Kính thưa cộng đoàn,
Tuần Thánh năm 2022 này thật đặc biệt nếu chúng ta để ý đến những chương trình mục vụ của Giáo hội, khi các vị chủ chăn mời gọi chúng ta hướng đến một Hội thánh hiệp hành. “Hiệp hành” nghĩa là “cùng nhau cất bước hành trình”[1], đi trên con đường mà nơi đó chúng ta sống ba chiều kích: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Trên con đường này, dĩ nhiên chúng ta không đơn độc, nhưng luôn có Thiên Chúa hướng dẫn và cùng bước đi với Giáo hội, với mỗi người chúng ta.
Hòa với tâm tình đó, trong Tuần Thánh này, Chúa Giêsu cũng đang mời gọi chúng ta bước với Người trên con đường thập giá để tiến vào vinh quang. Nơi đây, chúng ta cùng nhau đi qua những chặng đường với rất nhiều tâm tình của người có chung tâm tình với Chúa Giêsu. Chúng ta không muốn chỉ là những khán giả đứng ngoài nhìn Chúa Giêsu, nhưng muốn đi cùng với Người, xin ơn nên đồng hình đồng dạng với Người (Rm 8,29). Được như thế, con đường hiệp hành này sẽ “giúp cho toàn thể dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta.”
Chặng thứ nhất: Chúa Giêsu bị kết án
–Trích Phúc Âm theo thánh Gioan:
“Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: “Ðây là vua các người!” Họ liền la lớn: “Ðem đi! Ðem đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19,14–15)
– Suy ngắm:
Trong khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu nhiều lần nói về con đường thập giá, rằng chính Người phải bước vào con đường này. Hôm nay, sau lời tuyên án của tổng trấn Phi-la-tô, Chúa của chúng ta không chỉ nhận bản án cay nghiệt, mà thật sự đã bước vào con đường thương khó. Phía trước là một chặng đường nhiều đau khổ và cái chết cũng đang chờ đón Người. Vì tình yêu nhân loại, vì sự vâng phục thánh ý Cha, Chúa Giêsu chấp nhận bản án để cùng bước đi với những con người đang chịu đau khổ. Đây là con đường đau thương, nhưng mang lại ơn cứu độ cho con người.
Sở dĩ Giáo hội nhấn mạnh đến việc con người cần đi cùng với nhau là vì “con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba.”[2] Thế giới đang gồng mình trước những thách đố của thời đại. Người ta chỉ có thể giải quyết những thách đố này khi đi cùng với Chúa và với nhau. “Chúng ta là một cộng đồng thế giới đang chèo chống trên cùng một con thuyền, ở đó điều gây tổn hại cho người này cũng gây tổn hại cho người khác. Phải nhớ rằng nếu có ai được cứu, thì tất cả cùng được cứu.” (Fratelli tutti, 32). Mỗi người chúng ta cùng xin với Chúa Giêsu cho mình bước đi cùng với Người. Khi đó, trên con đường thập giá này, chúng ta sẽ đỡ mệt hơn nhiều, có thêm sức mạnh và hy vọng để tiếp tục tiến bước.
– Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trước mỗi một hành trình, Chúa đều mời chúng con hăng hái tham gia. Phía trước hứa hẹn nhiều điều bất ngờ và thú vị, bởi “những điều lạ lùng mà Chúa Thánh Thần chắc chắn sẽ chuẩn bị cho chúng con trên suốt hành trình.” Chúng con sẽ không thể đến đích nếu chỉ đi một mình. Chúng con sẽ thất bại nếu không đi cùng với Chúa. Chúng con nhớ rằng “Đấng Tạo Hoá không bỏ mặc chúng con. Người không bao giờ bỏ dở kế hoạch yêu thương của Người. Người không hối tiếc vì đã tạo dựng nên chúng con. Tạ ơn Chúa vì mỗi người chúng con vẫn có khả năng hiệp hành: hiệp thông, tham gia vào những sứ vụ.” (LS, 13). Amen.
Chặng thứ hai: Chúa Giêsu Vác Thánh Giá
– Trích Phúc Âm theo thánh Luca:
“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy.” (Lc 9,23)
– Suy ngắm:
Chúa Giêsu đã từ bỏ ý riêng để thực thi thánh ý Chúa Cha. Lúc này Người tiến đến nhận lấy cây thập giá sần sùi nặng gánh. Trong suốt cả cuộc đời mình, Chúa Giêsu vẫn luôn gắn liền với cây thập giá. Nếu chúng ta muốn đi cùng với Chúa thì chúng ta không thể chối từ thập giá nhưng phải cùng nhau vác thập giá. Có thể nói thập giá là biểu tượng nối kết tất cả chúng ta trên con đường hiệp hành này. Thanh dọc nối kết chúng ta với trời cao, với Thiên Chúa, và thanh ngang nối kết chúng ta với anh chị em mình.
Ước sao mỗi người “cảm thấy mình cũng liên quan đến sự thay đổi của Giáo hội và xã hội. Việc thay đổi này đòi hỏi sự hoán cải mang tính cá nhân và cộng đồng, giúp chúng ta nhìn xem mọi sự như Chúa nhìn”[3]. Như thế trong lúc cầu nguyện, gặp gỡ, chuyện trò và bàn thảo về con đường hiệp hành này, chúng ta cần để tâm đến việc làm sao cho ý Chúa lướt thắng ý riêng của mình, làm sao để mình tiến đến gần thập giá của Chúa Giêsu, làm sao để Thiên Chúa dẫn dắt mình dưới ngọn cờ thập giá. Chúa vác thập giá đang nhìn chúng ta lúc này, mong sao chúng ta cũng thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, chúng con muốn theo Ngài lúc này”.
– Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã vác thập giá để nêu gương cho nhân loại đang chịu đựng nhiều đau khổ, bất công. Xin giúp cho mỗi người dám can đảm đón nhận thập giá của đời mình, dám cùng nhau vác thập giá, cùng nhau “tìm hiểu tường tận các dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng.” (GS, 4). Khi đó, thập giá sẽ là con đường giúp chúng con tiến về quê trời. Xin đừng để chúng con xa lìa thập giá Chúa, đừng để chúng con yêu chuộng những thoải mái của thế gian[4]. Chúng con nguyện vác thập giá cùng với Chúa và với nhau, bởi chính Người đã chọn thập giá để gánh tội thế gian và chịu những đau khổ của chúng con[5]. Amen.
Chặng thứ ba: Chúa Giêsu ngã lần thứ nhất
– Trích sách Ngôn Sứ Isaia:
“Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta.” (Is 53,4)
– Suy ngắm:
Có lẽ lúc thuở nhỏ hoặc trên hành trình thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã nhiều lần té ngã. Nhưng lần ngã thứ nhất trên đường thương khó này hoàn toàn khác. Dưới sức nặng của thập giá, đòn roi của quân lính, thời tiết khắc nghiệt và đám đông lớn tiếng nhục mạ, Chúa của chúng ta đã ngã nhoài. Lúc này đây, hẳn là ai cũng cảm nhận được nỗi cơ cực của Chúa chúng ta. Một tay Chúa Giêsu chống xuống đất, tay kia vẫn ghì chặt lấy cây thập giá. Người hiểu rằng cần phải đứng lên để đi tiếp.
Cả nhân loại đã và đang vấp ngã dưới sức tàn phá của đại dịch Covid. Hơn hai năm qua, đại dịch đã phơi bày rõ: các xung đột địa phương và quốc tế, biến đổi khí hậu, việc di cư, các hình thức bất công, phân biệt chủng tộc, bạo lực, và gia tăng bất bình đẳng trên toàn nhân loại. Trong Giáo hội thì có nạn lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực do một số giáo sĩ và tu sĩ gây ra[6]. Đây thực sự là sức nặng của thập giá đã làm chúng ta vấp ngã ê chề. Tuy vậy, lúc này Chúa Giêsu không hề muốn chúng ta bỏ cuộc. Với ơn Chúa, chúng ta cần cùng nhau đứng lên, cùng nhau thẳng thắn nhìn nhận và bàn cách giải quyết vấn đề. Chúng ta ý thức rằng chỉ có thể vượt qua được cơn khủng hoảng này và vươn đến thành công nếu biết nắm tay đi cùng nhau.
– Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con không muốn vấp ngã, không muốn thất bại. Tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn khác. Nơi mỗi người, mỗi cộng đoàn, toàn Giáo hội và cả thế giới đều có sức nặng của thập giá khiến chúng con thất bại. Xin Chúa thêm sức để chúng con cùng đứng lên. Có như thế, chúng con mới có thể dìu nhau đi trên con đường của hiệp thông chia sẻ, cùng nhau tham gia dựng xây Nước Chúa trong những sứ vụ mà Chúa trao phó cho chúng con. Amen.
Chặng thứ tư: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ
– Trích Phúc Âm theo thánh Luca
“Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, để những tâm tư của nhiều người được tỏ lộ.” (Lc 2,35)
– Suy ngắm:
Suốt cuộc đời trên dương thế của Chúa Giêsu lúc nào cũng có Đức Mẹ dõi theo. Mẹ vui với niềm vui của Con, Mẹ xót xa với những đau khổ của Con. Lúc này đây trái tim Mẹ hệt như ngàn mũi giáo đâm thâu. Trên hành trình thập giá có cuộc gặp gỡ của hai con người đang chịu nhiều đau khổ. Những giọt máu đào cũng không ngừng tuôn chảy từ các vết thương trên khắp thân mình Chúa Giêsu. Tuy vậy, lần gặp gỡ với Đức Mẹ đã cho Chúa Giêsu thêm sức mạnh để bước tiếp. Nhờ gặp Chúa Giêsu mà Đức Mẹ thêm niềm phó thác cậy trông vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Để rồi từ đó, Mẹ có thể can đảm bước đi cùng với con của mình đến cuối hành trình thập giá.
Đã từ lâu, Giáo hội ý thức vai trò của Đức Mẹ như là Mẹ của Giáo hội[7]. Là một người Mẹ, Đức Maria không ngừng bước đi cùng Giáo Hội và hướng dẫn con cái mình bước đi cùng nhau. Mỗi người đều có một ơn gọi và nhiệm vụ riêng làm cho đời sống Giáo hội thêm phong phú. Mẹ chỉ dẫn cho mỗi thành phần dân Chúa luôn trung thành với con của Mẹ là Chúa Giêsu. Nhờ Mẹ mà Giáo hội đã vượt qua biết bao sóng gió của thời đại. Cùng bước bên nhau trên chặng đường thánh giá này, chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Mẹ như là mẫu gương của người luôn cùng bước với Chúa Giêsu chịu đau khổ. Nhờ trung thành bước theo Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường, chính Đức Mẹ cũng được hưởng niềm vui phục sinh với con của Mẹ. Cùng với Mẹ, chúng ta hạnh phúc vì được quy tụ trong tình yêu hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
– Cùng với cả Giáo hội đang chuẩn bị cho thượng hội đồng lần này, chúng ta hãy cầu nguyện[8]:
Lạy Mẹ Maria là Nữ vương các Tông đồ và là Mẹ Hội thánh, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con biết cùng nhau cất bước hành trình trên con đường Thiên Chúa mời gọi chúng con. Trên hành trình nhiều chông gai này, xin Mẹ luôn ở bên từng người chúng con. Chúng con cần sự chăm sóc và chuyển cầu của Mẹ. Được như thế, chúng con mới có khả năng xây dựng sự hiệp thông với nhau và thực hiện sứ vụ của chúng con trong thế giới này. Lúc này bên Mẹ và Chúa Giêsu, chúng con hiệp lời với Mẹ để cùng thưa lên: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Amen.
Chặng thứ năm: Chúa Giêsu được ông Simon giúp đỡ
– Trích Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata:
“Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô.” (Gal 6,2)
– Suy ngắm:
Trên đường đi làm về, ông Simon thấy đoàn người nháo nhác phía trước. Ông lân la đến gần, xem chuyện gì đang diễn ra. Ông thấy Chúa Giêsu đang bị điệu đi đến nơi hành quyết. Lúc này vì Chúa Giêsu dường như chẳng còn sức để vác cây thập giá nên quân lính bắt ông Simon đến giúp Chúa Giêsu. Vác thập giá là nỗi ô nhục đối với dân chúng thời bấy giờ. Dẫu sao ông Simon đã cùng với Chúa Giêsu vác thập giá đến cuối con đường. Trời đã ngả về chiều. Đoàn người la hét, xô đẩy và hối thúc lên đường. Hai con người với cây thập giá đang từ từ tiến lên đồi Canvê. Chúa Giêsu và ông Simon bước đi cùng nhau. Họ đã hiệp hành vào buổi chiều hôm đó. Lúc này và ở đây, chúng ta cũng được mời gọi trở nên như ông Simon:
Để hiệp thông: Nghĩa là chúng ta cần liên kết với nhau, cùng lắng nghe Lời Chúa, qua Truyền thống sống động của Hội thánh, và cùng được bén rễ sâu vào cảm thức đức tin. Trên hành trình này, tất cả chúng ta đều có vai trò quan trọng trong việc phân định và thực hiện lời kêu gọi mà Thiên Chúa dành cho Dân Người.
Để tham gia: Nghĩa là tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ân ban mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Chúng ta là cộng đoàn hiệp nhất.
Để thi hành sứ mạng: Nghĩa là chúng ta dám làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại.
– Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, hẳn là Ngài cảm thấy nhẹ nhàng hơn một chút khi có người cùng vác đỡ thập giá với mình. Sức nặng của thập giá đúng là nhẹ đi rất nhiều nếu chúng con cùng vác với nhau. Tạ ơn Chúa vì Giáo hội mời gọi hết thảy chúng con bước vào con đường hiệp hành này, để không ai bị loại trừ. Xin cho chúng con lòng can đảm, xả thân và hứng khởi tham gia hành trình này. Amen.
Chặng thứ sáu: Chúa Giêsu gặp bà Vêrônica
– Trích Phúc Âm theo thánh Máthêu:
“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
– Suy ngắm:
Trong hành trình sứ vụ Chúa Giêsu đã gặp rất nhiều người. Nhưng trong buổi chiều hôm nay, Người gặp một người rất đặc biệt, đó là bà Vêrônica. Đặc biệt là bởi vì chính Vêrônica đã can đảm đến gần Chúa Giêsu để đưa cho Người chút nước và lấy khăn lau mặt cho Người. Hành động nhỏ với tình yêu thật lớn của bà đã giúp Chúa Giêsu đỡ mệt trong chốc lát. Thực ra Vêrônica không chỉ là một con người cụ thể, nhưng còn là hình ảnh của bất kỳ ai trong chúng ta. Tên Vêrônica có nghĩa là “chân dung đích thực phản ảnh gương mặt Thầy Giêsu.”[9] Lúc này và ở đây, chúng ta cũng có thể trở nên những Vêrônica hiệp hành với Chúa Giêsu.
Với ý hướng trên, chúng ta thấy hiệp hành là lối sống của Hội thánh. Thật là thiếu sót nếu chúng ta chỉ phân tích và tìm hiểu sự đau khổ của Chúa Giêsu mà không dấn thân chia sẻ với Người như bà Vêrônica. Trong tâm tình này, Đức Thánh cha Phanxicô nhắn với mỗi người: “Lời Chúa hướng dẫn Thượng Hội đồng, ngăn không cho nó trở thành một hội nghị của Hội thánh, một cuộc nghiên cứu học hỏi hay một hội nghị chính trị, một quốc hội, nhưng đúng hơn là một sự kiện đầy ân sủng, một tiến trình chữa lành được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần”[10].
– Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã cho mỗi người chúng con họa lại khuôn mặt của Người trong nhiều cách thức khác nhau. Mỗi người chúng con nhận được đặc sủng rất riêng từ Ngài. Như thế để có sự hiệp thông, xin Chúa giúp chúng con hai điều này: một là tôn trọng sự khác biệt và hai là duy trì hợp nhất. Được như thế, Giáo hội mới giới thiệu dung nhan thực sự của Chúa cho người khác trên con đường lữ hành này. Amen.
Chặng thứ bảy: Chúa Giêsu ngã lần thứ hai
– Trích Phúc Âm theo thánh Mátthêu:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
– Suy ngắm:
Khi đoạn đường càng ngắn lại cũng là lúc sức lực Chúa Giêsu cạn dần. Bởi đó, đi được một đoạn rồi Chúa lại ngã xuống đất lần thứ hai. Chúa mất thăng bằng bởi khúc gỗ chông chênh đè nặng vai. Chúa ngã nhào xuống đất, lần này đau hơn lần trước. Đoàn người nhìn xuống Chúa, Chúa nhìn lên và với tay vịn vào cây thập giá, quyết tâm không bỏ cuộc. Dù còn chút sức lực sau cùng, Chúa vẫn phải đứng lên đi tiếp. Là chỗ vững chắc cho con người nghỉ ngơi, bồi dưỡng, chính Chúa Giêsu đã cúi xuống tận nỗi đau của con người, để đưa con người về với Thiên Chúa.
Lúc này và ở đây, Chúa Giêsu chịu vấp ngã đã đứng lên để củng cố tinh thần cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta không bỏ cuộc. Cũng như với Chúa Giêsu, niềm vui phục sinh đang chờ đợi chúng ta phía trước. Dù cuộc sống xô đẩy chúng ta vấp ngã nhiều lần, chúng ta vẫn luôn ước mơ và “dành thời gian sống tương lai” với quan điểm mới mẻ, với tinh thần cởi mở, lắng nghe, hiểu biết về việc “cùng nhau cất bước hành trình”, và cùng nhau đón lấy trách nhiệm[11].
–Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng Hội thánh hiệp hành chính là Hội thánh lên đường đến tận cùng thế giới để loan báo Tin Mừng. Chính Chúa ngay cả khi té ngã lần này, Chúa vẫn đứng lên để đi tiếp. Xin giúp chúng con can đảm cùng nhau bước đi trong mọi hoàn cảnh của phận người. Với Chúa và trong Chúa, chúng con tiếp tục chia sẻ “vui mừng và hy vọng, u sầu và lo âu của con người ngày nay.”[12] Amen.
Chặng thứ tám: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ ở Giêrusalem
– Trích Phúc Âm theo thánh Luca:
“Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc, thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28)
– Suy ngắm:
Mỗi khi có ai vác thập giá lên đồi Canvê để chịu đóng đinh, người ta thường thấy nhóm phụ nữ tốt lành đi cùng để giúp đỡ phạm nhân. Hôm nay, họ cũng đến gặp Chúa Giêsu. Họ khóc thương cho Chúa Giêsu, vì họ biết Người vô tội. Hơn nữa, họ cũng đã nghe đến những công việc tốt đẹp mà Chúa Giêsu đã làm cho dân chúng khắp nơi. Lúc này họ thực sự muốn an ủi nâng đỡ Chúa Giêsu trong cảnh khốn cùng này. Họ khóc thương cho Người. Trong những ánh mắt còn ngấn lệ, họ lại được Chúa Giêsu an ủi và động viên. Chạnh lòng thương là điều không bao giờ thiếu nơi Chúa Giêsu.
Hôm nay cũng thế, Chúa Giêsu vác thập giá đang gặp từng người chúng ta. Người muốn chúng ta hiệp hành với Người, nghĩa là chúng ta sẽ cùng với Người làm ba việc[13]:
- Gặp gỡ trực tiếp: Mọi thứ sẽ thay đổi khi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau cách chân thành, không hình thức giả tạo, không tính toán, nhưng bằng con người thật của chúng ta.
- Lắng nghe: Chúng ta cần lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, đừng đóng cửa tâm hồn mình.
- Phân định: Nghĩa là chúng ta cùng nhau cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa.
Với ba việc làm này, con đường hiệp hành phía trước sẽ dẫn chúng ta đến ngọn đồi Canvê; nơi đó sẽ dẫn đưa chúng ta đến mầu nhiệm phục sinh.
– Cầu Nguyện:
Đã nhiều lần chúng con quên mất văn hóa gặp gỡ. Lạy Chúa Giêsu, xin nối kết chúng con trong tình người, tình bạn và tình yêu với nhau. Đã nhiều lần chúng con chẳng đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau. Cũng đã nhiều lần chúng con phớt lời tiếng Chúa nói trong sâu thẳm tâm hồn mình. Lạy Chúa của chúng con, lúc này xin mở đôi tai và quả tim của chúng con để chúng con biết lắng nghe điều hay lẽ phải. Đã không ít lần chúng con quyết định mà quên hỏi ý Chúa. Lạy Chúa, lúc này xin dạy chúng con phân định, nghĩa là “hỏi xem Chúa đang mời gọi chúng con làm gì? Chúa đang làm gì ở trong bối cảnh cụ thể này, trong cộng đoàn chúng con?” Lạy Chúa Giêsu xin hướng dẫn chúng con. (x. Dt 1,1-2). Amen.
Chặng thứ chín: Chúa Giêsu ngã lần thứ ba
– Trích sách Ngôn sứ Isaia:
“Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt”. (Is 53,7)
–Suy ngắm:
Trên con đường thương khó và với lần té ngã này, Chúa đang bước đi cách vững chãi hơn vào dòng lịch sử nhân loại, để đồng hành trong mọi lúc mọi nơi với nhân loại đang chịu nhiều khổ đau[14]. Thương tích và đau đớn của Người theo đó mà tăng lên. Lời tiên tri Isaia mô tả ngày xưa về người tôi tớ đau khổ, nay được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu “trong hình hài đầy thương tích”. Người đã ngã vì chúng ta, vì tội lỗi của nhân loại.
Tuy Giáo hội thánh thiện, nhưng tiếc rằng nhiều người trong Hội thánh sống trong tội lỗi. Mỗi người chúng ta đều là những tội nhân. Thế giới cũng đang chịu nhiều hậu quả của biết bao lầm lạc từ phía con người. Đã đến lúc chúng ta phải ngồi lại, để cùng với Chúa và với nhau thực hiện cuộc hoán cải và bàn thảo để cùng tiến lên phía trước. Do đó “trong Hội thánh, không ai được thụ động hay dửng dưng; không ai là độc quyền; không ai bị loại trừ; không ai được coi thường vai trò của người khác, dù đó là một chi thể bé mọn nhất.”[15] Khi đó, con thuyền Hội thánh sẽ cưu mang mọi người, và mỗi người đều có bổn phận và trách nhiệm chèo lái con thuyền này đến hạnh phúc quê trời.
–Lúc này cùng với Giáo hội, chúng ta cùng Cầu nguyện:
Lạy Cha trên trời, xin ánh sáng của Cha hướng dẫn Giáo hội chúng con bước đi với tất cả các Kitô hữu và toàn nhân loại trong tiến trình hiệp hành này. Xin dẫn chúng con đến gần hơn với Con của Cha để chúng con có thể gần nhau hơn, nhờ đó chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, là điều Cha mong ước cho Giáo hội của Cha và toàn thể thụ tạo. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con[16]. Amen.
Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo
– Trích Phúc Âm theo thánh Mátthêu:
“Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ. Rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Ðức Vua dân Do Thái!” (Mt 27,28–29)
– Suy ngắm:
Trên thánh giá, Chúa chúng ta lúc này sức tàn lực kiệt. Dưới thập giá, nhiều người còn chế giễu thách thức Người. Lúc này đây, chúng ta ngước nhìn lên Chúa với tâm tình thờ lạy và đồng cảm. Nhưng quan trọng hơn, Chúa muốn chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa trên cây thập giá. Chúa dạy chúng ta thương xót như Chúa xót thương, cầu nguyện cho cả những kẻ ngược đãi mình. Chúa muốn chúng ta chạnh lòng thương những người anh chị em đang đau khổ. Chúa Giêsu đã làm gương cho mỗi người chúng ta về thái độ yêu thương cho đến tận cùng. Tình yêu thương tha thứ sẽ dẫn chúng ta đến chiến thắng huy hoàng.
Đã đến lúc Giáo hội mời gọi các mục tử “hoán cải mục vụ”[17] để nhiệt tình dấn thân cho sứ vụ, chứ không đứng ngoài cuộc. Trong hành trình này, Giáo hội cũng mong các thành phần dân Chúa hãy có cùng cảm thức với Giáo hội, nghĩa là cùng tham gia và dựng xây một Giáo hội không loại trừ ai. Bởi Giáo hội biết rằng mỗi người “được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình.”[18] Như vậy chúng ta có một mục đích chung, vì thế chúng ta hiện diện ở đây và lúc này. Chính Chúa cũng muốn gắn kết các thành phần dân Chúa để chúng ta cất bước lên đường thực thi mục đích ngợi khen, tôn kính và phụng sự Chúa chí tôn.
–Cầu nguyện:
“Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Ðem niềm vui đến chốn u sầu.”[19]
Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu chịu đóng đinh
– Trích Phúc Âm theo thánh Mátthêu:
“Ðóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau.” (Mt 27,35)
– Suy ngắm:
Trời mỗi lúc một ngả về chiều. Chúa Giêsu đã đến nơi hành quyết. Người ta đóng đinh Chúa chúng ta vào thập giá. Hai tay giang rộng như ôm cả đất trời, thân thể Chúa Giêsu bị ghim chặt vào thập giá. “Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa.”[20] Từ đây thập giá sẽ nở hoa cứu độ, nghĩa là cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao rằng mỗi người sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ liên kết với Chúa Giêsu trên thập giá.
Hình ảnh Chúa Giêsu giang rộng đôi tay khuyến khích Giáo hội về tinh thần bao dung rộng mở. Một mặt Giáo hội cần phẩm trật, cần người hướng dẫn; nhưng mặt khác, Thiên Chúa mời gọi người hướng dẫn có tinh thần cởi mở, khích lệ các thành phần dân Chúa tham gia. Hướng dẫn đồng nghĩa với phục vụ, chứ không để được phục vụ. Nơi chặng đường thánh giá này, chúng ta cùng cầu nguyện cho hàng giáo phẩm tránh xa đời sống “giáo sĩ trị” để Giáo hội thực sự mang lối sống hiệp hành. Cũng vậy, chúng ta được khuyến khích đón nhận tất cả mọi người trong cộng đoàn, tôn trọng sự khác biệt và lắng nghe những tiếng nói khác với mình[21].
– Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Đấng Sáng tạo, Người yêu thương dựng nên chúng con có chung phẩm giá làm người. Mỗi người là ngôi vị độc nhất và quý báu trước mặt Người. Xin giúp chúng con nhận ra khuôn mặt của anh chị em mình nơi những người chúng con gặp gỡ, dám giang rộng đôi tay đón nhận nhau trong khi chúng con cùng hướng đến lối sống hiệp hành mà Giáo hội và chính Chúa đang mời gọi chúng con. Amen.
Chặng thứ mười hai: Chúa Giêsu chết trên thánh giá
– Trích Phúc Âm theo thánh Gioan:
“Ðức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Ðức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,28-30)
– Suy ngắm:
Một trong những lời sau cùng của Chúa nhắn nhủ với chúng ta là: “Tôi khát!” Chúa khát khao cho con người được cứu độ, được đón nhận Tin Mừng và khao khát cho chúng ta trở nên một trong yêu thương (x. Ga 17,11-20). Trên thập giá, Chúa Giêsu còn khát khao cho mỗi người biết xây dựng Hội thánh, biết “sống theo sự thật và trong tình bác ái” (Ep 4,15). Chúa khuyến khích chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, vào những vết thương, thậm chí là những căn bệnh đang phá hủy các chi thể của Hội thánh.
Cũng như Chúa không trốn chạy trước cái chết, thì đến lượt chúng ta, hãy để sự thật giải thoát mỗi người, để sự thật đổi mới cộng đoàn Hội thánh. Khi đó, Hội thánh sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Ước chi trong mỗi cuộc gặp gỡ, lắng nghe và bàn luận trong con đường hiệp hành này, mỗi người để cho sự thật lên tiếng. Đó là tiếng nói của Thần Khí, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13).
–Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, cái chết và những khổ đau luôn thách đố từng người chúng con. Là con người thật, Chúa Giêsu cũng chung chia cái chết với phận người chúng con. Là Thiên Chúa thật, Ngài cho chúng con thấy rằng cái chết đã mở ra một sự sống vĩnh hằng. Xin đoái thương ở lại với chúng con, nhất là những thời khắc của khổ đau và chết chóc. Có Chúa, chúng con tự tin sát cánh bên nhau trên cùng một nẻo đường. Amen.
Chặng thứ mười ba: Chúa Giêsu được hạ xác xuống
–Trích Phúc Âm theo thánh Gioan:
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt.” (Ga 12,24)
–Suy ngắm:
Từ trên cao, thi hài Chúa Giêsu được đưa xuống. Nếu như ngày xưa Chúa từ trời cao hạ sinh vào cõi trần với hình hài trẻ thơ, thì hôm nay cũng từ trên cao, thân xác Chúa Giêsu cũng được hạ xuống, nhưng đó là một con người đã chịu chết vì chúng ta. Thân xác Chúa in hằn vết thương loang máu. Đó là cảnh chiều buồn tang tóc thê lương. Từ đây, Mẹ Maria mất con, môn đệ mất Thầy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn vững tin như Mẹ Maria vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa sẽ được thực hiện qua hiến tế tình yêu của Chúa Giêsu.
Chiêm ngắm cảnh thi hài Chúa được hạ xuống, chúng ta có thể thấy được tinh thần của Thượng Hội Đồng đang diễn ra. Giáo hội không đưa ra chỉ thị từ trên cao. Vì hiệp hành là hành trình đi cùng nhau, nên hai năm nay Giáo hội hoàn vũ thực sự muốn lắng nghe những gì đang diễn ra tại mỗi Giáo hội địa phương. Nơi đó có sự đa dạng về bối cảnh và văn hóa vốn mang lại những ân huệ khác nhau cho toàn thể Giáo hội, làm phong phú toàn Thân thể Chúa Kitô.
Chúng ta hạnh phúc vì Giáo hội luôn tin tưởng, chờ mong mọi ý kiến và bàn luận của Giáo hội địa phương. Sau đó, Thượng Hội đồng sẽ dựa trên những đúc kết này để tiếp tục vạch ra con đường hiệp hành của Hội thánh. Sự tham gia của các tổ chức và hội đoàn ở cấp giáo phận “rõ ràng là yếu tố nền tảng, để từ đây một Hội thánh hiệp hành có thể bắt đầu xuất hiện.” (EC,7).
– Cầu Nguyện:
Lạy Thiên Chúa toàn năng, tạ ơn Chúa đã ban cho mỗi người chúng con có cơ hội nói lên kinh nghiệm của mình. Chính lúc chúng con chia sẻ cũng là lúc con đường hiệp hành diễn ra; và nhờ đó chúng con tin rằng đời sống của Giáo hội địa phương sẽ thêm phần sinh động. Trong giây phút thánh thiêng này, xin Chúa đón nhận mọi nỗ lực của Giáo phận chúng con và ban muôn phúc lành cho từng người. Amen.
Chặng thứ mười bốn: Chúa Giêsu được chôn táng trong mộ
– Trích Phúc Âm theo thánh Gioan:
“Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giêsu ở đó.” (Ga 19,41-42).
– Suy ngắm:
Khung cảnh đồi Canvê vắng lặng như tờ. Ai cũng hối hả trở về nhà để kịp chuẩn bị lễ Vượt qua. Lúc này chỉ còn vài người ở lại lo mai táng thi hài Chúa. Chúa đã chết để chúng ta được sống, Chúa bị chôn vùi để chúng ta được trỗi dậy. Chúa chịu mọi thử thách để giải thoát chúng ta khỏi tù đày. Lúc này, thi hài Chúa Giêsu an nghỉ trong nấm mồ, chờ thời khắc phục sinh. Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Mẹ để thêm lòng xác tín vào tương lai phía trước. Mỗi khi gặp cảnh tang thương, chúng ta hãy chạy đến cùng Đức Mẹ. Mẹ sẽ động viên, an ủi và củng cố lòng tin cho chúng ta về lời hứa Phục sinh. Đúng vậy, vào ngày thứ nhất trong tuần, khi Chúa Giêsu mở cửa nấm mồ, Tin Mừng Phục Sinh bắt đầu được loan truyền trên khắp toàn thế giới.
Ước sao trong khi “cùng nhau gieo bước hành trình”, chúng ta luôn đong đầy hy vọng. Dù muôn ngàn khó khăn phía trước, nhưng Thiên Chúa không cho phép chúng ta bỏ cuộc hoặc thoái lui. Như Mẹ Maria, mỗi người, mỗi cộng đoàn và giáo phận phó thác, cậy trông và tin tưởng vào những gì Thượng Hội đồng đang mời gọi chúng ta thực hiện. Đây là con đường đầy thú vị và có sức ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta và toàn thế giới. Với Chúa và cùng với Đức Mẹ, chúng ta có quyền mơ về những lần gặp gỡ, bàn thảo và đúc kết với rất nhiều hoa trái thiêng liêng.
– Với Đức Giáo hoàng Phanxicô[22], chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, chúng con mong muốn bước đi trên con đường hiệp hành trong tinh thần cầu nguyện mà Chúa đã thưa với Chúa Cha cho các môn đệ: “để tất cả nên một” (Ga 17,21). Chúng con được kêu gọi xây dựng tình hiệp nhất, hiệp thông và huynh đệ. Cuộc sống đó chính là hoa trái của việc cảm nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả chúng con. Sau cùng, xin thúc đẩy chúng con dám mở ra cho tiếng nói của Chúa Thánh Thần để hăng say dấn bước lên đường. Amen.
Kết thúc
Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta có cơ hội hiệp hành trên 14 chặng đàng thánh giá cùng với Chúa Giêsu và với nhau. Qua những chặng đường này, ước gì mỗi người được thêm yêu mến Chúa Giêsu và Hội thánh của Người hơn. Trong tinh thần đó, chúng ta cùng cầu chúc cho nhau có thật nhiều ơn Chúa để tiến bước hành trình trong niềm hạnh phúc. Nếu cùng nhau theo Chúa Giêsu trong đau khổ, thì chúng ta cũng được ở với Người trong vinh quang. Chính nơi đó, Thiên Chúa cho chúng ta nhiều hy vọng, niềm vui, bình an và sự sống.
Xin Chúa đến giúp chúng ta, ban cho chúng ta ơn bắt đầu và lại bắt đầu. Xin Chúa cho chúng ta ơn biết cậy trông, ngay cả những khi cùng đường tuyệt vọng. Xin Chúa củng cố lòng tin để chúng ta tin chắc rằng thập giá Chúa đã và sẽ luôn mang lại chiến thắng, một chiến thắng huy hoàng nơi cuộc đời chúng ta.
Để kết thúc, chúng ta cùng đọc:
− một kinh Lạy Cha
− một kinh Kính Mừng
− và một kinh Sáng Danh.
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Mùa Chay năm 2022
NIHIL OBSTAT: Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang, Thư ký Ủy ban Giáo lý Đức Tin
IMPRIMATUR: ĐGM Gioan Đỗ Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin
Chú thích:
[1] Để chuẩn bị cho Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục (synodus) vào tháng 10 năm 2023, Giáo hội nhấn mạnh đến tính hiệp hành. La-tinh là “synodus”. “Syn” có nghĩa là “cùng với nhau” và “hodos” là “con đường”. (x. https://dongten.net/2021/11/20/lam-ban-ve-tu-hiep-hanh/)
[2] Phanxicô, Diễn từ mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17.10.2015).
[3] x. Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, mục 1.4
[4] x. Chúng ta muốn Đức Kitô hay sự thoải mái của thế gian? <https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chung-ta-muon-duc-kito-hay-su-thoai-mai-cua-the-gian–42890>
[5] Youcat 101.
[6] Phanxicô, Thư gởi dân Chúa (20.08.2018), lời ngỏ.
[7] Từ Công đồng Vatican II vào năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức dành cho Đức Maria danh hiệu “Mẹ Giáo hội”. Thực ra từ thế kỷ thứ IV với Thánh Ambrôsiô, thì tước hiệu “Mẹ Giáo hội” không chỉ nói lên mẫu tính thiêng liêng của Đức Mẹ, nhưng đó còn là một đặc tính gắn liền với bản tính của Giáo hội.
[8] X. LỜI CẢM ƠN, trong Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành.
[9] Cf. Dégert, A. (1912). St. Veronica. In The Catholic Encyclopedia. New York: Robert Appleton Company. Retrieved July 30, 2015 from New Advent: http://www.newadvent.org/cathen/15362a.htm
[10] Đức Thánh cha nói trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng tại Rôma ngày 10/10/2021.
[11] x. mục 2.3: Thái độ tham gia Tiến trình hiệp hành.
[12] Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Tài liệu chuẩn bị số 15.
[13] ĐTGM Giuse Nguyễn Năng, Hiệp hành là lối sống của Hội thánh.
[14] Theo cha Trần Ðức Anh OP.
[15] ĐTGM Giuse Nguyễn Năng, Hiệp hành là lối sống của Hội thánh.
[16] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-01/toa-thanh-cau-nguyen-hiep-nhat-thuong-hoi-dong.html
[17] x. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 25- 27.
[18] Linh thao số 23.
[19] Kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226).
[20] x. Youcat 70.
[21] ĐTGM Giuse Nguyễn Năng, Hiệp hành là lối sống của Hội thánh.
[22] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-khai-mac-thuong-hoi-dong-giam-muc-xvi.html