Vì thế, khi thấy mình bị tổn thương thì các chú nhím làm gì? Và theo lẽ thường thì chúng ta sẽ làm gì? – Vùng vẫy, gắt lên, la toáng lên… đủ thứ hết và bắt đầu than phiền: tại sao các bạn lại đâm tôi? Tại sao các bạn làm tôi tổn thương? Tại sao tôi phải sống chung với những con người lúc nào cũng phiền toái như thế này?….
Thực tế cho thấy, có nhiều chú nhím thấy việc chung sống mệt quá, phiền toái quá, nên tự tách ra, tự chọn cho mình một cuộc sống cô lập. Và như vậy thì sẽ bị chết cóng vì trời mỗi lúc càng lạnh, đâu ai có khả năng sưởi ấm bằng hơi ấm của riêng mình để gồng lên chống lại cái lạnh của khí trời. Thế nên, tự tách mình ra có nghĩa là lại lăn ra mà chết.
Có một điều rất quan trọng mà các bạn nhím vùng vẫy không có nhận ra đó là gì?
Sống chung trong một cộng đoàn các chú nhím hay là một cộng đoàn dòng tu, mỗi chúng ta dễ phản ứng khi mình thấy bản thân bị tổn thương, mình vùng vẫy đủ thứ hết, nhưng chính lúc mình vùng vẫy, mình lại vô tình gây nên vô số những vết thương khác cho những người xung quanh mình. Và có khi những vết thương đó còn tệ hơn những vết thương mà chính mình đang mang.
Câu chuyện của các chú Nhím một phần nào giúp chúng ta ngộ ra bài học quý giá đó là: Con đường sống duy nhất của chúng ta, là con đường phải nương tựa vào nhau, nhìn nhận sự phụ thuộc, sự liên đới của nhau, nương nhau, nâng nhau để mà sống, bằng lòng đón nhận những vết thương làm chúng ta đau buốt vì yêu thương. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Thực chất chúng ta chẳng ai có thể tự cứu mình được, chẳng ai có thể sống một mình”
Nhìn quanh ta, thế giới hôm nay mỗi ngày một lạnh hơn, thêm u ám hơn bởi thảm họa của cơn dịch bệnh Covid đang hoành hành, lan rộng. Cùng với các cuộc chiến tranh bùng nổ khắp nơi, và như thế chúng ta càng cần có nhau. Ca sĩ Khánh Ly đã trình bày bài hát Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đầy chất khí của nhân nghĩa: “… làm sao em biết bia đá không đau…, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”
Chính vì thế, từ những chú nhím chúng ta cần học cách để xây dựng một thế giới đầy tình liên đới, đầy tình huynh đệ, đầy hơi ấm của nhau. Và chắc chắn chúng ta không thể tránh khỏi có những vết thương, hãy khiêm tốn nhìn nhận đau khổ là một phần mà con người phải trải nghiệm. Đức cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng lập của chúng ta khẳng định: “Người Kitô hữu nào không chịu đau khổ thì chỉ có cái vỏ của lòng đạo đức”. Hy vọng rằng những đau thương đó không cô lập chúng ta, không khiến chúng ta chọn một lối sống tách biệt để đẩy mình vào chỗ chết. Vì chúng ta có Đức Kitô, Ngài là vị lương y tài tình, chữa lành mọi thương tích, mọi đau đớn nơi thân xác và tâm hồn. Điều cần nhất chúng ta phải có, là luôn gắn kết mật thiết với Đấng chịu đóng đinh để nhờ Người, với Người và trong Người chúng ta được tình yêu của Người sưởi ấm, được sống và lớn lên trong tình yêu đầy lòng thương xót của Chúa Cha.
Do đó, để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chúng ta không chỉ dừng lại ở một vài câu Kinh Thánh, một vài bài giảng của các cha, hay một vài điểm trong giáo lý đề cập đến. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho Hội dòng chúng ta, cho cả nhân loại chúng ta, hệ tại ở những việc mà Thiên Chúa đã làm trong đời chúng ta qua những biến cố nhỏ to, rất cụ thể trong mỗi phút giây sống, mà đôi khi chính chúng ta chưa kịp nhận ra. Nên cách tốt nhất để nhìn ra tình yêu của Thiên Chúa, đó là chúng ta thường xuyên đọc lại, suy gẫm những biến cố đã và đang đến trong lịch sử đời mình hầu dễ dàng nhận thấy bàn tay quan phòng, kín đáo và kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa.
Cùng với Thánh Giuse, chúng ta bước vào Mùa Chay thánh trong cô tịch của cõi lòng, để đi vào sa mạc của tâm hồn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần từng bước thay đổi bản thân, tập nhìn và sống với người khác bao dung hơn để bớt đi những “gai nhím” khó chịu mà thay vào đó là những “gai nhím” dễ chịu hầu được Đức Kitô chịu đóng đinh khoác trên chúng ta tấm áo mới của lòng yêu mến Chúa và thương tha nhân chân thành.