông như thế nào, nên các nguyên tắc đạo đức chính ở đây là các nguyên tắc dựa trên một sự cắt nghĩa đúng về phẩm giá con người. Và cần nhớ rằng phải coi những con người như là những thành viên của gia đình các con cái của Thiên Chúa. Đồng thời các nguyên tắc này phát xuất từ tính chất cơ bản của truyền thông xã hội và các phẩm chất tự có của phương tiện truyền thông… Những ai muốn thấy các phương tiện truyền thông đóng vai trò tiền định của chúng trong lịch sử Tạo Dựng, trong Nhập Thể và Cứu Chuộc, và muốn xem xét tính chất đạo đức của chúng, những người ấy phải có một sự hiểu biết đầy đủ và đúng về con người. Họ cũng phải có một sự hiểu biết đúng đắn về bản chất thực của truyền thông xã hội và của các công cụ phục vụ nó” (số 14/15).

Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội tại đã ra 4 văn kiện sau đây có ý nghĩa đặc biệt về Đạo đức trong Truyền thông Xã hội:

          – Đạo đức trong Truyền thông, xuất bản tháng 6-2000

          – Đạo đức trong Quảng cáo, xuất bản tháng 2-1997

          – Đạo đức trên Internet, xuất bản tháng 2-2002

          – Khiêu dâm và Bạo lực trong các Phương tiện Truyền thông: Một Phản ứng Mục vụ, xuất bản tháng 5-1989.

Đạo đức trong Truyền thông

Bố cục theo chủ đề

  1. Nhập đề (1-5)
  2. Truyền thông Xã hội phục vụ con người (6-12)
  3.    a) Các phương tiện truyền thông phục vụ phẩm giá con người (6)
  4.    b) Các lợi ích kinh tế (7)
  5.    c) Các lợi ích chính trị (8)
  6.    d) Các lợi ích văn hoá (9)
  7.    e) Các lợi ích giáo dục (10)
  8.    f) Các lợi ích tôn giáo (11)
  9.    g) Truyền thông xây dựng và bảo vệ cộng đồng (12)

III. Loại Truyền thông Xã hội vi phạm lợi ích con người (13-19)

  1.    a) Các phương tiện truyền thông cản trở cộng đồng loài người (13)
  2.    b) Lạm dụng kinh tế (14)
  3.    c) Lạm dụng chính trị (15)
  4.    d) Xuyên tạc văn hoá (16)
  5.    e) Xuyên tạc giáo dục (17)
  6.    f) Xuyên tạc tôn giáo (18)
  7. Một số nguyên tắc đạo đức có liên quan (20-26)
  8.    a) Nhân phẩm và tương quan giữa con người và cộng đồng (21-22)
  9.    b) Tự do phát biểu (23)
  10.    c) Tham gia của dân chúng vào các chính sách cộng đồng (24)
  11.    d) Các bổn phận của những người tiếp nhận – giáo dục về truyền thông (25)
  12.    e) Các loại truyền thông mẫu mực của Hội Thánh (26)
  13. Kết luận (28-33)

Eilers 2002, tr. 25

Văn kiện chung về Đạo đức (Đạo đức trong Truyền thông), trong phần nói về “một số nguyên tắc đạo đức liên hệ,” đã lặp lại niềm xác tín và nguyên tắc của Communio et Progressio khi nói rằng “nguyên tắc cơ bản trong đạo đức truyền thông Kitô giáo là: con người và xã hội con người là mục đích và tiêu chuẩn của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội; truyền thông phải là bởi con người tới con người vì sự phát triển toàn diện của con người” (số 21). Nguyên tắc thứ hai bổ sung cho nguyên tắc thứ nhất: “Lợi ích của những con người không thể được thể hiện tách rời với lợi ích chung của cộng đoàn mà họ thuộc về. Lợi ích chung này phải được hiểu theo nghĩa gộp, nghĩa là tổng số những mục đích chung có giá trị mà các thành viên cộng đồng cùng hợp nhau theo đuổi và sống để phục vụ”. Đây không có nghĩa là đặt một nhóm chống lại một nhóm khác. “Những người truyền thông và những người làm chính sách truyền thông phải phục vụ các nhu cầu và lợi ích thực sự của cả các cá nhân lẫn các tập thể, ở mọi cấp và mọi loại” (số 22). Trong tất cả điều này, phải cho thấy rõ các bổn phận đạo đức của những người truyền thông cũng như những người đón nhận truyền thông (số 25); các bổn phận này cũng phải điều khiển các cơ cấu truyền thông ở mọi cấp (số 24).

Ở phần kết luận, văn kiện một lần nữa xác nhận: “Các điểm đặc biệt mà Hội Thánh cống hiến cho sự thảo luận về các vấn đề này là một nhãn quan về con người và phẩm giá siêu vời của con người với các quyền bất khả xâm phạm và một nhãn quan về cộng đồng con người mà các thành viên kết hợp với nhau bằng sức mạnh của tình liên đới để theo đuổi lợi ích chung của mọi người” (số 30).

Văn kiện về Đạo đức trong Quảng cáo mô tả những cái lợi và hại của việc quảng cáo. Văn kiện coi “các lương tâm được đào luyện tốt và có trách nhiệm của chính các chuyên gia quảng cáo” là những “bảo đảm thiết yếu cho hành vi đạo đức đúng trong công nghệ quảng cáo”: đó là những “lương tâm bén nhạy với bổn phận của họ không chỉ để phục vụ lợi ích của những người uỷ thác và tài trợ công việc của họ, mà còn để tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích của các khách hàng và phục vụ công ích” (số 18).

Văn kiện về Đạo đức trên Internet áp dụng cùng những nguyên tắc ấy cho việc sử dụng không gian mạng (‘cyberspace’), ở đó việc truy cập cá nhân và các tin tức mới nhất đến được với mọi người vào bất cứ lúc nào. Một lần nữa văn kiện này liệt kê các khả năng tích cực cũng như vai trò của các phát triển tiêu cực, ví dụ như các website hận thù được trình bày trên mạng.

Văn kiện về Khiêu dâm và Bạo lực được gọi là “một Phản ứng Mục vụ”. Văn kiện định nghĩa khiêu dâm như là “một sự vi phạm quyền tư riêng của thân xác con người trong bản chất là nam và nữ của nó, hạ thấp nhân phẩm và thân xác con người thành một đối tượng vô danh của sự lạm dụng vì mục đích thoả mãn dục vọng” (số 9). Về các hậu quả của khiêu dâm, nó được coi là hạ giá “giới tính, huỷ hoại các mối quan hệ con người, bóc lột cá nhân – đặc biệt các phụ nữ và trẻ em – làm hỏng đời sống hôn nhân và gia đình, khuyến khích hành vi phản xã hội và làm suy yếu nền tảng đạo đức của chính xã hội” (số 10). Dấn mình vào trò khiêu dâm có thể trở thành thói quen và nung nấu “những mối bận tâm thiếu lành mạnh trong trí tưởng tượng và hành động. Nó có thể làm hại sự tăng trưởng đạo đức cá nhân và sự phát triển các mối quan hệ lành mạnh và trưởng thành, đặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình” (số 14.15). Văn kiện còn trình bày về các nguyên nhân của vấn đề và kêu gọi các thành phần khác nhau của xã hội con người và chính trị phải tùy nghi hành động.

Bạo lực được định nghĩa như là “một sự trình bày nhằm lôi cuốn các bản năng hành động đê hèn của con người chống lại phẩm giá con người và vẽ ra bức tranh của một sức mạnh thể lý ghê gớm được thể hiện một cách hung hăng và thường là điên cuồng” (số 9). Thường xuyên tiếp xúc với môi trường bạo lực “có thể gây nguy hại cho trẻ em vì chúng không đủ khả năng phân biệt giữa thực và ảo”. Vì vậy chúng có thể “coi chuyện này như là một hành vi bình thường và được chấp nhận, và chúng sẽ dễ bắt chước” (số 11-12).

Cống hiến đặc biệt của Hội Thánh cho đạo đức truyền thông là giúp đỡ và phục vụ lương tâm của người truyền thông và người tiêu thụ, và ghi khắc nơi họ một niềm xác tín sâu xa vào phẩm giá con người cũng như tầm quan trọng và phẩm giá của cộng đồng con người. Điều này cũng dẫn đến sự cống hiến của Hội Thánh trong hoạt động mục vụ của mình cho xã hội loài người qua việc Đào luyện Truyền thông và Giáo dục Truyền thông.

2. Đào luyện Truyền thông và Giáo dục Truyền thông

2.1. Đào luyện Truyền thông

Đối với mọi người truyền thông, và đặc biệt đối với người truyền thông mục vụ, học biết cách truyền thông là điều tối quan trọng. Việc này không liên quan trước tiên tới các phương tiện kỹ thuật, mà đúng hơn, nó liên quan nhiều hơn tới con người và người hoạt động mục vụ. Willi Lambert (2000, 28-43) đã chứng minh một cách rất thuyết phục rằng thánh Inhaxiô Loyôla là một nhà truyền thông đích thực như thế nào và ngài đã chia sẻ như thế nào các kinh nghiệm và trực giác của ngài cho ba vị tu sĩ Dòng Tên được ngài cử đi dự Công đồng Trentô năm 1546. Bảy quy luật truyền thông ngài ban cho họ cũng là những qui luật cho bất cứ ai muốn đến với người ta và dấn thân vào lãnh vực truyền thông mục vụ. Trong các lời khuyên của ngài, Thánh Inhaxiô muốn các người đại diện của ngài có thái độ cởi mở và đề cao đối thoại, biết đắn đo suy nghĩ và chú ý không chỉ tới các lời nói mà cả các tình cảm và toàn thể cung cách truyền thông cho người khác; họ phải cố gắng tránh thành kiến nhưng phải biết cách trình bày rõ ràng. Họ phải dành thời gian, quý chuộng sự thinh lặng và chăm chú nghe nhiều cũng như nói năng có suy xét; họ không được ‘núp’ phía sau quyền bính khi không cần thiết.

Đào luyện truyền thông mục vụ phải bắt đầu trên bình diện cá nhân và trong quan hệ người với người, và dựa trên những phẩm chất nội tâm hơn là dựa trên kỹ thuật và suy nghĩ mà thôi. Đây thực sự là một việc đào luyện, một tiến trình hình thành con người nội tâm chứ không phải chỉ là đào tạo chủ yếu về kỹ năng. Người linh mục hay người hoạt động mục vụ phải là một người truyền thông theo cách họ tỏ ra và đối xử với người khác. Chăm sóc mục vụ là chăm sóc những con người và các mối quan tâm của họ chứ không chỉ là một chiến dịch ‘quảng cáo’ đức tin Kitô giáo hay Mười Điều Răn. Từ các nghiên cứu của mình về Thánh Inhaxiô Loyola nhà truyền thông, Lambert nhận ra các thái độ cơ bản sau đây mà mọi việc đào luyện phải lưu ý (tr. 44-60): (1) Khiêm nhường, yêu thương và kiên nhẫn, (2) Kính trọng, (3) Lắng nghe, (4) Tin tưởng, (5) Chú ý tới sự khác biệt của người bên cạnh mình, và (6) Nói sự thật trong bác ái: “Đi vào bằng cửa của người khác”.

Việc đào luyện truyền thông đã bắt đầu ngay từ trong gia đình rồi. Cách mà các trẻ em được nuôi dưỡng, được đối xử hay bị ngược đãi bởi cha mẹ, anh chị em, thầy cô và các bạn bè của chúng ở những năm đầu đời đã đặt nền móng để chúng trở thành những con người cởi mở, tin tưởng, tự tin, dễ truyên thông và muốn chia sẻ. Các tổn thương xảy ra trong những năm đầu đời chỉ có thể được sửa chữa một phần rất giới hạn ở những năm sau trong các chủng viện hay các trung tâm đào luyện mục vụ. Và ở đây cũng thế, không phải chỉ có tâm lý giúp sửa chữa, nhưng đúng hơn là kinh nghiệm toàn diện của một đời sống tâm linh sâu xa với một bầu khí hiểu biết lẫn nhau và đối thoại với các nhà đào luyện nói chung nhưng đặc biệt với các vị linh hướng. Cách riêng, việc linh hướng phải đặc biệt cống hiến cho việc đào tạo một thái độ truyền thông tốt bằng việc lắng nghe, hiểu biết, tin tưởng không dè giữ và kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa. Vượt lên trên các kỹ thuật, việc linh hướng như thế phải giúp đi tới một thái độ truyền thông ngày càng tốt hơn trong cách cư xử với Thiên Chúa và tha nhân.

Sau cùng, đối với mọi việc đào luyện truyền thông mục vụ, chính con người Đức Giêsu chỉ cho chúng ta đường đi. Trong mẫu Truyền thông Kitô giáo mới, được phát triển cùng với một số sinh viên tại Đại học Santo Tomas ở Manila, điểm trọng tâm là thông điệp chứ không phải là người gửi thông điệp như trong các mẫu truyền thông thế tục. Trong các mẫu thế tục, người gửi là ‘người truyền lệnh’. Trong mẫu Kitô giáo, trọng tâm là Thông điệp, nghĩa là Lời Thiên Chúa, là chính Đức Giêsu Kitô, còn chúng ta, những người truyền thông, chúng ta chỉ là những sứ giả. Càng biết lắng nghe và được soi sáng bởi thông điệp, chúng ta càng là những sứ giả đích thực phục vụ LỜI trong hoạt động truyền thông mục vụ chân chính.

Đây là 3 ví dụ từ cuộc đời Đức Kitô, chúng phải giúp chỉ cho chúng ta một hướng đi như thế:

  1. Tu sĩ Biển Đức Anselm Gruen, người Đức (2001, tr. 27-35) đã lấy lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa người câm điếc (Mc 7,31-37) với lời nói cứu độ “Ephata – Hãy mở ra”. Carlo Montini cũng lấy câu chuyện này làm đề tài suy tư về truyền thông như là một kế hoạch mục vụ cho Tổng Giáo phận của ngài (1990). Gruen phân tích và làm rõ nét hoạt động truyền thông của Đức Giêsu trong việc chữa lành người bệnh theo 5 bước mà việc đào luyện truyền thông mục vụ phải đi theo trong tinh thần của Đức Kitô. Đó là:
  2. Đức Giêsu đặt ngón tay lên tai người bệnh: Ngài đặt ngón tay vào vết thương để gọi tên nó và cho nó mở ra trước ‘vấn đề’. Động tác này cũng có nghĩa là: hãy bịt tai lại trước tiếng ồn bên ngoài và lắng nghe bên trong. Về phía Đức Giêsu, nó cũng có nghĩa là: Ta ở với con trong các khó khăn của con.
  3.     Đức Giêsu lấy nước miếng quệt vào lưỡi người bệnh: Động tác này giống như một nụ hôn, chạm vào người bệnh giống như một người mẹ âu yếm lấy nước miếng bôi lên vết thương của con mình. Phải có một bầu khí tin tưởng lẫn nhau, cởi mở và chăm sóc trước khi lưỡi có thể mở ra.
  4.     Đức Giêsu ngước mắt lên trời: Đó là Thiên Chúa, Cha của Người là Đấng chữa lành – chứ không phải chúng ta. Trong tiến trình truyền thông như thế, trời mở ra và Lời Thiên Chúa từ trời xuống, một Lời mà chúng ta phải học để biết lắng nghe. Hãy để cho Lời Thiên Chúa thực hiện và hướng dẫn mọi cố gắng truyền thông của chúng ta.
  5.     Đức Giêsu rên lên: Ngài có một cố gắng thực sự và thể hiện sức mạnh chữa lành và cứu giúp. Người chiến đấu với bệnh tật và mọi thế lực thù địch luôn tìm cách ngăn chặn việc truyền thông chữa lành. Động tác này cũng có nghĩa là Người chịu đau đớn cùng với người bệnh chứ không phải là một người bàng quan.
  6.     Ở bước cuối cùng này, tai và miệng người bệnh mở ra: việc truyền thông của Đức Giêsu muốn mở mọi giác quan và khả năng của chúng ta ra trước quyền năng chữa lành của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Việc truyền thông của chúng ta có góp phần chữa lành giống như thế không, và nó có đi theo cùng một hướng ấy không?
  7. Chúa Giêsu chữa lành nhạc mẫu của Thánh Phêrô (Mc 1,29-31). Chúa Giêsu truyền thông trong ba bước, được tóm gọn trong một câu trong truyện (1,31):
  8.     Đức Giêsu lại gần bà, mà theo lời cắt nghĩa của Gruen (2003,41) thì không chỉ là một chuyển động ‘bên ngoài’ mà là một động tác bên trong. “Đức Giêsu tiếp xúc với bà.”
  9.     Người cầm lấy tay bà. Khi chạm vào bà, ngài cảm thấy cơn sốt và “cảm nhận được điều đang xảy ra trong cơ thể bà. Người cảm thấy cuộc phấn đấu của bà… và dưới bàn tay che chở của Người, cuộc phấn đấu ấy dịu xuống và sức mạnh trở lại với bà…”.
  10.     Người đỡ bà trỗi dậy. “Máccô sử dụng ở đây cùng một từ mà ngài sẽ sử dụng khi nói về cuộc phục sinh. Người đỡ bà trỗi dậy, mở mắt cho bà để bà thấy được thực tại bằng cặp mắt mới. Người đỡ bà dậy để bà lại có thể đứng được…”.

Dù bằng cách này hay cách khác, mọi việc truyền thông mục vụ và truyền giáo đều phải chứa các bước cơ bản này.

  1. Một ví dụ khác được Đức Gioan Phaolô II nêu ra cho các linh mục vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2002. Ngài nói về tầm quan trọng của bí tích hoà giải và minh hoạ bằng một phân tích về câu chuyện Tin Mừng kể về ơn gọi của ông Dakêu (Lc 19,1-10). Ngài cho thấy Đức Giêsu truyền thông với ông Dakêu bằng lời nói và hành động như thế nào. Ngài cũng vạch cho thấy chúng ta phải đi theo con đường nào trong việc đào luyện về truyền thông cho thừa tác mục vụ.
  2.     “Khi trèo lên cây sung”, Đức Giáo Hoàng nói, “Dakêu hình như chỉ bị tính tò mò thúc đẩy. Đôi khi các cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với con người có vẻ như chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ làm điều gì ngẫu nhiên…”. Đôi khi sự tò mò đơn thuần cũng dẫn đến truyền thông thực sự nếu nó được đáp ứng thích hợp.
  3.     Bước tiếp theo, Đức Giêsu ngước nhìn lên ông và nói: ‘Ông Dakêu, xuống mau, vì hôm nay tôi phải đến ở nhà ông’. “Mọi cuộc gặp gỡ với người nào muốn đi xưng tội, cả khi được yêu cầu một cách hời hợt vì thiếu động cơ và thiếu chuẩn bị, nhưng nhờ ân sủng kỳ diệu của Thiên Chúa, vẫn có thể trở thành ‘nơi’ ấy – cây sung – chỗ Đức Giêsu ngước nhìn lên Dakêu.
  4.     Bước sau đó đưa chúng ta tới suy tư về ‘giọng điệu’ truyền thông của Đức Giêsu. “Tường thuật của Luca nổi bật về giọng điệu của ngôn ngữ: mọi cái đều quá mật thiết, quá khéo léo, quá thân thương! Bản văn không chỉ chứa đầy tình người; nó còn gợi lên sự nài nỉ, sự thúc bách mà Đức Giêsu diễn tả với tư cách là người ban mặc khải dứt khoát về tình thương của Thiên Chúa… Đi theo bản đồ lộ trình bí nhiệm mà Chúa Cha đã vạch ra cho Người, Đức Giêsu chạy đến gặp Dakêu trên đường đi. Người dừng lại gần ông như thể cuộc gặp gỡ đã được sắp đặt ngay từ đầu…
  5.     Hơn nữa, Đức Giêsu “tỏ ra là một người có một sứ mạng xác định. Có một ‘qui luật’ mà chính Người cũng phải tuân giữ; ý muốn của Cha mà Người thực thi bằng cuộc đời mình đến độ nó trở thành ‘lương thực’ của Người (x. Ga 4,34). Các lời Đức Giêsu nói với ông Dakêu không chỉ là phương tiện để thiết lập mối quan hệ nhưng là lời tuyên bố về một kế hoạch Thiên Chúa đã vạch ra. Cuộc gặp gỡ diễn ra trên cái nền là Lời Thiên Chúa, được đồng hoá với Lời và Khuôn Mặt Đức Kitô…”. Mọi việc truyền thông mục vụ phải dựa trên Lời Thiên Chúa, vì Thông Điệp là trọng tâm của mọi việc truyền thông Kitô giáo.
  6.     Sau cùng, có một yếu tố nữa trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với ông Dakêu có ảnh hưởng đặc biệt trong việc đào luyện truyền thông mục vụ: Ông gặp con người Đức Giêsu trước tiên, chứ không phải gặp các giới răn của Thiên Chúa. “Chính Đức Giêsu là hồng ân đang chờ đợi Dakêu… Khi chúng ta nhìn cuộc gặp gỡ của chúng ta với Đức Giêsu như một hồng ân, thì cả những tính chất nặng nề nhất của luật cũng mang sự ‘nhẹ nhàng’ của ân sủng…”.
  7.     Phản ứng của Dakêu trước sự truyền thông này của Đức Giêsu được kích thích qua phong cách và các yếu tố của ‘thái độ mục vụ’ mà Đức Giêsu tỏ ra: “Ý thức mình bây giờ được đối xử như một người ‘con’, ông bắt đầu suy nghĩ và hành động như một người con, và ông diễn tả điều này bằng việc tìm lại được các anh chị em mình. Dưới cái nhìn âu yếm của ông đối với Đức Kitô, quả tim của Dakêu ấm lên tình yêu thương đồng loại. Từ một cảm giác cô độc… ông chuyển sang một thái độ chia sẻ…”.

(Xin xem thêm chi tiết về đào luyện ở mục truyền thông cấp quốc gia và quốc tế: Phần II, 4.3.5).

Sự thành thạo

Việc đào luyện người truyền thông mục vụ và truyền giáo phải làm cho họ hoàn toàn thành thạo trong nhiệm vụ này. Sự thành thạo này không chỉ là về các kỹ năng nhưng cần có phẩm chất cởi mở trong tâm hồn. Một bài viết về truyền thông và mục vụ cho Hội Nghị Các Giám Mục Pháp năm 1998 xác nhận rằng không phải dễ định nghĩa và lại càng rất khó để đạt được sự thành thạo về truyền thông. Theo quan điểm này, truyền thông đòi phải có những yếu tố sau:

     * Một nhận thức rõ ràng về căn cước của mình

     * Một khả năng lắng nghe giỏi

     * Một khả năng và thái độ để

          – phân tích các động cơ của người khác;

          – hiểu đúng các mối quan tâm của họ;

          – thấy trước các phản ứng của họ.

Tất cả là kết quả của sự luyện tập vất vả với bản thân mình.

Để có thể truyền thông hiệu quả, ngoài những điều khác, cần phải có trí tưởng tượng, óc sáng tạo và tài diễn tả.

Sự thành thạo về truyền thông cũng cần

     * Khả năng chẩn đoán các tình huống;

     * Can đảm sử dụng đúng các phương tiện hiện có, và

     * Sự sáng sủa trong các thông điệp gửi đi.

2.2. Giáo dục về Phương tiện Truyền thông

Có sự khác biệt giữa ‘Phương tiện Truyền thông để Giáo dục’ và ‘Giáo dục về Phương tiện Truyền thông’. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật cho việc dạy học và giáo dục là thuộc phạm vi “Phương tiện Truyền thông để giáo dục” và cũng phải được dùng cho truyền thông mục vụ. Việc truyền thông với con người có thể rất thường xuyên được thể hiện một cách sống động hơn, thuyết phục hơn và kích thích hơn bằng cách sử dụng các phương tiện kỹ thuật để nhấn mạnh, bổ túc hay thậm chí thay thế việc giảng dạy bằng miệng. Thông thường các phương tiện truyền thông có một vai trò hỗ trợ mạnh hơn, đặc biệt khi chúng được dùng cho việc truyền thông trong các nhóm hay để dạy học. Chúng có thể làm sáng tỏ và hỗ trợ những điều được chia sẻ giữa những con người.

Tuy nhiên, ‘Giáo dục về Phương tiện Truyền thông’ có vẻ quan trọng hơn, vì nó có nghĩa là giáo dục việc sử dụng các Phương tiện một cách có phê phán và phân biệt. Chính Đức Piô XII đã từng nhắc đến điểm này khi ngài nói trong Thông điệp Miranda Prorsus (1957) về các phương tiện điện tử: “Điều tối quan trọng là phải huấn luyện và giáo dục tâm trí và xu hướng của khán giả một cách đúng đắn, để họ không những hiểu được các hình thức thích hợp với mỗi loại hình nghệ thuật mà còn được hướng dẫn bởi một lương tâm đúng” (x. Eilers, 1997, các số 114-119). Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II về Truyền thông Xã hội (1963) cũng quan tâm tới việc những người đón nhận phải “hiểu hoàn toàn những gì họ thấy, nghe hay đọc” (các số 10, 9). Sau đó, Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971) trong một đoạn dài hơn cũng nhắc đến việc Giáo dục về Phương tiện Truyền thông như là “một việc huấn luyện giúp con người nắm vững những nguyên tắc cơ bản chi phối phương tiện truyền thông trong xã hội loài người… Nếu tính chất và chức năng của nó được hiểu rõ, phương tiện truyền thông sẽ thực sự làm giàu cho tâm trí con người”. Việc đào luyện này phải “bao gồm suy tư thiết thực về bản chất riêng của mỗi phương tiện, vị trí của nó trong cộng đồng địa phương và làm thế nào để sử dụng nó tốt nhất” (số 64). Ở điểm này, việc truyền thông mục vụ và giáo dục Kitô giáo có một trách nhiệm đặc biệt. Communio et Progressio hiểu rằng “không bao giờ quá sớm để bắt đầu khuyến khích nơi trẻ em việc thưởng thức nghệ thuật, một khả năng phê bình sáng suốt và một tinh thần trách nhiệm cá nhân dựa trên một nền đạo đức lành mạnh…” (số 67). Việc đào luyện truyền thông như thế “phải được cung cấp đều đặn trong chương trình nhà trường. Và phải được cống hiến một cách có hệ thống vào mỗi giai đoạn giáo dục” (số 69). Nhưng những ai chịu trách nhiệm về giáo dục không thể chia sẻ các trách nhiệm này nếu bản thân họ không “nắm vững một sự hiểu biết hợp lý về các phương tiện truyền thông” (số 70). Chính các người truyền thông, ngoài việc thông thạo lãnh vực chuyên môn của họ, còn phải có một sự hiểu biết sâu và một “tri thức cũng như kinh nghiệm vững chắc” về việc họ làm (số 71).

Tiếc rằng tại nhiều nơi, các đòi hỏi này của Huấn thị Mục vụ không được thể hiện nhiều. Nhưng trong thế giới của chúng ta mà các phương tiện truyền thông đang thống trị, một nền giáo dục như thế là hết sức cần thiết trong các trường học và các tổ chức khác của Hội Thánh. Cách riêng các người hoạt động mục vụ phải ý thức về thách đố này. Việc chăm sóc dân chúng như một mục tử tốt lành bao gồm sự hiểu biết rằng những người được trao phó cho chúng ta coi sóc đang nhận được những thông điệp và những ấn tượng gì. Người mục tử biết các chiên của mình cũng có nghĩa là ý thức về tình trạng của họ và giúp họ đối phó với các ảnh hưởng có thể tác động trên cách suy nghĩ, tính độc lập và sau cùng, phẩm giá của họ.

Là một nhà tiên phong trong lĩnh vực Giáo dục Phương tiện Truyền thông, Len Masterman trong quyển Giảng dạy các Phương tiện Truyền thông (Luân Đôn 1985/1990), đã mô tả như sau về “nguyên tắc đầu tiên của giáo dục phương tiện truyền thông mà từ đó mọi điều khác phát sinh và là nguyên tắc mà cả thầy lẫn trò đều phải liên tục trở về”:

“Các phương tiện truyền thông là những hệ thống biểu tượng (hay dấu hiệu) cần phải đọc một cách tích cực, chứ không phải là những suy tư đương nhiên và vô thưởng vô phạt về thực tại bên ngoài. Một cách hiểu khác về nguyên tắc này là nói rằng truyền hình, báo chí, phim ảnh, rađiô, quảng cáo và các tạp chí là những thứ được sản xuất. Các phương tiện truyền thông tham gia tích cực vào các tiến trình xây dựng hay biểu thị ‘thực tại’ chứ không chỉ truyền đi hay phản ánh thực tại” (tr. 20).

Giáo dục Phương tiện Truyền thông được xây dựng trên nguyên tắc này. Tất cả những thứ chúng ta thấy hay nhận từ các phương tiện truyền thông đều được “xây dựng lại, trình bày lại, sắp đặt và định hình một cách đặc trưng bởi các tổ chức truyền thông, các công nghệ truyền thông và việc thực hành của các chuyên gia truyền thông” (tr. 21). Đây cũng là một mối quan tâm mục vụ quan trọng.

Để giúp đi xa hơn trong tiến trình giáo dục này, Masterman đề nghị nghiên cứu và phân tích cấu trúc của phương tiện truyền thông ở ít là 4 bình diện, được phản ánh qua các câu hỏi sau đây (x. tr. 21):

  1.     Các nguồn và yếu tố quyết định của các cấu trúc truyền thông là gì: Ai xây dựng chúng, với những ý hướng, động cơ hay mục đích gì?
  2.     Đâu là các kỹ thuật và các hệ thống ký hiệu chủ yếu “được sử dụng bởi các phương tiện truyền thông để làm chúng ta tin rằng các biểu thị của chúng là đúng sự thật”?
  3.     Bản chất của ‘thực tại’ được xây dựng là gì và các giá trị hàm ẩn trong các biểu thị là gì?
  4.     Các cấu trúc của các phương tiện truyền thông được khán thính giả đọc hay nhận như thế nào?

Bất cứ linh mục và người hoạt động mục vụ nào cũng phải quan tâm đặc biệt tới câu hỏi cuối cùng này, bởi vì nó nói lên sự hiểu biết, điều kiện, tâm trạng và tình cảm mà mình có thể mong đợi nơi những người tiếp nhận các hoạt động truyền thông nhưng đồng thời cũng là những người được giao phó cho mình coi sóc. Nhưng họ cũng phải hỏi: làm thế nào mình có thể phục vụ nếu mình không được đào tạo và hiểu biết thành thạo về cái ‘thực tại’ được xây dựng bởi các phương tiện truyền thông? Tình huống này càng trở nên phức tạp hơn nữa qua các phương tiện truyền thông mới như Internet, việc xây dựng các ‘thực tại ảo’ để người ta trốn tránh hay đôi khi thậm chí còn ‘biến đổi’ các thực tại ‘hiện thực’ của chính họ.

William Fore mô tả (1987, 68) sự thách thức của việc giáo dục phương tiện truyền thông thực sự trong phương thức mục vụ mà ta cũng có thể đem áp dụng cho mọi phương tiện truyền thông khác:

“Các cá nhân cần phải vun trồng khả năng có một lập trường và tạo ‘khoảng cách’ thẩm mỹ và trí thức giữa mình và những điều mình thấy trên TV, và sau đó hình thành một nhãn quan có phê phán được soi sáng bởi đức tin để xem những gì đang diễn ra hay nói ra trên TV. Nếu không giữ được ‘khoảng cách’ này, chúng ta sẽ dễ trở thành nạn nhân của sự ngu dốt và tự mãn của chính mình. Thế giới của TV dễ dàng trở thành thế giới của chúng ta. Mặt khác, nếu chúng ta phát huy được một lập trường suy tư có phê phán, chúng ta có thể vừa làm sáng tỏ hệ giá trị của mình vừa đồng thời quay lại để tìm hiểu nguồn gốc đức tin của chúng ta. Chuyển động qua lại này giữa đức tin và thực hành, giữa tinh thần và thực tại, giữa Nước Chúa và các nước thế gian, chính là ơn gọi của tất cả những ai ngày hôm nay tự xưng là có đạo”.

2.3. Hướng tới người tiếp nhận

Truyền thông mục vụ và truyền giáo phải đặc biệt hướng tới người tiếp nhận và như thế nó cũng góp phần chung chung vào một phương thức truyền thông nhân bản hơn. Đức Giêsu đòi hỏi người mục tử (Ga 10) trước hết phải biết chiên của mình. Nhưng điều này có nghĩa là gì trong các cách diễn tả và các thái độ cụ thể hơn?

Lãnh vực truyền thông ngày nay, đặc biệt lĩnh vực Truyền thông Đại chúng, chủ yếu là hướng về người truyền thông theo nghĩa là ‘Người Gửi’ chủ động quyết định mình nói gì và nói thế nào. Họ chỉ quan tâm đạt được sự hâm mộ của các khán thính giả, bán được hàng hay lôi kéo được dư luận về chính trị, về các ngôi sao và có thể cả phong cách sống. Các nhu cầu và mong đợi thực sự của người tiếp nhận thường dễ bị bỏ qua hay lèo lái sao cho hợp với các ý đồ của những người làm chương trình.

Trong hoạt động của mình về truyền thông mục vụ, Hội Thánh không quan tâm đến việc tăng uy tín hay bán được hàng cho bằng tôn trọng các nhu cầu của dân, thăng tiến phẩm giá của họ và giúp họ làm chủ đời sống của chính họ. Paolo Freire trong cuốn Khoa sư phạm của những người bị áp bức đã đưa nhiều người tại những nước đang phát triển đi từ ‘hệ thống ngân hàng’ kiến thức kiểu ‘học vẹt’ sang việc ‘gây ý thức’ về tình huống thực của họ và phẩm giá riêng của họ. Truyền thông mục vụ phải giúp ‘gây ý thức’ cho người ta phát huy khả năng phán đoán của chính họ và cũng giúp họ tự quyết định các nhu cầu và tiềm năng truyền thông của chính họ. Có nghĩa là người truyền thông Kitô giáo phải ý thức về một tình huống như thế và cố gắng hết sức để phát triển và bảo vệ nhân phẩm và các quyền lợi của người tiếp nhận. Một cách chi tiết hơn, nó có nghĩa là:

  1. Trong việc truyền thông giữa người với người, người truyền thông mục vụ và truyền giáo trước tiên phải ý thức và quan tâm đến những người mà mình đang tiếp xúc và đối xử với:

Họ thuộc loại tính cách nào?

Họ có những kinh nghiệm gì?

Các mối quan tâm và mong đợi của họ là gì?

Các nhu cầu thực của họ là gì?

Các niềm khát vọng thực sự của họ là gì?

Ai quyết định các hành động và kế hoạch của họ?

Đáp ứng truyền thông của người mục vụ truyền thông trước tiên phải được quyết định bởi các câu trả lời cho các câu hỏi trên đây chứ không phải bởi ý hướng riêng của người truyền thông. Việc truyền thông Kitô giáo không chỉ là một việc ‘thi hành’ bên ngoài hay của trí tuệ, mà là một nỗ lực để thực sự sống với dân. Nó thực hành ‘các yếu tố cơ bản của việc truyền thông con người’ như được chính Đức Giêsu thể hiện khi đối xử với dân chúng (x. Mc 1,31), đó là: 1) Đến với người khác; 2) Đặt mình vào hoàn cảnh của họ, và nhờ đó 3) Giúp họ chữa lành. Đối với người truyền thông Kitô giáo, điều này có nghĩa là họ phải có thái độ nội tâm biết quên mình, làm cho người khác cảm thấy thoải mái, niềm nở với người khác, dành thời giờ cho họ và lắng nghe họ. Giống như Đức Giêsu biết và thích nghi với hoàn cảnh và nhu cầu của dân, người truyền thông mục vụ cũng phải làm như thế. Phải quan tâm trước tiên tới con người đã, rồi sau đó mới tới thông điệp khi nó đã có cơ sở để được đón nhận.

  1. Thái độ hướng tới người tiếp nhận cũng còn phải suy xét nghiêm túc về môi trường văn hoá của họ. Văn hoá hình thành và quyết định cuộc đời và hành vi của con người ngay từ lúc họ mới sinh ra. Vì vậy văn hoá cũng phần lớn quyết định các ‘lập trường’ của con người, các niềm mong đợi và nhu cầu của họ. Các hình thức văn hoá truyền thống đa phần liên quan tới lãnh vực truyền thông như kể truyện, phong tục và lễ nghi, nhảy múa, âm nhạc, các thái độ cá nhân và các cách người ta quan hệ với nhau. Phải suy xét nghiêm túc về các hình thức này trong mọi cố gắng truyền thông mục vụ hay truyền giáo và mọi quy luật và kinh nghiệm về ‘hội nhập văn hoá’ đang diễn ra.
  2. Ngoài các nền văn hoá truyền thống nơi người ta sinh ra và lớn lên, thời nay người ta cũng còn chịu ảnh hưởng của ‘văn hoá phương tiện truyền thông’ thường có sức áp đặt lên các kinh nghiệm văn hoá truyền thống. Sự phát triển này ảnh hưởng thế nào trên cuộc đời, các mong đợi và các ‘nhu cầu’ của con người thời nay, đặc biệt giới trẻ? Họ có đủ sự ‘ý thức’ theo nghĩa của Paolo Freire để không đánh mất căn cước và phẩm giá của mình, hay họ đang trở thành nô lệ cho một nền văn hoá như thế, một nền văn hoá đa phần bị đưa đẩy bởi chủ nghĩa thương mại và những tình cảm và cảm xúc không còn trung thực nữa? Người truyền thông Kitô giáo nhìn ra tình huống này tới mức nào và nghiên cứu cũng như suy tư sâu bao nhiêu trước khi họ tham gia một cách không phê phán vào cỗ xe của một nền ‘văn hoá’ mới không chắc là giúp thăng tiến phẩm giá con người? Đức Gioan Phaolô II đã nhắc đến tất cả các vấn nạn này khi ngài mô tả về một ‘văn hoá mới’ với ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và một tâm lý mới (x. Redemptor Missio, 37). Chúng ta phản ứng và đối diện với thách thức này như thế nào?
  3. Cũng liên quan đến điểm này là người truyền thông mục vụ và truyền giáo cần phải thấy và biết được rằng các cá nhân và cộng đồng bị chi phối tới mức nào bởi các tiến trình và các điều kiện như thế. Cụ thể có nghĩa là họ cần phải biết người ta đang xem cái gì và nói về cái gì: Ví dụ, một số chương trình TV quyết định và ảnh hưởng tới đời sống họ tới mức nào? Họ bắt chước các phong cách sống của các chương trình TV hay các chương trình quảng cáo như thế nào và bằng cách nào họ đánh mất khả năng tự quyết định dựa trên phẩm giá và khả năng phát triển các sở thích riêng của họ nhờ ý thức về những trách nhiệm riêng của họ mà các phương tiện truyền thông không thể nào thay thế được?

Có vẻ như trong việc truyền thông mục vụ và truyền giáo có nguy cơ là những người truyền thông quyết định trước các nội dung và hình thức truyền thông rồi sau đó mới nghiên cứu và mở ra các nhu cầu và tâm trạng thực sự của những người tiếp nhận. Tình trạng này được phản ánh chẳng hạn trong các bài giảng Chúa Nhật, khi người giảng thuyết hoàn toàn bỏ qua các tình huống thực sự của người nghe, nhưng cũng được phản ánh trong nhiều sinh hoạt khác nữa. Người truyền thông mục vụ cần phải có một sự ‘quên mình’ nào đó để trong hoạt động truyền thông của mình, họ có thể thực sự trở thành những người đầy tớ phục vụ dân chúng trong mọi nhu cầu và tình huống thực sự của họ.

Ý thức về tình huống truyền thông của người tiếp nhận trong mọi khía cạnh của họ là yếu tố quyết định cho việc truyền thông Kitô giáo. Đó là lấy những người tiếp nhận làm mối quan tâm chủ yếu của mình chứ không phải các dự phóng hay ý tưởng riêng của mình… Có nghĩa là với tinh thần phục vụ, cần phải vượt qua các hình thức bề ngoài và các giáo thuyết để đến được với đời thật của dân chúng.

Các mẫu truyền thông khác nhau do các nhà nghiên cứu về truyền thông triển khai có thể qui vào ba phạm trù. Nó không phải là phương thức hàng dọc theo đó người gửi quyết định thông điệp và mối quan tâm là việc truyền đi thông tin để tác động đến người nhận. Đúng hơn nó là các phương thức tham dự được thực hiện, trong đó mối quan tâm là sự ‘đồng quy’ giữa hai người truyền thông và sự chia sẻ giữa họ với nhau để ngày càng đạt đến một ‘cơ sở chung’. Thay vì phương thức trên-dưới, nó là phương thức dòng chảy theo hàng ngang của những sự hiểu biết và kinh nghiệm chung. Mẫu ký hiệu tìm cách đọc ra các ý nghĩa của các dấu hiệu cũng là một mẫu có ích trong truyền thông mục vụ: Đọc được ý Chúa trong các dấu hiệu của thời đại nhưng đồng thời hiểu Kinh Thánh và các nghi lễ phụng vụ được cống hiến cho dân chúng chứ không phải cho cha xứ hay để cha xứ sử dụng. (Về các mẫu truyền thông chi tiết, x. Eilers 2002, tr. 27-32).

Trong thực tế truyền thông Kitô giáo, cả ba loại mẫu truyền thông trên đây đều có một vai trò giống như lối truyền đạt tri thức theo hàng dọc, chẳng hạn như trong huấn giáo và giảng dạy, nhưng đối với truyền thông mục vụ, các mẫu tham dự và ký hiệu là quan trọng hơn, chúng dựa trên sự tương tác và tìm kiếm ý nghĩa.

VI. CÁC VĂN KIỆN VÀ CÁC CƠ CẤU TRUYỀN THÔNG CỦA HỘI THÁNH

Mọi việc Truyền thông Kitô giáo đều phải được khởi sự từ việc truyền thông của Đức Giêsu Kitô, ‘người truyền thông hoàn hảo’. Nhưng chúng ta cũng không được bỏ qua các văn kiện và cơ cấu khác của Hội Thánh giúp đưa việc truyền thông của Đức Kitô và các đòi hỏi của nó vào thời đại chúng ta.

1. Các văn kiện của Hội Thánh

Thông điệp Vigilanti Cura (1936) của Đức Giáo hoàng Piô XI về phim ảnh mở ra một chuỗi những văn kiện tích cực của Hội Thánh truyền thông xã hội. Sau đó, năm 1957, có Thông điệp Miranda Prorsus của Đức Piô XII về các phương tiện điện tử, kể thêm truyền thanh và truyền hình vào với phim ảnh. Văn kiện rất sâu sắc này đã trở thành nguồn gợi hứng cho Sắc lệnh về Truyền thông Xã hội Inter Mirifica của Công đồng Vatican II. Văn kiện dài này trước tiên được đưa ra cho các Nghị phụ Công đồng xem xét và đã được cắt ngắn từ 144 đoạn xuống chỉ còn 24 đoạn để chỉ giữ lại các điểm cơ bản nhưng với một đòi hỏi rõ ràng (IM 23) là Uỷ ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội sẽ cử một ban chuyên môn soạn thảo một Huấn thị Mục vụ chi tiết. Chính Uỷ ban Giáo hoàng này cũng là kết quả từ các nghị quyết và đề nghị của Công Đồng, và là một cơ quan thường trực về truyền thông (IM 19). Kết quả là Huấn thị Communio et Progressio được xuất bản năm 1971. Văn kiện này gồm 187 đoạn và được viết dựa trên các nguyên tắc của Sắc lệnh Công đồng Vatican II. Huấn thị này được coi là một trong số các văn kiện hay nhất của Hội Thánh về Truyền thông Xã hội từ trước tới nay. Khoảng 20 năm sau khi Huấn thị này ra đời, một Huấn thị Mục vụ thứ hai là Aetatis Novae được xuất bản năm 1992 để kỷ niệm, bổ túc và tiếp nối Huấn thị 1971. Điều này cũng được ghi rõ trong phụ đề của Huấn thị là được ban hành “nhân kỷ niệm năm thứ 20 Huấn thị Communio et Progressio”.

Theo sau việc đưa vào hằng năm Ngày Thế giới Truyền thông qua Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican II (số 18), kể từ đó các Đức Giáo Hoàng hằng năm đều gửi một thông điệp cho ngày ấy với một chủ đề đặc biệt. Sưu tập các thông điệp này là một kho tàng được thêm vào cho các giáo huấn của Hội Thánh về Truyền thông Xã hội, đặc biệt trong khía cạnh mục vụ của nó (xem thêm ở Phần II, 4.3.6).

Ngoài hai văn kiện chính thức này của Huấn Quyền và của Công đồng Vatican II, còn có các tài liệu khác của Hội Đồng (tên gọi cũ là Uỷ ban) Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội về các đề tài và các mối quan tâm đặc biệt. Chẳng hạn, chúng ta có một văn kiện về “Khiêu dâm và Bạo lực: Một Phản ứng Mục vụ” (1989) và một về “Các tiêu chuẩn về hợp tác đại kết và liên tôn trong Truyền thông” (1989). Cũng có các bản văn về Đạo đức trong Quảng cáo (1987), trong Truyền thông (2000) và trên Internet (2002). Còn có một văn kiện về “Hội Thánh và Internet” (2002). Tất cả các văn kiện này phản ánh một mối quan tâm mục vụ sâu xa và rất có ích trong các vấn đề mà các tựa đề nói lên.

Các cơ quan khác tại Toà Thánh cũng như các Hội đồng Giám mục, Liên Hội đồng các Giám mục Châu Á (FABC), và từng giám mục một cũng thỉnh thoảng công bố các văn kiện và các suy tư có thể nâng đỡ và soi sáng cho việc truyền thông mục vụ và truyền giáo và một phần đặt chúng trên cấp địa phương.

Để tham khảo bản văn đầy đủ của các văn kiện, xem: Franz-Josef Eilers (Chủ biên): Church and Social Communication. Basic Documents, 2nd Edition, (Logos/Divine Word) 1997, và: Supplement I, Basic Documents 1998-2002, Manila 2002.

2. Các cơ cấu của Hội Thánh

Cơ cấu truyền thông cơ bản trong Hội Thánh mang tính phẩm trật và dựa trên các giám mục. Tuy nhiên cũng có các tổ chức chuyên môn làm việc và phối hợp trong lãnh vực này.

2.1. Cơ cấu phẩm trật

Ngay từ Thông điệp Vigilianti Cura (1936), Đức Piô XI đã đề nghị thiết lập các văn phòng điện ảnh quốc gia để giúp đặc biệt đánh giá các phim ảnh. Các văn phòng này được thiết lập bởi các Hội đồng Giám mục của mỗi quốc gia. Chúng phải được coi là một hình thức khởi đầu của cơ cấu truyền thông cho Hội Thánh. Đức Piô XII nhắc đến sáng kiến này trong Thông điệp Miranda Prorsus, xác nhận và chấp nhận sáng kiến nhưng mở rộng sáng kiến về phim ảnh sang cả các phương tiện truyền thông điện tử khác (Eilers 1997, các số 184, 215). Sau đó Công Đồng “quyết định và truyền thiết lập khắp nơi các văn phòng quốc gia về báo chí, phim ảnh, truyền thanh và truyền hình…” (Inter Mirifica 21).

Sắc lệnh của Công Đồng cũng cho các hoạt động truyền thông một cơ cấu thực thụ, bắt đầu với “một văn phòng đặc biệt của Tòa Thánh” (số 19) cho tới các giám mục và các hội đồng giám mục quốc gia và vùng. Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio còn làm sáng tỏ thêm và mô tả các trách nhiệm trong các cơ cấu này. Chính nguyên tắc trách nhiệm phẩm trật của Hội Thánh cũng thiết định cơ cấu truyền thông của Hội Thánh với những vị chịu trách nhiệm cuối cùng là đức giáo hoàng và các giám mục. Các cơ quan chuyên môn đóng vai trò bổ sung và phục vụ trong cơ cấu này.

2.1.1. Hội đồng Giáo hoàng

“Hội đồng Giáo hoàng về các Phương tiện Truyền thông Xã hội” bắt nguồn từ một uỷ ban giáo hoàng về phim ảnh giáo dục và tôn giáo. Các niên hiệu sau đây cho chúng ta một cái nhìn chung về sự phát triển Văn phòng Truyền thông của Vatican II cho tới năm 1993:

1948: Thiết lập Uỷ ban Giáo Hoàng về Phim ảnh Giáo dục và Tôn giáo.

1952: Uỷ Ban này được mở rộng sang lĩnh vực truyền thanh, truyền hình và điện ảnh.

1959: Uỷ Ban trở thành một cơ quan thường trực trong cơ cấu và lệ thuộc Văn phòng Quốc vụ khanh (Motu proprio Boni Pastoris ngày 22-2-1959 của ĐGH Gioan XXIII).

1963: Văn kiện Công đồng Inter Mirifica nói rằng, để hoàn thành trách nhiệm mục vụ tối thượng của ngài về các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Giáo Hoàng có một văn phòng đặc biệt tại Toà Thánh (số 19).

1964: Trách nhiệm của Uỷ Ban cũ nay được mở rộng cho mọi phương tiện truyền thông. Tên gọi của Uỷ Ban được đổi thành Uỷ ban Giáo hoàng về các Phương tiện Truyền thông Xã hội (Motu proprio In fructibus multis, 2-4-1964).

1988: Trong khuôn khổ cuộc cải tổ cơ cấu hành chính của Vatican, Uỷ Ban được đổi thành “Hội đồng Giáo hoàng” về các Phương tiện Truyền thông Xã hội.

Uỷ Ban trước kia và nay là Hội Đồng chịu trách nhiệm triển khai, soạn thảo và xuất bản các Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio và Aetatis Novae. Việc xuất bản Communio et Progressio thực ra là một trong các nhiệm vụ chính được giao cho văn phòng này bởi Motu proprio In fructibus multis. Ngoài nhiệm vụ này và việc triển khai các văn kiện và huấn thị tiếp theo, Hội Đồng này còn có nhiệm vụ phối hợp và liên lạc với các sáng kiến của các giám mục trên khắp thế giới. Trong nội các , Hội Đồng này thi hành một số bổn phận nhưng trực thuộc Văn phòng Quốc Vụ Khanh. Chẳng hạn, Hội Đồng cấp giấy phép cho các đội ngũ điện ảnh và truyền hình trên lãnh thổ . Có một thời trong quá khứ, Nhà In Lớn (Sala stampa) của nằm dưới trách nhiệm của văn phòng này. Bây giờ, giống như Đài Phát Thanh , nhà in này nằm trong một khâu truyền thông đặc biệt tại Văn phòng Quốc Vụ Khanh.

2.1.2. Các văn phòng quốc gia

Ở cấp quốc gia, các HĐGM có trách nhiệm đầu tiên và cao nhất trong việc tạo dựng cơ sở cho các hoạt động truyền thông trong nước họ. Trách nhiệm này được thực thi đặc biệt qua các văn phòng quốc gia mà quyền lãnh đạo “được giao cho một uỷ ban đặc biệt gồm các giám mục hay một số vị được giám mục uỷ quyền” (Inter Mirifica số 21). Theo Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio, uỷ ban giám mục sẽ “đề ra những hướng dẫn tổng quát cho việc phát triển hoạt động tông đồ truyền thông xã hội ở cấp quốc gia” (số 172).

Công đồng Vatican II “quyết định và truyền thiết lập khắp nơi các văn phòng quốc gia lo về báo chí, phim ảnh, truyền thanh và truyền hình”. Theo Công Đồng, các văn phòng này có “bổn phận đặc biệt” là “giúp tín hữu hình thành một lương tâm đúng đắn về việc sử dụng các phương tiện truyền thông này, nuôi dưỡng và phối hợp các hoạt động công giáo nhắm tới mục đích này” (Inter Mirifica, số 21). Yêu cầu này của Công Đồng được lặp lại trong Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 169), ở đó sứ mạng của các văn phòng quốc gia còn được diễn tả chi tiết hơn (số 170, 171).

Theo Huấn thị, các văn phòng quốc gia về truyền thông có các bổn phận sau:

          – Kích thích, cổ vũ và phối hợp các hoạt động công giáo trong lĩnh vực truyền thông xã hội.

          – Tư vấn và duy trì “các mối tiếp xúc với thế giới chuyên môn về truyền thông xã hội…”.

          – “Tổ chức Ngày Thế giới Truyền thông trên cấp quốc gia”.

          – “Tổ chức quyên góp quỹ” vào Ngày Thế giới Truyền thông.

Xem thêm chi tiết ở Phần II, 4.3.1.

Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các HĐGM và các giáo phận về việc giáo dục và đào tạo truyền thông như một phần cơ bản của việc đào luyện các người hoạt động mục vụ và các linh mục (số 18) và việc chăm sóc mục vụ cho các chuyên gia truyền thông (số 19). Văn kiện này cũng yêu cầu đưa “nhân tố truyền thông” vào mọi kế hoạch mục vụ của các cơ quan của Hội Thánh và phát triển “các kế hoạch mục vụ đặc biệt cho chính lãnh vực truyền thông” ở các cấp hoạt động khác nhau của Hội Thánh (số 20-23), phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương. Trên thực tế, Huấn thị Mục vụ này kết thúc một cách cụ thể bằng một số “Hướng dẫn cho việc thiết kế các kế hoạch Mục vụ về Truyền thông Xã hội tại một giáo phận, Hội Đồng Giám Mục hay Đại hội Nghị phụ” (các số 24-33).

Xem thêm Phần II, 4.2 và II, 4.3.

2.1.3. Các căn phòng quốc tế

Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican II gợi ý rằng “ở đâu ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông vượt qua các ranh giới quốc gia… các tổ chức cấp quốc gia phải kết hợp với nhau và nhắm tới mục tiêu quốc tế” (số 22). Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio đề nghị thiết lập các tổ chức truyền thông châu lục hay vùng, ở đó “có một HĐGM bao gồm nhiều quốc gia”. Các tổ chức này cũng sẽ “chịu sự chỉ đạo tổng quát của một giám mục hay một số giám mục” (số 173).

Vì các HĐGM cấp vùng hay châu lục hiện nay đã có trên gần như khắp thế giới, các cơ quan hay các tổ chức truyền thông tương ứng cũng đã có như thế. Chẳng hạn như ở Châu Mỹ Latinh có cơ quan “DECOS-Celam” (“Departamento de communicacion social”) của CELAM; ở Châu Á có Văn Phòng Truyền thông Xã hội (OSC=Office of Social Communication”) của Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC=Federation of Asian Bishops’ Conferences); và Châu Phi có CEPACS (Comité Episcopal Panafricain des Communications Sociales=Uỷ Ban Giám Mục Toàn Phi về Truyền Thông Xã Hội), Bộ phận truyền thông của “Hội Nghị các HĐGM tại Châu Phi và Madagascar” (SECAM = Symposium of Episcopal Conferences in Africa and Madagascar) cũng như cho Châu Âu. Một điển hình về văn phòng truyền thông vùng tại một châu lục là “Liên hiệp các HĐGM tại Đông Phi” (AMECEA) cho vùng Đông Phi; cũng có các văn phòng vùng tương tự cho Tây Phi nói tiếng Anh, cũng như cho vùng Châu Phi và Nam Phi nói tiếng Pháp.

Các hoạt động và bổn phận của các văn phòng cấp châu lục và vùng cũng giống như của các văn phòng cấp quốc gia khi có thể thực hiện trong hoạt động quốc tế. Tất nhiên cũng phải có một sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các văn phòng châu lục, vùng cũng như quốc gia và Hội Đồng Giáo Hoàng về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (xem Communio et Progressio, số 172).

2.1.4. Các văn phòng giáo phận

Đối với từng giáo phận cũng thế, các văn kiện Hội Thánh đề nghị thiết lập một văn phòng truyền thông bởi vì “các giám mục trong giáo phận mình có bổn phận trông coi các hoạt động và công cuộc loại này, cổ vũ và điều chỉnh chúng tuỳ theo mức độ chúng ảnh hưởng một cách công khai tới hoạt động tông đồ.” Sắc lệnh Công Đồng cũng thêm rằng “nhiệm vụ này bao trùm cả các hoạt động dưới sự kiểm soát của các hội viên của các cộng đoàn tu sĩ miễn trừ” (Inter Mirifica, số 20). Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio lặp lại đòi hỏi này của Công Đồng và nói rằng “khi có thể, phải thiết lập các văn phòng liên giáo phận. Một trong các nhiệm vụ chính của các văn phòng này là tổ chức hoạt động tông đồ mục vụ này trong giáo phận, thấm nhập thẳng xuống các giáo xứ” và chuẩn bị Ngày Thế giới Truyền thông trong giáo phận. Các bổn phận của các văn phòng giáo phận cũng giống như ở các văn phòng quốc gia, nhưng giới hạn vào cấp giáo phận (x. Communio et Progressio, số 170-171).

Xem thêm chi tiết ở Phần II, 4.2.

2.1.5. Các người phát ngôn hay đặc trách báo chí

Đối với mỗi giáo phận cũng như mọi tổ chức khác của Hội Thánh trong cơ cấu này như các HĐGM và Toà Thánh, cũng phải có một “người phát ngôn hay đặc trách báo chí chính thức và thường trực,”có nhiệm vụ “phát hành các tin tức và giải thích rõ ràng các văn kiện của Hội Thánh để dân chúng có thể nắm bắt chính xác ý nghĩa của chúng…” (Communio et Progressio, số 174).

Từ các văn kiện Hội Thánh, ta thấy rất rõ rằng trách nhiệm cuối cùng về truyền thông của Hội Thánh thuộc về các giám mục và các Hội đồng Giám mục. Tuy nhiên, về cụ thể, điều này có nghĩa là nhiều chuyện còn tuỳ thuộc sự cởi mở và hiểu biết của các giám mục này mà đa số không phải là các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông. Ở đây, các cuộc hội thảo và các khoá đào tạo cho các giám mục sẽ rất hữu ích để phát huy việc truyền thông trong nội bộ Hội Thánh và hoạt động tông đồ truyền thông xã hội của Hội Thánh.

2.2. Các Tổ chức Chuyên môn

Cơ cấu trách nhiệm phẩm trật về truyền thông trong Hội Thánh đã chỉ bắt đầu được phát triển một cách hệ thống hơn từ năm 1936 theo sau Thông điệp Vigilanti Cura của Đức Piô XI với việc khuyến khích thiết lập các Văn Phòng Quốc Gia về phim ảnh. Trước đó khoảng 10 năm, các chuyên gia đã bắt đầu qui tụ lại với nhau rồi. Các phóng viên công giáo đã bắt đầu lập hội của họ trong một cuộc triển lãm quốc tế về Báo chí tại Cologne, nước Đức, vào tháng 12-1927, nay là Liên hiệp Báo chí Công giáo Quốc tế (UCIP=Union Catholique Internationale du Press) đặt trụ sở tại Geneva. Các chuyên gia về Truyền thanh và Điện ảnh Công giáo nối gót gần một năm sau với hai tổ chức Unda và Văn phòng Điện ảnh Công giáo Quốc tế (OCIC=Office Internationale Catholique du Cinéma). Cả hai tổ chức này đã sát nhập thành một vào tháng 11-2001 dưới tên gọi chung là Signis. Các tổ chức này đã “được Tòa Thánh công nhận hợp pháp và chịu trách nhiệm trước Toà Thánh”, theo lời Sắc lệnh về Truyền thông Xã hội của Vatican II (số 22). Chúng giúp các chuyên gia công giáo hoàn thành bổn phận một cách có trách nhiệm, cổ võ sự hợp tác và tình hữu nghị. Trên bình diện quốc gia, các tổ chức quốc tế này còn có thể được phân thành các nhóm chuyên môn như nhóm các nhà xuất bản, nhóm các phóng viên cá nhân, và nhóm các tạp chí…

Các mong đợi của Hội Thánh về các tổ chức chuyên môn này được diễn tả trong một đoạn đặc biệt của Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 179). Theo đó, các tổ chức này có mục đích bổ sung và nâng đỡ cơ cấu phẩm trật bằng việc cống hiến khả năng chuyên môn của họ để giúp các giám mục chu toàn tốt hơn các bổn phận của các ngài. Tại những nơi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các văn phòng quốc gia của hàng giáo phẩm với các tổ chức chuyên môn này, các công việc diễn tiến tốt đẹp và sự sáng tạo có thể phát triển. Nhiều khi cùng một số người chịu trách nhiệm ở cả hai cấp. Nhưng ở những nơi mà vì lý do này hay lý do khác không có sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ nhau như thế, các mối căng thẳng thường dễ phát sinh.

Cả hai tổ chức quốc tế chính thức này đều được thành lập dựa trên cơ sở địa lý. Tuy nhiên tổ chức UCIP cũng còn có thêm các nhóm kết hợp (các Liên Đoàn) dựa theo các ngành hoạt động báo chí khác nhau.

Xem thêm chi tiết ở Phần II, 4.3.4.

(Còn tiếp)

Chuyển ngữ: Ủy ban Truyền thông Xã hội / HĐGMVN