GPVO (1/12/2021) – Ngày 03/12 hàng năm, Giáo Hội cử hành phụng vụ kính nhớ thánh Phanxicô Xaviê. Tên tuổi của ngài gắn liền với sứ vụ truyền giáo mà những dấu chân còn in đậm nơi các Giáo Hội miền Á Đông. Ngài là vị thánh thời danh mà âm vang thật khó phai mờ trong tâm hồn các Kitô hữu. Bao thế kỷ đã qua, những thành quả từ công khó của ngài để lại còn tiếp tục trổ sinh hoa trái. Cuộc đời của thánh nhân đã làm nên sự năng động “từ – đến” trong hành trình truyền giáo. Bỏ qua những nét chính về thời thơ ấu, chúng ta cùng điểm lại năng động ấy trong ơn gọi của thánh Phanxicô Xaviê: (1) Từ Giáo sư đến Tông đồ truyền giáo; (2) Từ Châu Âu đến Châu Á; (3) Từ tông đồ truyền giáo đến bổn mạng các xứ truyền giáo.
- Từ Giáo sư đến Tông đồ truyền giáo
Ai đã một lần đọc tiểu sử của thánh Phanxicô Xaviê phải thán phục vì tài năng của ngài. Do những khó khăn nơi quê nhà, năm lên 19 tuổi, ngài từ Tây Ban Nha đặt chân đến Paris để tiếp tục con đường học vấn. Tại đây, ngài đã nhập đoàn cùng với thánh Inhaxiô. Tám năm sau ngài tốt nghiệp và trở thành giáo sư văn chương của đại học Paris. Đó là thành quả xứng đáng cho công khó tôi luyện của một sinh viên luôn khát khao tiến thân. Để rồi với trí thông minh, Phanxicô đã miệt mài theo đuổi con đường công danh sự nghiệp để đưa về cho mình những dang vọng thức thời. Điều ấy cũng không có gì phải ngạc nhiên, bởi tham vọng của con người đâu có điểm dừng.
Đạt được sự nghiệp lẫy lừng như thế đâu có mấy người. Ai có được may mắn ấy thì chẳng khác nào cơ hội ngàn năm có một và dễ gì để nó vuột mất. Quả thực, giáo sư là chức danh cao quý, được nhiều người yêu mến và dành cho sự tôn trọng đặc biệt. Trong cuộc hiện hữu, vinh dự cuộc đời là điều cần vì nó là chất liệu làm nên thi vị cho cuộc sống, nhưng liệu rằng đó có phải là tất cả. Với thánh Phanxicô, điều đó tuy cần nhưng không là một bảo đảm cho ngài được hạnh phúc đích thực ở đời này và đời sau. Vì thế, một ngày kia, qua miệng thánh Inhaxiô, Chúa đã thức tỉnh Phanxicô bằng những lời đáng suy nghĩ: “được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích chi.” Lời đó thời nào cũng đúng, nhưng để hiện thực ý muốn của lời đó thì lại là vấn đề khác. Hóa ra bấy lâu nay, Phanxicô chỉ mải mê chạy theo thế sự mà lãng quên điều cốt lõi hơn là phần rỗi đời đời. Thật là điều hệ trọng, vì cuộc sống con người không thể gắn bó quá mật thiết với những thực tại chóng qua. Còn điều gì đó vượt hẳn mọi khát vọng trần gian.
Là giáo sư đang tràn đầy năng lực cùng sức trẻ, với những thành công trên đường đời, nhưng điều đó cũng chỉ là cái tạm thời, mà theo ngôn ngữ của sách Giảng viên thì cũng chỉ là “phù vân” (Gv 1,2). Hơn thế, vì nhận ra rằng, “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16), nên dấn thân cho một khát vọng cháy bỏng nơi tâm hồn để không ngần ngại gác lại những vinh dự thuộc về mình, Phanxicô trở nên tông đồ, nên người “đi săn” các linh hồn. Nỗi thao thức và khát vọng ấy là làm sao cho “Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,8) đã nung nấu con tim vị giáo sư trẻ tuổi. Sự từ bỏ thật dứt khoát ấy đã làm vọng lại lời Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24; Lc 9,23).
Thế rồi, Chúa đã chiếm đoạt con tim của thánh nhân, biến ngài thành khí cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo. Bỏ lại phía sau những hào nhoáng của danh dự, Phanxicô lên đường, đem ánh sáng Phúc Âm cho các dân tộc Á Đông. Trở thành tu sĩ Dòng Tên và vào năm 1537, lúc 31 tuổi, Phanxicô lãnh nhận chức linh mục tại Venezia, miền Đông Bắc nước Italia. Vậy là, từ một giáo sư lỗi lạc, tiếng tăm lẫy lừng, Phanxicô trở thành tu sĩ, rồi linh mục và là “một nhà truyền giáo xứng đáng được ví với chính các thánh Tông Đồ.”[1]
Như thế, cuộc đời của thánh Phanxicô là một hành trình năng động, từ ý riêng đến thi hành ý Chúa, từ lợi ích cá nhân đến lợi ích chung của toàn thể Giáo Hội và trên hết là phần rỗi các linh hồn. Điều lúc này ngài hướng tới là làm sao cho vinh quang Thiên Chúa được thể hiện. Nhận biết sứ vụ cao cả như thế, ngài đã từ lên đường thực thi sứ mạng truyền giáo, thẳng hướng về phương Đông, bắt đầu những chuyến hải trình dài đằng đẵng với những hiểm nguy rình rập.
- Từ Châu Âu đến Châu Á
Năm 1539, Phanxicô Xaviê dấn bước theo lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phaolô III đi loan báo Tin Mừng cho dân tộc Ấn Độ. Hành trình “từ – đến” lại bắt đầu nơi thánh nhân. Từ Rôma đến Ấn Độ, từ phương Tây sang phương Đông, hay có thể nói từ Châu Âu đến Châu Á. Để rồi năng động này mở đường cho một hành trình không ngơi nghỉ. Tiếp tục sứ vụ, từ Ấn Độ ngài đặt chân đến Malaysia, Inđônêsia và quốc đảo Nhật Bản. Chính vì thế, khi nói đến ơn gọi truyền giáo của thánh Phanxicô Xaviê không thể không nghĩ ngay đến Ấn Độ và Nhật Bản, vốn là hai quốc gia được vinh dự đón nhận bước chân truyền giáo của ngài với những dấu ấn còn tồn tại theo năm tháng. Không dừng lại ở đó, dự định của ngài còn muốn tiến xa hơn. Tiếc rằng, khao khát giới thiệu Chúa cho dân tộc Trung Hoa chưa thành hiện thực thì Chúa đã gọi ngài về ngay trước ngưỡng cửa đi vào lục địa rộng lớn này (đảo Thượng Xuyên), ngày 02 tháng 02 năm 1552. Thân xác của ngài được an nghỉ tại thành Goa, đất nước Ấn Độ.
Cuộc đời của thánh nhân thường được ví như là ngôi sao trên bầu trời Á Đông. Chính ngài đã hiện thực lời mời gọi của Thầy Chí Thánh: “các con là ánh sáng trần gian” (Mt 5,14). Ánh sáng ấy phản chiếu khuôn mặt thánh thiện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Ánh sáng ấy tỏa hương thơm nhân đức cho muôn thế hệ. Hơn hết, ánh sáng ấy chiếu giãi vào những vùng hoang sơ của miền đất Á Đông Tin Mừng của sự sống. Một vùng đất như bao vùng đất khác, luôn canh cánh nỗi thao thức được lắng nghe Tin Mừng, được kêu cầu lên Đấng ban ơn cứu độ (x. Rm 10,13). Thế nhưng “người ta kêu cầu thế nào được với Ðấng mà họ không tin? Hoặc làm sao họ tin được Ðấng họ không nghe nói tới? Nhưng nghe thế nào được, nếu không có người rao giảng?” (Rm 10,14). Đó là sứ vụ của những môn đệ Chúa Kitô. Chính thánh nhân đã thổ lộ điều này trong lá thư gửi cho thánh Inhaxiô: “có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ nên người có đạo.”
Ngài đã đến Á Châu, tiến về tương lai mà không điểm hẹn. Hẳn nhiên, đến với một vùng đất còn xa lạ thì nỗi âu lo sợ hãi cũng là sự thường. Nhiều người chắc đã có kinh nghiệm ấy. Nhưng với Lời Chúa, với niềm an ủi tràn về nơi tâm hồn: “đừng sợ” (Đnl 31,6; Gr 1,8; Kh 2,10; Mt 10,28) và sự can đảm đã thôi thúc thánh nhân lên đường. Tuy còn đó những nỗi bận tâm và biết chắc rằng bao nỗi hiểm nguy chờ đón phía trước, nhưng với Phanxicô luôn vững niềm xác tín “ơn Thầy đủ cho con” ( 2 Cr 12,9) và “với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,12). Thật đáng cảm phục biết bao khi nhìn về ơn gọi của vị thánh Dòng Tên này. Lên đường tiến về Á Đông mà không còn màng gì đến danh lợi, bởi hiểu rằng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Một sự dấn thân thật mạnh mẽ. Thật không dễ để có thể sống sự từ bỏ danh lợi khi những cố gắng mới được đáp đền, nhưng với thánh Phanxicô, tâm tình của thánh Phaolô ngày xưa cũng là tâm tình của ngài trong giây phút ấy: “tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8) và điều mà ngài thực thi là “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).
Quãng thời gian mười năm nhiệt thành với sứ vụ, đời sống của thánh nhân quả là một hành trình loan báo Tin Mừng không ngừng nghỉ. Những bước chân không biết mệt mỏi, từ biển cả vào đất liền, từ thành thị tới thôn quê với những chuyến bộ hành được tính bởi đơn vị ngàn kilômét, tất cả đều in đậm dấu chân của ngài. Tại đất nước Ấn Độ, ngài đã dẫn đưa hàng trăm ngàn người gia nhập Giáo Hội, trở thành con cái Cha trên trời. Với phương thức đơn giản, khi rao giảng, ngài không sử dụng những điều thuộc về học thuyết cao xa, chỉ là nhờ chứng tá đời sống của ngài cùng với việc trình bày căn bản giáo lý đạo Chúa Kitô qua việc dạy cho người ta chủ yếu kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng.[2] Nhưng với ơn Chúa tác động, biết bao tâm hồn được biến đổi, giúp họ nhận được ánh sáng chân lý và ơn cứu độ. Có được điều đó, đối với thánh Phanxicô, ngài cũng chỉ nhận rằng: “tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” ( 1 Cr 3,6). Nhờ ơn Chúa, thánh nhân đã cống hiến trọn vẹn khả năng cho Nước Trời, với tất cả ý hướng: “để Chúa được vinh danh hơn” (Ad Majorem Dei Gloriam).
Thành quả mà ơn Chúa trao ban qua thánh Phanxicô là minh chứng sống động cho điều mà Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa vào thế gian, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Đến với Á Đông, Phanxicô Xaviê đã làm nên một “bước nhảy lịch sử”. Bước nhảy đưa con người đến gần Thiên Chúa. Bước nhảy đưa Dòng Tên đến với Châu Á và đạt đến đỉnh cao trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.[3] Thật không ngoa ngữ để nói rằng, ngài là Tông đồ truyền giáo vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội, chỉ sau thánh Phaolô.
- Từ Tông đồ truyền giáo đến bổn mạng các xứ truyền giáo
Tông đồ truyền giáo thì có nhiều, nhưng được Giáo Hội chính thức đặt làm “bổn mạng các xứ truyền giáo” thì chỉ một số ít. Nói đến thánh Phanxicô, không thể không nói đến hai chữ “truyền giáo” đi kèm. Ấy mới thấy được giá trị của con đường mà thánh nhân đã đi.
Gương sáng đời sống của thánh Phanxicô đã nên nguồn cảm hứng cho ơn gọi người môn đệ truyền giáo. Thời nào cũng có những khó khăn, nhưng việc trung thành với ơn gọi và sứ vụ sẽ là chìa khóa mở ra con đường truyền bá Phúc Âm. Với thánh nhân, vào lúc ban đầu cuộc hải trình cam go, chắc ngài sẽ không nghĩ có ngày thu lượm được mùa lúa dồi dào đến vậy. Thế nhưng, hạt giống được Thiên Chúa gieo vãi trong âm thầm, rồi mục nát và trổ sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24). Vậy mới thấy “sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được” (Rm 13,34).
Nhìn nhận những công trạng của ngài với những nhân đức anh hùng, năm 1619, Đức Phaolô V đã suy tôn ngài lên bậc chân phước và bảy mươi năm sau khi thánh nhân qua đời, ngày 12 tháng 3 năm 1622, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh cùng với thánh Inhaxiô. Năm 1904, Đức Giáo hoàng Piô X đã đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Thế giới ngày nay còn nhiều vùng đất và vô số người chưa biết đến ánh sáng Tin Mừng. Đặc biệt tại lục địa Á Châu. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng thao thức: “quả là điều khó hiểu, tại sao Đấng Cứu Độ thế giới sinh ra tại Châu Á, mà cho đến ngày nay, phần lớn dân lục địa này vẫn không biết tới Ngài.”[4] Bởi vậy, cần lắm những bước chân người môn đệ lên đường, đến những vùng ngoại vi.[5] Cách riêng, quê hương đất Việt còn cần đến những bước chân như thế, bởi số tín hữu hiện đang ở mức khiêm tốn. Đó phải là thao thức, là trăn trở của bao tâm hồn tín hữu, bởi xét cho cùng ơn gọi của Kitô hữu chẳng gì hơn là được rửa tội và được sai đi.
Công cuộc truyền giáo hôm nay, tuy còn đó những khó khăn, nhưng thay vì chùn bước thì phải can đảm “vượt trùng khơi” đem ánh sáng Tin Mừng vãi gieo. Thấy khó khăn không phải để chùn bước hay chạy trốn, nhưng nhận diện nó để tìm ra cách thức diễn đạt Tin Mừng phù hợp trong từng bối cảnh, nhằm giới thiệu Chúa cho con người thời nay. Bước chân của thánh Phanxicô vẫn còn in đậm và còn nguyên giá trị cho các môn đệ Đức Kitô qua mọi thời. Gương sáng của ngài đã khơi nguồn cảm hứng cho ơn gọi truyền giáo. Từ một kitô hữu, thành một giáo sư lừng danh đến một tông đồ nhiệt thành cho sứ vụ và rồi được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Đặt thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng các xứ truyền giáo không có ý giới hạn vào một vùng miền nào, nhưng là bổn mạng của mọi vùng miền trên thế giới này. Bởi vì sự thật rằng, Giáo Hội ở đâu cũng luôn thực thi sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Công đồng Vaticanô II xác quyết điều đó: “Giáo Hội lữ hành, tự bản chất là truyền giáo.”[6] Điều này được giáo huấn liên tục của các Đức Giáo Hoàng nhắc lại. Mới đây, khi ban hành tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cho mọi thành phần con cái của Giáo Hội, rằng “loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Giáo Hội.”[7] Nhiệm vụ ấy luôn cấp thiết nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, Giáo Hội luôn cậy nhờ lời chuyển cầu của thánh Phanxicô và bắt chước gương sáng của thánh nhân để không ngừng dấn thân cho sứ mạng cao cả này.
Thắp sáng niềm hy vọng
Chứng tá Phúc Âm của thánh Phanxicô Xaviê như viên ngọc quý cho Giáo Hội qua mọi thời. Lời của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV vẫn còn âm vang nơi cung lòng thế giới, qua gương sáng của bao vị thánh và cách riêng là thánh Phanxicô “sẽ thu hút đông đảo người khác noi gương họ ra đi, được nâng đỡ bởi lòng quảng đại và của các các tín hữu tốt lành, để đem về cho Đức Kitô một mùa gặt dồi dào cho các linh hồn.”[8]
Hy vọng Giáo Hội luôn hăng say cho sứ vụ của mình. Những vùng miền “u tối” vẫn còn đó. Ánh sáng Tin Mừng chưa ló rạng, chưa chiếu tới những vùng đất ấy. Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô luôn vậy, hôm qua cũng như hôm nay, vẫn là Giáo Hội lên đường đến với muôn dân (ad rentes). Đến để mang niềm vui ơn cứu độ cho muôn người, để hiện thực lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), hầu cho muôn dân được ơn tái sinh “không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1 Pr 1,23).
Giuse Nguyễn Văn Lâm
ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê
[1] ĐGH. Bênêđictô XV, Tông huấn Maximum Illud, số 4.
[2] Cf. Nhóm Phiên dịch CGKPV, Bài đọc Kinh Sách, lễ thánh Phanxicô Xaviê 03/12.
[3] Cf. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 1999, số 9.
[4] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 1999, số 2.
[5] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013, số 20.
[6] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Rentes, số 2.
[7] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013, số 111.
[8] ĐGH. Bênêđictô XV, Tông huấn Maximum Illud, 1919, số 41.