Hiện diện tại lễ trao giải ở thủ đô Dhaka có Đức Tổng Giám mục Bejoy N D’Cruze của Tổng Giáo phận Dhaka, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bangladesh. Ngoài cha Gomes, hai người Hồi giáo cũng nhận được giải thưởng này, vì những hoạt động giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc bảo vệ trẻ em và dùng sự ảnh hưởng của mình để ngăn chặn tảo hôn, vốn là một vấn đề lớn trong một quốc gia Nam Á đa số theo Hồi giáo.
Ban tổ chức trao giải nhận xét rằng, với tư cách là thư ký của Uỷ ban Giám mục về Công lý và Hoà bình, cha Gomes đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng chính sách bảo vệ trẻ em và kế hoạch hành động của Giáo hội trong sự cộng tác với tổ chức Tầm nhìn Thế giới Bangladesh theo lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì thế, vinh dự này ghi nhận vai trò hiệu quả của các vị lãnh đạo đức tin trong việc bảo vệ trẻ em. Ban tổ chức tin rằng giải thưởng này sẽ khuyến khích hơn nữa Giáo hội Công giáo và các lãnh đạo của các tôn giáo khác tiếp tục dấn thân cho trẻ em.
Trong dịp này, cha Gomes nói: “Giải thưởng này không chỉ dành cho tôi, nhưng cho toàn thể Giáo hội Công giáo. Vinh dự này sẽ tiếp thêm cho tôi sức mạnh để làm việc nhiều hơn”.
Cha cho biết thêm, tổ chức chuyên trách Bảo vệ Trẻ em của Hội đồng Giám mục trực thuộc Uỷ ban Công lý và Hoà bình, thường xuyên sắp xếp hội thảo và hội nghị cấp quốc gia và giáo phận nhằm thực hiện chính sách và kế hoạch hành động cho các tổ chức Công giáo ở Bangladesh về việc bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, cha và các cộng tác viên còn tổ chức các buổi gặp gỡ với phụ huynh, giáo viên và nhân viên trong các trường học để xác định và tố cáo các hành vi lạm dụng. Đặc biệt, Giáo hội Bangladesh cùng với Caritas và các nhóm vì trẻ em đang điều hành các chương trình vì quyền lợi của trẻ em đường phố, nhập cư, lao động trẻ em và trẻ bị nghiện ngập để giải thoát các em khỏi bị lạm dụng và bóc lột. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục do Công giáo điều hành cung cấp các nơi nương tựa và bảo vệ cho trẻ vô gia cư, trong khi các trường kỹ thuật cung cấp đào tạo cơ bản cho các em phải bỏ học, để giúp các em có một nghề trong tương lai và có thể mưu sinh.
Ngọc Yến