Linh mục Samih Raad liên lạc từng phút với gia đình của ngài sống ở Beirut, chỉ cách nơi nổ không đầy một cây số, ngài cho biết: “Đất rung chuyển như một địa chấn: Hội Chữ Thập Đỏ Liban cho biết có trên 100 người chết, hàng chục người mất tích và trên 4000 người bị thương, các bệnh viện không còn hoạt động được, vì đã bão hòa với các bệnh nhân nhiễm Covid-19”.
Thủ tướng Liban, Hassane Diab, cho biết thảm họa xảy ra do vụ nổ khoảng 2.750 tấn nitrat ammonium, lưu trữ bất hợp pháp tại cảng Beirut. Các cửa sổ của nhiều tòa nhà, nhà thờ và cửa hàng bị phá vỡ trong chu vi hàng cây số. Vào cuối ngày, các đám khói màu cam dày đặc vẫn còn bốc trên thủ đô Liban. Sự tàn phá rất lớn ở các vùng chung quanh cảng.
Các điều kiện hội đủ để có một vụ nổ lớn
Vụ nổ kho chứa 2.750 tấn nitrat amoni, một hóa chất dùng làm phân bón, chất dính, chất nổ. Các hợp chất hóa học theo định nghĩa là nguy hiểm, nhất là khi chứa một số lượng lớn ở trong kho kín. Hóa chất nitrat amoni sẽ bị phân hủy khi ở nhiệt độ cao (ít nhất 210 độ C). Và quá trình đốt cháy được tăng cường khi tiếp xúc với các sản phẩm dễ cháy như axit, chất hữu cơ, kim loại bột, chất béo, nhiên liệu, dầu, ngũ cốc, đường, v.v.. Thêm nữa nitrat amoni là chất bắt lửa, nghĩa là tự nó cung cấp oxy, đốt cháy nhiên liệu. Và chất dễ cháy tự nhiên lại bị sức nóng của một đám cháy gần đó kích nhiệt.
Người dân tức giận
Một tai nạn dồn thêm trên các biến cố khác đã xảy ra trước đây ở Liban. Hội đồng quốc phòng tối cao tuyên bố Beirut là “thành phố thảm họa” Trên trang nhất của nhật báo tiếng Ả-rập hàng đầu ở Liban An Nahar đưa tin: “Chính phủ yếu kém tự sát … Thảm họa”
Thảm họa này cộng thêm khủng hoảng sức khỏe và xã hội nghiêm trọng đã làm cho dân chúng tức giận và đòi nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm. Người dân đã cạn kiệt: đồng bảng Liban mất giá tám lần kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng vào tháng 10 năm ngoái. Mọi người đang đói và họ so sánh tình trạng này với nạn đói năm 1916, khi người Thổ Nhĩ Kỳ rời đi… Người dân đã chán ngấy với sự bất lực của các giai cấp chính trị.
Các nhà dòng và các cộng đồng tôn giáo mở cửa
Linh mục Samih Raad, giáo sư liên chủng viện giáo phận Metz nói với báo Công giáo Thụy Sĩ: “Và tất cả xảy đến khi gần 80% người dân đã sống dưới mức nghèo khổ kể từ ‘cuộc cách mạng’ bắt đầu ngày 17 tháng 10 năm 2019”. Toàn bộ gia đình của linh mục đã rời khỏi khu vực bị tàn phá, người chồng của cô em họ của ngài bị thương và ở bệnh viện Jbeil (Byblos cũ).
Linh mục Raad cho biết tiếp: “Bệnh viện của Saint Georges, còn được gọi là bệnh viện Al Roum, không bao giờ đóng cửa trong cuộc nội chiến, bây giờ không còn hoạt động được. Đây là một trong ba trung tâm y tế chính của Liban, ở Rmeil, Beirut.
Một lời kêu gọi đã được đưa ra và các nhà dòng, các cộng đồng tôn giáo đã mở cửa để đón nhận các gia đình không còn nhà cửa, những người chạy trốn khỏi nơi này vì sợ khói độc. Các cộng đồng tôn giáo cung cấp thực phẩm và nước uống cho họ. Trong hoàn cảnh này, người dân Liban tương trợ và giúp đỡ nhau.
Đức Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ
Sau bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư 5 tháng 8, Đức Phanxicô có lời cầu nguyện cho Liban sau vụ nổ tàn phá trung tâm Beirut: “Ngày hôm qua tại khu vực cảng của thủ đô Beirut, các vụ nổ lớn đã làm cho hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, và đã có nhiều vụ phá hủy nghiêm trọng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ; và cầu nguyện cho nước Liban, để với sự cam kết của tất cả các thành phần xã hội, chính trị và tôn giáo, đất nước có thể đối diện với giây phút bi thảm và đau đớn này và, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Liban đang đi qua”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
cath.ch, Jacques Berset, 2020-08-05