Thượng Hội Đồng Giám Mục 2021-2023:
Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ
Gợi ý cho các Giáo phận và Hội đồng Giám mục về việc chuẩn bị bản tổng hợp
Tài liệu chuẩn bị bắt đầu bằng việc tuyên bố rằng “Hội Thánh của Thiên Chúa được triệu tập trong Thượng Hội Đồng” (số 1).
Thượng Hội Đồng được khai mạc vào tháng 10 năm 2021, trước hết ở Roma và sau đó trên toàn thế giới; chúng ta hiện đang trong Thượng Hội Đồng. Các bản tổng hợp được mỗi Giáo phận / Giáo khu và Hội đồng Giám mục / Công nghị Hội Thánh sui iuris chuẩn bị là tài liệu Thượng Hội Đồng. Do đó, các Giám mục và Hội đồng Giám mục / Công nghị Hội Thánh sui iuris được yêu cầu chuẩn bị phân định lần sau cùng một cách cẩn trọng rồi trình bày lại dưới hình thức tổng hợp.
Về vấn đề nêu trên, tài liệu này đưa ra các đề xuất nhằm đáp ứng nhiều yêu cầu về những chỉ dẫn liên quan đến việc chuẩn bị bản tổng hợp sẽ được đệ trình lên Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục , qua việc trình bày rõ ràng và triển khai các nội dung trong Tài liệu chuẩn bị (số 31- 32) và trong Cẩm nang (Phụ lục D). Tài liệu này trước hết nhằm hỗ trợ các Hội đồng Giám mục / Công nghị Hội Thánh sui iuris trong việc soạn thảo bản tổng hợp, nhưng nó cũng có thể hữu ích cho những người điều hành tiến trình Thượng Hội Đồng trong mỗi Giáo hội địa phương, ở cấp độ các giáo phận / giáo xứ riêng lẻ, các giáo xứ, các cộng đồng cơ sở, các hiệp hội và phong trào, và các nhóm tự phát. Mỗi thực tại địa phương như vậy được mời gọi thích ứng tài liệu này cách sáng tạo cho phù hợp với bối cảnh của riêng mình.
- Mục đích của việc tổng hợp
Về bản tổng hợp, Tài liệu chuẩn bị nêu rõ:
Bản tổng hợp mà mỗi Hội Thánh đặc thù soạn thảo khi kết thúc công cuộc lắng nghe và phân định này chính là sự đóng góp của mỗi Hội Thánh [địa phương] cho diễn trình hiệp hành của Hội Thánh hoàn vũ. Để các giai đoạn tiếp theo của tiến trình này được dễ dàng và bền vững hơn, điều quan trọng là phải cô đọng các thành quả của sự cầu nguyện và suy tư trong tối đa mười trang giấy. Nếu cần phải trình bày bối cảnh và giải thích chúng rõ hơn, có thể đính kèm các văn bản hỗ trợ hoặc bổ sung khác. (số 32).
Mục đích của việc tổng hợp không phải là để trình bày thứ tự thời gian các giai đoạn của tiến trình Thượng Hội Đồng đã được tuân thủ, cũng không phải để lập một bản tường trình liệt kê bừa bãi tất cả những gì đã xảy ra trong quá trình làm việc. Đúng hơn, được xem như đỉnh cao sự phân định thiêng liêng của cộng đồng, việc tổng hợp có mục đích thu thập và bày tỏ những thành quả của tiến trình Thượng Hội Đồng cách dễ hiểu ngay cả với những ai không tham gia, bằng cách cho thấy lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần đối với Giáo hội đã được hiểu thế nào trong bối cảnh địa phương.
- Cấu trúc
Đây là cấu trúc gợi ý cho bản tổng hợp, tối đa là khoảng mười trang.
2.1 Giới thiệu: đọc lại kinh nghiệm Thượng Hội Đồng (1-2 trang)
Nêu các giai đoạn chính, bước ngoặt và đặc biệt là chiều kích thiêng liêng của hành trình (những khó khăn, những bất ngờ gây ngạc nhiên, v.v.).
2.2 Phần nội dung tổng hợp: phân định những đóng góp thu thập được (6-7 trang)
Phần tổng hợp này trình bày rõ câu trả lời cho câu hỏi cơ bản của tiến trình Thượng Hội Đồng (xem Tài liệu chuẩn bị, số 26), xem xét các câu hỏi chủ đề (xem sđd, số 30, và Cẩm nang, số 5.3) và làm nổi bật thành quả chính của sự phân định được thực hiện trong suốt tiến trình Thượng Hội Đồng.
2.3 Kết luận: các bước tiếp theo (1-2 trang)
Phần kết luận có thể chỉ ra các bước cần thực hiện để đáp lại điều đã được nhìn nhận như là lời (hoặc những lời) kêu gọi của Chúa Thánh Thần, đặc biệt nêu bật những điểm được coi là quan trọng để thúc đẩy hơn nữa sự phân định của Hội Thánh.
2.4 Phụ lục
Có thể hữu ích nếu thêm những miêu tả khái quát về bối cảnh địa phương, với một số sự kiện và số liệu thống kê chính, đặt nền tảng cho nội dung của bản tổng hợp. Tương tự, một số chứng từ, lời trích dẫn hoặc câu chuyện của những người tham gia có thể hữu ích, nếu giữ được tính độc đáo trong cách họ thể hiện bản thân và cho phép người khác thấy rõ hơn chiều kích thiêng liêng và cảm xúc trong kinh nghiệm của họ. Dù sao đi nữa, các phụ lục chỉ để cung cấp thông tin bổ sung và không bắt buộc phải có. Bản tổng hợp phải chứa đựng tất cả thông tin cốt yếu về con đường đã đi và thành quả của nó, và do đó là thông tin liên quan đến sự đóng góp mà mỗi Giáo hội đặc thù hiến trao cho con đường hiệp hành của Giáo hội hoàn vũ.
- Chuẩn bị
Một số lưu ý có thể hữu ích trong việc chuẩn bị cho quá trình soạn thảo bản tổng hợp.
3.1 Thu thập dữ liệu
Nên thiết định rõ các bản đóng góp sẽ được trình bày, tổ chức và lưu trữ theo cách thức và khung thời gian nào, đồng thời cần dự liệu một chiến lược để xử lý khối lượng lớn tài liệu. Các bản tường trình khảo sát định lượng (ví dụ: các bản câu hỏi có cấu trúc) hoặc định tính (ví dụ: các buổi trao đổi riêng, các nhóm thảo luận (nhóm tập trung), v.v…) hoặc các đóng góp của chuyên gia có thể được dùng để bổ sung cho những đóng góp của các nhóm tham gia Thượng Hội Đồng, vốn được xem như những chất liệu để phân định.
3.2 Tuyển chọn nhóm soạn thảo
Theo quan điểm của Thượng Hội Đồng, cần phải ủy thác việc soạn thảo bản tổng hợp cho một nhóm, nếu nhóm hiệp hành cũng tham gia thì càng tốt. Các thành viên khác của nhóm soạn thảo có thể được lựa chọn dựa trên nhân thân của họ (tuổi tác, giới tính, tình trạng cuộc sống), quê quán, nguồn gốc văn hóa, kinh nghiệm và / hoặc năng lực trong các lĩnh vực khác nhau (khoa học thánh, khoa học xã hội và nhân văn, biên tập văn bản, v.v…), đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của những người có khả năng nghe và hiểu tiếng nói của người thiểu số, người nghèo và người bị loại trừ. Tương tự, điều quan trọng là phải đảm bảo sự hiện diện của một nhóm nòng cốt nhỏ hơn, văn hay chữ tốt (ví dụ, 2-3 người), lãnh nhiệm vụ biên tập.
3.3 Xác định phương pháp làm việc
Khi nhóm soạn thảo được thành lập, nên xác định rõ ai có nhiệm vụ chỉ đạo công việc và cách đưa ra quyết định trong trường hợp có bất đồng. Nếu là nhóm lớn và có quy củ, nên đặc cử một tiểu ban để giải quyết các tranh chấp. Ngoài ra, cần làm rõ phương pháp nhóm sẽ dùng để thực hiện nhiệm vụ của mình, chỉ ra các bước để đi đến văn bản cuối cùng và thời gian dự kiến để gửi văn bản. Một số công cụ trên máy tính (ví dụ: phần mềm gắn thẻ từ khóa (keyword tagging software) hoặc chương trình tạo đám mây từ (word clouding programs)) có thể giúp phân tích các tài liệu thu thập được; tuy nhiên, chúng không thể thay thế việc đọc lại và tổng hợp dưới ánh sáng đức tin vốn phải là nền tảng cho việc soạn thảo bản văn cuối cùng.
Mặc dầu có sự tham gia thiết yếu của nhóm soạn thảo, các Giám mục vốn chịu trách nhiệm về tiến trình Thượng Hội Đồng ở các cấp (giáo phận, quốc gia, v.v…) vì thế vẫn có nhiệm vụ hướng dẫn việc phân định bằng cách xác định các phương thức soạn thảo, thảo luận và phê chuẩn văn bản.
- Tiến trình soạn thảo
Dựa trên phương pháp luận được dùng trong các cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục và những tiến trình Thượng Hội Đồng khác, chúng tôi đề nghị một số bước sau đây, với khuyến nghị nên thích ứng chúng với văn hóa và bối cảnh địa phương.
4.1 Đọc các bản đóng góp được gởi về
Nên đọc các tài liệu được thâu tập này trong bầu khí cầu nguyện, phân định, đồng thời luôn ý thức về bối cảnh và văn hóa mà từ đó các bản văn được gởi đến. Khởi đi từ kinh nghiệm và lãnh vực chuyên môn của mình, những người tham gia vào giai đoạn này cần cố gắng nhận ra những điều sau đây trong những tài liệu mà họ đọc:
- Những yếu tố nổi bật nào là đáng quan tâm, mới mẻ, mang tính khai mở đối với chủ đề hướng dẫn hành trình Thượng Hội Đồng?
- Những trở ngại, khó khăn hoặc mối quan ngại nào được lưu ý? Nguyên nhân của chúng là gì?
Khi tiến hành việc này, hãy chú ý:
- Những xu hướng chung có được một số đồng thuận (không nhất thiết phải đồng lòng nhất trí);
- Những quan điểm trái ngược và những tiếng nói “lạc quẻ” hay ngoài lề, [nhưng] nêu bật những khác biệt trong Dân Chúa; điều quan trọng là không được để chúng mất tăm mất tích, bởi vì tiến trình phân định có thể nhận ra đây là những tiếng nói tiên tri, chỉ ra điều mà Thần Khí đang đòi hỏi Hội Thánh.
4.2 Nhận biết những điểm chính
Việc đọc theo phương pháp vừa được mô tả này sẽ cho phép nhận ra một số điểm mấu chốt nào đó: toàn bộ các trực giác và các vấn đề; xoay quanh các trực giác và vấn đề này, người ta có thể tập hợp được một số yếu tố nổi lên từ việc đọc bản văn, cho thấy những mối tương quan giữa chúng. Mỗi thành viên của nhóm soạn thảo có thể được mời gọi viết một báo cáo ngắn gọn làm nổi bật những điểm mấu chốt mà người ấy tìm thấy. Phương pháp đối thoại tâm linh có thể hữu ích trong việc chia sẻ hoa trái về những việc mỗi người thực hiện và tạo sự đồng thuận.
4.3 Soạn thảo bản văn
Việc trình bày rõ ràng những điểm nổi bật chính yếu sẽ giúp phác họa cấu trúc của bản tổng hợp. Đây sẽ là kết quả của việc khởi thảo, được giao phó cho một nhóm người có kinh nghiệm hơn trong việc biên soạn, như đã được chỉ dẫn ở số 3.2. Bản khởi thảo này sẽ được những thành viên khác trong nhóm biên soạn góp ý trau chuốt lại, cho đến khi mọi người nhất trí rằng ý kiến phong phú trong những đóng góp tập thể này đã được trình bày thích đáng trong bản khởi thảo.
Công việc này không nhằm loại bỏ những khác biệt hay hòa hợp những tiếng nói từ bên ngoài theo cách giả tạo: các xung đột, căng thẳng và các vấn đề khó khăn có xuất hiện trong những đóng góp tập thể và cả giữa các thành viên của nhóm soạn thảo thì cũng là điều chính đáng. Sự tiếp cận mang tính hiệp hành sẽ tìm cách nhận ra hướng đi nào có thể đồng hành trong khi phân định những gì dường như đến từ Thiên Chúa. Nếu không thể nhận ra, thì trong bản tổng hợp có thể đề cập đến các căng thẳng như chúng được nảy sinh. Cuối cùng, cũng thật hữu ích khi gìn giữ hương vị địa phương hay những phát biểu có ý nghĩa qua việc trích dẫn trực tiếp các câu nói của những người tham dự trong tiến trình Thượng Hội Đồng hay từ những tài liệu thu tập được.
4.4 Phản hồi và sửa chữa
Một khi việc của nhóm soạn thảo chấm dứt, thật tốt khi gởi bản văn (cách tín cẩn kín đáo) cho một vài người đã tham dự tiến trình Thượng Hội Đồng, bắt đầu với những người có trách nhiệm, để thu góp các phản hồi của họ và sửa đổi những điểm thích đáng trong bản văn.
Một Hội đồng Giám mục / Công nghị Hội Thánh sui iuris hay một Giáo phận / Giáo khu (Đông phương) có thể cảm thấy được kêu gọi sống giai đoạn này bằng cách gởi lại cho Dân Chúa, cách nào đó, bản thảo tổng hợp để nhận được thêm phản hồi và những đề nghị khác. Việc tham vấn thêm này có thể củng cố cho bản tổng hợp và đặt nền tảng cho những công việc tiếp theo. Ở cuối tiến trình này, việc sắp xếp biên tập bản văn sẽ là điều cần thiết, cũng như để tôn trọng giới hạn về độ dài.
4.5 Nhìn lại tiến trình
Tại điểm này, có thể là hữu ích khi để dành chút ít thời gian đọc lại trong bầu khí cầu nguyện toàn bộ tiến trình Thượng Hội Đồng (bao gồm cả giai đoạn soạn thảo bản tổng hợp). Hoa trái của việc đọc lại này có thể làm phong phú cho phần giới thiệu của bản tổng hợp (xem số 2.1 ở trên).
4.6 Công nhận và phê chuẩn
Trước khi gởi đến cấp kế tiếp (nghĩa là từ Giáo phận / Giáo khu tới Hội đồng Giám mục / Công nghị Hội Thánh sui iuris; từ Hội đồng Giám mục / Công nghị Hội Thánh sui iuris tới Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục ), bản văn sẽ phải được công nhận và phê chuẩn theo các mẫu thức được xác định từ đầu của tiến trình (xem số 3.3 ở trên). Không chỉ quan tâm đến nội dung cụ thể, những người có trách nhiệm chuẩn nhận sau cùng, có bổn phận bảo đảm rằng bản văn là hoa trái của một hành trình hiệp hành thực sự và có sự tôn trọng tiến trình Thượng Hội Đồng thực sự như nó đã diễn ra.
Để có thêm thông tin và tài liệu trợ giúp trong việc chuẩn bị bản tóm lược, xin hãy vào website chính thức www.synod.va, và các website hỗ trợ www.synodresources.org hoặc
www.prayforthesynod.va.